27/11/2024

447

Fintech trong giáo dục đại học: Cánh cửa tương lai từ Hội thảo khoa học quốc tế tại Đại học Đại Nam

Sự phát triển mạnh mẽ của Fintech trên toàn cầu và tại Việt Nam trong thời gian qua không chỉ là biểu tượng của cuộc cách mạng kinh tế số mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đáp ứng thách thức này, các trường đại học đang đóng vai trò then chốt trong việc đào tạo một thế hệ cử nhân Fintech không chỉ vững chuyên môn mà còn hội nhập quốc tế.

Hội thảo khoa học quốc tế DNU: Nền tảng “kim cương” cho giáo dục Fintech

Với mục tiêu kết nối tri thức toàn cầu và nâng cao năng lực đào tạo, Trường Đại học Đại Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Sự phát triển của Fintech và những tác động xã hội – Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”. Hội thảo không chỉ là diễn đàn trao đổi học thuật mà còn là cầu nối giữa các nhà nghiên cứu, giảng viên, doanh nghiệp Fintech và các cơ quan quản lý.

Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu, bao gồm chuyên gia Fintech hàng đầu, đại diện các ngân hàng, công ty công nghệ tài chính, và các nhà hoạch định chính sách. 

PGS. TS Lê Thanh Tâm - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: “Hội thảo quốc tế lần này vô cùng quan trọng. Giảng viên trong lĩnh vực được gặp gỡ đối tác, những người chuyên về nghiên cứu trên khắp thế giới, những người làm thực tiễn, làm chính sách,... diễn đàn này là nơi mà “học 10 năm không bằng nghe người ta nói 1 câu”. Sinh viên nhìn thấy cơ hội nghề nghiệp cho mình, nhìn thấy được triển vọng tương lai. Đối với nghiên cứu khoa học thì đây là nơi networking rất tốt, người tiêu dùng tài chính thông minh cũng có thể học được rất nhiều.”

PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính Đại học Đại Nam, chia sẻ: “Tham gia hội thảo này, Nhà trường mong muốn sinh viên và phụ huynh hiểu rõ hơn về Fintech, nhằm lựa chọn nghề nghiệp hứa hẹn trong tương lai. Thứ 2, hội thảo lắng nghe các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm từ các nước trên thế giới để hoàn thiện hơn chương trình đào tạo, làm cho chương trình đào tạo sát với thực tế, có tính cập nhật, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển Fintech ở Việt Nam trong tương lai. Thứ 3, diễn đàn cho các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước gặp gỡ chia sẻ, cập nhật kiến thức, nâng cao vị thế về mặt khoa học của trường Đại học Đại Nam cũng như động viên khuyến khích các thầy cô tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo”. 

Đào tạo Fintech tại Đại học Đại Nam: Ba lợi thế chiến lược

Từ năm học 2024-2025, Đại học Đại Nam chính thức tuyển sinh ngành Công nghệ Tài chính với ba đặc điểm vượt trội:

1. Đào tạo bằng tiếng Việt: Chương trình sử dụng tiếng Việt để đảm bảo sinh viên nắm vững kiến thức chuyên ngành ngay từ đầu, đặc biệt thuận lợi cho lĩnh vực còn mới mẻ như Fintech.

2. Kết hợp lý thuyết và thực hành: Đại học Đại Nam áp dụng mô hình đào tạo thực hành chiếm tới 50% thời lượng học. Sinh viên không chỉ học lý thuyết buổi sáng mà còn thực hành ngay buổi chiều tại các phòng lab hiện đại.

3. Gắn liền với doanh nghiệp: Ngay từ những năm đầu, sinh viên được tạo điều kiện tham gia thực tập tại các công ty Fintech, tiếp xúc thực tế và trang bị hành trang vững chắc cho sự nghiệp.

PGS.TS Đặng Ngọc Đức nhận định: “Chúng tôi xây dựng chương trình đào tạo Fintech sát với thực tiễn để sinh viên chuẩn bị sẵn hành trang khi ra trường có thể bắt tay ngay vào công việc không cần mất thời gian đào tạo, không mang lại rủi ro cho các đơn vị tiếp nhận các sinh viên vào làm"

Đáp ứng nhu cầu nhân lực của tương lai

Ngành Fintech tại Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục bùng nổ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, để duy trì sự phát triển bền vững, các trường đại học cần đầu tư mạnh vào đào tạo thực chất.

TS. Nguyễn Tú Anh -  Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo, Ban Kinh tế Trung ương Đảng khẳng định: “Sinh viên tốt nghiệp ra trường muốn được thị trường đón nhận thì sự gắn kết giữa các trường đại học và công ty Fintech rất quan trọng, sinh viên cần phải được thực hành ngay tại các trường đại học, bắt nhịp với sự thay đổi chóng mặt của ngành công nghệ.”

TS Lương Thái Bảo - Viện Ngân hàng Tài chính trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói về tương lai tích cực của ngành nghề này: “Hiện nay cung cầu về nhân sự Fintech nói chung và nhân sự của ngành tài chính ngân hàng nói riêng có hiểu biết về Fintech đang tăng trưởng nhanh. Các bạn sinh viên được đào tạo Fintech ra đều có cơ hội việc làm ở công ty Fintech truyền thống, trong các định chế tài chính, trong thị trường tài chính. Ngoài ra, vẫn có thể ứng dụng làm việc tại các doanh nghiệp truyền thống sử dụng công nghệ về fintech hay chuyển đổi số cần cả kiến thức về tài chính lẫn công nghệ”.

Giao lưu quốc tế: Hướng tới thị trường toàn cầu

GS. Jo-Hui Chen, Đại học Chung Yuan Christian, Đài Loan, đánh giá cao chiến lược đào tạo của Đại học Đại Nam: “Ngoài Fintech, sinh viên cần được trang bị thêm kiến thức về trí tuệ nhân tạo (AI) và tham gia các chương trình trao đổi quốc tế để mở rộng kết nối toàn cầu.”

Lời khuyên của ông mở ra triển vọng hợp tác quốc tế, giúp sinh viên Đại Nam hội nhập mà vào thị trường Fintech khu vực và thế giới.

 Kết nối tri thức – Chắp cánh tương lai

Hội thảo khoa học quốc tế tại Đại học Đại Nam không chỉ đánh dấu bước tiến lớn trong đào tạo Fintech mà còn là minh chứng cho tầm nhìn dài hạn của nhà trường. Tương lai của ngành Fintech tại Việt Nam đang rộng mở, với những bước đi chiến lược, Đại học Đại Nam cam kết đào tạo nên thế hệ nhân tài đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ Fintech thế giới. Đại Nam cam kết mang lại môi trường học tập chất lượng, nơi sinh viên không chỉ học để biết mà còn học để làm, học để thành công.

BTT