16/07/2021

2696

Chuyển đổi số trong đào tạo bậc Đại học

Chuyển đổi số về tổng thể là quá trình thay đổi toàn diện của các cá nhân và tổ chức về cách sống, làm việc và phương thức sản xuất, đào tạo trên môi trường số với các công nghệ số. Các mô hình và quá trình kinh doanh số sẽ tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và từng lĩnh vực đời sống xã hội nói riêng, trong đó có lĩnh vực đào tạo trình độ đại học. Chuyển đổi số, một mặt vừa là quá trình chuyển đổi ở cấp độ hệ thống nhằm thay đổi hành vi trên quy mô lớn, mặt khác, ở cấp độ doanh nghiệp chuyển đối số có nghĩa là tích hợp các giải pháp số vào tất cả các lĩnh vực của doanh nghiệp, thay đổi sâu sắc phương cách vận hành của doanh nghiệp bằng cách tạo ra các quy trình hoạt động kinh doanh mới, trải nghiệm khách hàng và văn hóa tổ chức. Nó không chỉ tái tạo lại những phương pháp truyền thống mà còn sáng tạo những phương pháp mới để đáp ứng những kỳ vọng thay đổi của thị trường.  Nói cách khác, chuyển đổi số không chỉ là sự thay đổi trong các giải pháp công nghệ hay quy trình hoạt động của một doanh nghiệp, một chủ thể trên thị trường, mà còn là sự thay đổi về văn hóa, đòi hỏi các chủ thể trên thị trường phải tái tạo lại mô hình tổ chức kinh doanh. Bản chất của chuyển đổi số là sáng tạo.

Chuyển đổi số trong đào tạo đại học không đơn giản chỉ là quá trình thay đổi cách dạy, cách học hay là chuyển từ dạy và học trực tiếp sang dạy và học trực tuyến. Chuyển đổi số trong đào tạo đại học thực chất là đưa toàn bộ hoạt động đào tạo lên môi trường số, là sự thay đổi cách vận hành của hoạt động đào tạo trên 4 nội dung trọng tâm: hoạt động giảng dạy, hoạt động học tập, hoạt động nghiên cứu và hoạt động quản lý các quá trình dạy, học và nghiên cứu.

Để có thể chuyển các hoạt động trên sang môi trường số, tức là thực hiện chuyển đổi số đào tạo đại học, đòi hỏi phải thực hiện tin học hóa, tức số hóa các thông tin đầu vào liên quan người dạy, người học, tài liệu, nguồn lực, quy trình...Đây chính là bước chuyển đổi thông tin từ analog ở thế giới thực sang định dạng kỹ thuật số. Trên cơ sở hệ thống dữ liệu việc ứng dụng kỹ thuật số để liên kết, sử dụng dữ liệu số sẽ làm cho hoạt động đào tạo trở lên thuận lợi hơn, nhanh và hiệu quả hơn so với cách thức hoạt động đào tạo truyền thống, khi phải tác nghiệp với đống hồ sơ lưu trữ. Và khi các hoạt động diễn ra trên môi trường số sẽ gia tăng và làm giàu hơn nguồn dữ liệu về hoạt động đào tạo đại học cũng như mở ra phương cách đào tạo và quản lý hoạt động đào tạo mới. Như vậy số hóa dữ liệu là bước khởi đầu cho quá trình chuyển đổi số đào tạo đại học.

Quá trình chuyển đổi số trong đào tạo đại học ở Việt Nam đang diễn ra cùng với xu thể chuyển đổi số trong nền kinh tế. Ở cấp độ vĩ mô chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo nói chung và đào tạo đại học nói riêng được khẳng định là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành một số quy định làm cơ sở cho thúc đẩy chuyển đổi số như: các quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành, giảng dạy; tổ chức đào tạo trực tuyến, hình thành các quy chế đào tạo từ xa trình độ đài học, sau đại học; năm 2018, thông tin của 393 trường đại học, cao đẳng với 2,5 triệu sinh viên, 120.000 giảng viên cũng được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành...Ở cấp vi mô, nhiều trường Đại học đã chủ động trong chuyển đổi số, như Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, đã thành lập Trung tâm dạy học ảo (UTEx), tổ chức các khóa học trực tuyến, xây dựng trung tâm dữ liệu lớn… Hiện nay, 100% các lớp đều có thể dạy học online. Trường ĐH Kinh tế TP HCM (UEH) đã thực hiện quá trình số hoá từ năm 2009 khi lần đầu tiên triển khai hệ thống đào tạo tín chỉ. Năm 2016 đưa vào vận hành hệ thống e-learning theo mô hình giảng dạy kết hợp với quy mô toàn trường, đến nay 100% các lớp học đều có triển khai các công cụ trực tuyến bổ trợ.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số đào tạo đại học hiện nay còn không ít hạn chế, thiếu đồng bộ, việc số hóa học liệu còn có tính riêng lẻ, tự phát, chưa thành hệ thống, khó kiểm tra chất lượng và thiếu sự gắn kết chia sẻ giữa các trường. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có các văn bản hướng dẫn nhưng cũng chưa đồng bộ. Ví dụ chỉ mới công nhận việc dạy và học trực tuyến chứ chưa công nhận kết quả thi trực tuyến. Bên cạnh đó nguồn lực đầu tư, cả nhân lực về công nghệ thông tin và cơ sở vật chất-trang bị, nhất là ở một số trường đại học tư cũng còn hạn chế…

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong đào tạo đại học, trước mắt cần tập trung vào một số giải pháp sau:

- Cần tiếp tục nâng cao nhận thức về xu thế tất yếu và nội dung quá trình chuyển đổi số trong đào tạo đại học, không chỉ đổi với người dạy và người học, mà còn quan trong hơn là đối với người đứng đầu quản lý các cơ sở đào tạo đại học. Nhiều ý kiến cho rằng lực cản chuyển đổi số của một tổ chức chủ yếu là ở người đứng đầu chứ không phải ở nhân viên, vì nhân viên và đối tượng phục vụ của tổ chức đó luôn được hưởng lợi từ chuyển đổi số.

- Hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho thực hiện chuyển đổi số như quy định công nhận kết quả học và thi trực tuyến, quy định bản quyền và sở hữu trí tuệ trong số hóa học liệu, về nghĩa vụ và trách nhiệm người dạy và học trực tuyến…

- Đầu tư hệ thống hạ tầng CNTT và cơ sở vật chất đồng bộ cho hoạt động dạy, học và nghiên cứu cũng như cho các hoạt động quản lý quá trình đào tạo

- Cần có chương trình, kế hoạch đào tạo nguồn lực CNTT đi trước một bước đồng thời nâng cấp kỹ năng phổ quát CNTT cho người dạy và học bảo đảm yêu cầu tác nghiệp trên môi trường số

- Lộ trình chuyển đổi số đào tạo đại học không nhất thiết tuần tự từ số hóa thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, rồi số hóa quy trình và chuyển đổi số. Để thúc đẩy và rút ngắn quá trình chuyển đổi số nên tiến hành nhịp nhàng, đồng bộ chuyển đổi số tổ chức cùng với việc số hóa dữ liệu và số hóa quy trình hoạt động, quản lý. Sự đồng thời này cùng với việc sử dụng những công nghệ số mới nhất sẽ giúp cho công cuộc chuyển đổi số đào tạo đại học nhanh hơn và hiệu quả hơn.

                                                PGS.TS. Vũ Văn Hà - Viện Đào tạo sau đại học