25/06/2020

11278

Tại sao nên chọn trường đại học đã được Kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn mới?

Đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn mới là điều bất cứ trường đại học, cao đẳng nào cũng mong muốn vươn tới. Vậy, kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nhằm mục đích gì? Tại sao phải thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn mới? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc này.

Đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn mới là điều bất cứ trường đại học, cao đẳng nào cũng mong muốn vươn tới. Vậy, kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nhằm mục đích gì? Tại sao phải thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn mới? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc này.

Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nhằm mục đích gì?

Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục là một quá trình xem xét chất lượng giáo dục từ bên ngoài, để khảo sát, đánh giá, từ đó giúp các cơ sở gió dục cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững. Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện theo chu kỳ 5 năm với 4 bước: Tự đánh giá; Đánh giá ngoài; Thẩm định kết quả đánh giá; Công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, qua đó từng bước đáp ứng mục tiêu của cơ sở giáo dục đề ra, đảm bảo các mục tiêu giáo dục của Luật giáo dục đại học, phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Quá trình tự đánh giá và đánh giá cơ sở giáo dục phải căn cứ các tiêu chuẩn kiểm định đánh giá toàn bộ các hoạt động của cơ sở giáo dục, qua đó liên tục xác định được những điểm mạnh để tiếp tục phát huy, những  điểm tồn tạị để xây dựng kế hoạch khắc phục.

Mục đích chính của kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục là nhằm đảm bảo đạt được những chuẩn mực nhất định trong đào tạo và không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng nguồn nhân lực và đảm bảo quyền lợi cho người học. Chính  các  tiêu chí trong kiểm định chất lượng đã tạo áp lực để các cơ sở giáo dục chú trọng, đổi mới, tìm giải pháp nâng cao chất lượng. Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục còn nhằm thực hiện trách nhiệm giải trình các bên liên quan (người học, giảng viên, nhân viên, đội ngũ lãnh đạo và quản lý, nhà sử dụng lao động, các đối tác, gia đình người học, nhà đầu tư, cơ quan quản lý trực tiếp, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, tổ chức và cá nhân có liên quan khác) về thực trạng chất lượng giáo dục và hiệu quả hoạt động của cơ sở giáo dục.

Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài cơ sở giáo dục đến khảo sát sơ bộ tại Trường ĐH Đại Nam.

Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo tiêu chuẩn mới

Ngày 19/5/2017, Bộ Trưởng  Bộ GD-ĐT ban hành trong Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT quy định về Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí thay thế Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01/11/2007 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học.

Bộ tiêu chuẩn kiểm định mới được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục do Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN-QA) ban hành tháng 7/2016 (Guide to AUN-QA Assessment At Institutional Level (ver 2.0)) gồm có 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí, đánh giá toàn bộ hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học, được chia thành 04 nhóm: Đảm bảo chất lượng về mặt chiến lược (08 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí); Đảm bảo chất lượng về mặt hệ thống (04 tiêu chuẩn, 19 tiêu chí); Đảm bảo chất lượng về mặt thực hiện chức năng (09 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí); Kết quả hoạt động (04 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí).

Đoàn đánh giá ngoài khảo sát chính thức tại Trường ĐH Đại Nam.

Tại sao phải kiểm định theo tiêu chuẩn mới?

Các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng thường được định kỳ rà soát, chỉnh sửa và bổ sung theo chu kỳ 5-10 năm. Tại Việt Nam, bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học cũ sử dụng đã được gần 13 năm và từ thời điểm sửa đổi, bổ sung đến nay đã được gần 7 năm.

Theo các chuyên gia, bộ tiêu chuẩn cũ chủ yếu tập trung vào đầu vào và kết quả, nhấn mạnh vào tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định, có quá nhiều tiêu chí có xu hướng khẳng định kết quả đã đạt được trong quá khứ hoặc hiện tại.

Những điều này trái ngược với các bộ tiêu chuẩn kiểm định ở các nước tiến tiến trên thế giới chủ yếu tập trung vào quá trình và kết quả hoặc đầu ra. Ví dụ, bộ tiêu chuẩn của Hội đồng kiểm định đại học, Hoa Kỳ - HLC nhấn mạnh vào việc thực hiện sứ mạng và mục tiêu đề ra của các cơ sở giáo dục đại học; các tiêu chí đều định tính và xu thế khuyến khích sự chuẩn bị cho tương lai và nâng cao chất lượng.

Trường ĐH Đại Nam và Đoàn đánh giá ngoài ký Biên bản khảo sát chính thức.

Thực tiễn triển khai tự đánh giá và đánh giá ngoài trường đại học đã chỉ ra một số tiêu chí không hợp lý của bộ tiêu chuẩn hiện nay. Cụ thể là có những tiêu chí mà tất cả các trường đều đạt. Ví dụ như tiêu chí về hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong trường đại học (tiêu chí 4 của tiêu chuẩn 2), tiêu chí về đảm bảo quyền dân chủ của đội ngũ quản lý, giảng viên và nhân viên (tiêu chí 2 của tiêu chuẩn 5), hoặc tiêu chí về việc tuyên truyền đạo đức, lối sống cho người học (tiêu chí 6 của tiêu chuẩn 6).

Ngược lại, có tiêu chí mà rất ít trường đạt. Ví dụ như tiêu chí về thực hiện công nhận kết quả của người học (tiêu chí 2 của tiêu chuẩn 4), tiêu chí về đảm bảo nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (tiêu chí 5 của tiêu chuẩn 7), hoặc tiêu chí yêu cầu có đủ diện tích lớp học, ký túc xá cho người học (tiêu chí 5 của tiêu chuẩn 9).

Việc kiểm định chất lượng sẽ không có ý nghĩa với các tiêu chí mà tất cả các trường đều đạt hoặc những tiêu chí mà rất ít trường đạt. Bộ tiêu chuẩn mới đã cơ bản khắc phục được những điểm chưa hợp lý của bộ tiêu chuẩn cũ.

Triết lý của bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục ban hành theo thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT là đảm bảo mọi hoạt đông của cơ sở giáo dục  được thực hiện theo chu trình Lập kế hoạch – Thực hiện – Kiểm tra đánh giá – Cải tiến (P-D-C-A), qua mỗi chu trình các hoạt động của cơ sở giáo dục liên tục được cải tiến thay đổi khắc phục những điểm tồn tại và ngày càng hoàn thiện đáp ứng mục tiêu của cơ sở giáo dục. Như vậy, mỗi tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn mới là một mắt xích quan trọng trong một chỉnh thể hoàn chỉnh của quy trình P-D-C-A, quy trình được áp dụng phổ biến trong công tác đảm bảo chất lượng giáo dục đại học trên thế giới.

Sự kết nối và nhất quán cũng là ưu điểm của bộ tiêu chuẩn mới. Bộ tiêu chuẩn mới với 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí thực chất là sự cụ thể hóa từ 4 hợp phần trong khung đánh giá cơ sở giáo dục của AUN-QA, bao gồm: đảm bảo chất lượng chiến lược (8 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí), đảm bảo chất lượng hệ thống (4 tiêu chuẩn, 19 tiêu chí), đảm bảo chất lượng chức năng (9 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí), và kết quả hoạt động (4 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí).

Cùng với bộ tiêu chuẩn mới này, việc đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng trường đại học có sự thay đổi cơ bản so với quy định cũ. Từng tiêu chí sẽ được đánh giá theo thang 7 mức (tương ứng với 7 điểm) thay vì chỉ có 2 mức là đạt hoặc chưa đạt như hiện nay.

Việc đánh giá theo thang 7 mức sẽ chi tiết hơn và chính xác hơn so với thang 2 mức. Ngoài ra cách đánh giá theo nhiều mức sẽ giúp cho các trường đại học thấy rõ hơn những điểm còn tồn tại, điểm yếu để từ đó phấn đấu, nâng cao chất lượng giáo dục.

ĐH Đại Nam – trường đại học thứ 8 đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn mới

Đại diện Bộ GD&ĐT và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trao Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục cho ĐH Đại Nam.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Trường ĐH Đại Nam đã chủ trương khẳng định uy tín và thương hiệu bằng chất lượng đào tạo học đi đôi với hành, gắn đào tạo với thực tế và nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội. Bên cạnh việc từng bước đầu tư cơ sở vật chất; xây dựng chương trình đào tạo cập nhật, hiện đại; tuyển chọn đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi; xây dựng môi trường học tập chuyên nghiệp, hiện đại và năng động giúp người học phát triển toàn diện, Trường ĐH Đại Nam đặc biệt chú trọng đến công tác kiểm định chất lượng theo Bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT.

Theo đó, năm 2016, Trường ĐH Đại Nam đã hoàn thành Báo cáo tự đánh giá cơ sở giáo dục theo Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT và Thông tư số 62/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Căn cứ Quy định về kiểm định cơ sở giáo dục đại học ban hành ngày 19/5/2017 của Bộ GD&ĐT, Trường ĐH Đại Nam đã tổ chức tự đánh giá theo các tiêu chuẩn mới và tháng 6/2019 Nhà trường đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá trình Bộ Giáo dục và Đào tạo và được phép ký hợp đồng Đánh giá ngoài cơ sở giáo dục với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Đại diện Bộ GD&ĐT, đại diện Trung tâm Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục – Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng Ban lãnh đạo, Ban Giám hiệu Trường ĐH Đại Nam.

Qua 02 đợt khảo sát phục vụ đánh giá ngoài từ 3/8/2019 đến 11/9/2019 và thông qua hội đồng thẩm định kết quả đánh giá, ngày 20/11/2019 Trường Đại học Đại Nam chính thức trở thành trường đại học ngoài công lập thứ 23 được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và là trường đại học thứ 8 công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn mới của Bộ GD&ĐT.

Thu Hòe (tổng hợp)