04/02/2020

4700

Nghiên cứu kế toán về lý thuyết các bên liên quan

Theo lý thuyết về các bên liên quan, một doanh nghiệp không thể tối đa hóa được giá trị mà không duy trì mối quan hệ với các bên liên quan và những cuộc tranh luận về mục tiêu của doanh nghiệp chỉ là tối đa hóa lợi nhuận hay vì lợi ích của các bên liên quan đang ngày càng tăng lên. Lý thuyết này nhấn mạnh sự thành công của một doanh nghiệp phụ thuộc vào sự bền vững của các hoạt động kinh doanh, cái mà chỉ đạt được khi xét tới nhu cầu của các bên liên quan tới nó.

ThS. Trần Thị Hồng Huệ - Giảng viên Khoa Kế toán
 

Theo lý thuyết về các bên liên quan, một doanh nghiệp không thể tối đa hóa được giá trị mà không duy trì mối quan hệ với các bên liên quan và những cuộc tranh luận về mục tiêu của doanh nghiệp chỉ là tối đa hóa lợi nhuận hay vì lợi ích của các bên liên quan đang ngày càng tăng lên. Lý thuyết này nhấn mạnh sự thành công của một doanh nghiệp phụ thuộc vào sự bền vững của các hoạt động kinh doanh, cái mà chỉ đạt được khi xét tới nhu cầu của các bên liên quan tới nó.

Ở Việt Nam, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra chuẩn mực kế toán số 26 “Thông tin về các bên liên quan” (Ban hành và công bố theo Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Trong chuẩn mực này, những trường hợp sau được coi là các bên liên quan:

(a) Những doanh nghiệp kiểm soát, hoặc bị kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua một hoặc nhiều bên trung gian, hoặc dưới quyền bị kiểm soát chung  với doanh nghiệp báo cáo (bao gồm công ty mẹ, công ty con, các công ty con cùng tập đoàn);


Ảnh minh họa.

(b) Các công ty liên kết (quy định tại Chuẩn mực kế toán số 07 “Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết”);

(c) Các cá nhân có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp biểu quyết ở các doanh nghiệp báo cáo dẫn đến có ảnh hưởng đáng kể tới doanh nghiệp này, kể cả các thành viên mật thiết trong gia đình của các cá nhân này. Thành viên mật thiết trong gia đình của một cá nhân là những người có thể chi phối hoặc bị chi phối bởi người đó khi giao dịch với doanh nghiệp như quan hệ: Bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị em ruột;

(d) Các nhân viên quản lý chủ chốt có quyền và trách nhiệm về việc lập kế hoạch, quản lý và kiểm soát các hoạt động của doanh nghiệp báo cáo, bao gồm những người lãnh đạo, các nhân viên quản lý của công ty và các thành viên mật thiết trong gia đình của các cá nhân này;

(đ) Các doanh nghiệp do các cá nhân được nêu ở đoạn (c) hoặc (d) nắm trực tiếp hoặc gián tiếp phần quan trọng quyền biểu quyết hoặc thông qua việc này người đó có thể có ảnh hưởng đáng kể tới doanh nghiệp. Trường hợp này bao gồm những doanh nghiệp được sở hữu bởi những người lãnh đạo hoặc các cổ đông chính của doanh nghiệp báo cáo và những doanh nghiệp có chung một thành viên quản lý chủ chốt với doanh nghiệp báo cáo.

 Trong chuẩn mực này, các trường hợp sau đây không được coi là các bên liên quan gồm:

(a) Hai công ty có chung Giám đốc, không kể trường hợp 3(d) và 3(e) nêu ở trên (nhưng cũng cần xem xét trường hợp ngoại lệ thông qua việc đánh giá khả năng người Giám đốc đó có thể ảnh hưởng tới các chính sách của cả hai công ty trong các giao dịch chung);

(b) Các tổ chức, cá nhân có quan hệ thông thường với doanh nghiệp:

- Những tổ chức, cá nhân cung cấp tài chính
- Các tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội
- Các đơn vị phục vụ công cộng
- Các cơ quan quản lý nhà nước

(c) Khách hàng, nhà cung cấp, nhà phân phối, hay đại lý nói chung  mà doanh nghiệp tiến hành một khối lượng lớn giao dịch mặc dù dẫn đến sự phụ thuộc về kinh tế.

Như vậy, ta có thể thấy được sự khác biệt tương đối giữa cách xác định các bên liên quan giữa lý thuyết các bên liên quan và những người xây dựng, thực thi Luật. Do vậy, trong mối quan hệ với các bên liên quan, doanh nghiệp cần xác định bên liên quan nào có vai trò chi phối đến sự tiếp tục hoạt động của mình để có những ứng xử phù hợp đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp.

Có thể nói giá trị cốt lõi của lý thuyết các bên liên quan giúp chúng ta có thể nhận thấy được những giá trị được tạo ra bởi các bên khác nhau, cùng nhau hỗ trợ cho các hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời lý thuyết các bên liên quan cũng phản ánh xu thế mới của xã hội hiện đại trong đó các doanh nghiệp hiện đại phụ thuộc nhiều hơn vào trách nhiệm xã hội mà nó thực hiện vì con người hiện nay quan tâm đến môi trường nhiều hơn.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đối với một doanh nghiệp thì nguồn lực lớn nhất là con người thay vì vốn. Vì vậy, vấn đề lớn nhất đối với doanh nghiệp là làm thế nào kết hợp được kiến thức và kinh nghiệm của các cá nhân, người lao động.

Tóm lại, có nhiều nhà nghiên cứu sử dụng lý thuyết về tính hợp pháp và lý thuyết các bên liên quan để giải thích cho sự hình thành và xu hướng phát triển của kế toán xã hội (kế toán môi trường, kế toán phát triển bền vững) nhìn ở một góc độ nào đó thì người lao động, cổ đông, khách hàng, nhà cung cấp đối tác tài chính, cơ quan công quyền, cộng đồng, môi trường chính là các chủ thể chính trong một xã hội hiện đại (theo cách tiếp cận của lý thuyết tính hợp pháp)./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Chuẩn mực kế toán số 26 “Thông tin về các bên liên quan” (Ban hành và công bố theo Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).

  2. Bài viết “Các học thuyết về mục đích của công ty và việc áp dụng chúng trong Luật doanh nghiệp ở Việt Nam” của TS. Lê Thái Phong, trường Đại học Ngoại thương và TS. Vũ Văn Ngọc, trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

  3. Bài trao đổi về “Báo cáo kế toán trách nhiệm xã hội, thực tiễn áp dụng tại các doanh nghiệp Châu Âu của Nguyễn Thị Hương Liên, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, đăng trên tạp chí khoa học ĐHQGHN: Kinh tế và Kinh doanh, tập 30, số 3(2014)