Các trường đại học (ĐH) lừng danh của Hoa Kỳ thường được biết đến như là chuẩn mực của sự ưu tú, có phần là nhờ nguồn lực mạnh. Một phần quan trọng trong nguồn lực ấy là từ các Quỹ Hiến tặng (Endowment Fund) do mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là cựu sinh viên đóng góp. Trường ĐH Harvard hiện nay đứng đầu danh sách những trường có quỹ Hiến tặng lớn nhất với 32, 33 tỉ USD (tính đến 30.06.2013), theo sau là Yale với 20 tỉ[1]. Quỹ Hiến tặng Đại học ở Hoa Kỳ đã tăng hơn 100 lần so với năm 1980, mỗi năm tăng khoảng 15% (Xem thêm Phụ lục 1 và 2). Có thể nói, người Mỹ có một truyền thống về việc hiến tặng cho ĐH, truyền thống này nằm trong sự trưởng thành về văn hóa, ở đó người ta cho rằng đóng góp cho những hoạt động vì lợi ích công, đặc biệt là cho trường ĐH, là một cách quan trọng thể hiện sự đền đáp và biết ơn đối với những gì mình nhận được từ nhà trường, cũng như sự trân trọng đối với những gì nhà trường có thể làm cho xã hội. Các trường ĐH ở những nước khác như UK, Canada, Australia cũng có quỹ hiến tặng nhưng quy mô không nổi bật như ở Hoa Kỳ. Riêng ở Châu Á thì sự phát triển của các Quỹ Hiến tặng, nhất là hiến tặng cho ĐH còn rất non trẻ. Ở Việt Nam thì điều này vẫn rất mới, và theo cảm nhận chung của nhiều người, nó dường như là điều bất khả. Bài viết này thảo luận về khả năng xây dựng truyền thống hiến tặng cho ĐH ở Việt Nam, thông qua trình bày kinh nghiệm phát triển Quỹ Hiến tặng ĐH của Trường ĐH Hong Kong, một nơi có truyền thống văn hóa và tâm lý tương đối gần gũi với Việt Nam.
Vài nét về quá trình và thành tựu của việc phát triển Quỹ Hiến tặng ở HKU
HKU vừa kỷ niệm 100 năm ngày thành lập cách đây không lâu (1911-2011), là trường ĐH đầu tiên trên lãnh thổ Hong Kong và là trường ĐH duy nhất ở đây cho đến năm 1963. Được xây dựng trên nền tảng mô hình quản trị đại học của Anh, với tự chủ và tự do học thuật được xem là điều kiện tiên quyết, nó đã đào tạo nhiều thế hệ lãnh đạo, đã trưởng thành và lớn mạnh cùng với lịch sử và khát vọng của Hong Kong.
Ngày nay, trên bảng xếp hạng QS (2013), HKU xếp hạng nhất ở Hong Kong, đứng thứ hai ở Châu Á, và đứng thứ 26 trên toàn thế giới. Trên bảng xếp hạng THES (2013), HKU đứng hạng nhất ở Hong Kong, thứ ba ở Châu Á và thứ 43 trên thế giới. HKU là trường định hướng nghiên cứu, có 12 Khoa và 26 đơn vị trực thuộc, số lượng sinh viên sau ĐH và sinh viên ĐH xấp xỉ bằng nhau với tổng số khoảng 20 ngàn từ 70 quốc tịch; tỉ lệ có việc làm khi ra trường của năm 2012 là 99,7% , lương trung bình là 236.000 HKD/năm, cao nhất so với các trường khác ở HKU, 94% giảng viên có bằng tiến sĩ trở lên. Tổng ngân sách hoạt động năm 2013 là 1,015 tỉ USD, trong đó thu nhập từ các nguồn hiến tặng là 143 triệu (14%) còn ngân sách chính phủ cấp là 575 triệu (57%). Có thể thấy hầu hết các tòa nhà trong HKU đều được đặt tên người, đó chính là tên các nhà tài trợ đã hiến tặng tiền để xây dựng nên tòa nhà ấy.
Quỹ Phát triển HKU (tên đầy đủ là Quỹ Phát triển Giáo dục và Nghiên cứu) được thành lập năm 1995 như một tổ chức thiện nguyện nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện những ước mơ của HKU để nó có thể đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng địa phương và toàn cầu. Từ đó đến nay, đã có nhiều cơ chế khác nhau được thực hiện rất thành công, chẳng hạn Quỹ Học bổng dành cho những sinh viên là người đầu tiên trong gia đình đặt chân vào ĐH, Quỹ Culture & Humanities Fund, SERVICE 100 Fund, Centennial Campus và Centenary Scholarship Fund, đánh dấu 100 năm phát triển của nhà trường. Các khoản hiến tặng có thể được đánh dấu cho mục đích chung hoặc cho một mục đích cụ thể trong việc nghiên cứu, đào tạo, phát triển cơ sở vật chất hay phát triển một dự án nào đó theo ước muốn của nhà tài trợ.
Đơn vị chuyên trách thực hiện công tác gây quỹ cho nhà trường là Phòng Công tác Cựu Sinh viên và Phát triển (Development & Alumni Affairs Office), được khởi sự năm 1995 từ một nhân viên là cô Bernadette Tsui, hiện nay là trưởng đơn vị này với 45 nhân viên. Thậm chí người ta thoạt đầu chỉ định giao cho cô một vị trí công việc bán thời gian. Cô bắt đầu công việc mà cô chưa từng có kinh nghiệm, và cũng không ai khác ở Hong Kong lúc đó có kinh nghiệm, bằng một lá thư kêu gọi ủng hộ cho Quỹ, gửi đến hàng chục ngàn doanh nghiệp, công ty ở Hong Kong. Không một ai trả lời. Kết luận của cô là, nếu chúng ta xem mình như một kẻ ăn xin, thì chắc chắn người khác sẽ đối xử với mình như mình là một kẻ ăn xin thực sự.
Phòng Công tác Phát triển & Cựu SV lúc đó có một chuyên gia tư vấn người Canada. Ông thuyết phục cô cần cho người gọi điện thoại đến các đối tượng tiềm năng để nói về Quỹ và kêu gọi sự đóng góp của họ. Cô chần chừ mãi đến mấy năm sau mới thực hiện, kết quả cũng có chút ít tiền ủng hộ, nhưng một người bị gọi điện phản ứng dữ dội. Cô quyết định chấm dứt cách làm này. Cô hiểu rằng những kinh nghiệm thành công ở phương Tây nhiều khi không thể có kết quả ở Trung Quốc. Người Châu Á không thích bị hỏi tiền và lúc đó hầu như không có ý niệm gì về việc hiến tặng cho ĐH. Cô bắt đầu một cách tiếp cận khác.
Vì HKU là trường ĐH lâu đời nhất của Hong Kong, cựu sinh viên của họ rất đông, và là những người thành đạt ở nhiều cương vị đa dạng trong xã hội. Cô tổ chức các sự kiện cho cựu sinh viên, mục đích tạo một sân chơi để họ nối kết với nhau và gắn kết với nhà trường, và không hề yêu cầu đóng góp. Cựu sinh viên HKU dù ra trường bao nhiêu năm vẫn được quyền sử dụng thư viện của nhà trường, và nhận được thư mời tham dự những buổi diễn thuyết cho công chúng do các học giả nổi tiếng của trường trình bày về kết quả nghiên cứu của họ bằng một ngôn ngữ đơn giản mà người ngoài ngành có thể hiểu được, hay về những vấn đề cả xã hội đang quan tâm. Bằng cách đó, cô đã giúp cho công chúng, đặc biệt là cựu sinh viên, chia sẻ tầm nhìn của nhà trường, hiểu được ý nghĩa và những đóng góp của nhà trường cho xã hội, làm cho họ cảm thấy tự hào vì họ là cựu sinh viên của HKU và khơi dậy trong họ ý muốn giúp nhà trường làm tốt hơn nữa những công việc ấy.
Một trong các sáng kiến ban đầu của cô là Chương trình Hướng dẫn Sinh viên HKU. Mỗi năm, đơn vị của cô làm cầu nối cho khoảng 500 đôi “Người Hướng dẫn – Người được hướng dẫn”. Người hướng dẫn có thể là quản lý cao cấp của các công ty, doanh nghiệp (ban đầu chủ yếu là cựu sinh viên HKU, về sau đã mở rộng hơn), đã hiến tặng cho nhà trường thời gian quý giá của họ để giúp đỡ thế hệ sau; và người được hướng dẫn là những sinh viên có triển vọng của HKU. Mục đích của chương trình này là giúp sinh viên HKU được tiếp xúc với những người thành đạt thế hệ trước và nghe những kinh nghiệm hay chỉ bảo của họ trong công việc, sự nghiệp, hay cuộc sống. Trong thời gian của Chương trình, sinh viên có thể tham dự vào các sự kiện hay hoạt động nghề nghiệp nhờ sự hỗ trợ của người hướng dẫn để học hỏi từ thực tế. Điều này rất có ý nghĩa với sinh viên HKU, vì nhiều em xuất thân trong gia đình khó khăn, chưa bao giờ được biết đến những sự kiện xã hội như những buổi tiếp tân của tầng lớp tinh hoa. Sự đóng góp của cựu sinh viên HKU trong chương trình này không phải là tiền, mà là thời gian. Họ tham gia chương trình hoàn toàn tự nguyện, không được trả tiền, nhưng sự đóng góp đó mang lại cảm giác hài lòng sâu sắc cho họ vì bản thân ý nghĩa của việc làm ấy. Nó cho thấy HKU không chỉ cần tiền, mà cần sự đóng góp thực sự của họ dưới nhiều hình thức khác nhau để nhà trường làm tốt hơn nữa việc đào tạo các thế hệ kế tiếp. Bắt đầu từ năm 1997, đến nay chương trình đã có khoảng 500 ngàn giờ hướng dẫn, rất nhiều người trong số đó là CEO của các doanh nghiệp lớn, và một nửa trong số họ là cựu sinh viên.
HKU đã khởi xướng chương trình Quỹ Giáo dục cho người đầu tiên trong gia đình vào ĐH vào năm 2008 nhằm mang lại cơ hội học tập công bằng cho những người không có điều kiện thuận lợi. Khoảng một phần ba sinh viên HKU là những người gia đình có mức thu nhập dưới mức trung bình của Hong Kong, vì vậy tham gia các hoạt động học tập như học kỳ trải nghiệm ở ngoài nước với họ hầu như rất khó. Quỹ này, như tên gọi của nó, hỗ trợ cho những sinh viên HKU là người đầu tiên trong gia đình vào ĐH và thu nhập hàng tháng dưới 15.000 HK$ (khoảng 2000 US$) mỗi đầu người. Trong 6 năm, Quỹ này đã hỗ trợ 1.800 sinh viên với tổng chi 18, 4 triệu HK$ (khoảng 2,3 triệu US$) để họ có thể tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, trải nghiệm ở nước ngoài, học ngoại ngữ, v.v. Nhờ nguồn quỹ này, nhiều em đã có cơ hội mở rộng tầm mắt ra thế giới bên ngoài, và cảm nhận biết ơn sâu sắc với cộng đồng khiến họ trở thành những người hiến tặng tích cực nhất sau khi ra trường.
Trước đó, HKU có một cơ chế gọi là “Endowed Professorship” thành lập cách đây 9 năm theo mô hình phổ biến ở phương Tây. Endowed Professorship là một vị trí danh dự được trả lương cố định, thường xuyên bằng thu nhập từ một quỹ hiến tặng do cá nhân tài trợ chỉ với mục đích này, nhằm tạo điều kiện cho nhà trường thu hút những tài năng hàng đầu hoặc phát triển hoạt động nghiên cứu trong một lĩnh vực mà nhà tài trợ muốn thúc đẩy. Ở HKU, cơ chế này còn được bổ sung thêm nguyên tắc đối ứng: với mỗi 10 triệu HK$ tài trợ, nhà trường sẽ góp phần đối ứng 10 triệu HK$ để tạo thành một Quỹ 20 triệu HK$. Thu nhập hàng năm tạo ra từ Quỹ này (tối thiểu là 600 ngàn, hay 3%) được dành cho người được bổ nhiệm vào vị trí này để dùng cho mục đích nghiên cứu. Vị trí này có thể được đặt tên bằng tên của nhà tài trợ, hoặc tên khác do nhà tài trợ đề xuất. Được bổ nhiệm vào vị trí này là một vinh dự trong thế giới hàn lâm, vì vậy nhà trường có thể coi đó như một hình thức tưởng thưởng nhằm khích lệ sự ưu tú.
Khởi đầu năm 2005, đến nay, tại Lễ Công bố Lần thứ 8 Các Giáo sư được bổ nhiệm vị trí Endowed Professorship vào tháng 2 năm 2014, HKU đã có được 80 vị trí như thế. Mỗi một vị trí là một khoản quà tặng lớn và đi cùng nó là một câu chuyện và những ước mơ.
Để kỷ niệm 100 năm thành lập HKU, nhà trường có một loạt hoạt động kéo dài từ 2010 đến 2012, bao gồm 350 sự kiện trong đó có sáng kiến dành cho cựu sinh viên: “Mỗi viên gạch là một câu chuyện”. Trong khuôn viên Trường có một khoảnh sân rất đẹp, ở đó có một bức tường ghép bằng nhiều viên gạch, mỗi viên gạch là một khoản tài trợ, trên đó cựu sinh viên không chỉ khắc tên mình mà còn ghi lại một kỷ niệm, một tâm tình, có khi là tình yêu với cha mẹ, vợ con, bạn bè, có khi là sự biết ơn với một người thầy, có khi là một phương châm mà họ muốn truyền đạt cho thế hệ sau. Có người ghi: “Gửi vợ Cory yêu quý nhất đời, em là tất cả cuộc đời anh. Tình yêu của chúng ta đã bắt đầu ở đây năm 2001. Yêu em mãi mãi. ANDY.” Có người ghi lại lời nhắn nhủ của họ cho con cái: “Megan và Andrea, hãy yêu thương, chia sẻ, cho đi, và quan tâm đến mọi người. Bố và mẹ của các con”. “Để tưởng nhớ và vinh danh Thầy Andrew tuyệt vời của chúng em. Eleanor và Gabriel”. Mỗi viên gạch được gắn lên như thế, nhà trường làm một bản sao giống hệt để họ mang về nhà. Một viên gạch là một khoản đóng góp từ 18.000 HK$ (khoảng 2400 US$) trở lên. Trong vòng 5 năm, đã có 1270 viên gạch được gắn lên tường, mang lại cho Quỹ Phát triển HKU 32 triệu HK$ (khoảng 4,3 triệu US$).
Trên đây là một số sáng kiến của HKU để vun đắp truyền thống hiến tặng cho ĐH ở Hong Kong. Thành công của họ đã gây cảm hứng cho nhiều trường khác, một ví dụ có thể kể là Polytechnic University of Hong Kong cũng vừa khởi động chương trình Endowed Professorship của họ vào năm 2013.
Bí quyết thành công
HKU đã làm được một điều tưởng như không thể làm được. Thành công này hẳn nhiên có vai trò to lớn của Bernadette Tsui, do đó những năm sau này cô nhận được vô số lời mời chào hấp dẫn từ những trường khác, nhưng cô chưa bao giờ có ý định rời bỏ HKU, vì cô tin rằng sứ mạng của cô là nối kết mọi thế hệ sinh viên HKU để phục vụ cho nhà trường. Hiệu trưởng đến rồi đi, nhưng cô vẫn ở đó đã gần hai mươi năm và hầu như biết tất cả mọi người. Sau đây là những bí quyết mà cô đã chia sẻ.
Tiền không phải là mục đích
Nếu những người hoạt động gây quỹ xem tiền là mục tiêu, và tất cả những sự kiện mà họ tổ chức là phương tiện, sớm muộn gì đối tượng của họ cũng sẽ nhận ra điều ấy. Tsui hiểu rõ điều quan trọng nhất là chia sẻ tầm nhìn của nhà trường, làm cho xã hội hiểu rõ và trân trọng những giá trị của nhà trường cũng như ý nghĩa của những đóng góp mà nhà trường đem lại cho xã hội. Tất cả vấn đề là quan hệ và uy tín, và quan hệ, uy tín là những thứ phải xây dựng qua thời gian.
Để làm được việc đó, cô đã kiên trì xây dựng mạng lưới cựu sinh viên, hoàn toàn không hối thúc sự đóng góp của họ. Cô tạo ra những kênh thông tin và truyền thông, những ấn phẩm, sinh hoạt xã hội, giúp mọi người duy trì mối quan hệ với nhà trường, hiểu được những gì đang diễn ra, những việc nhà trường đang làm và những việc đó có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Cô quan tâm đến từng chi tiết nhỏ, vì mỗi một chi tiết đều có ý nghĩa. Cô thừa nhận rằng hoạt động gây quỹ cần phải chuyên nghiệp, và bí quyết không phải là ở chỗ hỏi tiền như thế nào mà là chờ đợi. Chờ đợi thời điểm chín mùi để có thể đặt vấn đề và tiền sẽ tự đến mà không cần phải xin xỏ van nài ai.
Thành công của việc gây quỹ là kết quả của tất cả mọi thứ
Tsui có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ khi cô chia sẻ tầm nhìn và những ước mơ của nhà trường. Nhưng cô sẽ không thể làm được điều đó, nếu nhà trường không thực sự có tầm nhìn, có những giá trị mà nó gìn giữ bằng mọi giá. Để có được sự ủng hộ của xã hội, nhà trường cần phải bảo vệ sự chính trực của mình, không thỏa hiệp với điều xấu, điều ác, sự ngu dốt và giả dối. Chỉ có như vậy, nó mới là hiện thân của niềm hy vọng. Đàng sau Bernadette Tsui là hàng ngàn giáo sư ngày đêm miệt mài nghiên cứu, là đội ngũ lãnh đạo kiên trì theo đuổi những giá trị và mục tiêu của HKU, là lịch sử một trăm năm không khoan nhượng với bất cứ điều gì có thể hủy hoại giá trị và mục tiêu ấy. Tsui là một phần của một trường ĐH hiểu rõ rằng tài sản lớn nhất của nó là con người, điều đã được nói rõ trong thông điệp của hiệu trưởng thứ mười lăm và là hiệu trưởng đương nhiệm Peter Mathieson: “Có một điều về nhà trường sẽ không bao giờ thay đổi, là tầm quan trọng của con người. Tài sản lớn lao nhất của HKU đã và sẽ mãi mãi là những con người đang làm việc ở HKU, sinh viên, cựu sinh viên và các thân hữu”.
Thảo luận về việc xây dựng truyền thống hiến tặng cho ĐH ở Việt Nam
Thách thức về văn hóa
Truyền thống hiến tặng chắc chắn là một nét văn hóa. Những ý kiến thảo luận được nêu ra về chủ đề gây quỹ cho ĐH tại Hội nghị Chuyên gia Cao cấp về GDĐH Châu Á ngày 27.06.2014 tại Hong Kong[2]đều cho rằng nó liên quan đến một sự trưởng thành về nhận thức, nhất là nhận thức về ĐH. Ở phương Tây và nhất là ở Hoa Kỳ, người ta rất quen thuộc với những hoạt động đóng góp cho cộng đồng, trong đó có hiến tặng cho ĐH. Những trường hợp di tặng toàn bộ tài sản của mình cho nhà thờ hay nhà trường sau khi qua đời, thay vì để cho con cái thừa kế, không phải là quá hiếm hoi. Không phải là họ không yêu thương con cái, mà do quan niệm rằng mỗi người phải tự đứng trên đôi chân của chính mình, và hưởng những của cải không do công sức mình làm ra chẳng phải là điều gì đáng tự hào. Truyền thống đó được xây dựng trên cơ sở một xã hội có mức độ phúc lợi cao, và nền giáo dục tạo ra ý thức trách nhiệm với cộng đồng từ lúc còn rất nhỏ.
Trái lại, ở những nước đang phát triển, người ta dựa vào gia đình hơn là vào cộng đồng, cho nên ý thức về sự hiến tặng cho xã hội như một cách đền đáp những gì mình đã nhận và đóng góp cho thế hệ sau vẫn còn hạn chế. Người Việt Nam có quyên tặng cho nhà thờ, đền chùa, nhưng việc đó có một ý nghĩa khác, nó là một hoạt động tâm linh hơn là một thái độ xã hội.
Nhưng điều quan trọng hơn, là vai trò và giá trị của trường ĐH đối với xã hội còn mờ nhạt. Vẫn còn nhiều người xem trường ĐH là một trường nghề bậc cao, nơi đem lại cho họ những tri thức cần thiết và một tấm bằng để họ có thể kiếm sống. Vai trò của trường ĐH như một thánh đường tri thức và văn hóa chưa có đủ thời gian để nảy nở và bám rễ bền chặt trong đời sống tinh thần của xã hội, thì làn sóng thị trường và thương mại hóa giáo dục đã nhanh chóng biến nhà trường thành cái chợ, nơi mà tất cả đều có thể mua và bán.
Liệu người ta có thể hiến tặng tài sản của mình cho một ngôi trường trong đó người thầy là thợ dạy và giám thị là các đốc công? một ngôi trường mà người ta không từ bất cứ thủ đoạn nào để hạ nhau và giành quyền kiểm soát? Một ngôi trường mà mối quan tâm lớn nhất của hiệu trưởng là bảo vệ vị trí của mình bất kể mọi phương tiện? Một ngôi trường mà những gì họ nói khác hẳn với những gì họ làm? Nếu là cựu sinh viên, liệu người ta có hiến tặng cho một ngôi trường mà điểm số và bằng cấp có thể mua bán, một ngôi trường không để lại kỷ niệm gì tốt đẹp, không làm cho người ta cảm thấy tự hào? Một ngôi trường không có giá trị cốt lõi, không có tầm nhìn, không có khát vọng, không có ước mơ, không có những con người tận tụy dấn thân cho sứ mệnh của nó không thể nào là hiện thân của hy vọng và không thể nào thuyết phục được xã hội.
Chính vì vậy, xây dựng truyền thống hiến tặng là một việc có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Nó không phải chỉ là đa dạng hóa nguồn thu trong bối cảnh tài chính công hạn hẹp. Nó không chỉ mang lại thêm nguồn lực để nhà trường có thể làm được nhiều việc có ý nghĩa hơn. Nó là phương tiện gắn kết nhà trường với xã hội. Nó là cầu nối giữa các thế hệ sinh viên. Nó đem lại cho người ta niềm tự hào mình là một phần có ý nghĩa của một tổ chức cao quý và có đóng góp cho sự lớn mạnh của tổ chức đó. Để có thể xây dựng được truyền thống hiến tặng và thành công trong việc gây quỹ, nhà trường phải giữ gìn giá trị và uy tín của mình, không ngừng xiển dương sự ưu tú và những nỗ lực đóng góp cho sự tiến bộ của nhân loại.
Thách thức về cơ chế
Một điều rất đáng kinh ngạc là thách thức về cơ chế ở Việt Nam. Hiện nay, cơ chế hoạt động cho trường tư không vì lợi nhuận chỉ mới vừa được ban hành theo Nghị định 141 Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật GDĐH, nhưng chưa có đủ thời gian để đi vào thực tế, vì vậy hiện nay các trường tư đều là các trường vì lợi nhuận. Các trường này rất khó xây dựng Quỹ Hiến tặng, ngoài những quỹ học bổng quy mô không đáng kể.
Trong khi đó, các trường công lập lại không thể nào lập Quỹ Hiến tặng, do không có cơ chế tài chính để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý Quỹ. Quỹ Phát triền ĐHQG-HCM là cơ quan duy nhất ở Việt Nam hiện nay được thành lập nhằm mục đích động viên các nguồn lực xã hội cho mục đích phát triển ĐH. Tuy nhiên, có thể nói ảnh hưởng của Quỹ trong xã hội và trong giới sinh viên vẫn còn hạn chế.
Một lý do tạo ra những hạn chế đó là cơ chế nhà nước chưa khích lệ việc hiến tặng. Để xây dựng truyền thống hiến tặng, chính phủ các nước đều miễn thuế cho các khoản thu nhập dùng cho mục đích hiến tặng, và tạo ra nhiều hình thức khích lệ khác như cấp kinh phí đối ứng, tức là cứ mỗi đồng hiến tặng trường quyên góp được thì nhà nước cho thêm một đồng để lập thành một quỹ cho các hoạt động của nhà trường. Hai hình thức khích lệ này chưa hề có ở Việt Nam.
Kết luận
Thay đổi văn hóa là một việc cần nhiều thời gian, nhưng có thể làm được. HKU đã chứng minh được điều đó. Ở Việt Nam, những năm gần đây một số trường đã bắt đầu chú ý đến công tác cựu sinh viên và nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng mạng lưới này. Tuy vậy, thành công còn khá hạn chế. Để có thể đạt được những thành tựu lớn hơn, kinh nghiệm của HKU là rất đáng tham khảo. Nếu có một từ khóa cho bí quyết thành công trong hoạt động gây quỹ, thì từ đó sẽ là NIỀM TIN. Người làm công tác gây quỹ phải tin vào sứ mệnh và tầm nhìn của nhà trường, tin vào những giá trị mà nhà trường ấp ủ, tin vào tính chính đáng trong hoạt động của mình, tin vào ý nghĩa của việc mình làm, thì họ mới có thể thuyết phục và làm cho người khác tin vào tầm quan trọng của những thứ mà nhà trường mang lại cho xã hội. Lãnh đạo nhà trường cần phải tin người làm công tác gây quỹ của mình, cho họ một không gian đủ rộng để thể nghiệm mọi sự sáng tạo. Và cuối cùng, ý nghĩa của việc xây dựng truyền thống hiến tặng là tạo ra ý thức thuộc về cộng đồng, thay vì phụ thuộc vào nhà nước hoặc thị trường. Với ý nghĩa đó, truyền thống hiến tặng có lợi cho tất cả các bên: nhà trường có thêm nguồn lực để cải thiện hoạt động, và để có nguồn lực đó họ phải trung thành với những giá trị của mình; nhà tài trợ có lợi vì cảm giác hài lòng khi đóng góp cho một sự nghiệp có ý nghĩa cao quý và được ghi nhận, được vinh danh theo những cách phù hợp; cá nhân hay đơn vị được nhận tài trợ có lợi vì có thêm nguồn lực, nguồn động viên cho hoạt động. Xã hội được lợi vì những hoạt động này nâng cao phẩm chất công việc của trường ĐH và làm cho nhà trường có ý nghĩa thiết yếu hơn đối với xã hội.
Nguồn: Phạm Thị Ly https://www.lypham.net/?p=1067
Viết xong tại Hong Kong ngày 28.06.2014.
Phụ lục 1. 50 trường đứng đầu về quy mô Quỹ Hiến tặng tính đến 30.06.2013
Thứ hạng |
Tên trường |
Giá trị Quỹ |
1 |
Harvard University |
32,334 |
2 |
Yale University |
20,780 |
3 |
The University of Texas System |
20,448 |
4 |
Stanford University |
18,689 |
5 |
Princeton University |
18,200 |
6 |
Massachusetts Institute of Technology |
11,006 |
7 |
The Texas A&M University System |
8,732 |
8 |
University of Michigan |
8,382 |
9 |
Columbia University |
8,198 |
10 |
Northwestern University |
7,883 |
11 |
University of Pennsylvania |
7,741 |
12 |
University of Notre Dame |
6,856 |
13 |
University of Chicago |
6,669 |
14 |
University of California |
6,377 |
15 |
Duke University |
6,041 |
16 |
Emory University |
5,816 |
17 |
Washington University in St. Louis |
5,652 |
18 |
Cornell University |
5,272 |
19 |
University of Virginia |
5,167 |
20 |
Rice University |
4,837 |
21 |
University of Southern California |
3,868 |
22 |
Dartmouth College |
3,734 |
23 |
Vanderbilt University |
3,673 |
24 |
The Ohio State University |
3,149 |
25 |
Johns Hopkins University |
2,987 |
26 |
University of Pittsburgh |
2,976 |
27 |
The Pennsylvania State University |
2,957 |
28 |
New York University |
2,949 |
29 |
University of Minnesota |
2,757 |
30 |
Brown University |
2,670 |
31 |
University of North Carolina at Chapel Hill |
2,381 |
32 |
University of Washington |
2,347 |
33 |
Purdue University |
2,182 |
34 |
University of Richmond |
2,023 |
35 |
University of Wisconsin Foundation |
2,020 |
36 |
Williams College |
1,997 |
37 |
University of Illinois & Foundation |
1,926 |
38 |
California Institute of Technology |
1,850 |
39 |
Amherst College |
1,824 |
40 |
Pomona College |
1,823 |
41 |
Boston College |
1,809 |
42 |
Rockefeller University |
1,772 |
43 |
Indiana University & Foundation |
1,735 |
44 |
University of Rochester |
1,730 |
45 |
Georgia Institute of Technology |
1,715 |
46 |
Case Western Reserve University |
1,679 |
47 |
Michigan State University |
1,637 |
48 |
Swarthmore College |
1,635 |
49 |
University of Toronto |
1,593 |
50 |
Smith College |
1,557 |
Nguồn: Boston College