28/11/2024

161

Giảng dạy tích cực: Xu hướng tất yếu và chìa khóa dẫn dắt thế hệ Gen Z năng động tại Đại học Đại Nam

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc trang bị cho sinh viên những kỹ năng mềm như tư duy sáng tạo, khả năng làm việc nhóm và khả năng giải quyết vấn đề trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Để đáp ứng yêu cầu đó, phương pháp giảng dạy truyền thống đã dần nhường chỗ cho phương pháp giảng dạy tích cực. Tại trường Đại học Đại Nam (DNU), giảng dạy tích cực không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là một chiến lược cốt lõi để đào tạo ra những thế hệ sinh viên năng động, sáng tạo và sẵn sàng đối mặt với những thách thức của thời đại. Chính vì vậy, giảng dạy tích cực được lựa chọn là 1 trong 5 chuyên đề quan trọng trong chương trình đào tạo nội bộ năm học 2024 – 2025 của DNU.

Với chuyên đề này, ThS. Nguyễn Thị Thúy – Trưởng khoa Đào tạo và Phát triển Kỹ năng mềm đã cùng các giảng viên chia sẻ kinh nghiệm, khám phá những phương pháp giảng dạy hiện đại. Những phương pháp này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy mà còn truyền cảm hứng, khai phóng tiềm năng, giúp giảng viên đồng hành hiệu quả cùng sinh viên trong quá trình học tập. Đây cũng là cách Đại học Đại Nam hiện thực hóa yêu cầu không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ và lan tỏa tinh thần “Vì người học tận tâm”.

Giảng dạy tích cực – Yêu cầu tất yếu của giáo dục hiện đại

Giảng dạy tích cực không chỉ là xu hướng mà còn là nhu cầu tất yếu của giáo dục đại học hiện đại. Phương pháp này đặt trọng tâm vào việc tương tác hai chiều, khuyến khích sinh viên tham gia tích cực vào quá trình học tập và chủ động tìm tòi kiến thức. Đây chính là chìa khóa để nâng cao hiệu quả giáo dục, đáp ứng sự thay đổi không ngừng của xã hội.

Các nghiên cứu và khảo sát cho thấy Gen Z là thế hệ học tập khác biệt, không còn thụ động tiếp nhận kiến thức một chiều từ giảng viên. Thay vào đó, họ mong muốn được học tập trong một môi trường sáng tạo, thực tiễn và linh hoạt. Phương pháp giảng dạy tích cực đáp ứng kỳ vọng này bằng cách khuyến khích sinh viên chủ động đặt câu hỏi, giải quyết vấn đề và áp dụng kiến thức vào thực tế.

Tại Đại học Đại Nam, giảng viên không chỉ là người “truyền thụ” mà phải trở thành “người dẫn dắt”, định hướng và kích thích tư duy sáng tạo của sinh viên. Điều này đòi hỏi giảng viên phải biết cách khơi gợi sự tò mò, đồng hành và hỗ trợ sinh viên tự mình khám phá tri thức.

Sinh viên hưởng lợi gì từ phương pháp giảng dạy tích cực?

Với phương pháp giảng dạy tích cực, sinh viên trở thành trung tâm của bài học, được tham gia thảo luận, thực hành và đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng kiến thức. Các hoạt động giảng dạy tích cực không chỉ cung cấp kiến thức mà còn giúp sinh viên rèn luyện và phát triển kỹ năng toàn diện, như: kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và tư duy phản biện.

Đặc biệt, những bài học gắn với thực tiễn giúp sinh viên hiểu sâu hơn và dễ dàng áp dụng kiến thức vào công việc sau này.

Tại sao giảng viên phải liên tục cập nhật phương pháp giảng dạy?

Trả lời câu hỏi này, TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch Hội đồng trường cho biết: Giáo dục đại học đang không ngừng đổi mới, từ nội dung giảng dạy đến cách tiếp cận sinh viên. Phương pháp giảng dạy truyền thông đã không còn phù hợp với thế hệ GenZ, sự phát triển của công nghệ và nhu cầu thực tế.

Thị trường lao động hiện nay yêu cầu người trẻ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn thành thạo kỹ năng mềm. Việc giảng viên cập nhật phương pháp mới giúp sinh viên sẵn sàng hơn trước những thách thức của xã hội khi ra trường.

Đặc biệt, liên tục cập nhật phương phát giảng dạy tích cực, hiện đại giúp giảng viên giữ vững vị thế người thầy. Một giảng viên không ngừng học hỏi và đổi mới không chỉ tạo ra sức hút trong giảng dạy mà còn trở thành hình mẫu truyền cảm hứng cho sinh viên, được sinh viên yêu mến và kính trọng.

“Phương pháp giảng dạy tích cực là chìa khóa để xây dựng thế hệ sinh viên năng động, sáng tạo và thích nghi tốt với môi trường toàn cầu hóa. Giảng viên đại học cần xem việc cập nhật các phương pháp giảng dạy là trách nhiệm và sứ mệnh để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục. Chính sự đổi mới và tận tâm của người thầy sẽ góp phần lan tỏa giá trị tri thức và khơi dậy tiềm năng vô hạn trong mỗi sinh viên...” TS. Lê Đắc Sơn nhấn mạnh.

Diễn đàn chia sẻ và khám phá các phương pháp giảng dạy sáng tạo

Với quan điểm rằng tri thức là vô hạn và không ai có thể nắm bắt mọi thứ một cách toàn diện, chương trình đào tạo nội bộ năm nay trở thành cơ hội để giảng viên cùng nhau chia sẻ và khám phá những phương pháp giảng dạy mới mẻ.

Trong khuôn khổ chương trình, các thầy cô đã cùng nhau chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu về phương pháp giảng dạy tích cực, như kinh nghiệm làm chủ bài giảng, quản lý bản thân và sinh viên hiệu quả nhằm đảm bảo sự tập trung và hứng thú trong lớp học.

Một số phương pháp quan trọng được đề xuất bao gồm: chia buổi học thành các tiết nhỏ, tránh thuyết giảng liên tục quá 60 phút; xây dựng cấu trúc bài giảng hợp lý; khuyến khích sinh viên thảo luận, đặt câu hỏi và tham gia tích cực; áp dụng đa dạng các phương pháp giảng dạy để tăng tính tương tác. Đặc biệt, cấu trúc một tiết học theo phương pháp giảng dạy tích cực được thiết kế với các bước rõ ràng: bắt đầu bằng warm-up để tạo hứng khởi, tiếp đến là thực hành – trải nghiệm cá nhân, thảo luận nhóm, và sinh viên trình bày cách tiếp cận vấn đề. Cuối cùng, giảng viên sẽ tổng hợp, chỉ ra thiếu sót và kết luận lý thuyết. Cách tiếp cận này không chỉ cải thiện chất lượng giảng dạy mà còn khơi dậy sự hứng thú và động lực học tập trong mỗi sinh viên.

Các phương pháp giảng dạy tích cực được đánh giá là phù hợp nhất với sinh viên Đại học Đại Nam được đề xuất gồm: Lớp học đảo ngược, học qua trải nghiệm, học thông qua trò chơi, dạy học dự án, phương pháp đóng vai

Cô Nguyễn Thị Ngân – Giảng viên khoa Truyền thông chia sẻ: “Chuyên đề Phương pháp giảng dạy tích cực thực sự rất bổ ích. Tôi đã học thêm được cách vận dụng các kỹ thuật giảng dạy hiện đại để thu hút sinh viên, đồng thời tạo ra môi trường học tập sáng tạo, hiệu quả và truyền cảm hứng. Chuyên đề này cũng giúp tôi có thêm nhiều góc nhìn mới và những kỹ thuật cụ thể để áp dụng vào bài giảng. Những phương pháp như chia nhỏ tiết học hay khuyến khích sinh viên chủ động đã tạo cảm hứng để tôi đổi mới cách dạy của mình." 

Thầy Nguyễn Duy Quốc Tuấn – Phó trưởng khoa Mỹ thuật và thiết kế chia sẻ: "Phương pháp giảng dạy tích cực không chỉ giúp tăng hiệu quả truyền tải kiến thức mà còn xây dựng được cầu nối cảm xúc giữa thầy và trò. Chuyên đề này đã làm sáng tỏ tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp để đồng hành cùng thế hệ Gen Z năng động và sáng tạo."

"Tôi ấn tượng với cách chuyên đề nhấn mạnh vai trò của giảng viên không chỉ là người dạy mà còn là người dẫn đường, khai phóng tiềm năng của sinh viên. Buổi chia sẻ đã cung cấp nhiều phương pháp cụ thể và dễ áp dụng, từ cách tạo động lực đầu giờ đến việc khuyến khích sinh viên thảo luận và tự học," cô Nguyễn Thanh Huyền – Phó trưởng khoa Kinh tế và quản lý cho biết.

Với tinh thần “Vì người học tận tâm,” Đại học Đại Nam không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên phát triển hướng tới xây dựng một môi trường học tập lý tưởng, nơi sinh viên được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thành công trong tương lai.

BTT