07/02/2023

42416

Chiến lược Phát triển trường Đại học Đại Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030

I. SỨ MỆNH, TẦM NHÌN, TRIẾT LÝ GIÁO DỤC, GIÁ TRỊ CỐT LÕI

1.1. Sứ mệnh

Trường Đại học Đại Nam được thành lập ngày 14/11/2007 theo quyết định 1535/Ttg của Thủ tướng chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đại học Đại Nam đã xác định là trường đại học ứng dụng, đào tạo đa ngành nghề.

Sứ mệnh của nhà trường là: Đào tạo để người học ra trường có cuộc sống tốt và là công dân tốt; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ nền giáo dục nước nhà.

Sứ mệnh của Đại học Đại Nam là “Đào tạo để người học ra trường có cuộc sống tốt và là công dân tốt”.

1.2. Tầm nhìn

Trở thành sự lựa chọn hàng đầu của người học. Đại học Đại Nam lấy đào tạo về bảo vệ - chăm sóc sức khỏe, gồm các ngành Y khoa, Dược học, Điều dưỡng là trục đào tạo cốt lõi; chú trọng đầu tư phát triển, quốc tế hóa các ngành đào tạo có nhu cầu xã hội cao, như: Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử, Truyền thông đa phương tiện, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành,  Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật Bản…vv…

Đại học Đại Nam lấy đào tạo về bảo vệ - chăm sóc sức khỏe, gồm các ngành Y khoa, Dược học, Điều dưỡng là trục đào tạo cốt lõi.

Mục tiêu đến năm 2030, trường Đại học Đại Nam trở thành địa chỉ đào tạo tin cậy hàng đầu trong khối các trường đại học tại Việt Nam, để người học lựa chọn theo học ngành nghề mình yêu thích. Về nghiên cứu khoa học và công nghệ, đạt được những thành tựu quan trọng về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Khoa học bảo vệ - chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

1.3. Triết lý giáo dục

“Giáo dục là thắp sáng” là triết lý giáo dục của nhà trường.

Xã hội vận động và thay đổi không ngừng dưới sự tác động mạnh mẽ của tri thức. Khoa học công nghệ đang phát triển cực kì nhanh chóng, đòi hỏi mỗi người phải liên tục học tập để thích ứng vì cuộc sống mưu sinh và mưu cầu hạnh phúc. Học mọi lúc, học mọi nơi để có đủ kiến thức thay đổi tư duy, thay đổi cách làm việc và thay đổi cuộc đời.

1.4. Giá trị cốt lõi

"Chất lượng - Minh bạch - Hiệu quả"

- Chất lượng & hiệu quả: Chất lượng đào tạo tốt nhất phù hợp với chi phí đóng góp của người học.

- Tận tụy & Cống hiến: Tinh thần tận tụy, cống hiến với sự đam mê công việc làm nên giá trị cao quý của đội ngũ cán bộ, giảng viên và các thế hệ sinh viên Trường Đại học Đại Nam.

- Chính trực & tôn trọng: Trung thực, ngay thẳng trong chuyên môn nghiệp vụ và lối sống, tôn trọng nhân phẩm con người, tôn trọng pháp luật.

- Tài năng cá nhân & trí tuệ tập thể: Mọi thành công đột phá đều bắt nguồn từ sáng tạo tài năng cá nhân, nhưng chìa khóa đảm bảo thành công là trí tuệ và sự đoàn kết của tập thể.

- Kế thừa & sáng tạo: Đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững trên nền tảng kế thừa các giá trị truyền thống.

1.5. Quan điểm phát triển

"Tích lũy niềm tin của xã hội" xây dựng trên các nền tảng:

- Vì danh dự: Chính trực

- Vì người học: Tận tâm

- Vì nhà trường: Không ngừng bứt phá 

- Vì đồng nghiệp: Sẵn sàng sẻ chia

- Vì bản thân: Luôn học hỏi

Phát triển bền vững trên nền tảng “ngôi nhà chung Đại học Đại nam”; Mỗi người vì mọi người – mọi người vì mỗi người là trách nhiệm và niềm hạnh phúc của từng thành viên Nhà trường.

Khẩu hiệu lương tâm của cán bộ, giảng viên là: "Việc gì có hại đến người học dù nhỏ nhất cũng kiên quyết không làm. Việc gì tốt cho người học thì hết lòng, hết sức".

II. MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC

2.1. Mục tiêu chung

Trường Đại học Đại Nam xác định mục tiêu đào tạo định hướng ứng dụng nghề nghiệp ở những lĩnh vực: Kinh tế - Kinh doanh; Kỹ thuật – Công nghệ; Khoa học Xã hội, Sức khỏe và Ngoại ngữ.

Trường Đại học Đại Nam là một trong 8 trường đại học đầu tiên đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo Bộ tiêu chuẩn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2.2. Các mục tiêu cụ thể

a) Chất lượng kiến thức, chuyên môn, kĩ năng… và phẩm chất đạo đức của người học (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) khi tốt nghiệp đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp...

b) Các công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học – công nghệ đạt trình độ quốc gia và từng bước tiệm cận đến trình độ quốc tế, có khả năng ứng dụng và triển khai, có tính hiệu quả về mặt kinh tế – xã hội, làm nền tảng cho đào tạo chất lượng cao.

c) Đội ngũ cán bộ khoa học có năng lực và trình độ cao, đạt chuẩn quốc gia, làm nền tảng cho sự phát triển của Nhà trường.

d) Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ và hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học.

đ) Mô hình đại học theo định hướng ứng dụng đa lĩnh vực, có cơ cấu hợp lí về ngoại ngữ và các lĩnh vực liên ngành khác đạt chuẩn quốc gia; tự chủ, chịu trách nhiệm xã hội cao; liên kết chặt chẽ với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương…

e) Các nguồn lực tài chính được phát triển trên cơ sở tự chủ tài chính, sử dụng hiệu quả các nguồn thu; đa dạng hóa nguồn tài chính thông qua tăng cường, mở rộng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, khai thác các hình thức huy động mới theo cơ chế mới, đặc thù.

Trường Đại học Đại Nam vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong Lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập trường (14/11/2017).

Trường Đại học Đại Nam nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lễ kỷ niệm 15 năm thành lập trường (14/11/2007 - 14/11/2022).

2.3. Các chỉ tiêu chính

2.3.1. Đào tạo

- Đến năm 2025, mỗi năm Nhà trường mở mới từ 3 đến 5 ngành đào tạo Đại học, từ 2 đến 3 ngành đào tạo Thạc sỹ và 2 ngành đào tạo Tiến sỹ.

- Quy mô đào tạo của Nhà trường đến năm 2025 là 20.000 người học, trong đó 2.000 học viên sau đại học.

- Phương thức đào tạo kết hợp đào tạo tập trung và đào tạo Elearning. Đến năm 2025 đạt 100% các môn học có bài giảng và tài liệu học tập Elearning.

- Phát triển hệ thống tài nguyên giáo dục mở;

- Đến năm 2025 phấn đấu 100% người học ra trường có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo.

2.3.2. Nghiên cứu khoa học và công nghệ

Nhà trường đặc biệt tập trung vào nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Đảm bảo chất lượng của các hội nghị khoa học, chú ý đặc biệt nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hội thảo chuyên ngành hẹp (cấp quốc gia và quốc tế).

Đến năm 2025:

 - 100% giảng viên cơ hữu tham gia tham gia NCKH, 50% giảng viên thạc sĩ và 100% giảng viên tiến sĩ có ít nhất 1 bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành/năm hoặc có báo cáo trình bày tại các hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia (hoặc quốc tế) và phấn đấu có bài đăng trong các tạp chí quốc tế.

- Mỗi năm công bố 1 cuốn sách chuyên khảo và tổ chức 1-2 hội thảo, hội nghị khoa học quốc gia/quốc tế.

- Thực hiện thường xuyên việc công bố các kết quả NCKH trên website của Trường. Đây là nguồn tham khảo hữu ích phục vụ đào tạo và nghiên cứu.

- Thành lập và hoạt động hiệu quả nhóm nghiên cứu chuyên sâu. Xây dựng và phát triển được từ 1 - 2 nhóm nghiên cứu mạnh.

Một số chỉ tiêu NCKH khác:

- Đề tài NCKH cấp Trường: 30 đề tài/năm

- Đề tài NCKH cấp Nhà nước: 01 đề tài/năm

- Tăng tỉ lệ cán bộ cơ hữu tham gia hoạt động KHCN/đề tài: 08 CBGD/đề tài

- Tăng tỉ lệ kinh phí cho hoạt động KHCN/CBGD đạt 10.000.000 đồng/CBGD.

Phấn đấu hàng năm tăng khoảng 5%.

Phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, đặc biệt là về chất lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, kiến thức, kĩ năng đạt chuẩn quốc tế là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Trường ĐH Đại Nam.

Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên giỏi, chuyên nghiệp, năng động, nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người của trường Đại học Đại Nam.

2.3.3. Phát triển đội ngũ cán bộ

Phát triển đội ngũ cán bộ, đặc biệt là về chất lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, kiến thức, kĩ năng đạt chuẩn quốc tế.

Số cán bộ giảng dạy chiếm 75% tổng số cán bộ và ở mức tỉ lệ 13 sinh viên/ cán bộ giảng dạy (CBGD). Tỷ lệ cán bộ giảng dạy có trình độ sau đại học (SĐH) là 80-90%. Tỉ lệ cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ trở lên hiện đạt 30%, phải đạt 45% vào năm 2020 và trên 70% vào năm 2030. Tỉ lệ cán bộ có học hàm GS, PGS đạt 30 – 35% trên tổng số tiến sĩ vào năm vào năm 2020.

Mỗi năm có 35-40 lượt giảng viên và các nhà khoa học nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Đại Nam.

100% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và năng lực quản lý theo các tiêu chuẩn quản trị đại học tiên tiến, tối thiểu 25% cán bộ quản lý hành chính sử dụng tốt tiếng Anh trong công việc và giao tiếp.

2.3.4. Đảm bảo chất lượng

- Đến năm 2020, Trường Đại học Đại Nam có hệ thống ĐBCL bên trong đạt tiêu chuẩn của kiểm định chất lượng (KĐCL) cơ sở giáo dục đại học;

- Đến năm 2020 có ít nhất 10% các chương trình đào tạo của Đại học Đại Nam được tự đánh giá và/hoặc KĐCL theo tiêu chuẩn của Quốc gia;

- 10% các chương trình đào tạo thuộc nhiệm vụ chiến lược có đủ điều kiện theo quy định của AUN được kiểm định theo tiêu chuẩn KĐCL của AUN trước năm 2030.

- Đến năm 2025, Trường Đại học Đại Nam được KĐCL theo định hướng tiêu chuẩn chất lượng của Asean University Network (AUN);

- Đến năm 2030, Trường Đại học Đại Nam được KĐCL hoàn toàn theo quy trình và đạt tiêu chuẩn của AUN...

2.3.5. Cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu chất lượng cao

Trong thời điểm hiện tại Nhà trường sử dụng tốt, hiệu quả cơ sở của Trường tại số 1 Phố Xốm, Hà Đông. Khai thác cơ sở của Nhà trường tại khu vực 56 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân làm Hiệu bộ và đào tạo Sau Đại học; Văn bẳng 2, đào tạo ngắn hạn. Có một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt, phục vụ cho việc đào tạo và NCKH, mỗi cán bộ và sinh viên đều có một tài khoản truy cập nội bộ.

Đến 2025, hoàn thành việc xây dựng thêm 4 tòa nhà lớn tại quần thể Đại học Đại Nam tại Số 1, Phố Xốm - Phú Lãm - Hà Đông - Hà Nội gồm: Tòa nhà Hiệu bộ và giảng đường 15 tầng; Tòa nhà thư viện, hội trường và giảng đường 9 tầng; Tòa nhà ký túc xá sinh viên 15 tầng; Tòa nhà 9 tầng phục vụ NCKH, thực hành, thí nghiệm và chuyển giao công nghệ cho khối ngành khoa học sức khỏe. Các tòa nhà xây dựng theo tiêu chuẩn chất lượng cao, được trang bị hệ thống sử dụng và quản lý hiện đại phù hợp thực tế.

Đến 2030, xây dựng xong toàn bộ Quần thể Đai học Đại Nam tại Số 1 Phố Xốm - Phú Lãm - Hà Đông - Hà Nội theo thiết kế được phê duyệt của UBND Thành phố Hà Nội.

Trong thời điểm hiện tại Nhà trường sử dụng tốt, hiệu quả cơ sở của Trường tại số 1 Phố Xốm, Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội.

2.3.6. Tạo được nguồn lực tài chính bền vững

Tạo được nguồn lực tài chính bền vững đáp ứng cơ bản yêu cầu xây dựng, phát triển và tạo dựng uy tín với xã hội.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC

3.1. Phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu và quản lý

Quy hoạch đội ngũ phù hợp với yêu cầu phát triển đến năm 2020 và 2030 về chất lượng và quy mô. Tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo tiến sĩ và áp dụng các chính sách hỗ trợ cán bộ đi đào tạo, công bố kết quả NCKH, tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học cấp quốc gia và quốc tế.

Nâng cao chất lượng cuộc sống của đội ngũ cán bộ, giảng viên và nhân viên thông qua việc tạo các công việc có thu nhập cao, cải thiện môi trường làm việc thân thiện, áp dụng các chính sách mang lại cơ hội phát triển và cống hiến cho đội ngũ.

3.2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo

Tập trung đẩy mạnh thực hiện đào tạo theo tín chỉ. Xây dựng kịp thời và thực hiện các chương trình đào tạo mới theo hướng bằng kép và ngành kép. Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy các chương trình đào tạo hiện có. Đổi mới, cập nhật giáo trình, nguồn học liệu, sử dụng CNTT trong giảng dạy. Thực hiện việc điều chỉnh về cơ bản các chương trình đào tạo, hoàn thành trước tháng 6/2020, kèm theo những thay đổi về phương pháp tổ chức đào tạo, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá, cung cấp nguồn học liệu cho người học.

Thực hiện vai trò nòng cốt trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh cho toàn trường.

Duy trì quy mô đào tạo SĐH hiện đang thực hiện tại Hà Nội để nâng cao chất lượng theo đường hướng tăng cường ứng dụng thực tế. Đổi mới các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực quản lý theo chuẩn quốc gia. Tăng cường hợp tác đào tạo SĐH với các trường đại học nước ngoài.

Trường tích cực tham gia các dự án đào tạo ĐH và SĐH, bồi dưỡng giáo viên, ứng dụng CNTT trong giảng dạy ngoại ngữ. Tham gia tích cực trong các dự án về KĐCL, dự án giảng dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân và dự án phát triển giáo viên THPT và TCCN.


Chất lượng đào tạo làm nên "thương hiệu" của Trường Đại học Đại Nam.

3.3. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác NCKH

Tiếp tục từng bước hoàn thiện các khâu quản lí công tác khoa học - công nghệ của Nhà trường theo hướng có sản phẩm đầu ra rõ ràng, kết hợp NCKH với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn – nghiệp vụ của đội ngũ đi đôi với thực hiện nhiệm vụ chung của Nhà trường. Đẩy mạnh hợp tác NCKH với các đơn vị ngoài Trường, trong nước và quốc tế, giữa các đơn vị trong Trường và giữa các cá nhân trong một đơn vị.

Đảm bảo mỗi đề tài NCKH phải có kết quả là một bài báo đăng trong các tạp chí chuyên ngành cấp quốc gia trở lên hay báo cáo tại các hội nghị, hội thảo khoa học cấp quốc gia, quốc tế.

Thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhiệm vụ được giao, đặc biệt là chương trình bồi dưỡng cán bộ trẻ, chuyên sâu, cán bộ đầu ngành của Trường. Nâng cao một bước đáng kể trình độ chung của đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu.

Ứng dụng CNTT xây dựng hệ thống học liệu mở phục vụ công tác đào tạo, NCKH và cung cấp dịch vụ cho xã hội. Xây dựng cơ sở học liệu điện tử, cung cấp dịch vụ Internet cho CBGV và HSSV. Đẩy mạnh việc đưa lên mạng của Nhà trường toàn bộ các thông tin về hoạt động của Nhà trường nhất là các thông tin về đào tạo và NCKH.

3.4. Nâng cao công tác đảm bảo chất lượng

Phát triển nguồn nhân lực hệ thống ĐBCL bên trong; Hoàn thiện mạng lưới ĐBCL trong Đại học Đại Nam; nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ĐBCL; tuyên truyền sâu rộng về vai trò, ý nghĩa của ĐBCL trong việc thực hiện sứ mạng của Đại học Đại Nam nhằm tạo sự đồng thuận và thu hút tất cả đội ngũ cán bộ, giảng viên và người học tham gia tích cực vào việc xây dựng và thực hiện văn hóa chất lượng ở Đại học Đại Nam.

Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc gia và quốc tế. Rà soát, quy hoạch các ngành đào tạo theo lộ trình KĐCL; ưu tiên KĐCL quốc tế và đối sánh các chương trình thuộc nhiệm vụ chiến lược, các chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo tài năng; tự đánh giá chất lượng và đăng ký KĐCL chương trình theo chuẩn AUN; thực hiện đối sánh chương trình đào tạo theo các chỉ số ĐBCL cốt lõi của các trường đại học tiên tiến.

3.5. Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính.

Phương châm “Việc gì cần thì lớn mấy cũng chi, việc gì không cần thì một đồng cũng không lãng phí”.

3.6. Tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác hợp tác quốc tế

Đổi mới công tác quản lý theo hướng có sản phẩm đầu ra cụ thể. Thiết lập các mối quan hệ đào tạo và NCKH liên kết với các đối tác nước ngoài, các chương trình trao đổi sinh viên, học sinh và các học giả.

Tăng cường các đầu mối quan hệ hợp tác quốc tế mới để có được thêm nhiều nguồn tài trợ học bổng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu sách vở và chất xám phục vụ công tác đào tạo và NCKH; tăng các chương trình giao lưu, trao đổi giảng viên và HSSV. Tìm nguồn tài trợ cũng như đối tác nghiên cứu về nhu cầu phát triển nghề nghiệp của giáo viên tiếng Anh THPT. Khai thác mọi nguồn lực đảm bảo số lượng giáo viên nước ngoài giảng dạy tại Trường hàng năm. Chú trọng việc mời giáo sư thỉnh giảng ngắn hạn bằng kinh phí hỗ trợ của nước ngoài tham gia giảng dạy ở bậc Sau đại học.

Khai thác, huy động các nguồn tài trợ và sự giúp đỡ của các doanh nghiệp phục vụ công tác đào tạo và NCKH. Phát huy hiệu quả của các chương trình hợp tác về NCKH, trao đổi với các trường đại học của các nước như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài: Tích cực mở rộng khai thác nguồn tuyển sinh hiện có và mở rộng thêm các nguồn tuyển sinh khác bằng những phương thức mang tính cạnh tranh cao. Nâng dần số lượng học sinh nước ngoài học tại Trường.

Triển khai các chương trình trao đổi cán bộ ngắn hạn với Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc... Triển khai chương trình trao đổi học sinh và sinh viên trên tinh thần tự nguyện đóng góp của sinh viên với tất các các nước có ngôn ngữ đang dạy tại Trường.

Chiến lược phát triển Trường Đại học Đại Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được thực hiện thông qua các kế hoạch 5 năm và được cụ thể hóa thành kế hoạch, nhiệm vụ năm học của Nhà trường.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Chiến lược phát triển Trường Đại học Đại Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được thực hiện thông qua các kế hoạch 5 năm và được cụ thể hóa thành kế hoạch, nhiệm vụ năm học của Nhà trường, được phổ biến rộng rãi đến từng phòng, ban, trung tâm, khoa và các bộ môn trực thuộc trong toàn Trường.

Các đơn vị trong Trường xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ năm học của đơn vị mình trên cơ sở kế hoạch, nhiệm vụ chung của Nhà trường và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đề ra. Các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên chủ động, sáng tạo xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển Trường Đại học Đại Nam.

Hàng năm, Nhà trường tổ chức đánh giá việc thực hiện Chiến lược (vào dịp tổ chức hội nghị CBVC và tổng kết năm học), trên cơ sở đó xác định, điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu của Nhà trường trong năm học tiếp theo cho phù hợp với thực tiễn.

Đến năm 2025 sẽ tổ chức đánh giá toàn diện Chiến lược của Nhà trường, làm căn cứ cho việc xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

 TS. Lê Đắc Sơn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đại Nam