29/11/2024

888

Chia sẻ sâu sắc của cô Cao Thị Hòa trong chương trình đào tạo nội bộ năm học 2024-2025

Trong không gian trang trọng và cảm hứng, toàn thể cán bộ, giảng viên trường Đại học Đại Nam (DNU) đã khởi đầu chương trình đào tạo nội bộ năm học 2024 – 2025 bằng bài chia sẻ ý nghĩa của cô Cao Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Hiệu trưởng với chuyên đề “Nhận diện chân dung sinh viên Đại học Đại Nam và xây dựng tiêu chuẩn cán bộ, giảng viên, nhân viên”. Với gần 3 giờ đồng hồ, bài chia sẻ đã trở thành điểm nhấn quan trọng, góp phần định hình những đổi mới thực chất trong cách tiếp cận và đồng hành cùng người học, đồng thời khẳng định vai trò của việc xây dựng hình ảnh người thầy chuẩn mực trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Nhận dạng chân dung sinh viên

Mở đầu bài chia sẻ, cô Cao Thị Hòa nhấn mạnh: Với vai trò là người dẫn đường, người truyền cảm hứng, giảng viên cần hiểu rõ từng sinh viên của mình. Việc nắm bắt chân dung sinh viên không chỉ giúp thầy cô xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp mà còn giảng dạy, hỗ trợ sinh viên vượt qua khó khăn, phát huy tối đa tiềm năng của bản thân.

Theo đó, cô Cao Thị Hòa đã phân tích sâu sắc đặc điểm thế hệ Gen Z và insight sinh viên Đại học Đại Nam dựa trên các yếu tố: tâm lý, học lực, hoàn cảnh gia đình, đặc điểm địa lý và ngành học. Các phân tích đã làm rõ thách thức, cơ hội trong việc đồng hành cùng sinh viên và đề xuất các “điểm chạm” hiệu quả giữa sinh viên với giáo viên, lãnh đạo khoa, nhà trường.

Không chỉ phân tích đặc điểm thế hệ Gen Z và insight sinh viên Đại học Đại Nam, cô còn mang đến bức tranh tổng thể về sinh viên thông qua số liệu khảo sát những “nỗi sợ” phổ biến và mong muốn chính đáng của sinh viên trong quá trình học tập tại DNU, từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực giúp sinh viên vượt qua rào cản tâm lý, tạo động lực để học tập hiệu quả hơn.

 “Nhận diện chân dung sinh viên giúp nhà trường hiểu rõ đặc điểm, nhu cầu và tiềm năng của từng cá nhân, từ đó cá nhân hóa giáo dục, hỗ trợ định hướng nghề nghiệp và xây dựng môi trường học tập tích cực. Việc này không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn giúp phát hiện, giải quyết kịp thời các vấn đề của sinh viên, tạo sự gắn bó giữa sinh viên và nhà trường. Đồng thời, đây cũng là nền tảng để đổi mới phương pháp giảng dạy, khẳng định sự quan tâm đến sự phát triển toàn diện và thành công của sinh viên”, Cô Hòa khẳng định.

Thầy Trương Đức Thao – Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý chia sẻ: “Đây là nội dung trao đổi mà tôi chưa từng trải nghiệm ở bất cứ cơ sở giáo dục Đại học nào mà tôi từng biết. Các nội dung trình bày thể hiện sự đầu tư nghiên cứu hết sức nghiêm túc về các đặc điểm của sinh viên, thầy cô và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của nhà trường​. Những chia sẻ của cô Cao Thị Hòa thực sự giá trị, có thể ứng dụng thực tế vào thực tế đào tạo cho sinh viên nhà trường nhằm tạo ra môi trường học tập tốt hơn cho sinh viên...”

Xây dựng hình ảnh người giảng viên chuẩn mực

Xây dựng hình ảnh giảng viên đại học chuẩn mực là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục và uy tín của DNU. Giảng viên chuẩn mực không chỉ là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng mà còn là tấm gương đạo đức, truyền cảm hứng cho sinh viên trong học tập và rèn luyện. Hình ảnh này giúp xây dựng niềm tin của phụ huynh, sinh viên và xã hội vào môi trường giáo dục, đồng thời tạo động lực để đội ngũ giảng viên không ngừng phát triển, hoàn thiện bản thân. Một giảng viên chuẩn mực còn góp phần định hình văn hóa học đường tích cực, thúc đẩy sinh viên trở thành những công dân có trách nhiệm, sáng tạo và bản lĩnh trong tương lai.

Thầy Trần Hải Dương – Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc bày tỏ: “Tôi thực sự xúc động với thông điệp mà cô Hòa đã chia sẻ tại buổi đào tạo. “Mỗi sinh viên là một cuộc đời, một tương lai, thầy cô không thể đứng ngoài khát vọng đó. Hãy thắp lên ngọn lửa đam mê trong mỗi sinh viên bằng cả trái tim và khối óc của người Thầy...” Cô Hòa đã giúp tôi và các giảng viên nhận thức đúng đắn hơn về vai trò của mình trong việc đào tạo và định hướng sinh viên, đặc biệt là tầm quan trọng của việc không nhừng trau dồi để xây dựng hình ảnh một người giảng viên chuẩn mực, được các thế hệ sinh viên yêu mến, kính trọng...”

Phân biệt rõ "thợ dạy," "người đi dạy," và "người thầy"

Trong bối cảnh giáo dục hiện nay, việc phân biệt các khái niệm “thợ dạy”, “người đi dạy”, “người thầy” càng trở nên cấp thiết. Việc phân biệt rõ ràng các khái niệm sẽ giúp Đại Nam đào tạo và tuyển chọn những người có đủ phẩm chất để đảm nhận vai trò cao quý này.

“Việc cung cấp thông tin về sự khác nhau giữa thợ dạy, người thầy và người truyền cảm hứng là một bước quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Nó giúp giáo viên nhận thức rõ hơn về vai trò của mình, từ đó có những thay đổi tích cực trong phương pháp giảng dạy và tạo ra một môi trường học tập lý tưởng cho học sinh”, cô Hòa chia sẻ.

Thầy Lê Thế Anh – Trưởng khoa Kế toán cho biết: "Việc làm rõ bản chất các khái niệm: “thợ dạy”, “người đi dạy” và “người thầy” giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về vai trò của người thầy trong việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai đầy đủ những chuẩn mực đạo đức của nghề giáo. Bằng cách giải thích đơn giản nhưng rất sâu sắc, Cô Hòa về một vấn đề căn cốt: “Người giảng viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người hướng dẫn, truyền cảm hứng cho sinh viên”. Đây là thông điệp rất quan trọng trong bối cảnh giáo dục đang đứng trước những thay đổi vô cùng to lớn của công nghệ hiện nay..."

Cô Nguyễn Thị Hà Thu – Giảng viên khoa Đào tạo và Phát triển kỹ năng mềm nêu quan điểm: "Cô Hòa đã rất tinh tế khi chỉ ra rằng, nghề giáo không phải là công việc đơn giản. Việc phân biệt 'thợ dạy', 'người đi dạy' và 'người thầy' giúp chúng ta nhận ra rằng để trở thành một người thầy thực thụ, giảng viên cần phải có sự kết hợp giữa kiến thức, kỹ năng sư phạm và tâm huyết với nghề. Những khái niệm này giúp giảng viên hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình, từ đó phấn đấu trở thành hình mẫu lý tưởng trong mắt sinh viên."

Sự khác nhau giữa thầy cô lớn tuổi và thầy cô trẻ tuổi

Theo cô Cao Thị Hòa, phân biệt sự khác nhau giữa giảng viên lớn tuổi và giảng viên trẻ không phải để so sánh hay tìm sự đối lập mà nhằm mục đích hiểu rõ hơn về đặc điểm của từng nhóm, từ đó có những giải pháp phù hợp để phát triển đội ngũ giảng viên hài hòa, nâng cao chất lượng giảng dạy và đáp ứng nhu cầu của sinh viên.

Giảng viên lớn tuổi có kinh nghiệm sâu rộng và khả năng phân tích toàn diện, trong khi giảng viên trẻ mang đến sự sáng tạo và năng lực ứng dụng công nghệ. DNU sẽ khai thác tối đa thế mạnh của từng thế hệ giảng viên. Bên cạnh đó, tạo sự cân bằng trong đội ngũ. Sự kết hợp giữa kinh nghiệm và sự đổi mới giúp tạo môi trường làm việc đa dạng, nơi các thế hệ giảng viên có thể học hỏi lẫn nhau. Khi phân công công việc phù hợp với thế mạnh của từng nhóm, chất lượng đào tạo sẽ được tối ưu. Sinh viên được hưởng lợi từ cả tư duy hiện đại và sự từng trải, giúp họ có cái nhìn đa chiều hơn trong học tập và cuộc sống...” cô Cao Thị Hòa phân tích.

Xây dựng hình ảnh giảng viên chuẩn mực qua diện mạo bên ngoài

Việc xây dựng hình ảnh giảng viên chuẩn mực qua diện mạo bên ngoài không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc tạo dựng uy tín và nâng cao ảnh hưởng đối với sinh viên. Một hình ảnh chỉn chu, phù hợp với môi trường giáo dục sẽ giúp giảng viên tạo được sự tin tưởng và tôn trọng từ phía học trò, từ đó nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Mục tiêu của việc xây dựng hình ảnh giảng viên chuẩn mực là góp phần vào sự hình thành nhân cách toàn diện cho học sinh. Khi các em được tiếp xúc với những hình mẫu tích cực, các em sẽ có xu hướng noi theo và hình thành những thói quen tốt. Một giảng viên có hình ảnh chỉn chu sẽ là tấm gương sáng để học sinh noi theo về cách ăn mặc, ứng xử và thái độ sống.

Cô Nguyễn Thị Thảo - Giảng viên khoa Đào tạo và Phát triển Kỹ năng mềm chia sẻ: "Trong xã hội hiện đại, hình ảnh cá nhân đóng vai trò quan trọng. Đối với người giảng viên thì cần phải định vị rõ thương hiệu cá nhân của mình với người học. Hình ảnh thương hiệu đó được thể hiện thông qua các yếu tố: phong cách trang phục, tác phong sư phạm, kỉ luật, tâm lý với người học, đáp ứng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, cập nhật xu hướng mới và trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân. Việc xây dựng hình ảnh giảng viên chuẩn mực không chỉ đáp ứng yêu cầu của môi trường giáo dục mà còn phù hợp với xu hướng chung của xã hội. Một giảng viên có hình ảnh chuyên nghiệp sẽ góp phần nâng cao uy tín của ngành giáo dục và thu hút nhiều tài năng trẻ đến với nghề..."

Kết quả khảo sát sinh viên hàng năm cũng cho thấy, hầu hết sinh viên đều cho biết cảm thấy tự hào khi có những thầy cô ăn mặc lịch sự và gọn gàng, điều này khiến họ cảm thấy được tôn trọng và mong muốn học hỏi nhiều hơn.

Về vấn đề này, cô Đào Thị Thu Giang – Phó Hiệu trưởng chia sẻ: “Hình ảnh cán bộ giảng viên không chỉ đơn thuần là vẻ bề ngoài mà còn là biểu hiện của sự chuyên nghiệp, tôn trọng và sự quan tâm đến nghề nghiệp. Một diện mạo chỉn chu, phù hợp với môi trường giáo dục sẽ tạo nên ấn tượng ban đầu tốt đẹp với sinh viên, phụ huynh và cộng đồng. Khi các thầy cô giáo có vẻ ngoài tươi tắn, trang phục gọn gàng, lịch sự, điều đó không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với bản thân và nghề nghiệp mà còn truyền cảm hứng cho học sinh, tạo ra một môi trường học tập chuyên nghiệp và hiệu quả. Hơn nữa, hình ảnh chỉn chu của cán bộ giảng viên cũng góp phần nâng cao uy tín của nhà trường, thu hút nhiều hơn nữa các em học sinh tài năng.”

TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đại Nam, khẳng định: "Việc xây dựng hình ảnh giảng viên chuẩn mực là một phần trong chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Chúng tôi tin rằng, một hình ảnh chuyên nghiệp sẽ giúp nhà trường thu hút được nhiều học sinh giỏi và tạo dựng uy tín trong cộng đồng."

 

BTT