25/07/2022

1760

“Mục sở thị” hệ thống thực hành của sinh viên khoa Truyền thông Đại học Đại Nam

Với mong muốn mang đến cho sinh viên môi trường học tập năng động, hiện đại, bám sát thực tế ngành nghề, sinh viên “thực chiến” ngay trên giảng đường, trường Đại học Đại Nam (DNU) đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị thực hành hiện đại cho từng ngành đào tạo. Theo đó, sinh viên khoa Truyền thông DNU sở hữu studio với các trang thiết bị máy móc hiện đại, toà soạn tạp chí điện tử chuyên nghiệp để học thực hành, tác nghiệp ngay từ năm thứ nhất.

Môi trường học tập hiện đại của sinh viên trường Đại học Đại Nam.

Phòng Studio với trang thiết bị đẳng cấp

Trong thời đại hoàng kim của công nghệ và số hóa, truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng, truyền thông marketing… trở thành ngành nghề được “săn đón” bậc nhất hiện nay. Nắm bắt được sức hút “ngành nghề của thời đại”, Khoa Truyền thông - Trường Đại học Đại Nam đã xây dựng chương trình đào tạo với 02 ngành: Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng (trong đó có hai chuyên ngành: Quan hệ công chúng ứng dụng và Truyền thông Marketing).

Đây là những ngành học mang tính đặc thù, cần kết hợp nhiều thiết bị hiện đại trong quá trình tác nghiệp. Do đó, để sinh viên sớm làm quen máy móc, “thực chiến” với nghề ngay tại giảng đường, trường Đại học Đại Nam đã trang bị một hệ thống thực hành với đầy đủ trang thiết bị cho sinh viên học tập và thực hành.

Studio với các trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu thực hành

Studio được trang bị dành riêng cho khoa Truyền thông với phòng cách âm tuyệt đối và các trang thiết bị hiện đại như: máy ảnh, máy quay, thiết bị thu âm, phông nền, thiết bị đèn chiếu sáng đa sắc… giúp sinh viên sản xuất các sản phẩm truyền thông trong studio như: chụp ảnh, thu âm, quay phim, sản xuất các bản tin…

Ngoài ra, những thiết bị hỗ trợ như gimbal, chân máy, flycam, mic không dây, mic phỏng vấn… cũng được trang bị đầy đủ, phục vụ tối ưu cho quá trình tác nghiệp ngoài hiện trường.

Với không gian rộng thoáng, phòng studio được sử dụng là phòng học thực hành đối với một số môn như: Kỹ năng dẫn chương trình, quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn, tổ chức sự kiện… Đặc biệt, căn phòng này còn được dùng để tổ chức những sự kiện thực tế của Khoa, trường ở quy mô nhỏ như talk show, toạ đàm, họp báo giả định…

    

Một buổi talk show được tổ chức tại Studio với sự tham gia của BTV THVN Sơn Lâm

Toà soạn hiện đại nằm ngay trong khuôn viên Nhà trường

Toà soạn Tạp chí điện tử Tự động hoá ngày nay được đặt tại tầng 9 (tòa nhà văn phòng trường Đại học Đại Nam) là cơ sở thực hành chất lượng dành cho sinh viên khoa Truyền thông. Đứng đầu tòa soạn là Tổng biên tập là TS. Trần Bảo Khánh, Chủ tịch hội đồng Khoa học khoa Truyền thông; Phó tổng biên tập là TS. Trần Văn Lệ, trưởng khoa Truyền thông.

Phó tổng biên tập Trần Văn Lệ, trưởng khoa Truyền thông (đứng) đang trao đổi nghiệp vụ báo chí cùng giảng viên và sinh viên Khoa Truyền thông

Ngay từ năm nhất đại học, sinh viên đã có hội tiếp xúc với các kỹ năng của một người làm truyền thông như: thu thập và xử lý thông tin, phỏng vấn, viết bài, biên tập nội dung, quay phim, chụp ảnh, dựng phim… Đặc biệt là các kỹ năng của người làm báo hiện đại là Mobile journalism – báo chí di động. Theo đó, sinh viên sẽ được “cầm tay chỉ việc” cách làm báo bằng điện di động: thu thập, biên tập, xử lý hình ảnh và video, phát tin tức… từ chính “vật bất ly thân” của mình. 

Tạp chí điện tử Tự động hóa ngày nay chính là “mảnh đất màu mỡ” để sinh viên “gieo trồng” các sản phẩm truyền thông đầu tiên. Từ đây để rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân, bồi đắp chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc cũng như tình yêu dành cho nghề truyền thông.

Sinh viên khoa Truyền thông -DNU thực hành biên tập tại phòng Tạp chí – khoa Truyền thông

Nhiều cơ hội thực tập, trải nghiệp thực tế

Bắt nhịp với xu hướng “Đại học thực hành”, khoa Truyền thông luôn có hướng đi tích cực trong việc tích hợp những hoạt động nghề nghiệp song song học tập như tổ chức các cuộc thi ảnh, video, sáng tạo nội dung, thực hiện các chuyến trải nghiệm thực tế tại tòa soạn, công ty truyền thông… Trong thời gian qua, khoa Truyền thông đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan báo chí như: Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam, Trung tâm Truyền hình số - Báo điện tử Dân Việt (Báo Nông thôn Ngày nay)…

BTV Việt Hoàng (trái) và Sơn Lâm (phải) cùng sinh viên và giảng viên Khoa Truyền thông tại VTV.

Không chỉ được khám phá môi trường làm việc tại các đơn vị trên, sinh viên khoa Truyền thông còn có cơ hội đến kiến tập, thực tập. Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh xu hướng hội nhập, hợp tác quốc tế, sinh viên sẽ có cơ hội đi thực tập tại các công ty và tập đoàn đa quốc gia; học tập tại Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc (3 tuần).

Qua các hoạt động thực tập, trải nghiệm thực tế, sinh viên khoa Truyền thông hoàn toàn có thể khẳng định được bản lĩnh và “chất riêng” của mình.

“Nếu nói truyền thông là chìa khóa truyền thông của mọi cá nhân, tổ chức thì khoa Truyền thông của Đại học Đại Nam chính là nơi tạo ra những con người sở hữu chiếc chìa khóa đó”, TS. Trần Bảo Khánh nhận định.

Từ ngày 22/7 – 20/8/2022, theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo, thí sinh đăng ký nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và đào tạo. Nếu xác định theo học tại Nhà trường, thí sinh cần chọn nguyện vọng số 1 vào ngành Quan hệ công chúng (mã ngành 7320108) hoặc ngành Truyền thông Đa phương tiện (mã ngành 7320104), trường Đại học Đại Nam (mã trường DDN).

>>> ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN: TẠI ĐÂY

Ban Truyền thông + Khoa Truyền thông