19/03/2022

11164

Kinh nghiệm triển khai phương pháp đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu ra

ThS. Phạm Thị Dung , NCS. Nguyễn Thị Ngân 

ĐẶT VẤN ĐỀ:

Với thực tiễn yêu cầu đổi mới giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, Bộ Giáo dục Đào tạo đã ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam (Quyết định số 1982/2016/QĐ-CP), trong đó quy định các yêu cầu của chuẩn đầu ra (CĐR) chương trình đào tạo (CTĐT) bậc đại học. Các chuẩn này được đưa vào mục tiêu đào tạo/CĐR của chương trình và cụ thể hóa nó ở từng học phần. Để đánh giá được các chuẩn kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm theo công bố của một chương trình đào tạo, trường đại học cần phải cải tiến trong công tác tổ chức đánh giá, phương pháp đánh giá và công cụ đánh giá sinh viên sao cho xác định được mức độ đạt CĐR sau quá trình đào tạo tại trường.

Quá trình cải tiến trên muốn đạt hiệu quả cần bắt nguồn từ chính mỗi giảng viên phụ trách học phần. Đây là nguồn động lực, là tài nguyên chính để thay đổi trường học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Với ý nghĩa đó, nhóm tác giả xin chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân trong việc triển khai phương pháp đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu ra của một học phần tại Khoa du lịch – học phần Nghiệp vụ lễ tân.

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP THEO CHUẨN ĐẦU RA

Chuẩn đầu ra và một số lý thuyết liên quan

Theo Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT thì CĐR là yêu cầu cần đạt được về phẩm chất và năng lực của người học sau khi hoàn thành một chương trình đào tạo, gồm cả yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, mức tự chủ và trách nhiệm của người khọc khi tốt nghiệp. Được Nhà trường cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng các điều kiện đảm bảo thực hiện. CĐR bao gồm: Kiến thức thực tế và kiến thức lý thuyết; Kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp, ứng xử; Mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân trong việc áp dụng kiến thức, kỹ năng để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn ứng với mỗi trình độ đào tạo [6].

Ngoài ra, trên thế giới cũng có rất nhiều khái niệm về CĐR, nhưng tựu chung CĐR góp phần “lượng hoá” mức độ tích luỹ kiến thức, kỹ năng và thái độ của người học tăng dần qua quá trình đào tạo, CĐR được xây dựng nhằm mục đích:

- Đối với người dạy: CĐR là cơ sở để thiết kế nội dung dạy học, chuẩn bị các điều kiện, phương tiện dạy học; Thiết kế chiến lược dạy học, phương pháp giảng dạy; Xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá, lượng giá; Chọn lựa phương pháp, công cụ đánh giá thích hợp, hiệu quả; Phấn đấu để đáp ứng với yêu cầu chuẩn đầu ra cho người học.

- Đối với người học: CĐR giúp nhận biết bản thân sẽ đạt được, làm được, mức độ cần đạt; Hiểu được mục đích của việc kiểm tra đánh giá; Xây dựng kế hoạch học tập và rèn luyện theo các chuẩn đầu ra.

Theo nghiên cứu của Đoàn Thị Minh Trinh [4], CĐR có 4 cấp độ như sau:

Hình 1: Các cấp độ CĐR.

Với 4 cấp độ này thì cấp độ trên phân bổ các yêu cầu CĐR cho cấp độ dưới; đến cấp độ bài học CĐR đã được cụ thể hoá trong từng bài học để tích hợp đạt CĐR của học phần, từ đó tích hợp đạt CĐR của CTĐT.

Đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu ra

Khái niệm

Từ điển Giáo dục học định nghĩa: “Đánh giá kết quả học tập là xác định mức độ nắm bắt được kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo của người học so với yêu cầu của CTĐT đề ra. Nội dung đánh giá là những kết quả học tập hàng ngày, cũng như những kết quả phản ánh trong các kỳ kiểm tra định kỳ, kiểm tra tổng kết về mặt kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo của từng học phần. Yêu cầu đánh giá là chú trọng xem xét mức độ thông hiểu và bền vững của kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo so với chuẩn của CTĐT” [9].

Đánh giá kết quả học tập là việc thiết lập một quá trình đo kết quả học tập của sinh viên, cung cấp cho sinh viên sự phản hồi về việc học của họ và giúp họ nâng cao thành tích của mình. Nó cũng giúp đánh giá hữu hiệu việc dạy của giảng viên.

Các phương pháp đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu ra

Trong quá trình dạy - học, có những phương pháp đánh giá kết quả học tập sau thường được áp dụng:

Bảng 1: Các phương pháp đánh giá kết quả học tập theo CĐR

Phương pháp đánh giá Khái niệm, đặc điểm Ghi chú

Đánh giá ban đầu/ đánh giá đầu vào

(Diagnostic assessment)

Được tiến hành trước khi dạy một học phần/bài học/chủ đề học tập/nhiệm vụ học tập nào đó giúp giảng viên nắm được tình hình sinh viên lĩnh hội những kiến thức liên quan, những điểm sinh viên nắm vững, những lỗ hổng cần bổ khuyết để quyết định cách dạy cho thích hợp.

Thường được sử dụng trong phân lớp ngoại ngữ.

Đánh giá quá trình/ đánh giá thường xuyên

(Formative assessment)

Là hoạt động đánh giá diễn ra thường xuyên trong tiến trình thực hiện hoạt động giảng dạy học phần, cung cấp thông tin phản hồi cho người học về mức độ nắm vững thông tin của họ và những lĩnh vực cần cải thiện, đồng thời giúp người dạy thiết kế phương pháp giảng dạy phù hợp hơn nhằm mục tiêu cải thiện hoạt động hướng dẫn, giảng dạy để đạt được mục tiêu của học phần.

Thường được sử dụng trong đánh giá chuyên cần và thực hiện bài kiểm tra.

Đánh giá tổng kết (Summative assessment)

Được tiến hành khi kết thúc học phần nhằm đánh giá tổng quát kết quả học tập, đối chiếu với những CĐR đã công bố.

Thường là thi kết thúc học phần.

     
     
     

Các thông tin về đánh giá cần được cung cấp kịp thời và chia sẻ giữa các bên liên quan bao gồm: người dạy, sinh viên, nhà quản lý và phụ huynh. Khi tiến hành đánh giá kết quả học tập theo CĐR phải đảm bảo tiêu chí INFORM (CEE-HCMUS, 2010):

Bảng 2: Tiêu chí khi đánh giá kết quả học tập theo CĐR

Chỉ tiêu Nội dung

I

Identify

Xác định rõ CĐR của học phần cần đánh giá, xây dựng công cụ và nội dung đánh giá phù hợp trên cơ sở đánh giá trình độ năng lực sinh viên.

N

Note

Chú ý đến cơ hội để sinh viên có khả năng thể hiện sự tiến bộ. Kết quả đánh giá phải đảm bảo tính giá trị và độ tin cậy, phản ánh được mức độ kỳ vọng về CĐR cần đạt được và mức độ năng lực thực tế của sinh viên.

F

Focus

Tập trung vào đánh giá các kiến thức, kỹ năng, mức tự chủ và trách nhiệm mà CĐR yêu cầu. Quyết định đánh giá phải được dựa trên các bằng chứng là kết quả học tập của sinh viên qua các bài kiểm tra, hoạt động, tình huống hoặc các nhiệm vụ học tập được giao.

O

Offer

Phục vụ cho sinh viên có cơ hội nhận ra và đánh giá sự tiến bộ đạt được.

R

Record

Ghi nhận những điểm quan trọng, đáng chú ý trong quá trình đánh giá và đánh giá có tính kế thừa liên tục.

M

Modify

Làm căn cứ để đổi mới phương pháp dạy học. Kết quả đánh giá sẽ phản hồi cho giảng viên và sinh viên về quá trình dạy học, là cơ sở đề xuất những quyết định thích hợp để cải thiện thực trạng, nâng cao chất lượng chương trình và hiệu quả đào tạo.

Trên cơ sở lý luận giáo dục đại học và các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng CTĐT trình độ đại học do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2016 (Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT), có thể khái quát khung liên kết giữa CĐR của CTĐT với hoạt động dạy – học và đánh giá kết quả học tập như hình

2.Triển khai đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu ra

Khung liên kết giữa CĐR của CTĐT với hoạt động dạy – học và đánh giá kết quả học tập [2]

Trong quá trình dạy - học, đánh giá kết quả học tập là khâu cuối cùng. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo CĐR, cả ba thành tố cần có mối liên hệ tác động qua lại theo vòng khép kín.

KINH NGHIỆM ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP THEO CHUẨN ĐẦU RA

Trên cơ sở những hiểu biết tại mục 2, nhóm tác giả đã vận dụng phương pháp đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu ra với các học phần cụ thể. Để việc vận dụng đạt hiệu quả, một số điều tác giả cho rằng mỗi giảng viên cần nắm được và nên thực hiện:

Hiểu về toàn bộ CTĐT của khoa và vị trí, đóng góp của học phần do giảng viên phụ trách

Trước tiên, mỗi giảng viên cần hiểu về mục tiêu, CĐR của CTĐT; hơn nữa cần hiểu sâu sắc về vị trí, đóng góp của học phần mình phụ trách vào CTĐT chung đó. Chẳng hạn:

- Chương trình đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành được xây dựng theo định hướng năng lực nghề nghiệp, phù hợp với tầm nhìn sứ mạng, giá trị cốt lõi của Trường Đại học Đại Nam: “Từ hình thức đào tạo định hướng kiến thức sang hình thức đào tạo định hướng năng lực”. Ngoài tổ chức hiệu quả các hoạt động dạy - học, việc tổ chức các hoạt động kiểm tra, đánh giá năng lực người học theo các CĐR của học phần vô cùng quan trọng, là một trong những yếu tố góp phần quyết định chất lượng của hoạt động đào tạo.

- Mỗi học phần đều có hình thức đánh giá, phương pháp đánh giá phù hợp với đặc điểm, nội dung và CĐR; qua đó hình thành một ma trận phương pháp kiểm tra, đánh giá của CTĐT. Học phần Nghiệp vụ lễ tân, là học phần thuộc tổ hợp các học phần nghiệp vụ chuyên môn sâu; có 3 hình thức đánh giá đánh giá kết quả học tập theo CĐR được áp dụng bao gồm: đánh giá chuyên cần, đánh giá quá trình và đánh giá kết thúc học phần. Trong đó, đánh giá cuối kỳ được thực hiện theo phương pháp thi thực hành nghiệp vụ tại khách sạn thực hành của Trường.

Nắm bắt, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch đánh giá

Với thời lượng, nội dung giảng dạy và CĐR của học phần, giảng viên cần chủ động tuân thủ thực hiện kế hoạch đánh giá đã được quy định trong đề cương chi tiết. Hoặc xây dựng, đề xuất kế hoạch đánh giá phù hợp trình Lãnh đạo khoa xem xét, bổ sung, chỉnh sửa (nếu cần cải tiến). Đề cương chi tiết của học phần được công bố công khai cho sinh viên trước khi học tập với các mục tiêu, CĐR được xác định rõ ràng, cùng với các mốc thời gian thực hiện hoạt động kiểm tra, đánh giá.

Ví dụ: trong 12 buổi học của học phần Nghiệp vụ lễ tân, các nội dung học tập được sắp xếp theo tiến trình công việc thực tế của các nhân viên ở bộ phận lễ tân khách sạn 5 sao (Theo TCVN 4391-2005, tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn Việt Nam) để đạt được các CĐR của học phần. Trong suốt quá trình triển khai đánh giá, giảng viên cần đảm bảo các chỉ tiêu nêu trong bảng 2.

Xác định được các tiêu chí đánh giá phù hợp từng hình thức đánh giá

Nhằm định lượng chính xác điểm số mà sinh viên đạt được, giảng viên phải xác định được các tiêu chí đánh giá của từng hình thức đánh giá. Dưới đây là một số thông tin tham khảo:​​​​​​​​​​​​​​

Bài đánh giá

Tiêu chí/ Trọng số

Chi tiết điểm đánh giá

CĐR

0-<5

5-<7

7-<8

8-<9

9-<10

Đánh giá chuyên cần

10%

• Nghỉ từ 20% số buổi học.

• Không tham gia trao đổi, hỏi đáp, phát biểu ý kiến.

• Nghỉ 15% số buổi học.

• Không tham gia trao đổi, hỏi đáp, phát biểu ý kiến.

• Nghỉ 10% số buổi học.

• Có tham gia trao đổi, hỏi đáp, phát biểu ý kiến trong các buổi học (tối thiểu trong 3 buổi)

• Nghỉ 5% số buổi học.

• Có tham gia trao đổi, hỏi đáp, phát biểu ý kiến trong các buổi học (tối thiểu trong 4 buổi)

• Nghỉ 0% số buổi học.
• Tích cực tham gia trao đổi, hỏi đáp, phát biểu ý kiến trong các buổi học (từ 5 buổi trở lên)

Bao trùm tất cả các CĐR về Kiến thức, Kỹ năng và Mức tự chủ và trách nhiệm

Kiểm tra học phần

30%

• Chưa hoàn thành hết các câu hỏi đặt ra. • Trả lời còn nhiều sai sót.

• Thao tác thực hành chưa đúng quy trình cơ bản.

 

• Hoàn thành được trên 50% yêu cầu đặt ra.

• Trả lời đúng kết quả, sai sót không nhiều.

• Thao tác thực hành đúng quy trình nhưng còn chậm và chưa tự nhiên

• Hoàn thành trên 80% yêu cầu đặt ra.
• Trả lời khá tốt yêu cầu đặt ra.

• Thao tác thực hành đúng quy trình, vẫn có những phần còn chậm nhưng không nhiều

• Hoàn thành 100% yêu cầu đặt ra.
• Trả lời tốt yêu cầu đặt ra.

• Thao tác thực hành chuẩn theo quy trình, nhanh và gọn

• Hoàn thành 100% yêu cầu đặt ra.
• Có khám phá và mở rộng vấn đề.

• Thao tác thực hành chuẩn theo quy trình, nhanh và gọn, tạo ra sự hài lòng vượt sự mong đợi.

Đánh giá kết thúc học phần

- 15% Thực hành tại cơ sở thực hành

- 45% Thực hành năng lực nghề nghiệp

• Nghỉ từ 20% số buổi thực hành được phân công

•  Chưa hoàn thành hết các câu hỏi đặt ra trong phiếu thẩm định.

• Nghỉ 15% số buổi thực hành được phân công

• Hoàn thành được từ 50% - 70% yêu cầu đặt ra trong phiếu thẩm định

 

• Nghỉ 10% số buổi thực hành được phân công

• Hoàn thành từ 71% - 80% yêu cầu đặt ra trong phiếu thẩm định.
 

• Nghỉ 10% số buổi thực hành được phân công

• Hoàn thành từ 81% - 90% yêu cầu đặt ra trong phiếu thẩm định.

• Tham gia đầy đủ số buổi thực hành được phân công

• Hoàn thành từ 91% - 100% yêu cầu đặt ra trong phiếu thẩm định.

​​​​​​​Xây dựng công cụ đánh giá phù hợp đối với từng học phần cụ thể trong CTĐT

Công tác kiểm tra đánh giá không chỉ dừng lại ở phương pháp đánh giá, tiêu chí đánh giá, phải được cụ thể hoá và tích hợp vào công cụ đánh giá cụ thể như:

+ Danh sách điểm danh học phần;

+ Sổ theo dõi học phần: ghi rõ điểm tích cực, điểm cần cải thiện của từng sinh viên/nhóm sinh viên trong từng buổi học;

+ Kết cấu bài kiểm tra/Kế hoạch thực hành/Quy trình hướng dẫn thi thẩm định: mô tả chi tiết các yêu cầu, nhiệm vụ mà sinh viên cần phải thực hiện và đạt được;

+ Phiếu chấm điểm bài thi thực hành năng lực của sinh viên: trong đó thể hiện rõ từng tiêu chí đánh giá sinh viên theo CĐR.

Chính sự rõ ràng, tường minh của các công cụ đánh giá cũng như sự ghi chép, theo dõi sát sao của giảng viên mà cùng một học phần có thể có nhiều giảng viên cùng giảng dạy nhưng không tạo ra sự khác biệt chủ quan.

​​​​​​​Thực hiện phân tích phổ điểm của sinh viên để đánh giá kết quả dạy – học

Phân tích phổ điểm là công việc định kỳ của phòng Khảo thí, để thông qua kết quả thống kê này, đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Song, là một giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy và đánh giá sinh viên, mỗi giảng viên có thể sơ bộ phân tích phổ điểm mà lớp sinh viên của mình đạt được. Qua đó nhìn nhận lại: nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá, công cụ kiểm tra đánh giá… đã phù hợp chưa, giúp tự điều chỉnh, nâng cao chất lượng giảng dạy. Đây là công việc thường kỳ của giảng viên khoa Du lịch, là một trong các tiêu chí đánh giá giảng viên hoàn thành công tác giảng dạy.

KẾT LUẬN

“Nếu muốn người học thay đổi cách học thì trước hết hãy thay đổi cách đánh giá” (Jenkin, 2001). Công tác đánh giá kết quả học tập theo CĐR của học phần là một khâu quan trọng góp phần đảm bảo chất lượng CTĐT của ngành học nói riêng và của một trường đại học nói chung.

Ngoài sự chỉ đạo, giám sát của Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu; cần có sự kết hợp giữa các hoạt động chuyên môn của giảng viên, hoạt động quản lý của Khoa, hoạt động quản lý đào tạo và tổ chức đánh giá. Do vậy, để làm được điều này, phải có sự tham gia tích cực của mỗi giảng viên, định hướng của Hội đồng chuyên môn Khoa và các phòng chức năng của Nhà trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chương trình đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành - Khoa Du lịch, Đại học Đại Nam.
  2. Đánh giá kết quả học tập học phần theo chuẩn đầu ra chương trình đào tạo đảm bảo sự liên kết các thành tố của quá trình dạy học, Lưu Khánh Linh, Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt kỳ 1 tháng 5/2020.
  3. Đề cương chi tiết học phần Nghiệp vụ lễ tân - Khoa Du lịch, Đại học Đại Nam.
  4. Đánh giá kết quả học tậm môn học theo chuẩn đầu ra chương trình đạo tạo đảm bảo sự liên kết các thành tố của quá trình dạy học, Đoàn Thị Minh Trinh, Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt kì 1 tháng 5/2020.
  5. Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên trong dạy học học phần “Tuyển dụng nhân lực” tại trường Đại học Nội vụ Hà Nội, phân hiệu Quảng Nam, Nguyễn Hồ Phương Nhật, Tạp chí giáo dục, số 426 tháng 3/2018.
  6. Quyết định số 1982/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18 tháng 10 năm 2016 “Phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam”.
  7. Sứ mệnh, tầm nhìn, triết lý giáo dục, giá trị cốt lõi của Trường Đại học Đại Nam: http://dainam.edu.vn/vi/chien-luoc-phat-trien-truong-dai-hoc-dai-nam-den-nam-2025-tam-nhin-2030.
  8. Thông tư số 17/2015/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 Quy định về chuẩn chương trình đạo tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
  9. Từ điển giáo dục học, Bùi Hiền, Nhà xuất bản từ điển bách khoa 2013, tr72.