08/12/2022

6062

“Bật mí” phương pháp học tập hiệu quả cho tân sinh viên

Môi trường đại học khác hoàn toàn so với THPT khi phần lớn thời gian là tự học, tự nghiên cứu. Việc “sở hữu” một phương pháp học tập hiệu quả có ý nghĩa rất lớn, giúp sinh viên dễ dàng tiếp thu, trau dồi và vận dụng kiến vào thực tế, đạt được kết quả cao trong học tập. Nhờ vận dụng tốt phương pháp học tập hiệu quả, sáng tạo, Vũ Ngọc My – sinh viên lớp KT 15.02, khoa Kế toán trường Đại học Đại Nam luôn duy trì được thành tích học tập tốt và là một trong những sinh viên tiêu biểu của Khoa. Qua bài viết này, Ngọc My sẽ “bật mí” bí quyết học tập hiệu quả dành cho tân sinh viên K16.

Vũ Ngọc My là một trong những sinh viên có thành tích học tập nổi bật của khoa Kế toán

Tích cực tương tác với thầy cô

Trường Đại học Đại Nam có đội ngũ giảng viên hùng hậu, tâm huyết, gần gũi và hết lòng vì học trò. Đặc biệt, đội ngũ cố vấn học tập của Nhà trường là những thầy cô có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, nhiệt tình hỗ trợ và giải đáp thắc mắc của sinh viên mọi lúc mọi nơi.

Chính vì vậy, các tân sinh viên đừng ngại hay sợ giao tiếp với thầy cô. Bởi thầy cô luôn sẵn sàng hỗ trợ sinh viên bất kể giờ giấc. Bạn có thể trao đổi và hỏi lại thầy cô về bài học, những vấn đề còn băn khoăn, chưa hiểu kỹ; hoặc có thể nhờ thầy cô tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm về công việc, cuộc sống, kỹ năng…

Việc liên hệ với các thầy cô cũng rất dễ dàng. Tân sinh viên có thể nhắn tin, gọi điện, gửi email hoặc nhắn tin qua các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo… cho thầy cô.

Thầy cô khoa Kế toán đều là những người giỏi chuyên môn, tận tâm, tận lực, nhiệt tình hỗ trợ sinh viên.

Xác định mục tiêu học tập

Xác định mục tiêu học tập chính là động lực và kiểm soát tốt lộ trình phấn đấu của mình.

“Ngay khi lựa chọn chuyên ngành Kế toán, Trường Đại học Đại Nam, em đã vạch ra cho bản thân những mục tiêu cụ thể như đạt thành tích học tập Giỏi ở các kỳ học, giành học bổng… Điều đó giúp em định hượng bản thân cần phải làm gì để đạt được mục tiêu”, Ngọc My chia sẻ.

Tìm ra Kiến thức lõi của mỗi môn học

“Nghiêm khắc” học tập ngay từ đầu, tuyệt đối không coi nhẹ bất kỳ môn học nào. Bạn hãy tự đặt ra câu hỏi cho bản thân: Môn học đó để làm gì? Kiến thức lõi cần nắm được ở môn học này là gì? Mình sẽ mất gì khi không chú tâm vào môn học đó? Khi trả lời được những câu hỏi trên, bạn sẽ biết mình phải học như thế nào, kiến thức lĩnh hội được sau khi kết thúc môn học cũng vì vậy mà được ghi nhớ lâu và hiệu quả.

Đọc tài liệu, chuẩn bị bài và làm bài tập trước khi lên lớp

Việc tự học trước khi lên lớp là khá quan trọng, nó giúp các bạn hiểu một cách sơ bộ “Hôm nay mình sẽ học gì? Sẽ thu được kiến thức gì sau môn học đó? Và hơn thế là nắm bắt những vấn đề mình đã hiểu và cần hiểu.

Lắng nghe và lĩnh hội kiến thức từ thầy cô

Không phải ngẫu nhiên thầy cô phải dành rất nhiều tâm huyết cho việc chuẩn bị bài và giảng bài trên lớp. Những gì thầy cô truyền đạt cho sinh viên trên lớp không phải là những kiến thức đơn thuần có thể tìm thấy trên tài liệu mà đó là sự dẫn dắt, sự trải nghiệm mà không có trong sách vở nên các bạn nhất định phải chú ý lắng nghe và ghi chép cẩn thận.  

 

Tích cực xây dựng bài

Tham gia xây dựng bài không chỉ giúp tiết học trở nên sôi động mà còn giúp các bạn hiểu sâu về bài học cũng như khai phá được nhiều khía cạnh cốt lõi của vấn đề. Đừng ngại nêu ra quan điểm và ý kiến của bản thân, bởi thắc mắc của bạn cũng có thể là băn khoăn của nhiều sinh viên, nhưng lại không ai đủ can đảm để hỏi.

Khi làm việc nhóm hay thảo luận vấn đề, các bạn nên xung phong làm trưởng nhóm. Điều này sẽ giúp các bạn học được kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bao quát công việc cũng như gia tăng sự tự tin, năng động trong học tập.

Làm nhiều bài tập

Đối với sinh viên chuyên ngành Kế toán, phải nhớ rằng, bảng hệ thống tài khoản kế toán không thể học vẹt, mà phải nhớ chi tiết, tránh trường hợp “nhớ nhớ quên quên”, lúng túng khi định khoản. Để nhớ lâu và sâu, các bạn hãy cố gắng làm thật nhiều bài tập để hệ thống thường xuyên khối lượng kiến thức đã được học; tìm ra những phương pháp, cách làm mới, đơn giản, hiệu quả và có tính thực tiễn cao.

Đi học đầy đủ

Phần kiến thức sẽ bị hổng nếu chúng ta nghỉ học một ngày. Nếu việc đó lặp đi lặp lại nhiều lần, lỗ hổng đó ngày một lớn thì khó có thể lấp đầy lại được. Một khi đã bị hổng kiến thức, có thể bạn sẽ không hiểu được các vấn đề của bài học tiếp theo. Điều đó sẽ làm cho các bạn có cảm giác ngán ngẩm và chán việc học. Vì vậy, để không rơi vào tình cảnh đó, nhất định phải đi học đều và đầy đủ.

Tận dụng triệt để mạng Internet và truyền thông

Hãy sử dụng công nghệ và mạng xã hội một cách thông minh, đó là tìm kiếm và gia tăng vốn kiến thức chuyên ngành. Đối với ngành Kế toán, sinh viên nên tìm hiểu các như Misa, Fast… cũng như các thông tin mới nhất về ngành để không bị lạc hậu; hiểu được những yêu cầu nhà tuyển dụng đang cần.

Thư viện DNU được trang bị đầy đủ wifi cùng hàng nghìn đầu sách cho sinh viên tìm kiếm, nghiên cứu tài liệu.

Lập sơ đồ tư duy và tóm lược

Hãy sâu chuỗi kiến thức bằng sơ đồ tư duy. Việc làm này sẽ giúp các bạn hệ thống hóa lại bài học, trình bày chúng theo một mối tương quan logic, việc ghi nhớ sẽ trở nên dễ dàng và lâu dài hơn.

Học nhóm

Như người xưa đã nói rằng “Học thầy không tày học bạn”, việc học tâp không chỉ diễn ra ở trường lớp, mà chúng ta còn phải mở rộng kiến thức của mình từ việc học hỏi với bạn bè. Việc học nhóm sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn nhiều so với học một mình. Vấn đề không hiểu có thể hỏi lẫn nhau, tiết kiệm thời gian suy nghĩ, tìm kiếm thêm tài liệu.

Với những phương pháp học tập mà Ngọc My đưa ra, hy vọng sẽ giúp các bạn tân sinh viên tìm thấy cách tiếp cận phù hợp nhất với bản thân và đạt được kết quả mong muốn.

Khoa Kế toán