12/06/2018

2412

Liên kết nhà trường với doanh nghiệp: Kinh nghiệm của trường Đại học Đại Nam

Hiện nay, tình trạng sinh viên các trường đại học sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc việc làm không phù hợp với chuyên môn có xu hướng ngày càng tăng lên. Số sinh viên có việc làm về chất lượng cũng không đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp vẫn thiếu lao động cả về số lượng và chất lượng.
PGS.TS Trần Anh Tài, Viện Đào tạo SĐH

           

Hiện nay, tình trạng sinh viên các trường đại học sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc việc làm không phù hợp với chuyên môn có xu hướng ngày càng tăng lên. Số sinh viên có việc làm về chất lượng cũng không đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp vẫn thiếu lao động cả về số lượng và chất lượng.
          Thực trạng trên phản ánh sự bất cập, không ăn khớp giữa đào tạo và sử dụng, giữa nhà trường với doanh nghiệp, từ đó đặt ra vấn đề các trường đại học cần phải quan tâm hơn nữa đến sự liên kết, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.
            Trải qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, với chủ trương xây dựng một trường đại học chất lượng cao theo định hướng ứng dụng, Trường Đại học Đại Nam luôn luôn coi trọng hợp tác liên kết với các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, coi đây như là lợi thế của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên. Nhà trường đã liên kết toàn diện với một số doanh nghiệp trong việc thiết kế và quản lý chương trình đào tạo, tổ chức tuyển sinh, tổ chức đào tạo, thực tập thực tế và phối hợp giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nhà trường thường xuyên kết hợp với doanh nghiệp tổ chức hội chợ việc làm, các chương trình tuyển dụng, dịch vụ tư vấn việc làm cho sinh viên nhằm giúp sinh viên nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp và tạo nhiều cơ hội việc làm cho cho sinh viên. Để trang bị thêm kỹ năng nghề nghiệp cũng như kỹ năng sống và làm việc cho sinh viên, hàng năm nhà trường đều tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng mềm (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng viết CV xin việc, kỹ năng làm việc thực tế tại doanh nghiệp) cho sinh viên đặc biệt là sinh viên năm cuối. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các chương trình hội thảo, các buổi giao lưu với doanh nghiệp nhằm bổ sung kiến thức thực tế đồng thời tăng thêm động lực và niềm hứng khởi cho sinh viên trong học tập và khởi nghiệp. Đặc biệt nhà trường đã phối hợp với các tổ chức và doanh nghiệp trong việc tổ chức thực tập thực tế cho sinh viên, tuyển dụng sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Nhà trường không chỉ quan tâm đến sinh viên trong quá trình đào tạo mà còn quan tâm đến việc làm của sinh viên sau khi ra trường. Nhà trường đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp về việc tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp: Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Auchan (Pháp), Công ty GPO, một tổ chức hàng đầu về cung cấp các dịch vụ quản trị nguồn  nhân lực tại thị trường Việt Nam và  ASEAN, Công ty ePacific Telecom, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), CTCP Quảng cáo và Truyền thông Sao Việt. Đặc biệt, mới đây ngày 18 tháng 4 năm 2018 nhà trường đã ký hợp tác chiến lược với CTCP Giáo dục và Đào tạo IMAP Việt Nam về nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên được học tập trong môi trường quốc tế với mức học phí ưu đãi; ngày 20 tháng 4 năm 2018 nhà trường ký hợp tác với Tổ chức hỗ trợ nguồn lực Châu Á (AJK) về hỗ trợ đào tạo, trao đổi giảng viên.
        Bên cạnh các hoạt động liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động gắn kết và phục vụ xã hội, cộng đồng như hoạt động tình nguyện, hoạt động từ thiện: “đông ấm yêu thương”,“tấm bánh nghĩa tình”, “hiến máu nhân đạo”, đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh các trường phổ thông, tổ chức hội trại truyền thống  v..v. Tất cả hoạt động trên đều thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ, giảng viên và sinh viên trong toàn trường.
          Các hoạt động liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên:
        - Trước hết, sản phẩm đầu ra của nhà trường đã có nơi đặt hàng, đã có địa chỉ sử dụng nên sinh viên ra trường sẽ có việc làm ngay và việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo. Hơn 90% sinh viên trường Đại học Đại Nam có việc làm sau một năm tốt nghiệp.
       - Liên kết với doanh nghiệp, nhà trường có thể nắm bắt được các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, phẩm chất của sản phẩm đào tạo. Các thông tin này có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thiết kế nội dung, chương trình đào tạo cũng như đổi mới phương pháp đào tạo của nhà trường  .
     - Qua liên kết với doanh nghiệp, nhà trường có nhiều cơ hội để tăng cường cơ sở vật chất. Các doanh nghiệp có thể hỗ trợ giải quyết một phần khó khăn cho nhà trường về giảng đường, phòng thí nghiệm, thiết bị dạy học và đào tạo tại doanh nghiệp.
      - Thông qua liên kết với doanh nghiệp, nhà trường được hỗ trợ nguồn tài chính thông qua cấp học bổng cho sinh viên, trả học phí dưới dạng tài trợ cho đại học để đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho DN, cung cấp tài chính cho nhà trường thông qua ký các hợp đồng nghiên cứu, tư vấn.
     - Liên kết đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp đã góp phần đổi mới phương pháp dạy học, thực tập của sinh viên cũng phải thay đổi theo hướng phục vụ người học, đảm bảo sự linh hoạt và bám sát thực tế.
          Chú trọng liên kết với các doanh nghiệp và tổ chức xã hội, Trường Đại học Đại Nam đã và đang hướng tới một môi trường đào tạo thực chất, năng động, chuyên nghiệp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của xã hội và của người học.