26/04/2023

1009

300 cán bộ lớp đại diện cho hơn 12.000 sinh viên trực tiếp đối thoại cùng lãnh đạo Nhà trường

“Ban cán sự lớp là cánh tay nối dài của Nhà trường, lan tỏa những thông điệp tích cực đến sinh viên. Đại học Đại Nam luôn sẵn sàng lắng nghe và thay đổi linh hoạt, tích cực đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập của sinh viên”. Đó là nhấn mạnh của TS. Lê Thị Thanh Hương – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Đại Nam trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo Nhà trường với sinh viên năm học 2022 – 2023 được tổ chức vào sáng 26/4.

Đối thoại giữa lãnh đạo Nhà trường với sinh viên là hoạt động thường niên, thể hiện tính dân chủ, trách nhiệm của trường Đại học Đại Đại Nam. Đây là dịp để lãnh đạo Nhà trường; các khoa, phòng, ban, viện, trung tâm cùng sinh viên các khóa, các ngành trao đổi, chia sẻ thẳng thắn những vướng mắc, khó khăn liên quan đến các vấn đề học tập, đời sống cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập…

Với tinh thần cởi mở, thắng thắn, buổi đối thoại trực tiếp năm nay có sự tham gia của đại diện Ban Giám hiệu; lãnh đạo các Phòng, Ban, Khoa, Viện, Trung tâm và hơn 300 cán bộ lớp thuộc các khóa 13, 14, 15, 16 của trường.

Nhà trường nỗ lực làm tốt hơn chứ không chiều chuộng vô điều kiện làm “hư” sinh viên

Tại buổi đối thoại, TS. Lê Thị Thanh Hương cho biết: Có hơn 100 câu hỏi và ý kiến của sinh viên gửi về cho nhà trường; tập trung vào các lĩnh vực tài chính (học phí, học bổng, chế độ…), công tác sinh viên, đào tạo, nghiên cứu khoa học, điều kiện cơ sở vật chất.

TS. Lê Thị Thanh Hương tận tình trả lời thắc mắc của sinh viên.

Về lĩnh vực tài chính, sinh viên quan tâm đến các chính sách học bổng, học phí thay đổi như thế nào qua các năm, các khóa.

Trả lời cho vấn đề này, cô Nguyễn Thị Hương Lê – Kế toán trưởng cho biết: Nhà trường không tăng học phí trong suốt khóa học của sinh viên. Môn GDQP và GDTC không thu tiền học phí, chỉ thu các khoản liên quan đến tiêu dùng của mỗi sinh viên (ăn, ký túc xá, phục vụ hậu cần; in, cấp chứng chỉ) và nộp ngay đầu kỳ nhập học.

Đối với chính sách học bổng, hiện tại học bổng được Nhà trường phân bổ theo tỷ lệ dựa trên mức học phí nộp theo quy định, số sinh viên từng khóa, từng khoa và được chia thành nhiều loại: Học bổng khuyến tài, học bổng cho sinh viên lớp chất lượng cao, học bổng khuyến khích, học bổng dành cho sinh viên địa bàn đặc biệt. Bên cạnh đó còn nhiều học bổng và chính sách khác đến từ các doanh nghiệp, hỗ trợ tài chính tối đa cho sinh viên trong học và đi thực tập.

Cô Nguyễn Thị Hương Lê chia sẻ với sinh viên về các vấn đề tài chính.

Về đào tạo, nghiên cứu khoa học và công tác sinh viên, câu hỏi tập trung vào các chuyên ngành đào tạo, hỗ trợ việc làm; thời gian, tiêu chí được tham gia nghiên cứu khoa học,…

Đại diện các bộ phận liên quan đã tận tình các câu hỏi trên. Theo đó, Trung tâm việc làm cam kết hỗ trợ, kết nối việc làm cho 100% sinh viên năm cuối; tổ chức các khóa đào tạo bổ sung kiến thức – kỹ năng (tin học, tiếng Anh, phỏng vấn…) cho sinh viên. Về nghiên cứu khoa học, sinh viên có đủ khả năng đều có thể tham gia, không quy định là sinh viên năm thứ mấy.

Vấn đề cơ sở vật chất cơ sở vật chất cũng được sinh viên đặc biệt quan tâm. Theo đó, Nhà trường đã không ngừng nỗ lực bổ sung, đổi mới các trang thiết bị, tài liệu học tập cần thiết; tạo điều kiện để sinh viên học tập và sinh hoạt trong một môi trường hiện đại, xanh, sạch, đẹp.

Sinh viên thẳng thắn chia sẻ, bày tỏ mong muốn, nguyện vọng cùng thầy cô.

Tại buổi đối thoại, sinh viên bày tỏ các mong muốn: gửi xe gần địa điểm học GDTC hơn; công tác thông tin, truyền thông về các khóa học được phủ rộng hơn; có thêm quy định về vấn đề hút thuốc trong trường, nhất là khu nhà vệ sinh,…

Tỉ mỉ ghi chép để truyền đạt lại thông tin cho các bạn trong lớp.

TS. Lê Thị Thanh Hương chia sẻ: “Nhà trường luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của sinh viên để điều chỉnh tốt hơn. Nhưng không chiều chuộng một cách vô điều kiện. Tất cả phải phù hợp, trên tinh thần chia sẻ, thấu hiểu”.

Tập huấn nâng cao giá trị bản thân và kỹ năng quản lý lớp cho đội ngũ “hạt nhân”

Tại chương trình, đội ngũ ban cán sự đã được học tập và rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý lớp cùng cô Nguyễn Thị Hà Thu – Giảng viên khoa Đào tạo và Phát triển Kỹ năng mềm, trường Đại học Đại Nam.

Trong quá trình quản lý lớp, cần áp dụng linh hoạt 03 cách quản lý: Tự quyết, tự thực hiện công việc; Tự do, buông lỏng; Dân chủ, phối hợp. Ngoài ra, có thể áp dụng các mẹo quản lý hiệu quả như: Xây dựng luật chơi; Có kế hoạch phân công rõ ràng; Thiết lập cơ chế trao đổi thông tin; Trở thành người đồng hành; Tinh thần “Anh em mình là một gia đình” (kết nối với giảng viên và với các thành viên trong lớp).

Cô Hà Thu nhắn nhủ các ban cán sự: “Làm cán bộ lớp là một hành trình gian nan, đôi lúc khiến các em mệt mỏi và nản chí. Tuy nhiên, đừng bỏ cuộc bởi đây là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời mà không phải ai cũng có được trong thời sinh viên. Đây sẽ là một hành trình vững chắc để các em phát triển hơn nữa trong tương lai”.

Buổi đối thoại đã thể hiện sự quan tâm, sâu sát của Nhà trường đối với toàn thể sinh viên và cán bộ, giảng viên, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới môi trường giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập. Bất cứ nguyện vọng nào của sinh viên cũng được nhà trường lắng nghe, giải quyết một cách thấu đáo, phù hợp nhất.

BTT