10/03/2020

1456

Khoa CNTT Trường ĐH Đại Nam dạy và học trực tuyến như thế nào trong mùa dịch?

Trong thời gian sinh viên, học viên nghỉ học tránh dịch Covid-19, Trường ĐH Đại Nam đã tích cực triển khai kế hoạch đào tạo trực tuyến ở tất cả 14 ngành học. Là khoa có lợi thế về làm chủ và ứng dụng CNTT trong đào tạo trực tuyến, Khoa CNTT Trường ĐH Đại Nam được đánh giá là một trong những khoa đi đầu trong công tác đào tạo này.
Trong thời gian sinh viên, học viên nghỉ học tránh dịch Covid-19, Trường ĐH Đại Nam đã tích cực triển khai kế hoạch đào tạo trực tuyến ở tất cả 14 ngành học. Là khoa có lợi thế về làm chủ và ứng dụng CNTT trong đào tạo trực tuyến, Khoa CNTT Trường ĐH Đại Nam được đánh giá là một trong những khoa đi đầu trong công tác đào tạo này.

Cơ hội “vàng” để phát triển đào tạo trực tuyến

 
Cô Phạm Thị Tố Nga – Phó trưởng Khoa CNTT báo cáo kết quả triển khai công tác đào tạo trực tuyến của Khoa CNTT.
 
Trước các ý kiến cho rằng, việc dạy và học online trong mùa dịch chỉ là giải pháp tình thế giúp sinh viên, học viên duy trì việc học tập để không bị quên kiến thức, cô Phạm Thị Tố Nga – Phó trưởng Khoa CNTT Trường ĐH Đại Nam khẳng định, đây là cơ hội “vàng” để đẩy mạnh, phát triển đào tạo trực tuyến.

Không có gì là không thể làm được khi chúng có hệ thống cơ sở vật chất tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao cùng tinh thần đoàn kết, quyết tâm và sự tâm huyết với nghề”, cô Phạm Thị Tố Nga nhấn mạnh.

Cũng theo cô Nga, trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 khi cả thế giới “thu nhỏ” trong một chiếc máy tính, smart phone có kết nối internet; mạng xã hội và các phần mềm học tập online phát triển mạnh như vũ bão có thể kết nối con người, vạn vật bất chấp không gian và thời gian như hiện nay thì việc học tập online là xu hướng phát triển tất yếu của giáo dục. Trên thực tế, mô hình e-learning đã phát triển rất mạnh ở các nước Châu Âu, Bắc Mỹ. Tại Châu Á và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, mô hình này cũng đang phát triển theo chiều hướng rất tươi sáng.


 
Khoa CNTT là một trong những khoa đi đầu trong việc làm chủ và ứng dụng CNTT trong đào tạo.

“Hiện nay, E-learning ngày càng được ưa chuộng bởi tính linh hoạt và tiện dụng. Nó giúp giải quyết rất nhiều vấn đề khó khăn khi mà người dạy và người học có thể kết nối với nhau ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào. Đây là ưu điểm mà các phương pháp giáo dục truyền thống không có được. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục diễn biến khó lường trên phạm vi toàn thế giới, đây chính là và cơ hội để giáo dục Việt Nam đẩy mạnh, phát triển mô hình đào tạo E-learning...” cô Phạm Thị Tố Nga chia sẻ.

Cô Nga phân tích thêm, E-learning là phương thức đào tạo hiện đại dựa trên nền tảng CNTT và truyền thông. Với sự phát triển nhanh và mạnh của công nghệ cùng với đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn, có năng lực CNTT tốt, tâm huyết và điều kiện cơ sở vật chất tốt (phòng máy tính, phòng lab hiện đại, mạng internet tốc độc cao, các phương tiện hỗ trợ dạy và học hiện đại… và sự phổ biến của smart phone), ĐH Đại Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để đẩy mạnh hình thức đào tạo trực tuyến ở tất cả các ngành học.

Khoa CNTT tích cực làm chủ và ứng dựng CNTT trong đào tạo trực tuyến

Thực hiện chỉ đạo của Ban Lãnh đạo, Ban Giám hiệu, Khoa CNTT đã tích cực và chủ động triển khai hoạt động đào tạo trực tuyến trong thời gian sinh viên nghỉ dịch Covid-19 ở tất cả các học phần thuộc học kỳ II năm học 2019-2020.

 

Một trong những kênh dạy và học online đang được Khoa CNTT ĐH Đại Nam áp dụng có hiệu quả,

Để việc học tập online đạt hiệu quả tốt nhất, Khoa CNTT đã xây dựng thời khóa biểu và chương trình học tập cụ thể đối với từng học phần mà khoa phụ trách. Hàng tuần giảng viên phải gửi báo cáo chi tiết về khoa và tiến hành họp đánh giá, rút kinh nghiệm tại khoa, sau đó, khoa sẽ gửi báo cáo lên Ban Giám hiệu.

Các kênh học tập online như: hệ thống đào tạo E-Learning của trường, hệ thống đào tạo trực tuyến Goocus, các mạng xã hội (facebook, zalo, viber, youtube), gmail, google classroom, phần mềm zoom… được Khoa CNTT tận dụng triệt để trong thời gian này. Giảng viên tích cực cập nhật tài liệu, giáo trình, bài giảng, bài tập theo các hình thức word, excel, video, âm thanh, hình ảnh lên hệ thống để sinh viên truy cập, tra cứu, làm bài tập dưới sự hướng dẫn từ xa của giảng viên.

 

Group học online trên Zalo áp dụng với môn giải tích 2 của Khoa CNTT.

 
“Thông qua các kênh học tập, sinh viên sẽ nhận bài học, bài tập và tương tác online với giảng viên. Giảng viên phản hồi lại thường xuyên qua ứng dụng, giải đáp thắc mắc, câu hỏi của sinh viên, giúp quá trình học tập online diễn ra hiệu quả…” cô Nga nói.

Thầy Lê Ngọc An – giảng viên Khoa CNTT chia sẻ: “Trước khi triển khai dạy và học online, các tổ bộ môn đã tiến hành họp, trao đổi và cân đối lượng kiến thức phù hợp, tránh tình trạng quả tải và gây khó khăn cho sinh viên trong việc học online. Sau khi các em trở lại trường học, giảng viên sẽ củng cố lại kiến thức, giúp các em nắm vững và đạt hiệu quả. Đây cũng là cách giúp sinh viên rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng học tập online - một kĩ năng quan trọng của công dân thế kỉ 21 trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0”.

Tương tự, thầy Tiệp – giảng viên Khoa CNTT cho biết thêm, để đảm bảo kiến thức cho sinh viên, thầy đã chuẩn bị tài liệu dạy học online và vận dụng phương pháp dạy học theo hình thức lớp học đảo ngược. Group các môn học được lập ra và đó là nơi để thầy trò tương tác, trao đổi.

Để nâng cao hiệu quả của việc học tập online, Khoa CNTT đã sử dụng phương án thống kê tương tác của sinh viên; sử dụng cán sự lớp làm trợ giảng trong việc thống kê tương tác; thường xuyên giao các bài tập nhỏ và yêu cầu sinh viên làm ra giấy, chụp ảnh hoặc quay video gửi lại vào group trong khoảng thời gian quy định; tạo các cuộc thăm dò ý kiến trong sinh viên về điểm mạnh, điểm yếu, tính hiệu quả của phương pháp học; điều chỉnh thời gian dạy phù hợp…

 

Giảng viên giao bài tập và sinh viên nộp bài trực tiếp trên group.

 
Sau hơn 3 tuần thực hiện, kết quả khảo sát ban đầu cho thấy, sinh viên rất hào hứng với hình thức học này do chủ động được về không gian, thời gian. Giảng viên được tham gia vào quá trình thử nghiệm, hoàn thành hệ thống giảng dạy trực tuyến của Nhà trường - một xu hướng mới trên thế giới  nhằm xóa mờ khoảng cách không gian và thời gian trong giáo dục…
 
Thu Hòe