11/05/2022

6474

Đào tạo ngành Logistics Đại học Đại Nam, sinh viên xuống doanh nghiệp từ năm nhất

Nhằm đảm bảo sinh viên ra trường có thể làm được việc ngay, trường Đại học Đại Nam đã tiên phong thiết kế chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng, “học đi đôi với hành” để thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, giúp người học được cọ sát với doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất.

Thực hiện chủ trương đào tạo đó, vừa qua, khoa Khoa Logistics và quản lý chuỗi cung ứng phối hợp với Khoa Quản trị Kinh doanh tổ chức Chương trình Mô phỏng trải nghiệm thực tiễn cho sinh viên tại Trung tâm mô phỏng Logistics lớn nhất Châu Á, cảng nước sâu Top 20 thế giới và hệ thống kho bãi lớn nhất Việt Nam.

Điểm đến của sinh viên trường Đại học Đại Nam trong chuyến trải nghiệm này là trung tâm Logistics Tiểu vùng Mekong - Nhật Bản, Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam; Trung tâm kho HTM Logistics thuộc Công ty Cổ phần Vidifi Duyên Hải; Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT).

Chuyến trải nghiệm có sự tham gia của TS. Lê Thị Mỹ Ngoc - Trưởng Khoa Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, TS. Nguyễn Quốc Tuấn - Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh cùng cán bộ, giảng viên và Sinh viên CLB Logistics Đại học Đại Nam.

Thầy cô cùng Sinh viên CLB Logistics Đại học Đại Nam khởi động chuyến đi trải nghiệm

Trải nghiệm thực hành nghiệp vụ Logistics tại Trung tâm đào tạo Logistics lớn nhất Châu Á

Sinh viên Đại học Đại Nam không chỉ được các chuyên gia chia sẻ kiến thức chuyên sâu về Logistics mà còn được trực tiếp trải nghiệm thực hành các nghiệp vụ Logistics từ Trung tâm Đào tạo Logistics Tiểu vùng Mêkong Nhật Bản - Đại học Hàng Hải Việt Nam. Đây là Trung tâm đào tạo Logistics lớn nhất Châu Á.

TS. Nguyễn Minh Đức - Trưởng Bộ môn Logistics khoa Kinh tế; Giám đốc Trung tâm Logistics Tiểu vùng Mêkong Nhật Bản – Đại học Hàng Hải; Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng trao đổi, chia sẻ kiến thức thực tiễn với sinh viên CLB Logistics Đại Học Đại Nam.

Cụ thể, sinh viên CLB Logistics Đại học Đại Nam được trải nghiệm các kiến thức thực tiễn về tổ chức, sắp xếp, chia - chọn hàng hóa trong kho hàng; tìm hiểu về các loại thiết bị kho (phân loại Pallet, thiết bị nâng đỡ, xếp dỡ hàng…); ý nghĩa của container trong hoạt động xuất nhập khẩu; cách thức chọn container và hướng dẫn thực hành sắp xếp xuất nhập khẩu bằng container…

Sinh viên thực hành kiểm đếm hàng tại Trung tâm đào tạo Logistics Tiểu vùng Mêkong-Nhật Bản, Đại học Hàng Hải Việt Nam.

Trải nghiệm các loại hình vận tải, phân phối hàng hóa và quy trình vận hành của kho bãi

Bên cạnh các hoạt động trải nghiệm tại Phòng mô phỏng thực hành của Trung tâm Đào tạo Logistics Tiểu vùng Mêkong - Nhật Bản, thầy trò Đại Nam còn được trải nghiệm tại Trung tâm kho HTM Logistics thuộc Công ty Cổ phần Vidifi Duyên Hải.

Được biết, HTM Logistics là công ty giao nhận hàng hóa đầu tại Hải Phòng; là doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ vận tải đường hàng không, đường biển, đường sắt và đường bộ; vận tải và phân phối hàng hóa, kho bãi và vận hành kho bãi, dịch vụ hải quan, cho thuê xe nâng, xe tải, xe container…

Thầy trò Đại Nam tìm hiểu cách thức và ý nghĩa của việc chia chọn, sắp xếp hàng hóa trong kho hàng.

Tại trung tâm kho của HTM Logistics, sinh viên Đại Nam được tìm hiểu về các loại hình kho: Kho CFS, kho ngoại quan, kho bảo thuế, kho cho doanh nghiệp chế xuất…; tác dụng của các loại hình kho và ý nghĩa của kho hàng tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu. Đặc biệt là loại hình kho CFS (Container Freight Station - Kho gom hàng lẻ) và sự đóng góp của loại hình kho này trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Không những thế, thầy trò Đại Nam còn được doanh nghiệp chia sẻ về các loại chứng từ liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan, quy trình khai thác hàng xuất tại kho CFS, lưu kho và bảo quản hàng hóa, quy trình và thủ tục đóng hàng vào container…  Cách xử lý các tình huống thực tế phát sinh trong hoạt động vận hành kho, kiểm đếm, giao nhận hàng hóa và giải quyết khiếu nại của khách hàng.

“Đây là những kiến thức thực tế vô cùng bổ ích, giá trị đối với cả thầy và trò. Nếu chỉ ở giảng đường, không có những hoạt động trải nghiệm thực tế thực chất như thế này, giảng viên và sinh viên sẽ không nắm bắt được để giảng dạy, học tập sát thực tế…”, TS. Lê Thị Mỹ Ngọc chia sẻ.

Trải nghiệm các hoạt động của cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc, Top 20 cảng biển lớn nhất trên thế giới

Thầy trò Đại Nam thăm quan và trải nghiệm Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) – top 20 cảng biến lớn nhất thế giới.

Điểm thứ ba trong hành trình trải nghiệm của thầy trò DNU là Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài gòn. TC-HICT nằm trong Top 20 cảng lớn nhất trên thế giới, có khả năng đón tàu container có trọng tải lớn với nhiệm vụ trở thành trung tâm kết nối hệ thống cảng và các ICD trong khu vực phía Bắc, là mắt xích quan trọng trong chuỗi dịch vụ Logistics của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn. Đây cũng là cảng nước sâu lớn nhất Miền Bắc, có khả năng tiếp đón tàu container có trọng tải lớn lên đến 14.000TEU, cung cấp các tuyến dịch vụ trực tiếp đi thẳng các Châu lục khác như Châu Mỹ và Châu Âu.

Thầy trò Đại Nam tìm hiểu mô hình, cơ chế hoạt động của hệ thống các cảng biển trực thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn.

Tại đây, thầy trò Đại học Đại Nam được tìm hiểu về quá trình hình thành, phát triển và hoạt động của hệ thống các cảng biển trực thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn; quy trình giao nhận hàng nguyên container tại cảng; quy trình xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu, bãi container, cẩu khung bãi, cổng trục, cầu trục container nâng hạ hàng hóa lên phương tiện vận chuyển, cầu cảng, bến xà lan…

Ông Bùi Quang Huy - Giám đốc marketing Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) giới thiệu các hoạt động của bộ phận điều hành tại cảng.

Thông qua chương trình trải nghiệm thực tiễn tại các doanh nghiệp Logistics, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Đại Nam học hỏi được rất nhiều kiến thức thực tế liên quan đến hoạt động của cảng biển. Qua đó, giảng viên có thêm kiến thức thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng bài giảng, sinh viên có thể hiểu rõ hơn những lý thuyết đã được học trên giảng đường.

Sau buổi trải nghiệm thực tiễn tại doanh nghiệp, giảng viên, sinh viên có đều cái nhìn trực quan về hoạt động logistics, sự tham gia của hoạt động logistics trong hoạt động xuất nhập khẩu, ý nghĩa to lớn và sự đóng góp của hoạt động logistics đối với sự phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới. Chuyến đi thực tiễn mang lại rất nhiều giá trị không chỉ đối với sinh viên mà ngay cả giảng viên của hai Khoa cũng có cái nhìn thực tế hơn trong việc xây dựng chương trình đào tạo ngành logistics và kinh doanh quốc tế theo hướng trải nghiệm tại trường Đại học Đại Nam.

2 phương thức xét tuyển vào ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng trường Đại học Đại Nam là:

- Phương thức 1: Sử dụng kết quả 03 môn từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp đăng ký để xét tuyển. Điểm chuẩn năm 2022 là: 15 điểm.

- Phương thức 2: Sử dụng kết quả 03 môn từ kết quả học tập lớp 12 THPT theo tổ hợp đăng ký để xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên.

- Phương thức 3: Xét tuyển thẳng (Áp dụng theo quy định của Bộ GD&ĐT).

Để tham gia xét tuyển sớm vào Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (Mã ngành: 7510605) trường Đại học Đại Nam thí sinh cần làm theo các bước:

1. Đăng ký xét tuyển tại: https://xettuyen.dainam.edu.vn/

2. Điền hồ sơ online tại: https://hosoxettuyen.dainam.edu.vn

3. Chuyển phát nhanh hồ sơ bản cứng về trường gồm:

  • Đơn xin xét tuyển
  • Học bạ THPT bản công chứng
  • Bản sao công chứng CCCD/CMT
  • Giấy CNTN tạm thời/bằng tốt nghiệp THPT bản sao công chứng

4. Các kênh tư vấn hỗ trợ thí sinh:

Fanpage: Đại học Đại Nam, Fanpage Tuyển Sinh Đại học Đại Nam.

Zalo/ Hotlines: 0931595599 - 0961595599 - 0971595599

Khoa Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng + Ban Truyền thông