26/01/2023

3338

Tại sao Đại học Đại Nam lại mang tên Đại Nam?

Tại sao lấy “Đại Nam” là tên của Nhà trường? Cổng trường Đại học Đại Nam có ý nghĩa như thế nào? Tại sao bản đồ đất nước lại được đặt trang trọng giữa cổng trường Đại học Đại Nam? Đây là băn khoăn thắc mắc của rất nhiều người khi nhắc đến cái tên Đại học Đại Nam và được “mục sở thị” hình ảnh cổng trường đại học to đẹp, ấn tượng bậc nhất Hà Nội. Cùng “giải mã” qua bài viết dưới đây nhé!

Quần thể trường Đại học Đại Nam tại số 1 Phố Xốm, Hà Đông - Hà Nội sau khi hoàn thành xây dựng giai đoạn II.

Vì sao chọn “Đại Nam” đặt cho tên trường?

Năm 2005, TS. Lê Đắc Sơn cùng 12 nhà khoa học bắt tay vào xây dựng Đề án thành lập trường đại học ngoài công lập, dưới sự bảo trợ của Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Hội đồng sáng lập của trường lúc đầu định đặt tên trường trong bản đề án là “Trường Đại học Đại Việt” để thể hiện khát vọng xây dựng một trường đại học lớn mạnh như nước Đại Việt thời nhà Lê (bắt đầu từ năm 1428) và nhà Lý (bắt đầu 1054). Tuy nhiên sau đó, đầu năm 2007 đổi từ “Đại Việt” thành “Đại Nam” vì Đại Nam cũng là quốc hiệu của nước ta từ 1838 - 1945 thời nhà Nguyễn. Đây là thời kỳ đất nước ta phát triển mạnh mẽ và kéo dài hơn 100 năm. Hội đồng sáng lập đều hướng đến xây dựng một trường đại học lớn mạnh và trường tồn như thời thịnh vượng của nước Đại Nam chúng ta.

Sau gần hai năm xây dựng các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định, ngày 14/11/2007, Đại học Đại Nam đã được Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định thành lập; Bộ GD&ĐT trao Quyết định công nhận và cho phép tuyển sinh khóa đầu tiên.

Đại học Đại Nam – ngôi trường mang tên đất nước, thôi thúc niềm tự hào dân tộc và khát vọng cống hiến dựng xây đất nước hùng cường.

Chia sẻ về quyết định đặt tên trường là Đại học Đại Nam, TS. Lê Đắc Sơn cho biết: “Ngược dòng lịch sử, lật giở cảo thơm có thể thấy các bậc tiền nhân đã tạo nên sự hưng thịnh của kỷ nguyên văn minh Đại Nam với những sách lược tài tình, đầy trí tuệ đã phát triển mở mang bờ cõi, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho muôn dân. Tên trường Đại học Đại Nam gắn liền với tên đất nước – kỷ nguyên Đại Nam và đất nước Việt Nam. Đó cũng chính là khát vọng của chúng tôi – những người sáng lập, xây dựng và phát triển Đại học Đại Nam. Chúng tôi mong muốn xây dựng một trường đại học phát triển lớn mạnh, trường tồn cùng đất nước và trở thành “di sản”.

Cũng theo TS. Lê Đắc Sơn, cái tên Đại học Đại Nam còn là lời nhắc nhở “ôn cố tri tân” để mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước nhìn lại những kinh nghiệm lịch sử của cha ông trong xây dựng và bảo vệ đất nước của kỷ nguyên văn minh Đại Nam hiển hách; để mỗi người Việt Nam chúng ta hôm nay suy ngẫm, chuẩn bị “tâm”, “thế” của một Việt Nam đổi mới, sẵn sàng hội nhập, vì một Việt Nam hùng cường và “non sông nghìn thuở vững âu vàng” như khát vọng của lớp lớp thế hệ người đi trước.

Gần 1.000 con người trong ngôi nhà chung Đại Nam cùng chung một ý chí – làm thầy, khát vọng phát triển giáo dục, dựng xây đất nước.

Theo đó, sau 16 năm xây dựng và phát triển, Đại học Đại Nam tự hào là điểm đến uy tín, tin cậy của hơn 32.000 sinh viên – học viên, với hơn 20.000 sinh viên đã tốt nghiệp ra trường. Đến năm 2023, Nhà trường đang có hơn 12.000 sinh viên – học viên theo học tại 24 ngành đào tạo trình độ đại học chính quy, 5 ngành đào tạo trình độ Thạc sĩ và 01 ngành đào tạo trình độ Tiến sĩ. Gần 1.000 cán bộ, giảng viên, nhân viên đang làm việc, cống hiến, đồng hành cùng sự phát triển chung của Nhà trường. Đó là kết quả của 15 năm chắt chiu, nỗ lực, kiên trì bền bỉ thực hiện sứ mệnh “Đào tạo để người học ra trường có cuộc sống tốt và là công dân tốt”.

Vì sao Đại học Đại Nam lại xây bản đồ nước Việt Nam tại cổng trường?

Cổng trường Đại học Đại Nam được xây dựng với tham vọng, bất cứ ai đi qua trường Đại học Đại Nam cũng thấy ấn tượng, phải dừng lại để ngắm nhìn và lưu lại hình ảnh về chiếc cổng trường “độc nhất vô nhị”.

Hình ảnh cổng trường Đại học Đại Nam.

Bản đồ đất nước – điểm nhấn của cổng trường Đại học Đại Nam.

Điểm nhấn quan trọng nhất, ý nghĩa nhất và thiêng liêng nhất đó là hình ảnh bản đồ đất nước Việt Nam được thiết kế và đặt trang trọng chính giữa cổng trường. Mỗi khi thầy cô, sinh viên đến trường nhìn tấm bản đồ sẽ thấy hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, từ đó hun đúc ý chí, nghị lực học tập, tinh thần yêu nước và trách nhiệm xây dựng đất nước Việt Nam trường tồn. Đó cũng chính là khát vọng của trường Đại học Đại Nam – nơi chắp cánh ước mơ cho các thế hệ sinh viên…

Cổng trường – điểm checkin lý tưởng của sinh viên DNU.

Bước vào tuổi 16, trường Đại học Đại Nam phải nỗ lực hơn nữa để xứng đáng là lựa chọn hàng đầu của người học với các ngành đang đào tạo tại Nhà trường.

BTT