30/03/2022

20354

Chuẩn mực cơ bản của một bài báo khoa học

Viết bài báo khoa học là một yêu cầu bắt buộc đối với các nghiên cứu sinh trình độ Tiến sĩ, nhằm giúp các nghiên cứu sinh hiểu rõ những chuẩn mực cơ bản của một bài báo khoa học để thực hiện viết bài và gửi đăng trên các tạp chí chuyên ngành, Viện Đào tạo Sau đại học – Trường Đại học Đại Nam có bài giới thiệu về chuẩn mực cơ bản của một bài báo khoa học.

Cấu trúc cơ bản của một bài báo khoa học gồm những phần như sau: (1) Tiêu đề có 10 – 18 từ phản ánh nội dung nghiên cứu, dưới tiêu đề ghi thông tin liên quan, (2) Phần tóm tắt 100 – 125 từ, thể hiện vấn đề nghiên cứu, phương pháp, thời gian, số liệu, kết quả, (3) Phần dẫn nhập nói về lý do, tầm quan trọng của đề tài, (4) Lược sử về nghiên cứu trước đây, mô tả kết quả nghiên cứu, những gì còn thiếu, sai lệch, bổ sung, (5) Phương pháp và số liệu nghiên cứu, (6) Phần kết quả và thảo luận, tác giả trình bày và giải thích nghiên cứu, phản biện hay bổ sung các nghiên cứu trước, (7) Kết luận tổng lược kết quả nghiên cứu.

Hình thành ý tưởng nghiên cứu là tiền đề quan trọng cho quá trình nghiên cứu. Cách thức tìm kiếm ý tưởng phổ biến có thể đến từ quan sát thực tiễn, chẳng hạn như quan sát sự vận hành của một quy định pháp luật liên quan đến một vấn đề xã hội nào đó, quan sát quá trình vận hành của nhiều tổ chức để rút ra những kết luận quan trọng về nguyên tắc quản lý. Hoặc xuất phát từ những tranh luận khoa học, so sánh giữa lý thuyết khoa học với thực tiễn cuộc sống. Khi có ý tưởng, câu hỏi nghiên cứu sẽ nảy sinh trong đầu, người viết có thể bắt đầu thu thập số liệu, định hình phương pháp, sắp xếp thời gian, cuối cùng là thực hiện nghiên cứu.

Việc chọn đề tài và đặt tên đề tài nghiên cứu là nhiệm vụ quan trọng tiếp theo. Cách đặt tên càng làm rõ hướng tiếp cận, phạm vi nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu thì càng tốt. Kinh nghiệm cho thấy đề tài thể hiện không nên quá rộng vì khó có khả năng bao quát, cũng như không được quá hẹp, do khó tìm kiếm dữ liệu.

Lưu ý rằng, bài báo khoa học ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng đánh giá cao yếu tố phản biện. Đó là những phân tích, nhận định, quan điểm khách quan, đa chiều, thậm chí có thể trái ngược;  tính đúng/sai đôi khi không quá quan trọng bằng những lập luận khoa học có tính sáng tạo. Những bài viết khoa học trình bày theo lối mô tả (descriptive) như diễn giải các tình huống, cung cấp thông tin thuần túy thường bị đánh giá rất thấp vì không thể hiện được tư duy của tác giả.

Trong quá trình biên soạn bài viết, tác giả cần đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản sau:

Thứ nhất, cần cân nhắc kỹ lưỡng khi đặt tên và viết tóm tắt (Abstract) cho bài viết. Tên bài viết và phần tóm tắt là hai thông tin đầu tiên mà người đọc tiếp cận. Do vậy, hai yếu tố này một mặt, cần đủ hấp dẫn để thu hút sự chú ý và quan tâm của độc giả nhưng đồng thời, cũng phải phản ánh chính xác nội dung bài viết. Có thể coi đây là “thông tin marketing” ban đầu cho người đọc để họ quyết định có tiếp tục đọc tiếp hay không. Một số tạp chí có yêu cầu rất chi tiết về phần tóm tắt bao gồm độ dài, cấu trúc..., vì vậy , tác giả cần kiểm tra yêu cầu của tạp chí trước khi viết phần tóm tắt.

Thứ hai, bài viết cần có phần mở đầu tốt để thu hút độc giả. Thông thường, phần mở đầu của một bài viết nên làm rõ các vấn đề sau: bối cảnh nghiên cứu, tính cần thiết, đóng góp mới, mục đích và câu hỏi nghiên cứu. Có thể coi phần mở đầu chính là “bản đồ chỉ dẫn” giúp người đọc có hình dung tổng thể về bài viết.

Thứ ba, bài viết cần thể hiện sự hiểu biết về các nghiên cứu trước đó thông qua phần nội dung tổng quan về tình hình nghiên cứu, về các lý thuyết, thảo luận liên quan. Bài viết cần xác định rõ phương pháp nghiên cứu được lựa chọn: định lượng, định tính hay tiếp cận theo khung khái niệm. Phương pháp nghiên cứu cần bảo đảm tính logic và phù hợp. Việc xác định phạm vi giới hạn cả về lý thuyết và thực tiễn của bài viết cũng hết sức cần thiết.

Thứ tư, kết quả nghiên cứu, dữ liệu, bảng biểu cần được trình bày, giải thích rõ ràng và súc tích; bài viết cần có phần thảo luận đưa ra phân tích để làm rõ mục tiêu, trả lời câu hỏi và khẳng định giả thuyết nghiên cứu. Ở phần kết luận của bài viết, cần tóm tắt phát hiện của nghiên cứu và thảo luận về ý nghĩa, đóng góp về lý luận và thực tiễn.

Tác giả cũng nên lưu tâm cấu trúc bài viết. Bài báo khoa học có tính chất như một bài luận (essay) ở mức độ uyên thâm. Ngoài phần cứng là giới thiệu vấn đề, thân bài, kết luận, người viết cần đảm bảo phần tóm tắt (abstract). Bài viết khoa học còn xem xét độ tin cậy và khả năng tổng hợp vấn đề nghiên cứu. Chính vì vậy, tác giả không thể thiếu nghiêm túc trong việc sử dụng các trích dẫn (citation and footnote) và danh mục tài liệu tham khảo (references).

Trích dẫn, tham chiếu tài liệu thường là nội dung ít được chú ý đối với truyền thống viết bài khoa học, thể hiện trong các bài báo vắng bóng các trích dẫn trọng yếu. Một bài báo có nhiều trích dẫn là chuyện bình thường và nên làm. Chúng là cơ sở loại trừ nguy cơ đạo văn (plagiarism).

Sau khi kết thúc bài báo khoa học, tác giả phải nhớ ghi danh mục tài liệu tham khảo. Xin lưu ý, phần này cần trình bày theo tiêu chuẩn mà tạp chí đưa ra. Hiện nay, trên thế giới có nhiều trường phái khác nhau về tiêu chuẩn viết tài liệu tham khảo như trường phái ĐH Chicago, ĐH Cambridge…

                                                                                                                             -Viện Đào tạo Sau đại học-