18/08/2016

7578

Học tiếng Anh, Ngữ pháp hay từ vựng quan trọng hơn Which is More Important to Learn English, Words or Grammar?

Tầm quan trọng của việc học tiếng Anh ngày nay không cần phải bàn cãi. Bàn về cách học tiếng Anh nói chung và cách học hệ thống ngôn ngữ Anh (phát âm/pronunciation, ngữ pháp/grammar, từ vựng/vocabulary, ngôn bản/discourse) và các kỹ năng (nghe/listening, đọc/reading, nói/speaking, viết/writing) cho tới giờ trong sách vở hay trên mạng Internet chúng ta đã đọc nhiều.
    TS. Đặng Ngọc Hướng - Trưởng khoa 
    I. Đặt vấn đề
       Tầm quan trọng của việc học tiếng Anh ngày nay không cần phải bàn cãi. Bàn về cách học tiếng Anh nói chung và cách học hệ thống ngôn ngữ Anh (phát âm/pronunciation, ngữ pháp/grammar, từ vựng/vocabulary, ngôn bản/discourse) và các kỹ năng (nghe/listening, đọc/reading, nói/speaking, viết/writing) cho tới giờ trong sách vở hay trên mạng Internet chúng ta đã đọc nhiều. Tuy nhiên có một thực tế là, khi học tiếng Anh, theo quan sát và kinh nghiệm giảng dạy của bản thân, tôi thấy có nhiều người học chưa xác định được kiến thức ngôn ngữ Anh cũng như không biết được kỹ năng nào cần tập trung và chọn phương pháp học thích hợp. Hệ quả là người học bị choáng ngợp trước quá nhiều yêu cầu, đòi hỏi trong một bài học, trong quá trình học và không ít người trở nên hoang mang, bối rối trước thực trạng này. Đa phần người học thường tập trung vào ngữ pháp, dành phần lớn thời gian để nhớ các quy tắc và làm các bài tập ngữ pháp với hy vọng làm tốt các bài thi. Một số người học lại tập trung vào nhớ từ, tận dụng mọi cơ hội để nhớ từ, đặt chỉ tiêu tăng số lượng từ cho từng buổi học, nhằm để nghe và đọc tốt. Vậy khi học tiếng Anh nên học ngữ pháp hay từ vựng nhiều hơn?     
           II. Học từ vựng và ngữ pháp giống như người leo núi   
Ai cũng biết rằng học ngữ pháp là quan trọng, kiến thức và kỹ năng ngữ pháp là thước đo đánh giá trình độ học vấn ngôn ngữ. Do vậy kỳ thi kiểm tra trình độ tiếng Anh nào cũng kiểm tra ngữ pháp (Grammar hay Language Use). Tuy nhiên, ngữ pháp cũng chỉ quan trọng đúng với mức độ của nó. Trong giao tiếp (nói và viết), người đọc và nghe thường chú ý nhiều vào nội dung người khác muốn nói (what) hơn là ngữ pháp (how). Nếu viết đoạn văn sau trong một kỳ thi thì chắc hẳn có rất nhiều lỗi ngữ pháp nhưng nếu đọc và nghe thì người đọc hay nghe chắc hiểu được đa phần nội dung.                                                                                                 
  
           It is a *well-acknowledge fact that every living thing *have its own physical boundary that *separate it from its external environment. All individual *creature can, in effect, *saying, "This is me, but over there is not me." Then, outside of our own individual space, we have another space *that very important to us.  This we call our territory. Most of animals can *get be very *clearly about where their territory begins and *end. Dogs create zones around them. Birds have territory which they defend as their own and return to year after year. People, too, have *develop their territory to an almost *unbelieve extent, though for some reason *we not like to talk about this openly. Our culture *has been made us feel guilty when we find ourselves *are getting angry because, for example, we think someone *take over a chair that we feel rightly *belonging  to us.
           Tạm dịch: Có một thực tế ai cũng phải thừa nhận rằng mọi sinh vật đều có giới hạn vật lý riêng chia tách nó với môi trường bên ngoài. Do đó, tất cả mọi cá thể sinh vật đều có thể nói rằng “Ở trong đây là tôi nhưng ở   ngoài không còn là tôi nữa”. Và rồi, bên ngoài cái không gian cơ thể của riêng mỗi người, lại có một không gian khác cũng rất quan trọng đối với chúng ta. Nơi này chúng ta gọi là lãnh thổ của mình. Hầu hết mọi động vật có khả năng biết rất rõ lãnh thổ của mình bắt đầu và kết thúc ở đâu. Chó có vùng riêng quanh chúng. Chim có nơi chúng chọn là lãnh thổ riêng để hàng năm có chỗ bay về. Tương tự, con người xưa nay cũng mở rộng lãnh thổ với một mức độ hầu như khó có thể tin được, cho dù vì lý do nào đó chúng ta không thích công khai nói về điều này. Văn hóa chúng ta đã tôi luyện chúng ta cảm thấy tội lỗi khi chúng ta thấy mình bực tức bởi vì, ví dụ, chúng ta thấy ai đó đang chiếm mất chỗ ngồi mà chúng ta có cảm giác rằng chỗ ngồi đó hoàn toàn thuộc về chúng ta.
            Không thể phủ nhận rằng trong giao tiếp, từ vựng rất quan trọng tiếp nhận và sản sinh thông tin, lời nói. Do vậy nếu người học biết nhiều từ người đó sẽ gặp thuận lợi khi nghe, đọc, viết và  nói tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu chỉ chuyên tâm học từ vựng với quan niệm rằng chỉ có từ nới tạo nên thông tin, lời nói, coi thường việc học ngữ pháp, không biết cách sử dụng những từ đó (ngữ pháp), thử hỏi nhiều từ vựng liệu có ích gì. Chúng ta hãy tưởng tượng một tình huống giả định giữa hai người Việt thực hành giao tiếp tiếng Anh đóng vai một người mẹ và một người con như dưới đây thì chắc hẳn người Anh nghe chỉ biết gãi đầu.
         - Con trai mẹ làm sao đấy? (Wrong: Son mother do star? Correct: What’s wrong with you, honey?)
       - Mắt con đau lắm! (Wrong: eye my pain very! Correct: My eye is terribly painful, mummy)
        - Để mẹ xem nào. Ồ, không sao đâu. (Wrong: Let I see. Oh, no star where. Correct: Let me see. Well, that’s nothing. No worries)
         III. Học ngữ pháp và từ vựng tiếng Anh như thế nào cho hiệu quả?
          - Đối với học ngữ pháp
         Ngữ pháp tiếng Anh khác với ngữ pháp tiếng Việt về nhiều mặt: các quy tắc về cách dùng từ, ngữ đoạn, mệnh đề và câu. Tuy nhiên có hai điểm cơ bản thuận lợi cho người Việt học tiếng Anh. Thứ nhất, chữ viết và âm của tiếng Anh đa phần giống tiếng Việt. Và trật tự các thành tố câu như chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ trạng ngữ về cơ bản giống nhau: I love Vietnam / Tôi yêu Việt Nam. Ngữ pháp tiếng Anh có nhiều điều phải học nhưng có lẽ người học nên chú ý tới 2 nội dung cơ bản sau:
          1. Đối với Hình thái học (morphology). Tiếng Anh là tiếng  biến hình cho nên khi viết câu người học nên chú ý tới ĐUÔI TỪ. Trước hết, người học nên đặc biệt chú ý tới đuôi/hậu tố (ending/suffix) của từ trong câu, ví dụ: -s/-es (số nhiều) của danh từ; -y, –full, -er (cấp so sánh hơn) của tính từ; -(e)s, -ed, -ing của động từ. Tiếp nữa, trong câu, từ loại quyết định kiểu kết hợp của từ: động từ có thể kết hợp với danh từ: read books, tính từ với danh từ: smart phone, trạng từ với động từ, rain heavily và khi kết hợp từ phải biến đổi hình thái, đây cũng là điểm khác với tiếng Việt: one child/two children, I am/she is/they are,….
          2. Đối với Cú pháp học (syntax), người học nên chú ý tới cấu trúc ngữ đoạn/đoản ngữ (phrase). Đó là, trật tự từ trong danh ngữ thường có trật tự NGƯỢC so với tiếng Việt: a big leather bag (một chiếc túi da to), Thứ nũa, trong ngữ tính từ nếu có bổ ngữ đứng sau thì giữa tính từ và từ bổ nghĩa bắt buộc phải có GIỚI TỪ: sợ chó (afraid of dogs), ham hiểu biết, khát kiến thức (thirsty for knowledge. Đặc biệt, trong câu tiếng Anh bắt buộc phải có động từ, động ngữ luôn phải có dạng thức thể hiện THỜI GIAN xảy ra hành động (tense): Look, the boy is crying/*cries (Trông kìa, thằng bé đang khóc), I’ve got/*I got this house (Tôi có ngôi nhà này được 2 năm).
          Để học ngữ pháp tiếng Anh (hình thái học và cú pháp học) hiệu quả, người học phải TỰ TÌM ra quy tắc ngữ pháp cho mình thông qua nghe và đọc. Cho dù sách vở hay giáo viên có chỉ cho chúng ta các uy tắc ngữ pháp nhưng nếu hiểu mà không luyện tập hay áp dụng thì chúng ta không NGỘ/RÚT RA ra được điều gì, những quy tắc đó sẽ mau quên. Chỉ khi chúng ta học đi học lại, dùng đi dùng lại trong khi viết, khi nói chúng ta mới nhớ được những quy tắc ngữ pháp đó dùng để làm gì, chúng có tác dụng gì trong giao tiếp, chỉ khi đó chúng ta mới nhớ và làm chủ được các quy tắc đó.
         - Học từ vựng
         Có thể chia từ vựng tiếng Anh thành 3 lớp, lớp từ vựng cơ bản (basic words) gồm những từ đơn giản, nói về những đồ vật, khái niệm gần gũi, được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày: house, school, good, beautiful,…Chúng ta có thể học những từ này qua tranh ảnh, các bài học tiếng Anh ở giai đoạn đầu hoặc học trong từ điển Anh-Việt. Lớp từ vựng thứ 2 gồm những từ thông dụng, được dùng trong nhiều loại văn bản, hoàn cảnh giao tiếp (common words). Chúng ta nên học những từ này qua sách vở, báo chí hoặc từ điển Anh-Anh để tránh phải dịch qua tiếng Việt: coincidence, reluctant, analysis,…. Từ điển Anh-Việt chỉ để giúp kiểm tra mức độ chính xác nghĩa từ sau khi chúng ta đã đoán nghĩa qua hoàn cảnh giao tiếp. Lớp từ thứ 3 là lớp từ gồm những từ chỉ sử dụng trong những lĩnh vực chuyên biệt, trong một số hoàn cảnh giao tiếp nhất định (special words); Buddism, hegemony,…
           Để học từ tiếng Anh có hiệu quả, bạn phải biết chọn từ thuộc lớp từ vựng nào cần học, cách học nào phù hợp: bằng tranh ảnh, bằng ghi chép, thông qua đọc các thể loại văn bản, qua nghe-nhìn,... Nhưng chắc chắn có một điều, không người mới học nào có thể biết hết các từ trong một văn bản, không ai có thể biết hết được các từ của một ngôn ngữ. Do vậy, nhiều khi chúng ta phải đoán nghĩa từ, tập đoán nhiều sẽ quen: đoán nghĩa dựa vào vị trí từ đó trong câu, dựa vào những từ đứng ở trước hoặc ở sau trong văn bản, đoán nghĩa từ dựa vào chủ điểm hoặc hoàn cảnh giao tiếp. Nhưng có một điều không dễ thực hiện là, học từ không được nóng vội chạy theo số lượng, học từ không chỉ biết nghĩa mà phải biết cách sử dụng. Theo tài liệu ghi nhận, một người Anh bình thường chỉ sử dụng khoảng 5,000 từ cho giao tiếp hàng ngày. Do vậy, tập đọc, nghe, nói, viết những từ chúng ta học được với sự hỗ trợ của các quy tắc ngữ pháp chắc chắn khi làm bài thi hay khi giao tiếp chúng ta sẽ làm chủ được mọi tình huống.
        IV. Kết luận
       Học tiếng Anh cũng giống như tập leo núi, người leo núi phải leo bằng cả hai tay. Học tiếng Anh cũng phải học đồng thời từ vựng và ngữ pháp. Học từ vựng để phục vụ giao tiếp và học ngữ pháp để sử dụng từ vựng hiệu quả. Người học không được nóng vội, không học quá nhiều từ vựng hoặc quá nhiều các quy tắc ngữ pháp một lúc mà phải học từ từ, theo khả năng của mình. Đồng thời, quá trình học nói chung và tiếng Anh nói riêng là quá trình đòi hỏi sự KIÊN TRÌ vượt qua chính mình rất lớn. Cho dù người hướng dẫn, giáo viên có giỏi đến mấy, sách vở và phương tiện có nhiều đến mấy thì người học vẫn phải TỰ HỌC, người leo núi vẫn phải dùng hết khả năng của mình để nhích từng bước. Và điều quan trọng mang tính quyết định, người học phải có QUYẾT TÂM. Bởi vì, ngọn núi học tiếng Anh có cao hay thấp, nếu không quyết tâm chinh phục nó thì ta chỉ có đứng nhìn người khác chinh phục nó mà thôi !