18/12/2023

1232

Đại học Đại Nam tổ chức hội thảo Quốc gia về phương pháp giảng dạy tiếng Nhật thời 4.0

Ngày 16/12, trường Đại học Đại Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề “Đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Nhật và Nhật Bản học trong thời đại kỹ thuật số”. Hội thảo đã kết nối nhiều chuyên gia nghiên cứu uy tín trong nước và Nhật Bản, mang đến hơn 30 bài viết khoa học và những chủ đề thảo luận sôi nổi, thiết thực, là cơ sở tham khảo quan trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Nhật và Nhật Bản học trong thời đại công nghệ 4.0.

Tham dự chương trình, về phía trường Đại học Đại Nam – đơn vị chủ trì tổ chức Hội thảo có: PGS, TS. Phạm Văn Hồng – Hiệu trưởng; TS. Lê Thị Thanh Hương – Phó Hiệu trưởng; lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các Khoa, Phòng, Ban, Viện, Trung tâm.

Về phía khách mời có sự tham gia của: Bà Okamoto Noriko – Bí thư thứ 2 phụ trách về Văn hóa giáo dục Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; Ông Vũ Thanh Bình– Phó vụ trưởng Vụ KHCN&MT – Bộ Giáo dục & Đào tạo; Ông Nguyễn Lân Trung – Chủ tịch Hội ngôn ngữ học Việt Nam; Bà Fujigana Kaoru – Chuyên gia giảng dạy tiếng Nhật Trung tâm giao lưu văn hoá Nhật Bản (JF); Ông Nguyễn Duy Anh – Hiệu trưởng học viện Nhật ngữ GAG, Nhật Bản.

Bên cạnh đó là sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu là cán bộ, giảng viên, sinh viên đến từ các trường đại học, viện nghiên của Việt Nam, Nhật Bản.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường đại học, viện nghiên cứu,…

Phát biểu khai mạc chương trình, PGS, TS. Phạm Văn Hồng khẳng định Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật, kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy của các cơ sở đào tạo tiếng Nhật trong và ngoài nước; cơ hội để các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu thảo luận sâu về ứng dụng công nghệ và đổi mới phương pháp giảng dạy, đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghệ 4.0; đồng thời mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa các đơn vị đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam và Nhật Bản.

  

PGS, TS. Phạm Văn Hồng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Bà Okamoto Noriko nhận định: Chủ đề của hội thảo rất phù hợp và theo sát với xu thế thời đại hiện nay và các nội dung trao đổi sẽ bổ ích cho tất cả các bên tham dự. Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam bà Okamoto gửi lời chúc trường Đại học Đại Nam sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, đóng góp nguồn nhân lực xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nguồn nhân lực tiếng Nhật chất lượng cao. Mong hướng tới sự phát triển hơn nữa của mối quan hệ Nhật Bản & Việt Nam theo chủ đề kỷ niệm 50 năm là "Tay trong tay, hướng tới tương lai, vươn ra thế giới".

Bà Okamoto Noriko khẳng định: Đại học Đại Nam cũng như các trường đại học khác trên khắp Việt Nam đã có rất nhiều nhân lực tiếng Nhật xuất sắc được đào tạo và đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Làm gì để ứng dụng công nghệ trong dạy và học tiếng Nhật ở đại học?

Mở đầu phiên toàn thể với bài tham luận “Từ chiến lược dạy và học ngoại ngữ đến việc triển khai dạy và học tiếng Nhật ở các bậc học tại Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", PGS, TS. Nguyễn Tô Chung – GVCC Khoa tiếng Nhật, Đại học Hà Nội khẳng định: Cách mạng 4.0 mang lại cơ hội lớn cho mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Muốn hội nhập và phát triển trong thời đại số hiện nay, yêu cầu các quốc gia phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực ngoại ngữ tốt. Chương trình dạy và học ngoại ngữ phải có sự đổi mới, phù hợp với cuộc cách mạng số, đáp ứng nhu cầu học mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện của người học.

PGS, TS. Nguyễn Tô Chung đưa ra một số giải pháp mang tính đồng bộ:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của đội ngũ quản lý, cán bộ, giảng viên, sinh viên về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong đào tạo.

Thứ hai, đổi mới chương trình đào tạo, linh hoạt kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến; tăng cường thời lượng tự học trên nền tảng số, nâng cao năng lực tự nghiên cứu cho người học.

Thứ ba, Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng sử dụng công nghệ khoa học vào giảng dạy, phương pháp giảng dạy sáng tạo cho đội ngũ giảng viên.

Thứ tư, Phát triển đội ngũ trợ giảng ảo hỗ trợ tích cực cho quá trình giảng dạy.

Thứ năm, Tăng cường hợp tác đào tạo với các trường đại học, doanh nghiệp Nhật Bản trong khu vực và thế giới; tăng cường các chương trình thực tập trong nước và quốc tế cho sinh viên.

Thứ sáu, Cải thiện cơ sở dữ liệu, xây dựng hạ tầng mạng, các thiết bị công nghệ tiên tiến, hoàn thiện hệ thống pháp lý, ứng dụng phần mềm quản lý và giảng dạy tiếng Nhật trên nền tảng số. 

PGS, TS. Nguyễn Tô Chung trình bày về việc triển khai dạy và học tiếng Nhật ở các bậc học tại Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ứng dụng giờ học đảo ngược vào giảng dạy các môn chuyên ngành tiếng Nhật

Tại chương trình, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu nhận định phương pháp giáo dục truyền thống tập trung vào việc thầy cô thuyết giảng – người học lắng nghe, ghi chép; đánh giá kết quả qua các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ,… khiến vai trò của người học chưa được đề cao, mang tính thụ động, phụ thuộc thầy cô không còn phù hợp ở thời điểm hiện đại.

Theo đó, các nhà khoa học đưa ra ý kiến về việc ứng dụng mô hình lớp học đảo ngược vào giảng dạy các môn chuyên ngành tiếng Nhật. Phương pháp này được xem là ưu việt hơn phương pháp truyền thống bởi: Người học tự nghiên cứu thông tin bài giảng ở nhà, thông qua đọc tài liệu, xem video… Tiến hành thảo luận sâu và thực hành trên lớp, giảng viên giữ vai trò định hướng, hỗ trợ sinh viên. Phương pháp đào tạo này tăng tính sáng tạo, chủ động, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng nghiên cứu, tạo cảm hứng học tập cho sinh viên.

PGS, TS. Trần Thị Chung Toàn - Trưởng khoa Ngôn ngữ Nhật trường Đại học Đông Đô chia sẻ tham luận “Ứng dụng giờ học đảo ngược vào giảng dạy các môn chuyên ngành tiếng Nhật”.

Trường Đại học Đại Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy

Với tham luận “Đào tạo và giảng dạy tiếng Nhật và Nhật Bản học tại trường Đại học Đại Nam trong thời đại kỹ thuật số”, TS. Vũ Thúy Nga mang đến cái nhìn toàn cảnh về phương pháp giảng dạy tại Đại học Đại Nam.

Định hướng phát triển của trường Đại học Đại Nam là quốc tế hóa giáo dục, đào tạo sinh viên trở thành công dân toàn cầu, mở ra cơ hội việc làm xuyên quốc gia cho sinh viên. Do đó, nhà trường nỗ lực đẩy mạnh đào tạo ngoại ngữ, công nghệ, kỹ năng mềm để sinh viên phát triển toàn diện, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

TS. Vũ Thúy Nga khẳng định: Trường Đại học Đại Nam đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào giảng dạy tiếng Nhật.

Đồng thời, trường Đại học Đại Nam đẩy mạnh mô hình đào tạo kết nối nhà trường - doanh nghiệp - xã hội; tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế, thực hành, thực tập cho sinh viên. Đảm bảo sinh viên được tiếp cận các phần mềm chuyên ngành chuyên dụng, nắm chắc quy trình hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường; tạo mọi điều kiện để sinh viên tham gia chương trình Internship tại Nhật Bản, học tập và quản lý trên các phần mềm trực tuyến…

Theo đó, sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản từ năm 2 đã có năng lực tiếng Nhật đạt từ N3 trở lên; hiện có hơn 50% sinh viên của khoa được sang Nhật Bản thực tập có hưởng lương theo chương trình Internship do các doanh nghiệp Nhật Bản đến tận trường phỏng vấn và tuyển dụng. Mới đây, 20 sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản đã xuất sắc trúng tuyển vào tập đoàn nghỉ dưỡng hàng đầu Nhật Bản KPG Hotel & Resort.

Đây là kết quả của trường Đại học Đại Nam trong việc nỗ lực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và các phương pháp giảng dạy tích cực vào giảng dạy & học tập. Cụ thể, các giảng viên được tập huấn sử dụng công cụ hỗ trợ trong giảng dạy, thiết kế slides bài giảng trên phần mềm quản lý học tập; tích cực sử dụng các ứng dụng hỗ trợ giảng dạy như Quizlet, Kahoot… để tạo không khí sôi nổi, tăng cảm hứng học tập. Tăng cường hoạt động làm việc nhóm, nâng cao khả năng tự học tập, tự nghiên cứu suốt đời cho sinh viên theo định hướng của nhà trường. Thầy cô tiến hành sử dụng phần mềm để quản lý, kiểm tra đánh giá được sinh viên một cách chủ động, thường xuyên.

Đại học Đại Nam sẽ có nhiều sản phẩm khoa học thiết thực phục vụ công tác nâng cao chất lượng đào tạo

Ông Vũ Thanh Bình – Phó vụ trưởng Vụ KHCN&MT – Bộ Giáo dục & Đào tạo chia sẻ: “Với hướng đi đúng đắn, tôi tin rằng trong thời gian tới trường Đại học Đại Nam sẽ có nhiều sản phẩm khoa học thiết thực phục vụ công tác nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường, tăng cường các công bố khoa học góp phần phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của Việt Nam theo Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030”.

Ông Vũ Thanh Bình đánh giá cao định hướng đào tạo ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học của trường Đại học Đại Nam.

Ông Nguyễn Lân Trung – Chủ tịch Hội ngôn ngữ học Việt Nam cho biết: Học tập dựa trên làm việc là mô hình học tập lý tưởng để sinh viên tiếp thu được các kiến thức và xu hướng mới. Với mối quan hệ mật thiết với nhiều tổ chức chính phủ của Nhật Bản tại Việt Nam, cơ quan đại diện của Việt Nam tại Nhật Bản; trường Đại học Đại Nam không chỉ giúp sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận, tìm hiểu văn hóa Nhật, mở rộng vốn hiểu biết cá nhân mà còn tăng cơ hội thực tập tại Nhật Bản; có thêm nhiều nguồn học bổng khác nhau để hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập.

Các diễn giả, nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm.

Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Nhật và Nhật Bản học trong thời đại kỹ thuật số” thực sự là cầu nối gắn kết các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên tham dự. Hội thảo đã để lại dấu ấn thông qua những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích, góc nhìn chuyên sâu từ các chuyên gia của Bộ GD&ĐT, các GS.TS đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu & giảng dạy tiếng Nhật và Nhật Bản học được chia sẻ tại Hội thảo. Đây sẽ là “chìa khóa” quan trọng để các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu,… nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo tiếng Nhật trong thời gian tới.

BTT