15/03/2023

1968

TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Đại Nam trực tiếp đào tạo CB - GV: Người nói đầy tâm huyết - người nghe bằng cả trái tim

Liên tục trong suốt 4 tiếng đồng hồ, trước gần 500 cán bộ, giảng viên, TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đại Nam đã có những chia sẻ đầy tâm huyết về chiến lược phát triển và những chính sách hành động của Nhà trường trong giai đoạn mới. Sự tâm huyết, máu lửa của người thuyền trưởng đã chạm đến trái tim, ý chí của tất cả cán bộ, giảng viên trong trường, cùng nhau hun đúc ý chí, quyết tâm xây dựng – phát triển Đại Nam lớn mạnh, trường tồn.

Muốn đi xa thì đi cùng nhau...

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, giảng viên và nhân viên là hoạt động thường niên của trường Đại học Đại Nam nhằm xây dựng – phát triển đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, giỏi chuyên môn, nhiệt huyết đáp ứng yêu cầu công việc; giúp mỗi nhân sự hiểu và hòa nhập tốt nhất môi trường, văn hóa để phục vụ sự phát triển chung của Nhà trường và không ngừng khẳng định giá trị của bản thân.

TS. Lê Đắc Sơn trực tiếp đứng lớp đào tạo, bồi dưỡng cho gần 500 cán bộ, giảng viên.

Năm nay, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường Đại học Đại Nam diễn ra từ ngày 11/3 – 22/4/2023 với 10 chuyên đề lớn, gồm:

  1. Chiến lược phát triển của trường Đại học Đại Nam giai đoạn 2023 – 2030;
  2. Quan hệ công chúng và truyền thông;
  3. Nội quy, chế độ dành cho cán bộ, giảng viên;
  4. Phương pháp quản lý và điều hành cấp khoa;
  5. Xây dựng chương trình đào tạo mới đảm bảo theo tiêu chuẩn kiểm định;
  6. Phương pháp giảng dạy tích cực;
  7. Công tác nghiên cứu khoa học;
  8. Tăng cường viết bài NCKH trong nước và quốc tế;
  9. Văn hóa Đại học Đại Nam;
  10.  Nâng cao nghiệp vụ giáo vụ khoa;

Liên tục trong suốt 4 tiếng đồng hồ, những chia sẻ đầy tâm huyết đã chạm đến trái tim và ý chí của tất cả cán bộ, giảng viên.

Những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của DNU từ nay đến năm 2030

Mở đầu khóa đào tạo, từ 8h00 -12h00 ngày 11/03/2023, tại hội trường lớn, trước toàn thể cán bộ, giảng viên của trường, TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đại Nam đã trực tiếp chia sẻ về chiến lược phát triển và những chính sách hành động của Nhà trường trong giai đoạn mới.

Cụ thể: Giai đoạn 2023 – 2030 là giai đoạn cạnh tranh khốc liệt của giáo dục đại học Việt Nam. Để phát triển và lớn mạnh, Đại học Đại Nam cần phải tái cấu trúc về mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo cho năm học mới (K17) và làm sâu sắc thêm văn hóa tổ chức Nhà trường.

“Chất lượng sản phẩm được hiểu là chất lượng chương trình đào tạo. Trọng tâm của văn hóa tổ chức là yếu tố con người thực thi sứ mệnh của tổ chức. Thực tế cho thấy, không một công ty, một doanh nghiệp nào trường tồn bằng cách đánh bại đối thủ cạnh tranh mà chỉ có thể trường tồn và phát triển dựa trên việc vượt qua chính mình. Trường Đại học Đại Nam phải là một tổ chức biết vượt qua chính mình, phải tăng tốc, phải thay đổi, phải tái cơ cấu để phát triển, bứt tốc, chớp thời cơ...” TS. Lê Đắc Sơn nhấn mạnh.

Hiểu về chiến lược phát triển, văn hóa tổ chức là cách tốt nhất để hòa nhập môi trường làm việc, phụng sự sự phát triển chung của Nhà trường và khẳng định giá trị bản thân...

Theo đó, Đại học Đại Nam đã xác định rõ ràng những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2030:

Thứ nhất, bắt đầu từ năm học 2023 – 2024, toàn trường sẽ triển khai đào tạo 03 học kỳ/năm học (áp dụng từ sinh viên khóa 17 trở đi). Mục tiêu của việc này là rút ngắn thời gian đào tạo của sinh viên nhưng vẫn hoàn toàn đảm bảo về chất lượng theo chuẩn đầu ra. Việc ra trường sớm từ 0,5 - 1 năm sẽ giúp sinh viên tiết kiệm hàng trăm triệu đồng ăn ở, sinh hoạt trong quá trình học đại học, đồng thời các em còn sớm tham gia vào thị trường lao động để có thu nhập cho mình và có thêm nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Riêng chương trình đào tạo của ngành Y khoa giữ nguyên vì tính chất đào tạo đặc thù của ngành này.

Thứ hai, việc dạy và học phải từng bước triển khai theo những tiêu chí: Nội dung cốt lõi của ngành, môn học; giảm áp lực thi cử; gia tăng trải nghiệm tối đa ở doanh nghiệp cho sinh viên; xây dựng đội ngũ cố vấn học tập; hỗ trợ tài chính cho sinh viên khi trải nghiệm tại doanh nghiệp; gắn kết Nhà trường với phụ huynh sinh viên trong việc đào tạo, học tập và tu dưỡng của sinh viên; từng bước chuyển đổi số trong giảng dạy và quản lý để sinh viên có thể học và thi mọi lúc, mọi nơi.

Thứ ba: Trung tâm “Việc làm và khởi nghiệp sinh viên” phải hỗ trợ để 100% sinh viên ra trường có việc làm ngay.

Thứ tư: Tiếp tục xây dựng, làm sâu sắc hơn văn hóa tổ chức của Đại học Đại Nam thể hiện trong “sứ mệnh – tầm nhìn – giá trị cốt lõi” mà trường đã đặt ra; đưa vào các tuyên bố, văn bản, trở thành tôn chỉ, mục đích hành động của Đại học Đại Nam.

Cụ thể, việc xây dựng, làm sâu sắc hơn “văn hóa tổ chức Đại Học Đại Nam” sẽ tập trung vào:

- Xây dựng Đại học Đại Nam trở thành nơi làm việc lý tưởng cho tất cả mọi người, tuân thủ theo giá trị cốt lõi của Nhà trường..

- Mỗi nhân sự phải luôn nghĩ và hành động “làm sao để chất lượng công việc tốt hơn lên mỗi ngày”.

- Trân trọng sinh viên bởi sinh viên không chỉ là khách hàng mà còn là tài sản vô giá của Nhà trường và đất nước.

- Đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đúng người, đúng việc. Bằng cấp, học hàm, học vị…không phải là ưu tiên hàng đầu của Đại Nam trong việc bổ nhiệm, đề bạt, đánh giá cán bộ. Hiệu quả công việc là thước đo chính để đánh giá cán bộ, giảng viên, nhân viên cuối năm.

- Thực người, thực việc: Cán bộ quản lý các cấp phải: “Sát việc, không giao phó, đẩy việc xuống cấp dưới cho xong mà phải hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá hiệu quả cuối cùng của việc đã giao”. Mỗi cán bộ , giảng viên cần liên tục soát xét công việc trong ngày, tuần, tháng… để không quên việc.

TS. Lê Đắc Sơn nhấn mạnh: “Khi chúng ta cùng nhau hiểu được các vấn đề cốt lõi trong văn hóa của Nhà trường, chúng ta sẵn sàng tuyên bố với xã hội về 5 trách nhiệm của chúng ta và hoàn toàn tự tin thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn mới...”

BTT