11/08/2022

1268

Cán bộ, giảng viên trường Đại học Đại Nam giải mã “Sự học và Đại học trong bối cảnh mới” cùng chuyên gia giáo dục, TS. Giản Tư Trung

“Trong cuộc đời, chỉ có “sự học” và “thực học” mới tạo nên giá trị và quyết định thân phận của một người. Học đại học sẽ giúp chúng ta lấy tri thức, lấy bằng, lấy nghề và giải quyết vấn đề …”. Đó là chia sẻ của chuyên gia giáo dục, TS. Giản Tư Trung tại buổi tập huấn cán bộ, giảng viên và nhân viên năm học 2022 – 2023 của trường Đại học Đại Nam.

TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu khai mạc tập huấn chuyên đề 7: Sự học và Đại học trong bối cảnh mới.

Tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, giảng viên và nhân viên là hoạt động thường niên của trường Đại học Đại Nam nhằm xây dựng – phát triển đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, giỏi chuyên môn, nhiệt huyết để thực hiện chiến lược phát triển của Nhà trường trong giai đoạn mới. Năm nay, tuần lễ tập huấn diễn ra từ ngày 2 – 12/8 với 7 chuyên đề lớn, thu hút sự quan tâm tham gia của 800 cán bộ, giảng viên và nhân viên trong toàn trường.

TS. Giản Tư Trung chia sẻ về sự học và đại học trong bối cảnh mới.

Đại học góp phần định hình xã hội

Với chuyên đề “Sự học và Đại học trong bối cảnh mới”, TS. Giản Tư Trung nhận định: “Đại học không thể là nơi chạy theo xã hội mà phải góp phần định hình và xác lập tương lai cho xã hội mới”.

Theo đó, TS. Giản Tư Trung định nghĩa giáo dục là nâng đỡ và phát triển con người; giáo dục đại học sẽ giúp người học có tầm vóc văn hóa và trình độ chuyên môn cao. Ông cho rằng, điều quan trọng nhất ở một ngôi trường đại học là phải xây dựng được đạo học của trường, phải trả lời được hai câu hỏi: “Học để làm gì? Tại sao phải học?”. 

Theo góc nhìn của diễn giả, hiện nay, chúng ta đang đứng trước thực trạng giáo dục được đo lường bằng những con số vô tri hơn là quan tâm đến gốc rễ. Trong khi đó, đích đến của giáo dục tiến bộ không phải là danh vọng, địa vị mà là con người tự do.

Để làm được điều đó, giáo dục phải khuyến khích được người học khao khát hiểu biết tri thức. Nhà giáo dục cũng phải tự trau dồi để xác lập giá trị của bản thân mình, góp phần hình thành chuẩn mực, giá trị và niềm tin mới để thúc đẩy được thế hệ tương lai. Có như vậy mới đúng và trúng với slogan “học để thay đổi” của trường Đại học Đại Nam.

“Một trường Đại học hoạt động không vì những kết quả của tháng tới hay năm tới, thậm chí cũng không vì việc sinh viên tốt nghiệp sẽ trở thành con người như thế nào. Trường đại học hoạt động vì những kiến thức sẽ góp phần định hình cả cuộc đời một con người, những kiến thức truyền tải di sản của nhiều thiên niên kỷ, những kiến thức quyết định tương lai”, TS. Giản Tư Trung nhấn mạnh.

Chuyên đề sự học và đại học trong bối cảnh mới do TS. Giản Tư Trung chia sẻ nhận được sự quan tâm đặc biệt của  các cán bộ, giảng viên trường Đại học Đại Nam.

“Thực học” quyết định giá trị và thân phận của mỗi người

Theo chuyên gia, 05 con đường phải đi qua để khai sáng bản thân là: Người thầy trực tiếp, sách, trả giá của bản thân (thất bại), nhân vật cổ kim, kho tri thức từ internet. “Không phải ai trải qua 05 con đường này cũng đều thành công. Nhưng những người thành công chắc chắn phải qua 05 con đường này”, ông nói.

TS. Giản Tư Trung đề cao “sự học” và “thực học”. Theo ông, chỉ có học thực mới có thể làm thực và chỉ có làm thực mới có thể sống thực.

TS. Giản Tư Trung đặc biệt đề cao“sự học” và “thực học”.

Theo đó, chúng ta phải tự đặt câu hỏi: Học để làm gì? Làm để làm gì? Sống để làm gì? Nếu mình không học thực thì chỉ thấy một hai góc nhìn. Nhưng khi mình thực học, đọc, giao lưu thì mình sẽ biết hàng trăm góc nhìn khác về vấn đề đó. Khi biết được nhiều góc nhìn, cái đầu sáng hơn thì mình quyết định vấn đề nó sẽ khác.

Chuyên gia khẳng định, chỉ có tự học và khai phóng bản thân mới có thể đi đến thành công, sống tự do và là chính mình một cách đúng nghĩa. Diễn giả cũng cho rằng, việc tin vào số phận hay không không quan trọng. Quan trọng phải có niềm tin thay đổi được số phận nếu mình muốn. Điều đó sẽ tạo ra động lực học để nâng cấp, chuyển hóa bản thân trưởng thành. Khi ấy, học là học thực chứ không phải học để đối phó như chúng ta vẫn thấy.

“Trong cuộc đời, chỉ có “sự học” và “thực học” mới tạo nên giá trị và quyết định thân phận của một người. Học đại học sẽ giúp chúng ta lấy tri thức, lấy bằng, lấy nghề và giải quyết vấn đề trên…”, chuyên gia Giản Tư Trung chia sẻ.

Các thầy cô hào hứng chia sẻ quan điểm và đặt câu hỏi với TS. Giản Tư Trung.

Diễn giả nhấn mạnh thêm, nhiệm vụ của giáo dục khai phóng là giúp cho người học thành công trên sự học khai phá bản thân. Khi đó, người học mới có thể khai tâm, khai trí và giải phóng tất cả những tiềm năng mà mình có.

Ban Giám hiệu Nhà trường tặng kỷ niệm chương cho TS. Giản Tư Trung.

TS. Giản Tư Trung là người sáng lập, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE; Viện trưởng Viện Giáo dục IRED; Phó Chủ tịch Qũy Văn hóa Phan Châu Trinh; Giám đốc Sáng kiến OpenEdu; Chủ nhiệm Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL; Ủy viên Hội đồng Điều hành Hội Giáo dục So sánh Châu Á…

Ông nhận bằng Thạc sĩ về Nghiên cứu Phát triển tại Học viện Sau Đại học Geneva; Tu nghiệp về Chính sách giáo dục quốc tế tại Đại học Harvard; Tốt nghiệp Tiến sĩ về Giáo dục tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore; và tốt nghiệp Tiến sĩ về Giáo dục tại Đại học London (UCL).

TS. Giản Tư Trung là người khởi xướng và Trưởng Ban Tổ Chức Giải thưởng Sách Hay; Đồng sáng lập và Chủ nhiệm IPL Scholarship (Học bổng toàn phần về “Lãnh đạo Khai phóng” dành cho doanh nhân trẻ & lãnh đạo trẻ); Khởi xướng Sáng kiến OpenEdu (“Ngôi trường khai phóng trực tuyến” phi lợi nhuận dành cho người tự học & tự lực khai phóng); Khai lập TopSkills Education (Một sáng kiến giáo dục khai phóng phi lợi nhuận nhằm phát triển “Kỹ năng Chuyên nghiệp” dành cho sinh viên đại học); Khai lập PLEMS Education (Một sáng kiến giáo dục khai phóng phi lợi nhuận nhằm phát triển năng lực “Lãnh đạo Bản thân” dành cho học sinh phổ thông).

Ngày 12/3/2013, TS. Giản Tư Trung được vinh danh là “Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu” do Diễn đàn Kinh tế Thế giới bầu chọn vì những đóng góp cho giáo dục.

TS. Giản Tư Trung còn là người khởi xướng và xây dựng 4 tủ sách thiết yếu (mua bản quyền, tổ chức biên dịch và xuất bản) nhằm phục vụ cho nhiều nhóm độc giả khác nhau: “Tủ sách Kinh điển”, “Tủ sách Doanh trí”, “Tủ sách Giáo dục” và “Tủ sách Khai phóng”; Chủ trì việc biên soạn bộ sách “Đạo kinh doanh Việt Nam và thế giới” (gồm 15 cuốn); Tác giả của cuốn sách “ĐÚNG VIỆC - Một Góc Nhìn Về Câu Chuyện Khai Minh”.

 

Ban Truyền thông