19/04/2023

6767

Nhật ký 1 tháng “đi viện” của sinh viên Y khoa Đại học Đại Nam có gì đặc biệt?

“Một tháng trôi qua thật nhanh, thấm thoắt đã đến ngày kết thúc đợt thực tập lâm sàng đáng giá tại Bệnh viện Đa khoa Xanh - Pôn. Một tháng “đi viện”, tôi – cô sinh viên Y khoa năm 3 tự tin hơn, trưởng thành hơn, yêu và tự hào hơn bao giờ về ngành học và nghề nghiệp mình đã lựa chọn. Cảm ơn thầy, cô khoa Y đã tận tuỵ dạy dỗ và dìu dắt! Cảm ơn những trải nghiệm tuyệt vời có phần “ưu ái” đặc biệt mà Đại học Đại Nam đã và đang mang đến cho sinh viên khối ngành Sức khoẻ nói chung và sinh viên ngành Y khoa nói riêng… Biết ơn và trân trọng từng cơ hội học tập, tích luỹ kinh nghiệm thực tế trong những lần “đi viện”…”

Đó là những chia sẻ của Thái Lê Thảo Lam – sinh viên lớp YK 14-01, khoa Y, trường Đại học Đại Nam trong nhật ký “đi viện” của mình. 

Sinh viên Y khoa Đại học Đại Nam trong ngày đầu đến thực tập lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Xanh – Pôn.

Chỉ có mình mới có thể dỡ bỏ rào cản tâm lý của chính mình

Ngày đầu tiên…

Ngày đầu tiên đặt chân đến Bệnh viện Đa khoa Xanh - Pôn, mở đầu cho chuỗi ngày “đi viện”. Một dấu mốc quan trọng trên hành trình học tập của sinh viên Y khoa. Chúng tôi mang theo niềm hi vọng, sự gửi gắm và bao tâm huyết của thầy, cô – những người dạy dỗ và chăm lo.

Ngày thứ 2…

Có quá nhiều sự tò mò và ái ngại, không dám và không biết làm gì. Tôi vẫn còn nhiều rào cản về giao tiếp, không dám liên hệ với bác sĩ và hỏi bệnh các bệnh nhân. Buổi học đầu tiên bắt đầu với bác sĩ Trưởng khoa Nội Tiêu hoá – Thận về cách làm bệnh án nội khoa.

Từng nhóm sinh viên được chia về các khoa, phòng và có bác sĩ hướng dẫn thực tập trực tiếp đào tạo.

Ngày thứ 3…

Cũng đã được nửa tuần, quen được thêm nhiều bạn từ nhiều trường đang thực tập ở cùng khoa. Có động lực hơn một chút. Chủ động nói chuyện và hỏi bệnh rất nhiều bệnh nhân trong khoa. Nhận thấy mọi người rất dễ gần và thoải mái. Những rào cản về giao tiếp dần được gỡ bỏ…

Ngày thứ 4…

Đo huyết áp bệnh nhân vào mỗi buổi sáng chính là cách mà tôi nhớ được nhiều bệnh nhân và gần gũi với họ hơn. Tôi tự nhủ sẽ cố gắng mở lòng và giao tiếp với nhiều bệnh nhân hơn nữa. Buổi bình bệnh án đầu tiên về bệnh nhân có triệu chứng “đau thắt ngực” với bác sĩ Trung.

Ngày thứ 5…

Vậy là đã hết tuần đầu tiên đầy bỡ ngỡ và nhiều bài học. Các bác sĩ góp ý và chỉ dẫn tôi nhiều trong các buổi đi buồng. Mỗi ngày học thêm được một chút, thấy mình “khôn” ra bao nhiêu, tự tin hơn và đặc biệt không còn một chút rào cản tâm lý nào. Nhận ra một chân lý: Chỉ có mình mới có thể dỡ bỏ rào cản tâm lý của chính mình…

Tự tin hơn, trưởng thành hơn, yêu nghề hơn là những “trái ngọt” Thái Lê Thảo Lam và các bạn sinh viên Y khoa Đại Nam thu hái được sau hơn 1 tháng “đi viện”.

Ngày thứ 6…

Buổi trực đầu tiên của tuần và cũng là buổi trực đầu tiên trong đời. Học tập thông qua bệnh án điện tử của khoa.

Ngày thứ 7…

Hôm nay cuối tuần mà bệnh nhân vào nhiều quá. Bệnh viện quá tải, không đủ giường nằm, bệnh nhân phải nằm ghép giường rất mệt mỏi. Thương và đồng cảm! Muốn chia sẻ và cách duy nhất, tôi có thể làm là giao tiếp với bệnh nhân nhiều hơn, dùng sự lễ phép, ân cần để “xoa dịu”. Lúc này mới thấu hiểu, tại sao trên lớp thầy, cô thường nhấn mạnh: "Bác sĩ cần có một trái tim nhân hậu".

Sinh viên Y khoa Đại Nam “cắm chốt” bệnh viện, học lâm sàng cả ngày, trực đêm như một bác sĩ thực thụ…, xóa tan lời đồn “cưỡi ngựa xem hoa”

Ngày thứ 8 + 9…

Được thăm khám trực tiếp trên bệnh nhân dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ phụ trách.

Hôm nay được dự buổi gặp mặt thường niên của Câu lạc bộ ghép thận do khoa Nội II chủ trì. Được nghe 3 bài báo cáo của bác sĩ về những lưu ý sau ghép thận. Nhiều kiến thức bổ ích, không có trong sách vở. Cảm nhận rõ, bác sĩ Việt Nam rất giỏi, nền Y học của Việt Nam cũng rất phát triển, biển học là mênh mông, thấy mình thật nhỏ bé và phải nỗ lực từng ngày, từng giờ vì đã chọn ngành Y.

Ngày thứ 10…

Buổi học ‘xuất huyết tiêu hóa” với bác sĩ Kiên đưa tôi “vào đời” với những triệu chứng tưởng như không có giá trị nhưng lại rất hữu ích trong chẩn đoán và phân biệt. Lần đầu được khám và sờ gan to, thận to, cảm thấy xúc cảm bàn tay thật tuyệt vời. Ai bảo sinh viên Y khoa đi thực tập lâm sàng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, đứng hành lang chờ hết giờ đi về thì “sai rồi” nhé! Sinh viên Y khoa Đại học Đại Nam chúng tôi được thực học, thực làm như một bác sĩ thực thụ nè.

Ngày thứ 11…

Buổi học “Điện tâm đồ” của bác sĩ Việt – khoa Nội Tim mạch giúp tôi biết thêm nhiều hơn về các đường điện đồ khó nhằn. Rất nhiều kiến thức mới khiến tôi được mở mang tầm mắt. Một buổi trực đêm khó quên. Lúc này lại nhớ đến lời PGS.TS Phạm Trung Kiên: “Sinh viên Y khoa Đại Nam “cắm chốt” bệnh viện, học lâm sàng cả ngày, trực đêm như một bác sĩ thực thụ…”

Ngày thứ 12…

Hôm nay có buổi chữa bệnh án với bác sĩ Kiên khoa Nội II. Bác chữa bệnh án rất tận tình và tỉ mỉ cho chúng tôi thêm rất nhiều kinh nghiệm quý giá và hữu ích. Ngày cuối cùng thực tập tại khoa.

Không bao giờ cho phép bản thân “từ bỏ”

Ngày thứ 13 + 14…

Tuần mới chào khoa mới – Nội tim mạch. Những ngây ngô ban đan đầu đã không còn trong tôi nhưng cũng có chút bỡ ngỡ vì mỗi khoa một đặc thù và phong thái khác làm việc nhau.

Ngày thứ 15 + 16…

Cảm giác có gì đó lấn cấn trong lòng. Cảm giác thiếu sót trong giao tiếp và cách thức dẫn dắt khiến tôi chênh vênh.

Ngày thứ 17…

Buổi học khám bệnh nhân suy tim của bác sĩ Thành tại buồng bệnh đã giúp tôi phấn chấn hơn. Tự nhủ: Dù có những lúc mệt mỏi, chênh vênh nhưng không bao giờ được cho phép bản thân “từ bỏ”.

Ngày thứ 22…

Buổi học đầu tiên trong tuần với bác sĩ Sơn về bệnh nhân có triệu chứng phù và khó thở. Sau thời gian hỏi đáp và giảng dạy trên sách vở, chúng tôi được thăm khám trực tiếp trên bệnh nhân, so sánh sự khác biệt giữa các bệnh nhân có triệu chứng phù và khó thở do căn nguyên khác nhau. Sẽ cố gắng để có thêm nhiều buổi giảng hay và thực tế hơn nữa.

Thực chiến lâm sàng cùng các bác sĩ tại bệnh viện.

Ngày thứ 23…

Hôm nay được học thêm kiến thức về triệu chứng cơ quan huyết học. Bệnh nhân có gan to, lách to, hay hội chứng thiếu máu,… Vì chưa có bệnh nhân nên buổi hôm nay được giảng và nhớ lại các triệu chứng.

Ngày thứ 27…

Tuần tới thi rồi. Đếm ngược từng ngày, cảm giác sợ hơn thi trên trường rất nhiều. Ôn lại cách thăm khám hệ hô hấp với bác sĩ Hiệp tại khoa.

Ngày thứ 28…

Tiếp tục hành trình học hỏi đi buồng cùng với các bác sĩ, hỏi bệnh 1-2 bác bệnh nhân. Chuẩn bị bệnh án để ngày mai học.

Ngày thứ 29…

Buổi học về bệnh nhân có triệu chứng bệnh Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) với bác sĩ trưởng khoa. Cô giảng rất tận tình, chữa bệnh án từng chi tiết và cho chúng tôi thêm những triệu chứng phân biệt.

Ngày thứ 30…

Một buổi học chữa bệnh án và học về Viêm phổi với bác sĩ Hiệp. Tôi đã hỏi thêm bác về một số cách để viết chẩn đoán sơ bộ và chẩn đoán phân biệt. Chị trả lời và chỉ dẫn rất tận tình.

Ngày thứ 31…

Hôm nay thầy hướng dẫn gặp mặt tất cả các nhóm đi lâm sàng nhắc nhở một chút về lịch thi,  những điều cần lưu ý và hỏi han chúng tôi. Đếm ngược ngày thi…

Ngày thứ 32…

Hôm nay tôi được nhờ sang khoa truyền nhiễm là đơn nguyên cùng với Nội hô hấp. Lúc đầu nghe tên hơi hoang mang nhưng được các bác phổ biến các mặt bệnh cũng thấy đỡ sợ hơn.

Một tháng trôi qua thật nhanh, thấm thoắt đã đến ngày kết thúc đợt thực tập lâm sàng đáng giá tại Bệnh viện Đa khoa Xanh - Pôn. Một tháng “đi viện”, tôi – cô sinh viên Y khoa năm 3 tự tin hơn, trưởng thành hơn, yêu và tự hào hơn bao giờ về ngành học và nghề nghiệp mình đã lựa chọn. Cảm ơn thầy, cô khoa Y đã tận tuỵ dạy dỗ và dìu dắt! Cảm ơn những trải nghiệm tuyệt vời có phần “ưu ái” đặc biệt mà Đại Nam đã và đang mang đến cho sinh viên khối ngành Sức khoẻ nói chung và sinh viên ngành Y khoa nói riêng… Biết ơn và trân trọng từng cơ hội học tập, tích luỹ kinh nghiệm thực tế trong những lần “đi viện”…”

Nhật ký thực tập lâm sàng bệnh viện - Sinh viên Thái Lê Thảo Lam - Lớp YK 14-01