27/11/2024
397
Ngày 26/11, trường Đại học Đại Nam tổ chức tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế Fintech lần 2 với chủ đề “Sự phát triển Fintech và những tác động về mặt kinh tế xã hội – Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý đối với Việt Nam”. Sự kiện thu hút hơn 200 nhà khoa học trong nước và quốc tế tham dự, khẳng định bước tiến quan trọng của trường Đại học Đại Nam trong việc mở rộng hợp tác quốc tế và nâng cao chất lượng đào tạo ngành Fintech tại Việt Nam.
Hội thảo diễn trong không gian trang trọng tại Hội trường trường Đại học Đại Nam, với sự hỗ trợ công nghệ livestream hiện đại cùng thiết bị nghe phiên dịch tại chỗ và đội ngũ phiên dịch viên chuyên nghiệp.
Nhận diện cơ hội, thách thức và định hướng phát triển Fintech tại Việt Nam
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đại Nam nhấn mạnh: Hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện thực trạng phát triển Fintech tại Việt Nam, làm rõ các cơ hội, thách thức và tác động đối với xã hội, doanh nghiệp cũng như môi trường kinh tế; tập trung vào việc đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường tính minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy các lợi ích xã hội mà Fintech mang lại.
Qua đó, hội thảo không chỉ gợi mở những bài học kinh nghiệm từ quốc tế mà còn đề xuất các giải pháp và khuyến nghị đối với Việt Nam. Đồng thời triển khai nghiên cứu, phát triển chương trình đào tạo Fintech tại các trường đại học, trong đó có trường Đại học Đại Nam.
TS. Lê Đắc Sơn nhấn mạnh: Sự tham gia của 200 đại biểu, chuyên gia và nhà khoa học trong và ngoài nước không chỉ khẳng định uy tín của Hội thảo mà còn mở ra cơ hội để Đại học Đại Nam tăng cường kết nối, trao đổi học thuật và hợp tác quốc tế.
Hội thảo đã tiếp nhận 117 bài viết của các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia Fintech trong trong nước và quốc tế.
Tại chương trình, các nhà khoa học, chuyên gia và nhà quản lý doanh nghiệp đã có những chia sẻ, tập trung trao đổi, tìm kiếm giải pháp trong lĩnh vực ngân hàng và đầu tư tài chính, gắn với các chủ đề: Tác động về mặt kinh tế - xã hội của Fintech: Định hướng quản lý đối với Việt Nam; Thực hành và chương trình giảng dạy về thanh toán kỹ thuật số - Kinh nghiệm từ Hoa Kỳ và Ethiopia; Các yếu tố quyết định sự hình thành công ty khởi nghiệp Fintech: Kinh nghiệm thực tế từ Châu Á; Cơ hội và thách thức của ngành Công nghệ Fintech trong phòng chống rửa tiền và lừa đảo; Tác động tiêu cực của Fintech đến xã hội và một số khuyến nghị để hạn chế…
Thách thức và định hướng đào tạo nhân lực Fintech từ góc nhìn chuyên gia
TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo, Ban Kinh tế Trung ương Đảng chia sẻ: Làn sóng phát triển Fintech tại Việt Nam đã diễn ra trong khoảng 15 năm trở lại đây, phản ánh sự hòa nhập với xu hướng toàn cầu.
Năm 2017, Việt Nam chỉ có khoảng 48 công ty Fintech, nhưng đến nay, con số này đã vượt hơn 200, cho thấy tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số đã làm mờ đi ranh giới giữa các công ty công nghệ và các tổ chức tài chính, mở ra nhiều cơ hội đổi mới và sáng tạo trong ngành này.
TS. Nguyễn Tú Anh cho biết: Chọn trường có nền tảng tốt về tài chính và công nghệ, cùng sự kết nối chặt chẽ với thị trường sẽ mang lại lợi thế lớn cho sinh viên.
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV; Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia; Giám đốc Viện Nghiên cứu và Đào tạo, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển Fintech tại Việt Nam.
Theo đó, các trường đại học hiện nay vẫn gặp một số khó khăn trong việc lựa chọn chuyên ngành phù hợp và xây dựng chương trình đào tạo Fintech hiệu quả; Đội ngũ giảng viên chuyên sâu về Fintech còn hạn chế; Hệ sinh thái thực hành cho sinh viên ngành Fintech và ngân hàng số chưa được phát triển mạnh; Sinh viên chưa được định hướng rõ ràng về cơ hội nghề nghiệp và vị trí phù hợp sau khi tốt nghiệp.
“Để giải quyết vấn đề này, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp và các định chế tài chính”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.
TS. Cấn Văn Lực mang đến Hội thảo nhiều thông tin hữu ích và kiến nghị thiết thực cho sự phát triển Fintech tại Việt Nam.
PGS, TS. Đặng Ngọc Đức – Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính, Trường Đại học Đại Nam cũng nhấn mạnh: “Để đào tạo nhân lực Fintech đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường, cần tập trung vào hai yếu tố quan trọng. Trước hết, đội ngũ giảng viên cần được đào tạo bài bản, không chỉ nắm chắc lý thuyết mà còn phải có kinh nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, sinh viên cần tham gia thường xuyên các hoạt động thực hành, làm việc nhóm và dự án thực tế để sẵn sàng gia nhập thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp”.
PGS.TS. Đặng Ngọc Đức cho biết cần chú trọng xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo dài hạn và ngắn hạn về Fintech tại Việt Nam.
Mô hình đào tạo Fintech khác biệt tại Đại học Đại Nam
PGS, TS. Đặng Ngọc Đức cho biết: Các bài tham luận trình bày tại Hội thảo là những tài liệu tham khảo quý báu để trường Đại học Đại Nam phát triển chương trình đào tạo Fintech cho sinh viên.
Ông cũng cho biết thêm, chương trình đào tạo ngành Fintech của trường mang 03 đặc điểm khác biệt:
Thứ nhất, Sinh viên được đào tạo 100% bằng tiếng Việt, mang lại sự thuận tiện và tạo nền tảng học tập vững chắc cho sinh viên, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn các tài liệu Fintech quốc tế thường sử dụng tiếng Anh.
Thứ hai, Chương trình kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Sinh viên dành 50% thời gian thực hành tại hệ thống phòng Lab hiện đại, giúp hình thành kỹ năng thực tiễn ngay trong quá trình học, chuẩn bị sẵn sàng cho công việc tương lai.
Thứ ba, đào tạo gắn liền với các doanh nghiệp Fintech hàng đầu. Sinh viên đi thực tập, cọ xát nghiệp vụ thực tế ngay từ năm nhất hoặc năm hai đại học.
"Sau khi tốt nghiệp, sinh viên Đại Nam có thể bắt tay ngay vào công việc mà không cần thời gian đào tạo thêm, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp khi tiếp nhận nhân sự mới”, PGS, TS. Đặng Ngọc Đức nhấn mạnh.
GS. Jo-Hui Chen - Đại học Chung Yuan, Đài Loan cho biết: Hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc giúp sinh viên phát triển kỹ năng toàn diện, đồng thời tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển chương trình đào tạo. Những nỗ lực này sẽ góp phần khẳng định tên tuổi và vị thế của trường Đại học Đại Nam trong lĩnh vực đào tạo Fintech.
GS. Jo-Hui Chen đánh giá cao quy mô, tính học thuật và sự chuyên nghiệp của Hội thảo Quốc tế Fintech lần thứ 2 do trường Đại học Đại Nam tổ chức.
Hội thảo Quốc tế Fintech lần thứ 2 đánh dấu bước tiến mới của Trường Đại học Đại Nam trong việc bắt nhịp với xu hướng toàn cầu. Sự kiện đồng thời tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành Fintech tại Việt Nam.
Lựa chọn Đại học Đại Nam, sinh viên ngành Fintech sẽ có cơ hội học tập trong một môi trường tiên tiến, thực hành chuyên sâu và mở rộng cơ hội nghề nghiệp với sự đồng hành từ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực.
BTT