Tất cả đều từ bước chân đầu tiên kể cả văn hóa đọc

Việt Nam là một quốc gia có truyền thống “trọng sách”, yêu tri thức và luôn cầu tiến trên con đường tri thức. Tuy nhiên, khi bước vào thời kỳ hội nhập, văn hóa đọc đang đứng trước nguy cơ mai một bởi sự lấn át của các phương tiện nghe, nhìn (điện thoại, máy tính bảng, laptop…). Phần lớn người trẻ hiện nay “mải mê” chạy theo thú vui nhất thời mà từ bỏ nguồn tri thức vô tận từ sách. Để sách một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò trong đời sống hiện đại, trở thành nền tảng của một quốc gia học tập, đã đến lúc cả xã hội cùng "nhập cuộc" để chấn hưng văn hóa đọc từ những bước chân đầu tiên.
Thăng trầm văn hóa đọc
Đọc sách là nét văn hóa của người Việt từ lâu đời. Sách được cha ông ta đề cao và khẳng định “Thư trung ngọc hữu” (Trong sách có ngọc); “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/Không bằng kinh sử một vài pho”…
Trước đây, sách không đa dạng như hiện tại, cũng không phải gia đình nào cũng có điều kiện để mua nhiều sách. Tuy nhiên, hầu hết các gia đình đều có giá sách, tủ sách dùng chung cho cả nhà. Những cuốn sách quý, sách giá trị đều được đóng bìa cứng, gáy vải hoặc gáy da mạ chữ vàng, ngoài tên tác giả, tên sách, còn có tên tủ sách gia đình… Sự trân quý sách ấy được truyền lại cho các thế hệ trong gia đình, hình thành nét văn hóa đọc sách của người Việt.
Niềm hân hoan, trân quý khi tìm được một cuốn sách hay.
Những năm 1990 – 2000, không khó để bắt gặp hình ảnh những cô, cậu sinh viên “bám rễ” tại thư viện, hiệu sách. Muốn sở hữu riêng cho mình một quyển sách mới mà không có điều kiện. Đâu đó câu nói của nhân vật Thương trong phim “Phía trước là bầu trời” cứ văng vẳng: “Nếu có tiền sẽ ra hiệu sách và mua bất cứ quyển sách nào mà mình thích”.
Ngày nay, không khó để mỗi người sở hữu cho mình một tủ sách với đa dạng thể loại, có thể đọc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Thế nhưng sự tiện ích của các phương tiện truyền thông, giải trí, tính năng vượt trội của các nền tảng mạng xã hội đang hấp dẫn và có sức lôi cuốn người trẻ mạnh mẽ hơn so với các trang sách in.
Giới trẻ “giết thời gian” bằng cách tụ tập, tô tượng.
“Cắm mặt” vào điện thoại mọi lúc, mọi nơi.
Nhiều bạn trẻ khi bước vào nhà sách lại không biết nên chọn loại sách nào. Cứ “hời hợt” lướt qua từng gian sách rồi lại ra về “tay trắng”. Dần dần, thói quen mua và đọc sách không còn. Thay vào đó là thời gian cùng bạn bè tụ tập chém gió; lướt web, tô tượng “giết thời gian”. Dường như sự hưởng thụ, ham vui đã “bóp nghẹt” ham muốn bồi dưỡng nguồn tri thức vô tận từ sách của các bạn trẻ.
Tại sao văn hóa đọc của người trẻ Việt Nam chưa cao?
Diễn giả Nguyễn Quốc Vương nhận định: Giới trẻ lười đọc vì chưa hiểu được tầm quan trọng của sách. Một nguyên nhân nữa là chưa có nền tảng phát triển và nâng cao văn hóa đọc cho người trẻ Việt Nam.
“Chúng ta có nhiều hội khuyến học mà không có hội khuyến đọc. Trong khi nhiều trường học, thư viện kêu khó thuyết phục người khác đọc sách, thì ở một nơi xem ra khó hơn nhiều là nhà tù thì người ta lại yêu sách và khát khao đọc sách”, diễn giả Nguyễn Quốc Vương nhận định.
Sách giấy mang đến nguồn tri thức vô tận.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương lại cho rằng: Cha mẹ không đọc sách thì không khuyến khích con cái đọc sách được. Ở trường thầy cô cũng ít đọc sách, không thể làm tấm gương cho học trò.
Còn các bạn trẻ dù nhận định được đọc sách là cần thiết nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Thế Tài – sinh viên khoa Quản trị Kinh doanh trường Đại học Đại Nam chia sẻ: “Bản thân em rất muốn đọc sách nhưng lại không biết lựa chọn loại sách nào cho phù hợp. Không có người định hướng, không có người cùng đọc, cùng chia sẻ cũng khiến em nhụt chí, không có động lực đọc”.
Mỗi cuốn sách là một cửa sổ nhìn ra thế giới; là nguồn năng lượng cho trí óc của bạn
Không phải ngẫu nhiên mà doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ chi 5 tỷ USD (~ 117.000 tỷ đồng) để xây dựng tủ sách, phát động phong trào yêu sách và đọc sách tới khắp các tỉnh thành của Việt Nam từ những năm 2018.
Theo đó, trong 5 năm (2018 – 2023), tập đoàn của ông Vũ sẽ trang bị tủ sách, tủ phim đến các nhà văn hóa, thư viện của 713 đơn vị hành chính gồm 68 thành phố trực thuộc tỉnh, 50 thị xã, 49 quận và 546 huyện; trang bị hơn 20 triệu tủ sách và phim tới hơn 20 triệu hộ gia đình, dòng họ…; toàn bộ hệ thống Thư viện các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội,… trên mọi miền Tổ Quốc.
Mỗi sinh viên cần hình thành cho mình một thói quen đọc để lĩnh hội tri thức và phát triển văn hóa đọc.
Không chỉ doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ, nhiều cá nhân, tổ chức cũng nhận thức tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc. Phong trào tặng sách, xây thư viện được các địa phương đẩy mạnh thực hiện. Mô hình thư viện 0 đồng không chỉ được tổ chức tại các thị trấn, phường xã ở nhiều tỉnh thành trên phạm vi cả nước. Văn hóa đọc sách cũng được các dòng họ chú trọng, khuyến khích và động viên con cháu duy trì, rèn luyện.
Nhiều CLB sách của những cá nhân có ảnh hưởng như diễn giả Nguyễn Quốc Vương, TS. Lê Thụy Anh được thành lập, trở thành “điểm hẹn” của những người có chung đam mê đọc. Điều đó cho thấy, ý nghĩa và giá trị của sách là không thể thay thế. Không có sách thì không thể có tri thức. Và không có kiến thức thì không thể phục vụ tốt cho công việc, cuộc sống và có thu nhập cao.
Do đó, chấn chỉnh văn hóa đọc là nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, cần được quan tâm và củng cố trên nhiều bình diện. Đặc biệt là các cơ sở giáo dục, nơi đào tạo tri thức cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Đại học Đại Nam làm gì để phát triển văn hóa đọc?
Nhận thức được tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc trong sinh viên, trường Đại học Đại Nam quyết định tổ chức “Ngày hội sách trường đại học Đại Nam 2023”. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên và sinh viên về tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Hướng tới xây dựng một xã hội ham đọc để đáp ứng với xã hội thông tin, nền kinh tế trí thức và một xã hội phát triển bền vững; hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023.
Các diễn giả nổi tiếng như nhà sử học Lê Văn Lan, Nguyễn Quốc Vương… được trường Đại học Đại Nam mời đến giao lưu, chia sẻ cùng sinh viên. Tại đây, các bạn trẻ được tìm hiểu về lợi ích của việc đọc sách, cách lựa chọn sách phù hợp, phương pháp đọc, ghi nhớ, chọn lọc thông tin… Từ đó khơi dậy nguồn cảm hứng đọc trong mỗi lòng mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường.
Sau khi đọc, các bạn trẻ còn có thể lan tỏa cuốn sách mình yêu thích đến bạn bè, thầy cô bằng cách tham gia minigame review sách; đổi sách – lấy sách tại Trạm thanh niên của Nhà trường.
Đặc biệt, Đoàn trường Đại học Đại Nam quyết định thành lập CLB “Sách và Hành động” để quy tụ những bạn trẻ yêu sách và mong muốn lan tỏa văn hóa đọc đến sinh viên toàn trường nói riêng và xã hội nói chung.
“Mong muốn của chúng tôi là truyền bá, chấn chỉnh và phục hưng văn hóa đọc, trước hết là cho sinh viên trường Đại học Đại Nam, rộng hơn là toàn xã hội. Mỗi thành viên là một đại sứ đọc, lan tỏa tinh thần và thói quen đọc sách cho bạn bè, người thân. Từ bạn bè và người thân của họ lại tiếp tục chia sẻ cho những người khác, dần dần hình thành nên một cộng đồng đọc sách, yêu sách”, anh Vũ Đặng Tuấn Anh – Bí thư Đoàn trường Đại học Đại Nam chia sẻ.
Thầy trò trường Đại học Đại Nam chung tay với xã hội “chấn hưng” văn hóa đọc.
Cô Cao Thị Hòa – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Đại Nam nhấn mạnh: “Văn hóa đọc được tạo dựng bởi nhiều yếu tố, nhưng đầu tiên và nòng cốt chính là thái độ và cách ứng xử với việc đọc. Với sự nỗ lực của Nhà trường, đồng lòng của thầy cô và sinh viên, tôi mong rằng văn hóa đọc của Đại học Đại Nam từng bước thay đổi và từ thầy cô truyền động lực tích cực cho các thế hệ trẻ của Việt Nam nói chung và Đại học Đại Nam nói riêng”.
Chương trình “Ngày hội sách Đại học Đại Nam 2023” vào ngày 19/4 tại trường Đại học Đại Nam. Rất nhiều hoạt động thú vị cùng nhiều cuốn sách hay đang chờ các bạn trẻ đến khám phá, tìm hiểu.
>>> Chi tiết: https://dainam.edu.vn/vi/tin-tuc/dieu-gi-dang-cho-dnuer-tai-ngay-hoi-sach-dai-hoc-dai-nam-2023
BTT