16/03/2018

14723

Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp hiện nay

Hoạt động trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, một trong những vấn đề khó khăn lớn chính là vốn.
ThS. Nguyễn Thị Hồng Duyên – Khoa Kế toán.
Hoạt động trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, một trong những vấn đề khó khăn lớn chính là vốn.
Vốn là chìa khoá, là phương tiện để biến các ý tưởng kinh doanh thành hiện thực, hiệu quả sử dụng vốn quyết định sự thành bại của doanh nghiệp, vì vậy bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng quan tâm đến vốn và hiệu quả sử dụng vốn.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn tại các doanh nghiệp thì chúng ta cần phải xem xét đến các nhân tố ảnh hưởng đến nó.
1.      Cơ cấu vốn:
Cơ cấu vốn là thuật ngữ dùng để chỉ một doanh nghiệp đang sử dụng các nguồn vốn khác nhau với một tỷ lệ nào đó của mỗi nguồn để tài trợ cho tổng tài sản đó. Các doanh nghiệp khác nhau sẽ có cơ cấu vốn khác nhau, do đó chi phí vốn sẽ khác nhau. Cơ cấu vốn có liên quan đến việc tính chi phí vốn. Để  sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động thì nhà quản lý phải tìm ra một cơ cấu vốn phù hợp với tình hình cụ thể của từng doanh nghiệp.
2.      Chi phí vốn
Chi phí vốn tức là chi phí phải trả cho việc huy động và sử dụng vốn. Nó được đo bằng tỷ số doanh lợi mà doanh nghiệp cần phải đạt được trên nguồn vốn huy động để giữ không làm thay đổi tỷ lệ sinh lời cần thiết dành cho cổ đông cổ phiếu thường hay vốn tự có của doanh nghiệp.
Nguồn vốn huy động cho các doanh nghiệp khác nhau sẽ có chi phí vốn khác nhau. Đối với các doanh nghiệp, nguồn vốn được huy động bởi các nguồn sau: Vốn do Nhà nước cấp, vốn vay ngân hàng, lợi nhuận giữ lại, vốn vay của các đơn vị khác, vốn liên doanh – liên kết.
3.      Thị trường của doanh nghiệp.
Bất kỳ một doanh nghiệp nào hoạt động trong điều kiện hiện nay cũng đều chịu tác động của thị trường. Nếu hoạt động của doanh nghiệp không được thị trường chấp nhận thì doanh nghiệp đó coi như không tồn tại. Vậy nhân tố nào đảm bảo cho doanh nghiệp được xã hội công nhận. Có rất nhiều yếu tố nhưng yếu tố không thể thiếu được phải kể đến là vốn của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp mạnh hay yếu, có khả năng cạnh tranh được với các loại hình doanh nghiệp khác hay không thì phần lớn là bắt đầu từ nguồn vốn mà ra. Vốn giúp cho doanh nghiệp bước vào hoạt động còn quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp là thị trường. Thị trường tác động đến cả “đầu vào” và “đầu ra” của doanh nghiệp. Nếu thị trường ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và có nhiều cơ hội hội nhập vào xu thế toàn cầu hóa. Ngược lại, nếu thị trường biến động thường xuyên liên tục sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp như: Sự biến động về giá cả, sự tiêu thụ hàng hóa, sự thay đổi nhu cầu người tiêu dùng, sở thích của các tác nhân thị trường,… cuối cùng là tác động đến chi phí của doanh nghiệp, mà hiệu quả sử dụng vốn là yếu tố được xem xét và quan tâm hàng đầu đối với nhà quản lý.
Mặt khác, thị trường còn đóng vai trò là nơi tái tạo nguồn vốn để doanh nghiệp thực hiện tái sản xuất kinh doanh mở rộng trên cơ sở đẩy mạnh hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
4.      Nguồn vốn
Nói đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ta nghĩ ngay đến vấn đề vốn nhiều hay ít sẽ tạo ra doanh thu lớn hay nhỏ. Như vậy, với một mức doanh thu nào đó, đòi hỏi phải có sự cân bằng tương ứng với một lượng vốn.
Tuy nhiên, mối quan hệ đó không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với nhau, điều đó còn phụ thuộc vào hiệu quả quản lý và vốn kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp có một đặc điểm khác nhau, nhưng tóm lại nó thường bao gồm các khoản vốn sau: vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng, vốn chủ sở hữu, vốn ngân sách Nhà nước cấp, vốn liên doanh  - liên kết, … Như vậy, vốn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn như thế nào?
v Đối với nguồn vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác:
Để có nguồn vốn sử dụng thì doanh nghiệp phải bỏ chi phí ra trả cho việc sử dụng nó. Tỷ lệ này thường xuyên thay đổi tùy thuộc vào trạng thái của nền kinh tế và số lượng vốn vay của doanh nghiệp. Mặt khác, doanh nghiệp không thể vay bao nhiêu tùy thích mà nó tùy thuộc vào hạn mức tín dụng. Nếu vượt quá hạn mức thì ngân hàng không cho vay nữa. Trước khi tiến hành huy động vốn thì doanh nghiệp phải tính đến yếu tố chi phí mà mình phải bỏ ra để trả cho việc huy động nó. Chi phí này lại nằm trong công tác về sử dụng vốn.
v Đối với nguồn vốn chủ sở hữu:
Như đã nêu ở trên, doanh nghiệp Nhà nước phải làm ăn có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn thì Nhà nước mới cấp phát vốn cho doanh nghiệp. Còn đối với công ty cổ phần thì đảm bảo được tỷ suất doanh lợi tức yêu cầu của các nhà đầu tư… Để có được những nguồn vốn đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải đạt được mục tiêu kinh doanh của mình. Để đạt được mục tiêu kinh doanh thì doanh nghiệp phải đạt hiệu quả sử dụng vốn.
v Các nguồn vốn khác:
Các nguồn vốn khác bao gồm: vốn chiếm dụng cá nhân, đơn vị khác trong và ngoài doanh nghiệp, vốn liên doanh – liên kết, vốn FDI, ODA,… Khi chọn lựa nguồn vốn đầu tư cho nhu cầu vốn của mình, các doanh nghiệp phải cân nhắc, so sánh lợi nhuận đem lại và chi phí bỏ ra để có được chúng, từ đó xác định cho mình một cơ cấu vốn tối ưu với chi phí thấp. Nếu chi phí vốn cao sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, giảm hiệu quả sử dụng vốn.
5.      Rủi ro kinh doanh
Rủi ro kinh doanh là rủi ro cố hữu trong tài sản của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp không sử dụng nợ vay. Rủi ro kinh doanh càng lớn thì tỷ lệ nợ tối ưu càng thấp. Khi các rủi ro xảy ra dẫn đến tình trạng bị mất uy tín, mất đối tác, mất khách hàng… và cuối cùng là thất bại trong kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn kém. Do vậy, muốn thành công trong kinh doanh, các doanh nghiệp phải biết chấp nhận rủi ro, phải biết đầu tư đúng hướng, xem rủi ro nào có thể chấp nhận được và rủi ro nào không thể chấp nhận được.
6.      Các nhân tố khác.
a.      Nhân tố con người:
Là yếu tố quyết định nhất trong việc đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả trong doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có trong tay một đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ cao và giàu kinh nghiệm làm việc, khả năng tiếp thu nhanh những công nghệ hiện đại, có tính sáng tạo, … sẽ đem lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp và ngược lại. Bên cạnh đó, với một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực và có khả năng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Vì với đội ngũ này, doanh nghiệp sẽ xây dựng cho mình một phương án kinh doanh tốt nhất, biết vận dụng triệt để nguồn lực sẵn có, xây dựng mối quan hệ tốt với đối tác và khách hàng, … tạo được một ê kíp làm việc từ trên xuống dưới đoàn kết, ăn ý và có hiệu quả. Ngoài ra, trình độ về mặt tài chính hết sức quan trọng, quy trình hạch toán của doanh nghiệp có phù hợp, số liệu kế toán có chính xác thì quyết định tài chính của người lãnh đạo doanh nghiệp mới có cơ sở khoa học. Việc thu chi phải rõ ràng, đúng tiến độ, kịp thời, tiết kiệm mới nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Việc quản lý hàng tồn kho, quản lý khâu sản xuất, tiêu thụ cũng hết sức quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.
b.      Cơ chế quản lý và các chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đây là một trong những nhân tố khách quan tác động đến hoạt động của doanh nghiệp. Nhà nước tạo hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp hoạt động, do đó doanh nghiệp phải chấp hành những chế độ, quy định của Nhà nước. Bất kỳ sự thay đổi nào trong cơ chế quản lý của Nhà nước đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn ngày 01/01/1999 Nhà nước ban hành và áp dụng luật thuế giá trị gia tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Một cơ chế quản lý ổn định, thích hợp với các loại hình doanh nghiệp sẽ là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, giúp cho họ yên tâm khi tiến hành kinh doanh, dồn hết năng lực sẵn có của mình vào kinh doanh mà không sợ sự biến động của thị trường.
Ngoài những yếu tố kể trên thì hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp còn chịu ảnh hưởng của các nhân tố khác như: mối quan hệ của doanh nghiệp đối với đối tác và khách hàng, môi trường cạnh tranh, sản phẩm của doanh nghiệp…
Để hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thực sự có hiệu quả thì phải tìm cách hạn chế tốt nhất những nhân tố gây ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp và phát huy mặt tích cực, nguồn lực sẵn có với phương án kinh doanh tốt nhất sẽ đem lại sự thành công trong kinh doanh cho doanh nghiệp.