Chính sách và hành động của trường Đại học Đại Nam

Đổi mới quản trị toàn diện về chất lượng đào tạo; Làm sâu sắc hơn văn hóa tổ chức được xác định là hai nhiệm vụ sống còn của trường Đại học Đại Nam (DNU) trong giai đoạn 2023 – 2030.
Đổi mới quản trị toàn diện chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực của đất nước trong giai đoạn mới
Đại học Đại Nam đang tập trung mọi nguồn lực đổi mới quản trị chất lượng đào tạo trình độ đại học và sau đại học.
Chỉ đạo tại buổi nói chuyện về văn hóa và hành động chiến lược của trường Đại học Đại Nam trong giai đoạn 2023 – 2030 dành cho các lãnh đạo chủ chốt nhân dịp đầu xuân 2023, TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch Hội đồng trường cho biết: Đổi mới quản trị chất lượng đào tạo ở các cấp độ đào tạo là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Tại trường Đại học Đại Nam, đây là nhiệm vụ mang ý nghĩa sống còn cho tương lai của Nhà trường. Mọi cán bộ, giảng viên và nhân viên Đại học Đại Nam cần nhận thức rõ nhiệm vụ này theo phương châm: Thấu hiểu - Thực thi - Hiệu quả.
Theo đó, những công việc phải làm đồng bộ với tốc độ nhanh nhất có thể để thay đổi mạnh mẽ chất lượng đào tạo của Đại Nam gồm:
1, Thay chương trình đào tạo theo lối cũ “nặng về lý thuyết hàn lâm, thiếu kỹ năng vận dụng vào thực tế” bằng chương trình đào tạo “dạy các vấn đề cốt lõi - sát với thực tiễn”. Sinh viên phải được trải nghiệm tối đa tại doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo phải có tính liên thông với các trường đại học có uy tín cao trong nước và quốc tế.
2, Thay đổi người thầy giảng dạy thụ động theo cách “thầy đọc – trò chép” bằng người thầy đóng vai trò như là “huấn luyện viên” hướng dẫn cho sinh viên cách học lý thuyết, kỹ năng vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, rèn luyện cho học trò thói quen tự học để học tập suốt đời.
3, Thay đổi cách thi đánh giá môn học theo lối “học thuộc lòng” trước đây bằng các hình thức thi linh hoạt để giảm áp lực cho sinh viên; đánh giá sinh viên bằng sự hiểu biết và kỹ năng thực hiện các nội dung môn học. Từng bước ứng dụng công nghệ để sinh viên được “học và thi mọi lúc, mọi nơi”, đảm bảo đánh giá đúng và công bằng kết quả học tập của sinh viên.
4, Sinh viên ra trường phải biết sử dụng tiếng Anh đạt yêu cầu cho công việc của mình. Các khối ngành học chương trình tiếng Anh phù hợp với đặc thù ngành nghề.
5, Thành lập Trung tâm hỗ trợ việc làm để giúp cho sinh viên có việc làm ngay khi ra trường.
Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, trường Đại học Đại Nam đã tạo dựng được nền tảng vững chắc để tăng tốc phát triển trong giai đoạn mới.
Xây dựng và làm sâu sắc thêm văn hoá Đại học Đại nam
TS. Lê Đắc Sơn nhấn mạnh: “Không một doanh nghiệp nào trường tồn chỉ bằng cách đánh bại đối thủ cạnh tranh. Với Đại học Đại Nam, để có thể trường tồn và phát triển thì việc quan trọng nhất là vượt qua chính mình. Đại Nam phải tăng tốc, phải thay đổi, phải tái cơ cấu để phát triển, bứt tốc, chớp thời cơ...”
Theo đó, Hội đồng trường đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần làm trong giai đoạn 2023 – 2030 để thay đổi cơ bản chất lượng đào tạo nêu ở phần trên, đồng thời tiếp tục làm sâu sắc hơn bản sắc riêng “Văn hoá Đại học Đại Nam.”
Cụ thể, Văn hoá Đại học Đại Nam thể hiện trên:
1. Sứ mệnh của Nhà trường: “Đào tạo để người học ra trường có cuộc sống tốt và là công dân tốt”.
2. Giá trị văn hoá cốt lõi:
2.1. Vì danh dự: Chính trực
Chính trực có nghĩa là luôn cư xử với người khác theo chuẩn mực đạo đức và trọng danh dự.
Hành vi then chốt CẦN LÀM tại Đại học Đại Nam (để phát triển đột phá, môi trường làm việc hạnh phúc):
-
Tôn trọng người khác;
-
Thẳng thắn, trung thực và công bằng;
-
Nhất quán giữa nói và làm;
-
Đúng giờ và hoàn thành công việc đúng hạn;
-
Thông báo kịp thời và nhận trách nhiệm, khắc phục toàn bộ hậu quả khi biết không giữ được lời hứa, cam kết.
Hành vi KHÔNG ĐƯỢC LÀM tại Đại học Đại Nam (vì trái với giá trị cốt lõi).
-
Xúc phạm, thiếu tôn trọng người khác;
-
Gian lận, thiếu công bằng;
-
Không làm đúng với những gì đã cam kết;
-
Trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi.
-
Gian lận, nói xấu sau lưng;
2.2.Vì người học: Tận tâm
Tận tâm là cố gắng hết khả năng, sức lực, tâm huyết, để hoàn thành công việc tốt nhất.
Hành vi then chốt CẦN LÀM tại Đại học Đại Nam (để phát triển đột phá, môi trường làm việc hạnh phúc):
-
Lắng nghe thấu hiểu người học;
-
Chủ động tư vấn, theo sát, kiên nhẫn hỗ trợ cho đến khi người học đạt được mục tiêu;
-
Sẵn sàng làm và làm đến cùng cả những việc ngoài phạm vi trách nhiệm để giúp người học đạt được mục tiêu;
-
Kiên quyết từ chối, ngăn chặn những việc có hại cho người học.
Hành vi KHÔNG ĐƯỢC LÀM làm tại Đại học Đại Nam:
-
Không lắng nghe, thấu hiểu người học;
-
Không tư vấn, hỗ trợ tận tình, gây khó khăn cho người học;
-
Có thái độ, hành vi nóng giận, thô lỗ, không đúng mực với người học.
2.3. Vì nhà trường: Không ngừng bứt phá
Là luôn đặt ra và chinh phục các mục tiêu thách thức đòi hỏi phải tìm tòi, áp dụng cách làm mới.
Hành vi then chốt CẦN LÀM tại Đại học Đại Nam (để phát triển bứt phá, môi trường làm việc hạnh phúc):
-
Đặt ra các mục tiêu có khát vọng và thách thức;
-
Đổi mới sáng tạo trong mọi hành động, mọi công việc;
-
Dũng cảm thừa nhận sai lầm;
-
Chủ động nhận trách nhiệm của bản thân khi thất bại;
-
Phân tích để tìm phương án tốt hơn sau khi thất bại.
Hành vi KHÔNG ĐƯỢC LÀM tại Đại học Đại Nam:
-
Thiếu ý chí, thiếu khát vọng trong công việc;
-
Từ chối xem xét và thử nghiệm những cách làm mới;
-
Trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi khi xảy ra sự cố;
-
Bỏ cuộc khi thử nghiệm phương án đầu tiên thất bại.
2.4. Vì đồng nghiệp: Sẵn sàng sẻ chia
Giáo dục là sự kết nối nên cần sẵn sàng chia sẻ, chủ động giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc và cuộc sống.
Hành vi then chốt CẦN LÀM tại Đại học Đại Nam (để phát triển đột phá, tạo môi trường làm việc hạnh phúc):
-
Sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ tài nguyên giúp đồng nghiệp đạt được mục tiêu;
-
Sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu đồng nghiệp;
-
Sẵn sàng tham gia vào các hoạt động chia sẻ, kết nối.
Hành vi KHÔNG ĐƯỢC LÀM tại Đại học Đại Nam
-
Không hỗ trợ, không chia sẻ tài nguyên.
-
Ganh ghét, đố kỵ, cô lập đồng nghiệp.
-
Trốn tránh công việc, đùn đẩy trách nhiệm.
2.5. Vì bản thân: Luôn học hỏi
Khiêm tốn, chủ động học hỏi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm từ xung quanh để nâng cao năng lực bản thân.
Hành vi then chốt CẦN LÀM tại Đại học Đại Nam (để phát triển đột phá, môi trường làm việc hạnh phúc):
-
Chủ động đọc sách, cập nhật thông tin nâng cao kiến thức;
-
Chủ động học hỏi từ đồng nghiệp và những người xung quanh;
-
Tham gia tích cực các khóa học, hội thảo liên quan đến công việc;
Hành vi KHÔNG ĐƯỢC LÀM tại Đại học Đại Nam:
-
An phận, không sẵn sàng đổi mới;
-
Trốn tránh tham gia các chương trình trao đổi, chia sẻ;
-
Không tiếp nhận, lắng nghe các góp ý và phản hồi.
3, Mục tiêu 2035: Là trường đại học tốt nhất theo định hướng “Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo” trong các trường đại học tốt nhất tại Việt Nam.
4, Tầm nhìn 2035: Trở thành lựa chọn hàng đầu của người học với các ngành học đang được đào tạo tại Nhà trường.
5, Phương châm hành động: “Việc gì có hại cho người học dù nhỏ nhất cũng kiên quyết không làm. Việc gì tốt nhất cho người học thì hết lòng, hết sức”.
Văn hóa tạo tâm thế cho Nhà trường trong hệ thống giáo dục và tâm thế cho mỗi cá nhân trong xã hội.
Xây dựng – phát triển văn hóa mang bản sắc riêng biệt của DNU:
Văn hoá Đại Nam không chỉ tạo dựng cho Đại học Đại Nam một Tâm thế vững vàng trong hệ thống giáo dục mà mỗi nhân sự của Nhà trường cũng có Tâm thế trong xã hội. Chúng ta cần thường xuyên làm sâu sắc hơn văn hóa DNU theo các đặc điểm dưới đây:
Tất cả các nhân sự của DNU cần thấm nhuần văn hóa Đại Nam để có thể đồng hành, gắn bó lâu dài và tỏa sáng.
1, Chúng ta cùng nhau làm việc ở DNU; Cùng làm cùng hưởng theo đóng góp của mỗi người; Cùng xây dựng Đại Nam phát triển và trường tồn; Mỗi thành viên phải tự hào và hạnh phúc khi được làm việc tại Đại Nam.
2, Đại Học Đại Nam là nơi làm việc lý tưởng cho tất cả mọi người. Điều này chỉ đúng với những ai thực sự phù hợp với những tư tưởng cốt lõi cũng như những tiêu chuẩn của trường mà thôi. Khi bạn được làm việc ở Đại Nam hoặc là bạn phù hợp và phát triển rực rỡ trong công việc (theo một cách không thể nào tốt hơn) hoặc là bạn bị đẩy ra ngoài ngay lập tức.
3, Mỗi nhân sự phải luôn tự đặt câu hỏi “làm thế nào để ngày mai chúng ta có thể làm tốt hơn ngày hôm nay?” Cán bộ, giảng viên và nhân viên DNU khi thấy việc là xắn tay vào làm, làm nhanh nhất, tốt nhất có thể và đôi khi phải “nhẫn nhục” để thành công.
Sinh viên DNU được trân trọng và thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất.
4, Thực sự trân trọng sinh viên, bởi sinh viên không chỉ là “khách hàng” của Nhà trường mà còn là “chủ nhân” tương lai dẫn dắt và xây dựng đất nước Việt Nam.
5, Đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đúng người, đúng việc. Người nhỏ không bố trí làm việc lớn nhưng người lớn phải làm được việc nhỏ. Lãnh đão các cấp phải biết hướng dẫn cho cấp dưới thực hiện hiệu quả công việc và chịu trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị với cấp trên.
6, Trong nội bộ DNU, giữa các cấp, giữa các đơn vị, giữa các cá nhân “không có Thắng - Thua mà chỉ có Đúng - Sai”. Tất cả phải đồng tâm hiệp lực vì sứ mệnh và giá trị cốt lõi của Nhà trường. Tôn trọng các ý kiến phản biện khác biệt ở mọi cấp độ trong hệ thống quản lý để vận hành Đại học Đại Nam hoạt động tối ưu nhất có thể.
...
“Khi tất cả chúng ta hiểu được các vấn đề cốt lõi trong văn hóa của Nhà trường, chúng ta sẵn sàng tuyên bố với xã hội về trách nhiệm của mình. Nếu chúng ta tin rằng, chúng ta làm việc trong một trường đại học bình thường như các trường đại học bình thường khác tại Việt Nam thì Đại học Đại Nam của chúng ta cũng chỉ như các trường đại học bình thường khác. Chúng ta phải có một ý niệm rằng: Đại Nam phải là một trường đại học thật đặc biệt, thật khác biệt thì khi đó, chúng ta mới chuyển hóa thành động cơ thúc đẩy, có những hành động, bước đi vững chắc để biến ý niệm đó thành hiện thực...” TS. Lê Đắc Sơn nhắn nhủ đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên của Nhà trường.
BTT