“Với các chương trình đào tạo đặc thù giúp hoàn thiện và nâng cao từng kĩ năng riêng biệt của người học, hoạt động của Trung tâm Phát triển Fintech và đổi mới sáng tạo là sự bổ sung hết sức cần thiết, kịp thời, hiệu quả đối với sự thiếu hụt nhân lực Fintech trầm trọng của Việt Nam hiện nay”.
Đó là nhận định của TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đại Nam tại Lễ ra mắt Trung tâm Phát triển Fintech và đổi mới sáng tạo DNU (DNU FIDIC), sáng 28/3.
Chương trình có sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành, trường đại học và đại diện các ngân hàng thương mại.
Trung tâm đáp ứng những nhu cầu gì?
TS. Lê Đắc Sơn khẳng định: Tính đến năm 2024, cả nước chỉ có 13 chương trình đào tạo chính quy dài hạn, 01 chương trình thạc sĩ và một số lớp đào tạo ngắn hạn về Fintech được tổ chức không thường xuyên. Vì vậy, năng lực đào tạo hiện nay của Việt Nam chưa thể đáp ứng cả về số lượng và chất lượng nhu cầu nguồn nhân lực của Fintech. Do đó, việc ra đời Trung tâm Fintech DNU có thể đáp ứng được tốc độ tăng trưởng về quy mô của thị trường Fintech tại Việt Nam cũng như tính chất đa dạng và phức tạp của sản phẩm Fintech trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hải Nam - Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế Quốc hội bày tỏ mong muốn trường Đại học Đại Nam cũng như Trung tâm Phát triển Fintech và đổi mới sáng tạo có thể phối hợp, đồng hành cùng Quốc hội trong hoạt động nghiên cứu khoa học về lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói chung và Fintech nói riêng.
Ông Nguyễn Hải Nam đánh giá cao sự ra đời của DNU FIDIC.
PGS.TS Phạm Tuấn Anh – Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Thương mại cũng khẳng định: Việc ra đời của Trung tâm DNU FIDIC là bước đột phát của Trường Đại học Đại Nam trong công tác đào tạo và đón đầu xu hướng nguồn nhân lực tương lai của đất nước.
TS. Lê Đắc Sơn trao quyết định bổ nhiệm Ban lãnh đạo DNU FIDIC cho PGS, TS. Đặng Ngọc Đức – Giám đốc, ThS. Vũ Việt Dũng – Phó Giám đốc, ThS. Nguyễn Nam Phong – Phó Giám đốc.
Đội ngũ đào tạo là ai và cung cấp dịch vụ đào tạo gì?
PGS, TS. Đặng Ngọc Đức – Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Giám đốc Trung tâm DNU FIDIC cho biết: Một trong những điểm khác biệt của chương trình đào tạo (CTĐT) Fintech DNU là sự tham gia của các trường đại học đã và đang thực hiện các CTĐT chính quy về Fintech ở Hoa Kỳ, Đài Loan, Hồng Kông,...; các chuyên gia Fintech trong và ngoài nước làm việc tại các trường đại học đang thực hiện các CTĐT Fintech ở Việt Nam; các chuyên gia tại các dự án hỗ trợ của tổ chức quốc tế, các NHTM; các chuyên gia tư vấn về tài chính và tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học, pháp luật...; các chuyên gia về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước...
PGS, TS. Đặng Ngọc Đức chia sẻ tại chương trình.
Các dịch vụ đào tạo của trung tâm gồm:
+ Cung cấp dịch vụ đào tạo (đào tạo bổ sung, đào tạo chuyên sâu và đào tạo nâng cao); nghiên cứu, phát triển và cung cấp các dịch vụ tư vấn và dịch vụ Fintech; tổ chức và thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ.
+ Cung cấp dịch vụ đào tạo cho các đối tượng người học gồm: Cử nhân tài chính và tương đương; kỹ sư công nghệ thông tin; chuyên viên, người lao động tại các công ty Fintech, ngân hàng thương mại; cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước; giảng viên các trường đại học; những người quan tâm đến lĩnh vực Fintech.
Nội dung đào tạo của Trung tâm Phát triển Fintech và đổi mới sáng tạo DNU tập trung vào: Kiến thức, kĩ năng và nghiệp vụ về công nghệ thông tin, về tài chính - ngân hàng và ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính hiện đại; Năng lực triển khai, phát triển, cung cấp và quản lý các sản phẩm/dịch vụ Fintech; Quản lý và quản trị rủi ro đối với các sản phẩm Fintech; Đạo đức nghề nghiệp, văn hóa kinh doanh, luật pháp về tài chính và về công nghệ thông tin; Năng lực tư duy, đổi mới sáng tạo, phát triển chiến lược và kĩ năng quản lý doanh nghiệp trong nền kinh tế số; Năng lực quản lý và lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính nói chung và về Fintech nói riêng.
BTT