24/11/2023

714

Các xu hướng phát triển trong lĩnh vực CNTT sinh viên cần phải biết nếu muốn có thu nhập cao

“Học gì để kiếm được nhiều tiền” là băn khoăn của không ít sinh viên ngành Công nghệ thông tin khi bước sang năm thứ hai, thứ ba đại học. Đây là giai đoạn các bạn sinh viên đã có nền tảng chuyên môn nhất định và bắt đầu nghĩ đến việc chọn chuyên ngành nào có lợi nhất cho sự nghiệp sau này giữa hàng tá các công nghệ đang được quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông và diễn đàn công nghệ.

Chọn các công nghệ đã được đón nhận tích cực là một phương án an toàn nhưng khó đạt thu nhập đột phá và phải cạnh tranh với những người đã tham gia từ nhiều năm trước. Do vậy, để phát triển bản thân mạnh mẽ và có thu nhập cao, sinh viên nên đầu tư nghiên cứu  những lĩnh vực còn mới và nhiều tiềm năng trở thành xu hướng trong các năm tới. Phần tiếp theo của bài viết sẽ giới thiệu một số công nghệ đang “hot” và có tiềm năng sẽ tiếp tục được quan tâm trong các năm tới để sinh viên ngành Công nghệ thông tin có được những thông tin hữu ích, qua đó chọn được chuyên ngành phù hợp nhất cho mình.

Trí tuệ nhân tạo (AI)

Không nghi ngờ gì nữa khi trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực công nghệ đang được quan tâm hàng đầu trong những năm trở lại đây, đặc biệt khi Chat GPT xuất hiện và nhanh chóng được ứng dụng phổ biến trong nhiều hoạt động khác nhau.

Trí tuệ nhân tạo vẫn luôn là ngành được các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư suốt nhiều năm, 2023 với sự bùng nổ của Chat GPT và một loạt các AI khác khiến cho trí tuệ nhân tạo trở thành công nghệ được nói đến nhiều bậc nhất trên khắp các trang tin tức và thảo luận về công nghệ. Ngoài Chat GPT, những cái tên như Dall-E, Lensa, Stable Diffusion,.. dần đưa AI từ một khái niệm cao siêu trở nên dễ tiếp cận với mọi đối tượng sử dụng.

AI bắt đầu len lỏi vào cuộc sống con người, dần dần thay thế hoặc hỗ trợ con người kể cả trong những lĩnh vực xưa nay được coi là khó bị thay thế bởi máy móc nhất như nghệ thuật, sáng tạo nội dung... AI tạo ra các thách thức về việc làm với con người nhưng đồng thời nó cũng mở ra các cơ hội mới, hứa hẹn là lĩnh vực mang lại thu nhập cao.

Trường Đại học Đại Nam đào tạo sinh viên đáp ứng các phẩm chất mà ngành AI yêu cầu: năng lực sáng tạo cao, tò mò với những tri thức mới, học hỏi và tiếp thu nhanh, kiên trì, và đặc biệtn là có sự am hiểu về dữ liệu.

Sự phát triển của dữ liệu lớn và khoa học máy tính là cơ sở cho trí tuệ nhân tạo phát triển bùng nổ. Do đó, nếu sinh viên có hứng thú phát triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chắc chắn không thể bỏ qua các môn học: Mạng thần kinh nhân tạo, Học máy, Robot học (Robotics), Lý thuyết tính toán, Hệ thống và kiến trúc, Thiết kế thuật toán, Các kỹ thuật toán học của trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật phần mềm, Nguyên lý lập trình và tính toán.

Phát triển chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo là hướng đi có nhiều lợi thế cho sinh viên CNTT trường Đại học Đại Nam nhiều môn học nền tảng của ngành này đã có sẵn trong chương trình đào tạo ngành CNTT của trường. Hiện, khoa CNTT  có nhiều thầy cô có làm nghiên cứu về mảng này và sẵn sàng hỗ trợ cho các sinh viên đam mê với trí tuệ nhân tạo

Công nghệ thực tại ảo, thực tại tăng cường (VR/AR)

Xu hướng làm việc từ xa, tương tác qua các hệ thống số bùng nổ mạnh mẽ kể từ đại dịch Covid-19. Các công ty công nghệ lớn đã đổ hàng núi tiền và đánh cược rằng VR/AR sẽ là xu hướng tiếp theo sau thời đại bùng nổ của mobile.

Công nghệ VR/AR được kì vọng mang đến sự thay đổi đáng kể trong các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, mạng xã hội, kinh tế số… Để nó phát triển được thì cần có những nền tảng về truyền tải dữ liệu tốc độ cao, tính toán đồ họa, pin, phần cứng và đội ngũ đông đảo kĩ sư phát triển phần mềm.

Với hệ thống trang thiết bị hiện đại, chương trình học tập được cập nhật thường xuyên bám sát thực tiễn, đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm…, trường Đại học Đại Nam tạo nền tảng tốt cho sinh viên nghiên cứu các xu hướng công nghệ mới.

Đến thời điểm hiện tại thì các công nghệ VR/AR vẫn còn nhiều rào cản về độ “chín” của công nghệ, sự phổ biến của các thiết bị phần cứng và chất lượng hệ sinh thái phần mềm. Các chuyên gia trong giới công nghệ thông tin đánh giá công nghệ này cần một thời gian ấp ủ vài năm để đợi phần cứng đủ độ chín và phổ biến dẫn tới bùng nổ về phần mềm, tuy nhiên cũng hứa hẹn đây sẽ là một lĩnh vực tiềm năng trong tương lai.

Do đó, tham gia nghiên cứu lĩnh vực này là cơ hội để sinh viên Công nghệ thông tin đào sâu kiến thức chuyên môn từ cơ bản cho tới nâng cao, liên tục cập nhật kiến thức mới.

IoT - Internet kết nối vạn vật

Lặng lẽ và ít ồn ào hơn nhưng chắc hẳn chúng ta đều nhận ra rằng cuộc sống của con người đang càng ngày càng “số hóa” hơn, mọi thứ trong công việc và cuộc sống đang dần trở nên “kết nối”. Sự mở rộng độ phủ của mạng internet, kết nối dễ dàng với băng thông rộng, công nghệ đám mây là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của mảng này. Các mô hình nhà thông minh, thành phố thông minh, giám sát tự động, … đã từ những ý tưởng khoa học viễn tưởng trở thành sự thực gần gũi.

Thuật ngữ Internet kết nối vạn vật đề cập đến mạng lưới tập hợp các thiết bị thông minh và công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao tiếp giữa thiết bị và đám mây cũng như giữa các thiết bị với nhau.

Các môn học có trong chương trình đào tạo của trường Đại học Đại Nam đảm bảo cung cấp kiến thức nền tảng giúp các bạn sinh viên thuận tiện hơn để bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu lĩnh vực IoT.

Ngày nay, nhờ sự ra đời của chip máy tính giá rẻ và công nghệ viễn thông băng thông cao, chúng ta có hàng tỷ thiết bị được kết nối với internet. Điều này nghĩa là các thiết bị hàng ngày như bàn chải đánh răng, máy hút bụi, ô tô và máy móc có thể sử dụng cảm biến để thu thập dữ liệu và phản hồi lại người dùng một cách thông minh.

Những bạn đam mê mảng này cần có nền tảng về những môn học sau: Lập trình căn bản, Mạng máy tính căn bản, Lập trình cấp cao Python, Dịch vụ đám mây, Lập trình ứng dụng Android kết nối thiết bị IoT, Khoa học dữ liệu, Ứng dụng máy học phân tích dữ liệu, Lập trình C, Thiết kế và phân tích hệ thống số, Hệ thống vi điều khiển, Kỹ thuật vi xử lý, Hệ thống nhúng, Thiết kế vi mạch bán dẫn.

Sinh viên Công nghệ thông tin trường Đại học Đại Nam thực hành cài đặt kết nối thiết bị thông minh.

Trong chương trình học của sinh viên khoa CNTT tại Trường Đại học Đại Nam, ngay từ năm học đầu tiên sinh viên đã được thực hành với các thiết bị thông minh, từ mức đơn giản là lắp đặt, cài đặt, cấu hình kết nối một số thiết bị thông minh điều khiển bằng điện thoại di động, điều khiển bằng giọng nói thông qua Loa thông minh – trợ lý ảo trong môn Hệ thống máy tính, kết nối đến các môn chuyên sâu hơn ở năm hai, năm ba. Không ít đề tài khóa luận tốt nghiệp của sinh viên đi theo hướng IoT được các thầy cô hướng dẫn thực hiện thành công và có ứng dụng thực tế.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực từ thị trường, đào tạo sinh viên ra trường đáp ứng được các yêu cầu công nghệ của nhà tuyển dụng khoa CNTT hằng năm vẫn tiến hành đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo cho phù hợp. Với các công nghệ mới nhất hoặc thuộc về chuyên ngành hẹp chưa có điều kiện xây dựng môn học tương ứng, khoa vẫn có các thầy cô hướng dẫn cho sinh viên tự nghiên cứu và thực hiện đề tài.

Ở trên đây là 3 công nghệ được nhận định là xu hướng của năm 2023 và còn ảnh hưởng ít nhất trong vài năm tiếp theo. Nhu cầu của các công ty công nghệ đa quốc gia với các công nghệ này hiện khá lớn, nếu làm được thì các cơ hội việc làm lương cao, ra nước ngoài là không hề ít. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng các công nghệ mới sẽ liên tục xuất hiện và thay đổi, không có công nghệ nào là trường tồn cả. Các bạn sinh viên của chúng ta lựa chọn ngành Công nghệ thông tin là rất đúng đắn với sự phát triển của ngành, trong những năm tiếp theo chắc chắn rằng Công nghệ còn phát triển hơn nữa.

Khoa CNTT