10/04/2021

5713

Trường ĐH Đại Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Nhu cầu xã hội về đào tạo trình độ Tiến sĩ ngành Quản lý kinh tế”

Với mục tiêu mở ngành đào tạo trình độ Tiến sĩ theo kế hoạch phát triển của nhà trường, đáp ứng nhu cầu của người học và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, Trường Đại học Đại Nam tổ chức “Tọa đàm khoa học Nhu cầu xã hội về đào tạo trình độ Tiến sĩ ngành Quản lý kinh tế” với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đào tạo Tiến sĩ Quản lý kinh tế.

Tọa đàm khoa học “Nhu cầu xã hội về đào tạo trình độ Tiến sĩ ngành Quản lý kinh tế” của Đại Nam quy tụ được các cây đa, cây đề trong lĩnh vực đào tạo Tiến sĩ ngành Quản lý kinh tế.

Tham gia buổi Tọa đàm, về phía khách mời có đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và các giảng viên đến từ các trường đại học uy tín. Về phía Trường Đại học Đại Nam có thầy Lê Đắc Sơn - Chủ tịch Hội đồng trường, các thầy cô trong Ban Giám hiệu và Viện Đào tạo Sau đại học (SĐH).

Phát biểu khai mạc, thầy Lê Đắc Sơn cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà sử dụng lao động đã dành thời gian quý báu tham dự buổi Tọa đàm; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng chương trình đào tạo Tiến sĩ ngành Quản lý kinh tế đáp ứng nhu cầu phát triển của nhà trường và góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Thầy Lê Đắc Sơn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đại Nam phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm.

“Sau gần 15 năm kể từ ngày thành lập, Trường Đại học Đại Nam đã có 18 ngành đào tạo trình độ đại học; 05 ngành đào tạo trình độ sau đại học. Trong lộ trình phát triển, Đại Nam xây dựng kế hoạch  đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội ở các bậc học cao hơn. Chính vì thế, Hội đồng trường đã giao cho Viện Đào tạo SĐH xây dựng Đề án mở ngành và xin phép đào tạo trình độ Tiến sĩ ngành Quản lý kinh tế. Hội nghị ngày hôm nay quy tụ được các nhà khoa học có uy tín cao và giàu kinh nghiệm  trong lĩnh vực đào tạo Tiến sĩ Quản lý kinh tế của cả nước. Đây là tiền đề quan trọng để Đại Nam hoàn thiện việc xây dựng khung chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra và các điều kiện đảm bảo đào tạo để có thể chính thức tuyển sinh trong thời gian tới…” thầy Lê Đắc Sơn nói.

Tại buổi Tọa đàm, PGS. TS Phan Trọng Phức – Phó Hiệu trưởng phụ trách Viện Đào tạo SĐH trình bày báo cáo khảo sát nhu cầu đào tạo trình độ Tiến sĩ ngành Quản lý kinh tế; Chuẩn đầu ra và chương trình khung đào tạo trình độ Tiến sĩ ngành Quản lý kinh tế do Viện đào tạo SĐH, Trường Đại học Đại Nam chủ trì biên soạn.

Sau khi lắng nghe báo cáo của Viện SĐH, Hội nghị đã cùng thảo luận đánh giá nhu cầu học tập và đóng góp ý kiến xây dựng khung chương trình đào tạo đối với ngành Quản lý kinh tế trình độ Tiến sĩ của Đại học Đại Nam.

Các chuyên gia cơ bản đánh giá cao và đồng thuận với chủ trương đào tạo trình độ Tiến sĩ ngành Quản lý kinh tế của Đại Nam.

Theo ý kiến của TS. Nguyễn Trí Thành - chuyên gia kinh tế, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Đại học Đại Nam xây dựng lộ trình để đào tạo ngành Quản lý kinh tế ở bậc Tiến sĩ là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, nhà trường cần tạo được sự cạnh tranh trong chương trình đào tạo để thu hút người.

“Sự cạnh tranh có thể đến từ đội ngũ giảng viên quốc tế, chuyên gia đến từ doanh nghiệp, nội dung học tập mới, cập nhật. Bên cạnh đó, trường nên có chiến lược, triết lý đào tạo riêng, tăng cường thời lượng kỹ năng mềm, ngoại ngữ và công nghệ thông tin…” TS. Nguyễn Trí Thành góp ý.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá, cách tiếp cận của Đại Nam là tiếp cận trên cơ sở nhu cầu xã hội, khảo sát nhu cầu xã hội triển khai rất tốt.

Bên cạnh chất lượng đào tạo, môi trường đào tạo rất quan trọng. Sự thân thiện hướng tới người học cũng là điểm khác biệt để thu hút thí sinh. Hầu hết người học đều đang rất yếu về kỹ năng mềm, tuy nhiên, đào tạo kỹ năng mềm ở trình độ Tiến sĩ nên tập trung vào một số kỹ năng trọng tâm phục vụ trực tiếp quá trình học tập, làm việc, nghiên cứu tránh gây nhàm chán cho người học…” PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh.

Tại buổi Tọa đàm, PGS.TS Trần Đức Hiệp – Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc Gia Hà Nội) đánh giá cáo sự nỗ lực của Đại học Đại Nam. “Chương trình đào tạo của nhà trường khá toàn diện, gần như đáp ứng được sự mong mỏi của người học. Tuy nhiên, nhìn từ mục tiêu, chuẩn đầu ra đang hướng người học đến việc giải quyết vấn đề. Đây là mục tiêu tốt, nhưng mỗi một người hướng tới giải quyết vấn đề một khác. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo phải đưa các môn học để cung cấp cho người học các kỹ năng lãnh đạo cao cấp, chuyên gia. Người học phải được trải nghiệm tại các mạng lưới doanh nghiệp, cơ sở liên kết đào tạo..”

TS. Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế, Bộ Tài chính cũng khẳng định nhu cầu học Tiến sĩ Quản lý kinh tế đang rất lớn. Minh chứng là trường đại học nào có đào tạo trình độ Tiến sĩ đều lựa chọn đào tạo ngành Quản lý kinh tế.

TS. Vũ Đình Ánh cho biết thêm: Hiện nay trong tất cả các chương trình đào tạo, người học yếu nhất là kỹ năng đọc - hiểu - rút ra vấn đề cần quan tâm và hiện chưa thấy một trường đại học, học viện nào nào đưa môn học, phương pháp này vào đào tạo cho người học. Đại học Đại Nam có thể bổ sung nội dung này để tạo sự khác biệt.

TS. Bùi Thị Hồng Việt - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân góp ý, khi xây dựng chương trình đào tạo, Trường Đại học Đại Nam nên cân nhắc xây dựng các học phần có khối lượng/thời lượng đào tạo tương thích.

PGS.TS Trần Việt Lâm - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân ủng hộ việc Trường Đại học Đại Nam đào tạo Tiến sĩ Quản lý kinh tế. Tuy nhiên, đây là ngành đầu tiên nên trường cần hết sức thận trọng trong từng khâu, từ xây dựng chuẩn đầu ra cho phù hợp với yêu cầu của cơ quan quản lý, tạo điều kiện cho người học đến việc truyền thông thu hút người học ghi danh vào trường.

Các đại biểu, chuyên gia, chủ doanh nghiệp, thầy cô giáo tại Tọa đàm.

Thay mặt Trường Đại học Đại Nam, PGS.TS Phan Trọng Phức cảm ơn và ghi nhận ý kiến đóng góp của các vị đại biểu nhằm xây dựng chương trình đào tạo trình độ Tiến sĩ ngành Quản lý kinh tế đáp ứng tốt nhất nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội. Nhà trường tin tưởng rằng, những Tiến sĩ Quản lý kinh tế của Đại Nam trong tương lai sẽ là những người vững kiến thức chuyên môn, có kỹ năng và thái độ làm nghề chuyên nghiệp, có khả năng hội nhập tốt với bối cảnh quốc tế đầy cạnh tranh nhưng cũng không ít những cơ hội hiện nay.

BTT