11/05/2020

2077

Tọa đàm khoa học: Nhu cầu xã hội về đào tạo Thạc sĩ ngành Luật Kinh tế

Với mong muốn đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Luật kinh tế, sáng ngày 8/5/2020, Viện đào tạo Sau đại học – Trường Đại học Đại Nam đã tổ chức buổi Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Nhu cầu xã hội về đào tạo trình độ Thạc sĩ chuyên ngành Luật kinh tế” với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đào tạo thạc sĩ ngành Luật kinh tế.

Tham gia buổi Tọa đàm, về phía khách mời có đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp; và các chuyên gia, thầy cô giáo đến từ các trường đại học uy tín. Về phía Trường ĐH Đại Nam có thầy Lê Đắc Sơn - Chủ tịch HTQT, các thầy cô trong Ban Giám hiệu, Viện đào tạo SĐH và các thầy cô trong Khoa Luật kinh tế.

TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đại Nam phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, thầy Lê Đắc Sơn cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà sử dụng lao động đã dành thời gian quý báu tham dự hội nghị; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành Luật Kinh tế theo định hướng ứng dụng, góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. 

 “Với mục tiêu đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp, Trường ĐH Đại Nam cần phải xây dựng một chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành Luật Kinh tế có bản sắc riêng, đặc biệt tập trung vào đào tạo tư duy và thái độ hành nghề pháp luật cho người học. Do đó, bên cạnh những kiến thức chuyên môn hiện đại và cập nhật, chúng tôi rất mong muốn các chuyên gia ở đây cùng đóng góp ý kiến để giúp cho chương trình có thêm các môn học mới, giúp người học phát triển được tư duy nghề nghiệp cũng như thực hành được các kỹ năng nghề, từ đó nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức, thái độ trong học tập và làm việc”, thầy Lê Đắc Sơn chỉ đạo.

PGS.TS Phan Trọng Phức, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Đại Nam và PGS.TS Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội đồng chủ trì buổi Tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm, TS. Nguyễn Quang Vỹ - Trưởng ngành Luật của Viện SĐH đã trình bày nội dung báo cáo khảo sát về Nhu cầu đào tạo và Khung chương trình đào tạo thạc sĩ luật kinh tế do Viện SĐH biên soạn.

TS. Nguyễn Quang Vỹ trình bày nội dung báo cáo trong Tọa đàm

Sau khi lắng nghe những trình bày của TS. Nguyễn Quang Vỹ, Hội nghị đã cùng thảo luận đánh giá nhu cầu học tập và Xây dựng khung chương trình đào tạo đối với ngành luật kinh tế trình độ thạc sĩ.

Về nhu cầu đào tạo, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp cũng như các trường đại học đều khẳng định rằng nhu cầu về nhân lực ngành luật kinh tế đang ngày một gia tăng, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp. TS. Lê Đình Vinh - Tổng Giám đốc, Công ty Luật Vietthink đánh giá rằng nhu cầu chiều sâu (học để nâng cao năng lực) và nhu cầu chéo (học để bổ sung thêm kiến thức phục vụ công việc) trong việc đào tạo thạc sĩ ngành luật kinh tế đang ngày một tăng lên.

TS. Lê Đình Vinh - Tổng Giám đốc, Công ty Luật Vietthink: “Nhu cầu chiều sâu và nhu cầu chéo trong việc đào tạo thạc sĩ ngành luật kinh tế đang ngày một tăng lên.

Đồng ý với nhận định về nhu cầu gia tăng đối với nhân sự ngành luật kinh tế, đại diện của các cơ quan quản lý Nhà nước gồm ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội; ông Nguyễn Văn Bảy – Trưởng phòng Pháp chế chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ và bà Trương Thị Minh Nguyện – Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Hải quan đều cho rằng, nếu như giai đoạn trước đây các cơ quan, doanh nghiệp còn chưa chú trọng nhiều tới những nhân sự có kiến thức về Luật kinh tế cho doanh nghiệp, thì những năm gần đây nhu cầu này đã hình thành rõ và tuyển dụng vị trí rất cụ thể. 

Bà Trương Thị Minh Nguyện – Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Hải quan phát biểu ý kiến tại buổi Tọa đàm.

Cũng tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, các thầy cô đến từ các trường đại học có đào tạo chương trình thạc sĩ Luật Kinh tế như: Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Mở Hà Nội đều đánh giá chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Luật kinh tế của Đại Nam đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu về cấu trúc và thời lượng theo quy định chung của Bộ GD&ĐT.

PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh - Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất Trường ĐH Đại Nam nên xây dựng chương trình với tiêu chuẩn đầu ra theo CIDO. PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh cho biết: “Đào tạo theo mô hình CDIO giúp gắn kết được khả năng làm việc của người học với yêu cầu của người tuyển dụng, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa việc đào tạo của nhà trường và yêu cầu của nhà sử dụng nguồn nhân lực…”

PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh - Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất xây dựng chương trình với tiêu chuẩn đầu ra theo CIDO

PGS.TS Ngô Quốc Chiến – Trưởng Khoa luật, Trường ĐH Ngoại thương đóng góp ý kiến dù xây dựng chương trình trên quan điểm nào thì cũng nên giữ 4 nội dung cốt lõi của ngành luật kinh tế, đó là: phương pháp tư duy pháp luật (phương pháp tiếp cận vấn đề); soạn thảo hợp đồng; phiên tòa giả định (tòa án, trọng tài) và thăm quan doanh nghiệp luật (tòa án). Nếu chương trình có thêm một số học phần học tập thực tế (thực tập) tại các cơ quan/doanh nghiệp/tổ chức thực hành pháp luật thì sẽ tạo được điểm nhấn rất khác biệt so với những chương trình hiện tại, đồng thời nâng cao hơn được chất lượng đào tạo và thu hút thêm được nhiều người học.

PGS.TS Ngô Quốc Chiến – Khoa Luật, Trường ĐH Ngoại thương: “Chương trình đào tạo cần giữ 4 nội dung cốt lõi của ngành luật kinh tế”

Bàn về vấn đề định hướng thực hành, TS. Lê Đình Vinh - Tổng Giám đốc, Công ty Luật Vietthink và PGS.TS. Trần Hữu Tráng - Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội đều rất đồng tình với định hướng ứng dụng mà chương trình đào tạo đã đề ra vì đây là hướng đi đúng, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội hiện tại và tương lai. TS. Vinh cũng nhấn mạnh thêm rằng, để chương trình mang đậm “bản sắc” của Trường Đại học Đại Nam, ông hoàn toàn nhất trí với ý kiến trao đổi khai mạc hội nghị của TS. Lê Đức Sơn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhà trường – là phải chú trọng tới kỹ năng, thái độ song song với việc cung cấp kiến thức chuyên ngành phù hợp.

PGS.TS. Trần Hữu Tráng - Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội: “Cần xây dựng ma trận chuẩn đầu ra của chương trình”.

Các đại biểu, nhà sử dụng lao động, chuyên gia, thầy cô giáo tại Tọa đàm.

Thay mặt Trường ĐH Đại Nam, PGS.TS Phan Trọng Phức cho biết sẽ ghi nhận và tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp nhằm xây dựng chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Luật Kinh tế theo định hướng ứng dụng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội. Với chuẩn đầu ra và khung năng lực mới, Nhà trường tin tưởng rằng, những thạc sĩ Luật Kinh tế của Trường ĐH Đại Nam trong tương lai sẽ là những người vững kiến thức chuyên môn, có kỹ năng và thái độ làm nghề chuyên nghiệp, có khả năng hội nhập tốt với bối cảnh quốc tế đầy cạnh tranh nhưng cũng không ít những cơ hội.

Viện Đào tạo sau đại học