Cấu trúc logic của một thuyết trình khoa học
Thuyết trình khoa học đòi hỏi những nguyên tắc và quy trình nhất định. Thông thường, thuyết trình khoa học có cấu trúc logic bao gồm các thành phần như sau: 1) Vấn đề thuyết trình; 2) Các luận điểm khoa học; 3) Các luận cứ (khoa học và thực tiễn); và, 4) Luận chứng (phương pháp) của thuyết trình
CẤU TRÚC THUYẾT TRÌNH |
TRẢ LỜI CÂU HỎI |
Vấn đề thuyết trình - (Câu hỏi) |
Đưa luận điểm gì đây? |
Luận điểm thuyết trình (Trả lời) |
Chứng minh điều gì? |
Luận cứ thuyết trình – để chứng minh luận điểm |
Chứng minh bằng cái gì? |
Luận chứng (Phương pháp) thuyết trình |
Chứng minh bằng cách nào? |
1. Vấn đề thuyết trình
Mỗi khi chuẩn bị thuyết trình, người nghiên cứu không chỉ dừng lại ở việc nêu chủ đề mà còn phải đặt ra câu hỏi, và phải tự trả lời cho mình câu hỏi: “Luận điểm nào sẽ được trình bày đối với đối tượng, hay đối với hình thức thuyết trình đã được lựa chọn?”. Câu hỏi được đặt ra cho mỗi bản thuyết trình như vậy, được hiểu là vấn đề thuyết trình. Việc nêu vấn đề thuyết trình, tức nêu câu hỏi như vậy sẽ giúp cho bản thuyết trình có nội dung phong phú và có thể làm xuất hiện nhiều ý tưởng hay cho bản thuyết trình.
Như vậy, trước khi thuyết trình, người nghiên cứu phải biết đưa ra vấn đề thuyết trình - tức là nêu câu hỏi cho mình, chứ không chỉ dừng lại ở việc nêu chủ đề.
Trong thực tế, hai khái niệm “Chủ đề” (Subject): « Nguyên nhân trẻ hư » với “Vấn đề” (Problem): “Con hư tại ai?” thường hay bị nhầm lẫn. Sự khác nhau ở đây là, chủ đề được trình bày dưới hình thức một câu khuyết, còn vấn đề phải được trình bày dưới dạng một câu nghi vấn.
2. Luận điểm thuyết trình
Thông thường, mỗi bản thuyết trình phải có ít nhất 1 luận điểm của tác giả. Hay nói cách khác, mỗi bản thuyết trình phải trả lời được ít nhất một câu hỏi: “Tác giả định chứng minh điều gì?”. Con hư tại cha, chứ không phải tại mẹ
Vấn đề ở đây là, mỗi một “luận điểm” đưa ra phải được thể hiện một cách rõ ràng, không chung chung. Hơn nữa, mỗi luận điểm phải nêu được một góc cạnh của tư duy khoa học, và phải nêu lên được mối liên hệ chủ yếu.
3. Luận cứ của thuyết trình
Luận cứ của thuyết trình là luận cứ được sử dụng để chứng minh luận điểm của bản thuyết trình. Luận cứ trả lời câu hỏi: “Chứng minh bằng cái gì?”
Bản thuyết trình phong phú nhờ luận cứ. Bài thuyết trình thiếu luận cứ là một bài giảng nghèo nàn, và bài thuyết trình chỉ lặp đi lặp lại một vài luận cứ là một bài giảng buồn tẻ.
Tuy nhiên, với mỗi đối tượng nghe thuyết trình, người thuyết trình phải đưa ra những luận cứ khác nhau. Do vậy, khi chuẩn bị đưa một luận điểm để bảo vệ trước một hội đồng hoặc trình bày trước một đối tượng cụ thể, người thuyết trình phải chuẩn bị rất nhiều luận cứ từ các góc độ khác nhau.
4. Luận chứng (Phương pháp) thuyết trình
Theo logic hình thức, luận chứng là cách thức, phương pháp, thao tác được sử dụng để liên kết luận cứ với luận đề, hay liên kết các luận cứ với nhau. Ở đây, luận chứng có thể được hiểu là một tập hợp các phương pháp, thao tác, thủ thuật có quan hệ tương tác, bổ sung cho nhau, được người nghiên cứu sử dụng nhằm thuyết trình, chứng minh cho các giả thuyết hay luận điểm khoa học
Vận dụng luận chứng trong thuyết trình khoa học như thế nào cho thích hợp với người đối thoại, là vấn đề vừa mang tính chất kỹ thuật, vừa mang tính chất nghệ thuật. Thực tế cho thấy, một số phép suy luận như: diễn dịch, quy nạp và loại suy, thường được sử dụng trong thuyết trình khoa học.
4.1. Diễn dịch là phép suy luận đi từ cái chung đến cái riêng. Trong phương pháp diễn dịch, người thuyết trình đi từ lý thuyết đến thực tiễn. Người đối thoại/người nghe trong thuyết trình khoa học là trí thức thường rất thích nghe lập luận diễn dịch.
4.2. Quy nạp là phép suy luận đi từ cái riêng đến cái chung. Trong phương pháp quy nạp, người thuyết trình đi từ các sự kiện thực tế để khái quát hóa thành lý thuyết. Đối với nhóm có trình độ học vấn thấp, phương pháp lập luận quy nạp tỏ ra hiệu quả hơn.
4.3. Loại suy là phép suy luận đi từ cái riêng đến cái riêng. Trong phương pháp loại suy, người thuyết trình đi từ những câu chuyện đơn giản tưởng như chẳng có liên quan gì đến chủ đề thuyết trình để giải thích những luận điểm rất trừu tượng về mặt lý thuyết. Đối với những chủ đề khó, người thuyết trình nên ưu tiên sử dụng phương pháp loại suy
Suy luận loại suy xuất phát từ sự giống nhau có thực của hai đối tượng đó, để đưa ra kết luận.
Ví dụ 1:
Tiền đề: Trái đất là một hành tinh có lớp khí bao bọc, có nước và: Sao hỏa cũng là hành tinh, cũng có lớp khí quyển. Kết luận: Vậy Sao hỏa cũng có (hoặc có thể có) nước.
Ví dụ 2:
Tiền đề: Cây mía, có cơ chế dự trữ đường
và: Củ cải có cơ chế dự trữ đường
Kết luận: Thực vật cũng (có thể) có cơ chế dự trữ đường
Điều kiện giá trị logic cho suy luận loại suy
Suy luận loại suy có giá trị logic nhất định nào đó khi có đủ các điều kiện:
a/ Biết chắc sự giống nhau giữa hai đối tượng là phải thiết yếu, có yếu tố tương tự hoặc tương đương.
Ở ví dụ 1: Trái đất và Sao hỏa cùng là các hành tinh.
Ở ví dụ 2: Mía và củ cải cùng là thực vật.
b/ Có sự liên hệ tất yếu giữa tính chất được gán cho đối tượng thứ hai, với bản tính chung nêu giữa hai đối tượng. Ở ví dụ 1, bản tính chung gán cho hai đối tượng là lớp khí quyển
Trong mệnh đề kết luận: tính chất đầu gán cho đối tượng thứ hai (Sao hỏa) là: có nước, thì có liên hệ với tính chất " có lớp khí quyển" sẽ là một gợi ý có giá trị.
Suy luận loại suy có tính chất bấp bênh nhưng lối suy luận đó có giá trị phong phú vì góp phần gợi ra những giả thuyết mới.
Vận dụng các phương pháp thuyết trình thế nào cho thích hợp với người đối thoại, vừa mang tính chất kỹ thuật, vừa mang tính chất nghệ thuật. Chẳng hạn, ngay đối với nhóm trí thức là nhóm ưa thích phương pháp lập luận diễn dịch, người thuyết trình cần ưu tiên lập luận diễn dịch. Nhưng khi cử tọa trí thức mệt mỏi, người thuyết trình cũng nên chuyển sang lập luận quy nạp. Đến khi trí thức bắt đầu ngủ gật thì nên chuyển sang lập luận loại suy, bằng cách khéo léo tìm những luận cứ vui để “dựng” trí thức dậy
Cấu trúc logic của một thuyết trình khoa học là một quy trình chặt chẽ. Tuy nhiên, các thành phần thuộc cấu trúc logic của thuyết trình khoa học như đã nêu trên (vấn đề, luận điểm, luận cứ và luận chứng) không nhất thiết bao giờ cũng phải được trình bày/thể hiện mà tùy thuộc vào mục đích và vào từng hình thức thuyết trình cụ thể. Dưới đây là bảng tổng hợp các trường hợp phải trình bày theo cấu trúc logic của thuyết trình khoa học.
TT |
Mục đích thuyết trình |
Nêu vấn đề |
Luận điểm |
Luận cứ |
Luận chứng |
1 |
Công bố ý tưởng khoa học |
x |
x |
Không |
Không |
2 |
Công bố kết quả nghiên cứu |
[x] |
x |
x |
x |
3 |
Đề xướng một cuộc tranh luận |
x |
x |
Không |
Không |
4 |
Tham gia hội thảo khoa học Tham gia hội nghị khoa học |
[x] |
[x] |
x |
x |
5 |
Bảo vệ kết quả nghiên cứu |
x |
x |
x |
x |
6 |
Giới thiệu sản phẩm nghiên cứu |
Không nhất thiết có cấu trúc logic |
Dấu (x) - cần thiết phải trình bày
Dấu ([x]) - có thể không cần thiết phải trình bày
"Không" - không cần trình bày
TS. Vũ Trường Sơn
Viện Đào tạo Sau đại học – Đại học Đại Nam