19/03/2025

707

Người thầy của những người thầy thuốc – Chặng đường khắt khe để trở thành giảng viên khoa Y Đại học Đại Nam

Để trở thành giảng viên tại Đại học Đại Nam không hề đơn giản. Đó không chỉ là quá trình tuyển chọn khắt khe về chuyên môn, kỹ năng sư phạm, mà còn là một hành trình tìm kiếm những người thực sự có "duyên" với nghề giáo, có sứ mệnh với giáo dục. Đặc biệt với khối ngành Sức khỏe, nơi đào tạo những con người sẽ gánh trên vai sinh mệnh của người khác, yêu cầu đối với giảng viên càng trở nên nghiêm ngặt. Không chỉ giỏi nghề, thầy cô còn phải có tấm lòng bao dung, biết yêu thương con người, biết suy từ mình ra thành phụ huynh để hiểu rằng: muốn con mình được chăm sóc tận tâm, trước tiên phải dạy sinh viên bằng tất cả tận tâm.

Ứng viên khoa Y trình giảng trước hội đồng khoa học của Nhà trường.

Kiến thức vững vàng – Gốc rễ của một nền y học chất lượng

Không ai có thể trao đi những gì mình không sở hữu. Bởi vậy, giảng viên khoa Y Đại học Đại Nam không chỉ là những bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng giỏi mà còn là những chuyên gia luôn cập nhật, nghiên cứu, tiếp thu những tiến bộ y học hiện đại.

Để được đứng trên bục giảng, ứng viên phải trải qua những vòng đánh giá khắt khe của Hội đồng khoa học nhà trường, từ trình giảng thực tế đến kiểm tra chuyên môn, phương pháp sư phạm. Chỉ những người thật sự xuất sắc, có năng lực, có trách nhiệm và có tâm mới có thể trở thành người thầy tại đây.

Lớp học đặc biệt, sinh viên là các TTND, PGS.TS trong ngành Y, lãnh đạo chủ chốt của Nhà trường.

TS. Lê Thị Thanh Hương – Phó Hiệu trưởng phụ trách khối ngành Sức khỏe – khẳng định: "Muốn đào tạo nên những bác sĩ giỏi, trước tiên phải có những người thầy tận tâm và xuất sắc. Vì vậy, khoa Y Đại học Đại Nam đặt ra những tiêu chí khắt khe trong tuyển chọn giảng viên. Một giảng viên không chỉ cần giỏi chuyên môn, vững sư phạm mà còn phải là người truyền cảm hứng, biết khơi dậy đam mê và rèn giũa y đức cho sinh viên. Bởi lẽ, thầy cô không chỉ dạy nghề mà còn trao đi trách nhiệm và tình yêu thương – những điều làm nên một người thầy thuốc chân chính”…

Có chuyên môn giỏi nhưng không biết cách truyền đạt thì tri thức sẽ mãi chỉ là những con chữ khô khan. Thầy cô tại khoa Y Đại học Đại Nam không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp lý thuyết với thực hành lâm sàng, ứng dụng công nghệ hiện đại để giúp sinh viên tiếp cận kiến thức một cách khoa học, dễ hiểu và hiệu quả nhất.

TTND, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Trưởng khoa Y trực tiếp kiểm tra các thao tác thực hành của ứng viên.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh – Trưởng khoa Y – chia sẻ: “Một giảng viên ngành Y không đơn thuần là một người thầy đứng lớp truyền đạt kiến thức. Mỗi bài giảng của thầy cô không chỉ giúp sinh viên hiểu lý thuyết mà còn là những bài học làm người, hun đúc lòng nhân ái và trách nhiệm với từng bệnh nhân. Một bác sĩ có thể giỏi nhờ rèn luyện, nhưng một bác sĩ thực sự được bệnh nhân tin cậy, yêu quý lại cần một nền tảng sâu hơn – đó là tâm huyết và đạo đức ngay từ những ngày đầu bước vào nghề. Chúng tôi không chỉ tìm kiếm những người giỏi chuyên môn, mà còn cần những người đủ kiên nhẫn để dẫn dắt, đủ bao dung để đồng hành và đủ nghiêm khắc để rèn giũa từng thế hệ sinh viên. Vì đào tạo bác sĩ, dược sĩ không chỉ là truyền nghề, mà còn là truyền tâm và truyền đức.”

Tận tâm với sinh viên – Vì một thế hệ thầy thuốc vừa có tài, vừa có tâm

Tại khoa Y Đại học Đại Nam, thầy cô không chỉ là người dạy chữ mà còn là người đồng hành trên hành trình trưởng thành của sinh viên. Những ngày thức trắng cùng sinh viên trực đêm tại bệnh viện, những bài giảng không chỉ nói về lý thuyết mà còn là bài học làm người, những cái vỗ vai động viên mỗi khi sinh viên gặp khó khăn – đó là những điều tạo nên một môi trường giáo dục không chỉ rèn luyện kỹ năng mà còn nuôi dưỡng tâm hồn.

Các giảng viên được chọn không chỉ có trình độ chuyên môn giỏi, kỹ năng sư phạm, tâm huyết mà còn phải giàu kinh nghiệm lâm sàng.

Với đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn – vững sư phạm – tận tâm với người học, khoa Y Đại học Đại Nam tự hào là nơi chắp cánh cho những giấc mơ khoác áo blouse trắng, đào tạo nên những bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng không chỉ giỏi nghề mà còn giàu y đức, góp phần xây dựng một nền y học nhân văn, vì sức khỏe cộng đồng.

BTT