12/01/2023

1347

Không gian và văn hóa Tết đa vùng miền, đa quốc gia trong chương trình Tấm bánh nghĩa tình 2023

Trải qua 12 năm liên tiếp, Tấm bánh nghĩa tình đã trở thành chương trình thiện nguyện góp phần làm nên thương hiệu của Trường Đại học Đại Nam mỗi dịp Tết đến Xuân về, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng cộng đồng. Với chủ đề “Xuân gắn kết, Tết sẻ chia”, Tấm bánh nghĩa tình 2023 không chỉ nhắc nhở các bạn trẻ về sự thiêng liêng của Tết cổ truyền Việt Nam, những nét đặc trưng của Tết xưa – nay, Tết 03 miền Bắc – Trung – Nam mà còn “mở cửa” cho sinh viên khám phá văn hóa, phong tục đón năm mới của các nước bạn: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Vương Quốc Anh… Cùng mục sở thị không gian và văn hóa Tết đa vùng miền, đa quốc gia trong chương trình Tấm bánh nghĩa tình 2023 của thầy trò DNU nhé!

Thầy – trò DNU hào hứng, ‘quẩy’ nhiệt tình trong ngày hội “Tấm bánh nghĩa tình” 2023.

Cổng chợ quê DNU rộng mở với nhiều mặt hàng “xịn”, sẵn sàng cho thầy cô và sinh viên đến sắm Tết Quý Mão 2023.

Thầy trò cùng nhau gói bánh chưng, với mong ước về một năm mới đủ đầy, trọn vẹn yêu thương.

DNU-ER bày mâm ngũ quả, cắm hoa; sẵn sàng trổ tài với bố mẹ trong dịp Tết Quý Mão 2023.

Lấy ý tưởng từ cây nêu ngày Tết, khoa Luật mang đến ngày hội không gian Tết Việt xưa với bức tường tre, tấm ván nứa… Cây tre cũng gợi nhớ đến câu chuyện dân gian “Cây trẻ trăm đốt” nhắc nhở mỗi người bài học về sự lương thiện, nhận hậu cuối cùng cũng sẽ có kết thúc có hậu.

Cành đào, cây quất, bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả, pháo giấy… đều là những đặc trưng của ngày Tết truyền thống nhắc nhở các em về cội nguồn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Đại học Đại Nam.

Với sắc đỏ rực rỡ, khoa Truyền thông không chỉ tái hiện lại một không gian Tết hiện đại mà còn gửi gắm những may mắn, thuận lợi, sung túc và hạnh phúc cho tất cả thầy – trò trường Đại học Đại Nam trong năm 2023.

Tết nay có ít nhiều thay đổi nhưng những nét văn hóa đặc sắc còn được lưu lại như phong tục lì xì. Phong bao lì xì màu đỏ thắm, xinh xắn như một biểu tượng của lời chúc may mắn, hạnh phúc đầu năm.

Tết Nguyên đán là ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, song ở mỗi vùng miền đều có những hình thức ăn Tết và nét đặc trưng riêng. Tất cả tạo nên một cái Tết ‘đa sắc màu’ của người dân Việt Nam. Đó là lý do để khoa Du lịch ‘mang’ Tết 03 miền Bắc – Trung – Nam đến ngày hội “Tấm bánh nghĩa tình”.

Mâm cỗ miền Bắc không chỉ thể hiện sự tinh tế, chỉn chu mà còn gửi gắm mong muốn về một năm mới may mắn, thuận lợi và thành công.

Mâm cỗ miền Trung luôn đa dạng, tươm tất và trang trọng, thể hiện cho một năm mới sung túc, đủ đầy.

Nếu mâm cơm Tết ở miền Bắc tinh tế, hài hòa về màu sắc, cách bày trí; miền Trung gần gũi, mộc mạc thì miền Nam thể hiện sự phong phú, trẻ trung, các món ăn không bị rập khuôn quá nhiều về hình thức hay cách lựa chọn. Thông thường, mâm cơm Tết miền Nam sẽ có bánh tét, thịt kho trứng, giò thủ, dưa muối, củ kiệu, tai heo ngâm giấm…

 

Từ khi cha ông ta khai phá mảnh đất phương Nam, trải qua mấy trăm năm, chiếc áo bà ba đã trở thành biểu tượng, tâm hồn của quê hương Nam bộ.

Mỗi không gian Tết đều được khoa Du lịch ‘tô điểm’ bằng tranh dân gian đông hồ, nhắc nhở sinh viên về một nét văn hóa đặc sắc của người Việt, thể hiện mong ước về một cuộc sống gia đình hòa thuận, sung túc, an nhàn, yêu thương con người, ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống…


Sinh viên được “ngược dòng thời gian”, quay về thời thơ ấu để được chơi ô ăn quan với bạn bè.

Với môn kéo co, Nhà trường không chỉ muốn đề cao tinh thần đồng đội, gắn kết tình cảm giữa đồng nghiệp, thầy – trò… mà còn mong muốn thúc đẩy ý thức rèn luyện thể thao trong toàn trường. Năm nay không thắng, tiếp tục rèn luyện, sang năm giật giải nhé!

Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc đưa thầy – trò DNU ghé nước láng giềng đón năm mới. Khác với Việt Nam, con giáp thứ 4 trong 12 con giáp của Trung Quốc là con “thỏ” chứ không phải “mèo”.

Đèn lồng, pháo hoa đỏ là những đồ vật không thể thiếu trong ngày đầu xuân năm mới của nước bạn Trung Quốc.

Đến với không gian Tết của khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc, sinh viên còn được trải nghiệm vẽ mặt nạ, viết thư pháp… tìm hiểu về những nét văn hóa truyền thống của đất nước Trung Hoa.

Nếu là một “mọt phim” Trung Hoa, chắc chắn không còn xa lạ với những bộ cổ trang nền nã; giúp người mặc trở nên thanh lịch, dịu dàng.

Tạm biệt Trung Quốc, sinh viên DNU lại “vi vu” đón Tết tại đất nước “Mặt trời mọc”. Hoa anh đào, đèn lồng, kadomatsu (cổng thông)… - những đặc trưng trong năm mới của Nhật Bản đều được khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng.

Đặc biệt, không thể thiếu được nét văn hóa trà đạo Nhật Bản. Đây là cơ hội để các bạn sinh viên diện kimono và ngồi xuống tìm hiểu các pha và thưởng thức trà của người Nhật Bản.

Những món ăn truyền thống của người Nhật như cá hồi, củ sen, nấm… được các bạn sinh viên bày biện khéo léo, đẹp mắt.

Những chiếc bùa cầu may được “tô điểm” bắt mắt với những biểu tượng đặc sắc của Nhật Bản.

Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc cũng “góp vui” khi “ship” Tết Hàn Quốc về với DNU.

Hanbok – trang phục truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của người dân xứ sở Kim chi. Cờ thái cực, chong chóng, mặt nạ xua vận xui đầu năm… đều được khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu; giúp khách tham quan hiểu hơn về nét văn hóa truyền thống của nước bạn.

Món ăn quen thuộc của người dân xứ Hàn – kimbab (cơm cuộn) cũng được các bạn sinh viên kỳ công chuẩn bị.

Sau thời điểm đón Giáng sinh cũng chính là lúc người dân xứ sở sương mù chuẩn bị đón năm mới. Lấy chủ đề “Royal New Year”, khoa Ngôn ngữ Anh đã tái hiện một không gian năm mới hoàng gia trang trọng, hiện đại của những gia đình quý tộc Anh.

Công nương và công tước ngồi “thưởng” trà và đợi các vị khách đến tham quan, check-in Tết. Có thể nói, Ngôn ngữ Anh là một trong những khoa “chịu chơi” nhất về khoản trang phục đón Tết, thật đúng là Royal (hoàng gia).

Chương trình không chỉ mang đến những cảm xúc tuyệt vời, sự gắn kết giữa thầy – trò, những bài học và kỹ năng mới trong cuộc sống mà nhắc nhở các bạn trẻ về cội nguồn, ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tinh thần tương thân tương ái, yêu thương cộng đồng; đồng thời mở ra cánh cửa hội nhập, giúp các em hiểu hơn về nét văn hóa, phong tục đón Tết của các nước trên thế giới.

Tấm bánh nghĩa tình – Xuân gắn kết, Tết sẻ chia chắc chắn sẽ là một kỷ niệm đẹp không thể nào quên đối với mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Đại học Đại Nam.

BTT