26/11/2022

1216

Toạ đàm khoa học quốc tế khoa NN&VH Trung Quốc: Cơ hội để sinh viên nâng cao trình độ, mở rộng việc làm, tăng tính hội nhập quốc tế và trở thành công dân toàn cầu

Xác định liên kết đào tạo quốc tế là xu hướng phát triển của giáo dục hiện đại, giúp nâng cao trình độ, mở rộng cơ hội việc tại thị trường quốc tế cho sinh viên, nhất là sinh viên khối ngành Ngôn ngữ; trường Đại học Đại Nam không ngừng mở rộng hợp tác, tổ chức tọa đàm quốc tế, đẩy mạnh liên kết đào tạo với các trường đại học lớn trên thế giới. Tọa đàm khoa học “Tiêu chuẩn phân cấp trình độ tiếng Trung Quốc trong đào tạo Hán ngữ Quốc tế và giảng dạy tiếng Trung Quốc tại Việt Nam” là một trong những hoạt động nhằm phát triển chương trình đào tạo đó.

Buổi tọa đàm do Trường Đại học Đại Nam phối hợp với Trung tâm Hợp tác giao lưu ngôn ngữ giữa Trung Quốc và nước ngoài thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc (CLEC) tổ chức.

Tham dự chương trình, về phía trường Đại học Đại Nam có Ban Giám hiệu và các thầy cô, sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc, đại diện các Phòng, Ban, Khoa của Nhà trường.

Về phía khách mời có: GS. Vương Học Tùng – Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh; GS. Lương Nhan Dân – Trường Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh; TS. Nguyễn Phước Lộc – Phó Trưởng khoa Ngôn ngữ Trung Quốc, Trường Đại học Sư phạm TP. HCM; TS. Hồ Minh Quang – Trưởng khoa Đông phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP. HCM.

Buổi tọa đàm do PGS. TS Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Hiệp hội giảng dạy Hán ngữ quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cố vấn chuyên môn khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc, Trường Đại học Đại Nam chủ trì.

GS. Vương Học Tùng, Trường Đại học sư phạm Bắc Kinh chia sẻ với thầy cô và sinh viên trường Đại học Đại Nam.

Phát biểu tại tọa đàm, thầy Đinh Quang Hùng – Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dạy và học tiếng Trung Quốc trong thời kỳ hội nhập và phát triển của xã hội. Đồng thời khẳng định việc đẩy mạnh chương trình liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế của khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc là đúng đắn, hợp xu thế.

Thầy Đinh Quang Hùng nhận định tầm quan trọng của chương trình liên kết đào tạo quốc tế đối với khối ngành Ngôn ngữ.

 “Tôi tin tưởng những triết lý, nguyên tắc biên soạn, hướng dẫn sử dụng tiêu chuẩn phân cấp trình độ tiếng Trung Quốc trong đào tạo và giảng dạy tiếng Trung Quốc ở Việt Nam do các học giả, nhà khoa học trao đổi trong buổi tọa đàm sẽ trở thành những tài liệu, minh chứng giúp ích cho các thầy, cô giáo khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc trong quá trình biên soạn tài liệu học tập…”, thầy Đinh Quang Hùng chia sẻ.

Tại buổi tọa đàm, các học giả đã trình bày báo cáo về các chủ đề: Diễn giải nội dung và ý nghĩa của việc biên soạn “Tiêu chuẩn phân cấp trình độ tiếng Trung Quốc trong đào tạo Hán ngữ quốc tế”; Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng bảng chữ Hán thuộc “Tiêu chuẩn phân cấp trình độ tiếng Trung Quốc trong đào tạo Hán ngữ quốc tế”; Khung phân cấp từ vựng theo “Tiêu chuẩn phân cấp trình độ tiếng Trung Quốc trong đào tạo Hán ngữ quốc tế và giảng dạy từ vựng tiếng Trung Quốc cho người học Việt Nam”; Bước đầu tìm hiểu về môn Viết dành cho sinh viên chuyên ngành Tiếng Trung Quốc ở Việt Nam và “Tiêu chuẩn phân cấp trình độ tiếng Trung Quốc trong đào tạo Hán ngữ quốc tế” .

Qua thảo luận, các học giả khuyến nghị, việc giảng dạy tiếng Trung tại Việt Nam cần thay đổi để giảm nhẹ áp lực cho người học, thích ứng với xu hướng mới. Ví dụ, tận dụng điểm tương đồng giữa tiếng Trung và tiếng Việt để giảm tải kiến thức cho sinh viên, ưu tiên dạy những từ đơn có khả năng tạo từ ghép cao; từ đó phát triển từ vựng, mở rộng vốn từ; chuyển các hiện tượng ngữ pháp đơn giản thành từ vựng để giảng dạy…

Tại tọa đàm, TS. Nguyễn Phước Lộc – Phó Trưởng khoa Ngôn ngữ Trung Quốc, Trường Đại học Sư phạm TP. HCM đánh giá cao chương trình liên kết đào tạo, hợp tác của trường Đại học Đại Nam.

Thầy nói: “Cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo trình, tài liệu học tập đã được trường Đại học Đại Nam chuẩn bị kỹ lưỡng, phù hợp với xu thế, đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy. Tôi tin rằng, cùng với sự chu đáo này, việc mở rộng hợp tác, đẩy mạnh liên kết đào tạo quốc tế sẽ là cơ hội để sinh viên khoa NN&VH Trung Quốc, Trường Đại học Đại Nam nâng cao trình độ, mở rộng cơ hội việc làm, tăng tính hội nhập quốc tế và trở thành công dân toàn cầu”.

TS. Hồ Minh Quang báo cáo tại tọa đàm.

TS. Nguyễn Phước Lộc - Phó trưởng khoa Ngôn ngữ Trung Quốc, trường Đại học Sư phạm TP. HCM cũng nhận định: “Qua tiếp xúc và trao đổi tại buổi tọa đàm, tôi thấy sinh viên khoa NN&VH Trung Quốc, Trường Đại học Đại Nam rất thông minh, năng động, chuyên môn vững vàng. Điều này cho thấy chương trình đào tạo và phát triển của khoa NN&VH Trung Quốc đang đi rất đúng hướng”.

TS. Nguyễn Phước Lộc báo cáo và giao lưu với các thầy cô, sinh viên trong Tọa đàm.

Tổng kết tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Anh khẳng định các triết lý, nguyên tắc biên soạn và hướng dẫn sử dụng Tiêu chuẩn phân cấp trình độ tiếng Trung Quốc trong đào tạo Hán ngữ quốc tế được báo cáo và thảo luận tại tọa đàm có ý nghĩa quan trọng giảng dạy tiếng Trung Quốc tại Việt Nam.

PGS. TS Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ: Những kết quả và báo cáo của các học giả trong tọa đàm có ý nghĩa quan trọng giảng dạy tiếng Trung Quốc tại Việt Nam.

Thầy cô khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc Đại học Đại Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các khách mời.

Cô Vũ Thị Hà – Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc cũng chia sẻ: “Những kết quả nghiên cứu và báo cáo của các học giả đã góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức đang đặt ra cho công tác giảng dạy và nghiên cứu tiếng Trung của Trường Đại học Đại Nam. Trong thời gian tới, Khoa NN&VH Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác liên kết đào tạo và tổ chức các buổi tọa đàm quốc tế để học hỏi, rút kinh nghiệm, áp dụng đổi mới chương trình đào tạo của Khoa…”

Trường Đại học Đại Nam đào tạo các ngành ngôn ngữ, gồm: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc, Đông phương học - Chuyên ngành Nhật Bản học. Đây là nhóm ngành đào tạo được trường Đại học Đại Nam đặc biệt chú trọng đầu tư, phát triển và đang trong quá trình quốc tế hóa đáp ứng nhu cầu học tập tăng cao của người học tại Nhà trường cũng như yêu cầu thực tế của xã hội.

 

Phùng Thị Nga