10/02/2022

13002

Những tố chất cần có để theo học ngành Kế toán

Đối với các bạn học sinh phổ thông đang còn ngồi trên ghế nhà trường thì việc xác định đam mê và năng lực để lựa chọn ngành nghề theo học phù hợp với bản thân là điều hết sức quan trọng. Với sự phát triển mạnh mẽ về thông tin như hiện nay, rất nhanh chóng để có thể tra cứu hàng loạt các ngành nghề “hot trend”. Tuy nhiên, công việc “hot trend” đó có thực sự phù hợp với bản thân hay không là điều cần phải quan tâm trước khi đặt bút quyết định nguyện vọng theo học. Với ngành hút nhân lực như Kế toán  thì sô lượng hồ sơ tuyển sinh hàng năm vào trường Đại học Đại Nam luôn duy trì ở mức ổn định cao. Vậy, những tố chất cần có khi theo học ngành Kế toán là gì? Bạn có những tốt chất phù hợp với ngành Kế toán hay không?

Giảng viên và sinh viên khoa Kế toán giao lưu chia sẻ về ngành học.

 Ngành Kế toán là gì?

>>> Xem thêm: Nguồn nhân lực Kế toán chất lượng cao sẽ thiếu hụt trầm trọng trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0

Kế toán là gì? Kế toán là công việc ghi chép, thu nhận, xử lý và cung cấp các thông tin về tình hình hoạt động kinh tế tài chính của một tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan,…

Chuyên sâu hơn, kế toán là ngành thực hiện quá trình thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về toàn bộ tài sản, nguồn hình thành tài sản và sự vận động tài sản trong doanh nghiệp, tổ chức,. Từ đó, kế toán sẽ cung cấp thông tin tài chính hữu ích cho việc đưa ra những quyết định về kinh tế - xã hội và đánh giá hiệu quả các hoạt động trong doanh nghiệp, tổ chức đó.

Đây là một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực quản lý tài chính. Từ quản lý ở phạm vi từng đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp cho đến quản lý ở phạm vi toàn bộ nền kinh tế.

Giống như với nhiều ngành học khác ở bậc đại học, ngay từ năm thứ 1 nhất cho đến năm thứ 4 tư, sinh viên kế toán sẽ được trang bị một khối kiến thức nền tảng vững vàng. Ngoài ra, sinh viên theo học ngành này còn được trang bị các kỹ năng mềm khác như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng quản lý thời gian… Các môn học phục vụ đắc lực cho nghề nghiệp: Nguyên lý kế toán, kế toán tài chính, Thiết lập hệ thống kế toán doanh nghiệp trên Excel, Phân tích báo cáo tài chính, Lập và trình bày báo cáo tài chính, Thuế…

Những tố chất cần có để theo học ngành Kế toán

>>> Xem thêm: 03 điểm khác biệt chỉ có ở khoa Kế toán Trường Đại học Đại Nam

1. Luôn cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công việc, tư duy logic và trách nhiệm kỷ luật cao

Kế toán là người thường xuyên tiếp xúc, thao tác với vô số tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh, tài chính. Toàn bộ đều là những con số mang tính pháp lý, liên quan đến pháp luật, vì thế bạn phải cẩn thận và có tính kỷ luật cao trong vệc bảo quản tài liệu cũng như tính toán số liệu một cách chính xác, đầy đủ. Hơn nữa, mỗi số liệu kế toán đều mang trong mình những “câu chuyện hết sức thú vị” về tình hình hoạt động kinh doanh của đơn vị, người làm kế toán cần có tư duy logic để có thể kết nối các thông tin phục vụ cho quá trình làm việc.

2. Đề cao tính trung thực, tôn trọng nguyên tắc, năng động, ham học hỏi

Số liệu kế toán là số liệu có thể phản ánh về tình hình “sức khỏe” tài chính của một doanh nghiệp. Xét trong tổng nền kinh tế, số liệu kế toán có thể ảnh hưởng đến kinh tế xã hội quốc gia. Chính vì thế, một người làm kế toán chuyên nghiệp đòi hỏi phải luôn đề cao tính trung thực, khách quan, tôn trọng pháp luật và đạo đức nghề nghiệp trong quá trình tác nghiệp của bản thân. Có như vậy, chúng ta không chỉ nâng cao uy tín, vị thế của bản thân mà còn đem lại lợi ích cho đơn vị, quốc gia.

3. Có khả năng tự học, chủ động và sáng tạo trong công việc

Kinh tế - xã hội là không ngừng vận động, không ngừng phát triển. Do đó, hệ thống văn bản pháp luật cũng cần thay đổi phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị của mỗi quốc gia trong từng thời kỳ nhất định. Chính vì vậy, người làm công tác kế toán cần phải có khả năng tự học, chủ động trong việc cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân. Trong quá trình làm việc cần năng động, sáng tạo phát huy tốt vai trò của kế toán, từ đó tham mưu cho người lãnh đạo trong quá trình ra quyết định.

4. Thông thạo tin học văn phòng và ngoại ngữ

Để học tốt ngành Kế toán, sinh viên phải thành thạo các kỹ năng sử dụng máy vi tính, kỹ năng tin học văn phòng để có thể phục vụ cho quá trình học tập và làm việc sau này. Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần đầu tư về ngoại ngữ, đây không chỉ là điều kiện để xét tốt nghiệp mà ngoại ngữ còn là công cụ giao tiếp giúp các bạn có lợi thế khi xin việc và làm việc sau này.

Bạn cũng không phải quá lo lắng, khi trình độ hiện tại về tin học văn phòng và ngoại ngữ của bạn chưa thực sự tốt. Vì quá trình học tập trên giảng đường đại học, các thầy cô sẽ giúp các bạn hoàn thiện các kỹ năng này.

5. Có khả năng quản lý thời gian

Công việc kế toán luôn đòi hỏi các kế toán viên phải hoàn thiện báo cáo cho kịp deadline của kỳ kế toán theo quy định của doanh nghiệp và cơ quan thuế. Việc xây dựng kế hoạch hoàn thành deadline và tuân thủ quản lý thời gian học tập, làm việc sẽ giúp các bạn có một kết quả học tập tốt và hoàn thành tốt công việc được giao khi đi làm.

6. Yêu thích các con số, có khả năng phân tích và tổng hợp số liệu

Các con số của kế toán không chỉ là những số liệu khô khan, những con số vô tri, vô giác, mà các con số của kế toán là những con số “biết nói” và mang trong mình những câu chuyện hết sức riêng về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Người làm kế toán sẽ tiếp xúc với con số một cách thường xuyên liên tục, nếu như bạn cảm nhận và hiểu được ý nghĩa của những số liệu kế toán đó bạn sẽ luôn cảm thấy yêu nghề và say mê với nó. Tuy nhiên, bạn đừng băn khoẳn khi chưa thực sự học giỏi toán và cho rằng mình không phù hợp với nghề bởi vì học kế toán không có nghĩa là bạn phải giỏi trong việc giải các bài toán với phương trình bậc cao, các bài toán tích phân, lượng giác,… mà bạn sẽ được trải nghiệm công việc ở một góc độ toán học hoàn toàn khác. Các thầy cô giáo ở khoa Kế toán - Đại học Đại Nam sẽ khiến bạn thêm yêu những con số và say mê chúng.

Các phương thức xét tuyển vào ngành Kế toán Trường Đại học Đại Nam

- Phương thức 1: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Sử dụng kết quả 03 môn từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp xét tuyển;

- Phương thức thứ 2: Xét tuyển học bạ Tổng điểm trung bình năm lớp 12 theo tổ hợp 3 môn xét tuyển;

- Phương thức 3: Xét tuyển thẳng (Theo quy định của Bộ GD&ĐT)

>>> ĐĂNG KÝ XÉT TUYẾT: TẠI ĐÂY

Vũ Thị Mai Nhi – giảng viên Khoa Kế toán