13/03/2023

5523

Kinh nghiệm "bỏ túi" cho sinh viên Y khoa khi đi học lâm sàng tại bệnh viện

Sau những giờ học lý thuyết trên giảng đường, những buổi thực hành – thực tế tại phòng skills-lab… và học phần huấn luyện kỹ năng y khoa, sinh viên Y khoa sẽ được thi học thực hành lâm sàng tại bệnh viện. Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu thực tập cũng như tích lũy cho bản thân thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, hoàn thiện các kỹ năng nghề nghiệp tương lai, ngoài sự nỗ lực rất lớn của bản thân, sinh viên Y khoa cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hành trang đi viện. Vậy, đi lâm sàng tại bệnh viện, sinh viên Y khoa cần phải chuẩn bị những gì? Dưới đây là kinh nghiệm đi học lâm sàng tại bệnh viện dành cho sinh viên Y khoa do ThS, BS Tạ Thị Thanh Hương – giảng viên khoa Y trường Đại học Đại Nam chia sẻ.

Sinh viên Y khoa Đại học Đại Nam được đào tạo đảm bảo thành thục các kỹ năng trước khi đi lâm sàng tại bệnh viện.

Học thực hành lâm sàng tại bệnh viện là gì?

Học thực hành lâm sàng là một học phần đặc thù của ngành Y.  “Lâm” là đến gần, “sàng” là cái giường (nghĩa là giường bệnh). Học lâm sàng có nghĩa là học những gì xảy ra trên người bệnh tại bệnh viện, bao gồm các dấu hiệu, triệu chứng, biến chứng của một bệnh hay những phản ứng của người bệnh với tình trạng bệnh tật, diễn biến của bệnh trong quá trình điều trị, những nhu cầu cần chăm sóc, phục hồi chức năng hay thậm chí là những tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người bệnh...

Học lâm sàng ở bệnh viện có gì khác so với học trên mô hình?

Việc học thực hành lâm sàng tại bệnh viện khác rất nhiều so với cách học trên mô hình tại các phòng skill-lab và càng khác so với học lý thuyết ở trường. Cụ thể:

Khi học lý thuyết các em học theo bệnh, tức là từ bệnh chúng ta sẽ tìm hiểu về những triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, cách lập luận chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt và điều trị, tiên lượng, phòng bệnh như thế nào.

Nhưng khi học lâm sàng tại bệnh viện chúng ta không bắt đầu từ một bệnh mà lại bắt đầu từ các triệu chứng bệnh để sơ bộ nghĩ tới bệnh gì rồi mới yêu cầu làm các xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán. Khi có kết quả xét nghiệm chúng ta sẽ phải phân tích các triệu chứng lâm sàng kết hợp với phân tích kết quả xét nghệm để đưa ra chẩn đoán là bệnh gì và quyết định điều trị như thế nào, sau đó cần phải theo dõi diễn biến hàng ngày của người bệnh để điều chỉnh phác đồ điều trị cho phù hợp…

Vì vậy, khi học thực hành lâm sàng, chúng ta phải luôn luôn đặt câu hỏi tại sao, vì sao và phải tìm mọi cách để trả lời. Khi không trả lời được các em đừng ngại hỏi các bạn, hỏi nhân viên y tế, hỏi các anh chị đang học cùng và các thầy/ cô hướng dẫn lâm sàng. Đặc biệt cũng có rất nhiều vấn đề các em sẽ học được từ người bệnh. Vì vậy, các em đừng ngại giao tiếp với người bệnh nhé.

Làm gì để đạt kết quả tốt nhất trong các đợt học lâm sàng tại bệnh viện?

- Làm tốt mọi công tác chuẩn bị: Để đạt được kết quả tốt cho đợt học thực hành lâm sàng tại bệnh viện, điều đầu tiên các bạn sinh viên Y khoa cần làm là công tác chuẩn bị, bao gồm: Sức khoẻ, áo blouse, tai nghe, sổ lâm sàng, bút viết...

- Ôn tập và hệ thống lại kiến thức: Xem lại phần lý thuyết về các bệnh đã được học, ôn lại các quy trình hỏi và khám bệnh đã được học ở học phần Huấn luyện kỹ năng y khoa. Ngoài ra, các bạn nên tìm tòi đọc thêm sách về các bệnh hay chủ đề trước khi đến bệnh viện.

- Nắm thật vững kiến thức lý thuyết: Điều kiện tiên quyết giúp các bạn học lâm sàng tại bệnh viện hiệu quả là phải nắm thật vững kiến thức lý thuyết.

- Không ngại khó, ngại khổ: Phải bám sát lịch học hàng tuần, có kỹ năng giao tiếp tốt với nhân viên y tế, người bệnh, người nhà của người bệnh và không ngại khó, ngại khổ, ngại bẩn, luôn cố gắng hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ được giao trong từng buổi học, từng buổi trực.

- Tận dụng tối đa thời gian: Tuyệt đối không được lãng phí thời gian để tụ tập ngoài hành lang của bệnh viện để nói chuyện riêng hoặc xem điện thoại.

Sinh viên Y khoa Đại học Đại Nam học thực hành lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.

- Quan sát: Có nhiều phương pháp học, nhưng quan sát là một phương pháp học rất hiệu quả tại bệnh viện. Các bạn nên tận dụng mọi cơ hội để đến buồng bệnh, quan sát kỹ mọi thứ diễn ra trong suốt các buổi học: từ cách bố trí khoa phòng; cách các bác sĩ, điều dưỡng hỏi bệnh, khám bệnh, làm các thủ thuật trên người bệnh; phản ứng của người bệnh đối với cán bộ y tế như thế nào; các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh chuyển biến ra sao và các hiện tượng bất thường như màu sắc, số lượng, tính chất của các chất bài tiết hoặc dịch trong các ống dẫn lưu từ cơ thể người bệnh…

Khi biết cách quan sát dần dần các bạn sẽ hình thành được kỹ năng gọi là “phản xạ lâm sàng”, tức là chỉ cần nhìn, nghe, tiếp xúc nhanh là có thể sơ bộ nghĩ tới người bệnh có thể bị mắc bệnh gì, tiên lượng bệnh như thế nào hoặc có dấu hiệu gì cần phải xử trí cấp cứu ngay.

- Đến bệnh viện sớm hơn 30 phút: Hàng ngày các bạn nên đến bệnh viện sớm hơn 30 phút để thăm khám trước những người bệnh mới vào có triệu chứng điển hình và người bệnh nhóm trực chuẩn bị bệnh án giao ban, thảo luận với các bạn và thống nhất các câu hỏi cần hỏi thầy/ cô trong buổi giao ban.

- Ghi chép đầy đủ, tỉ mỉ: Để các buổi đi buồng và bình bệnh án thu được kết quả tốt, các bạn cần chuẩn bị kỹ càng, thăm khám người bệnh, ghi chép đầy đủ các thông tin cần thiết để báo cáo và ghi vào sổ những câu hỏi cần hỏi thầy /cô. Nhóm được phân công cần thăm khám người bệnh và chuẩn bị bệnh án chu đáo để trình bày.

- Nên có một cuốn sổ: Một điểm quan trọng nữa là các bạn sinh viên Y khoa nên có một cuốn sổ nhỏ để ghi chép bất cứ điều gì mà mình cảm thấy hay, thấy bổ ích trong các buổi thầy/ cô đi buồng hoặc bình bệnh án hoặc những tình huống trong đêm trực. Khi ôn tập để thi kết thúc đợt thực hành, các bạn nên xem lại những nội dung ghi chép này sẽ rất hữu ích. Các bạn nên lưu lại cuốn sổ này cho các đợt thực tập tiếp theo, dần dần sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kiến thức  rất quí trong cả quá trình học lâm sàng. Thậm chí cuốn sổ này còn rất cần thiết cho những năm đầu tiên khi các bạn mới hành nghề.

Đặc biệt, để hoàn thành được các chỉ tiêu lâm sàng, các bạn cần tận dụng mọi cơ hội để cùng các bác sỹ, điều dưỡng đến thăm khám, làm thủ thuật và điều trị cho người bệnh vào các buổi tự học, trong giờ trực hoặc ngày thứ 7, chủ nhật, ngày lễ. Đầu tiên hãy quan sát thật cẩn thận từng động tác khám bệnh, làm thủ thuật của các bác sỹ và điều dưỡng,  khi mình đã nắm vững các kỹ năng này, các em nên chủ động đề nghị được làm dưới sự giám sát của họ.

ThS. BS Tạ Thị Thanh Phương – Giảng viên khoa Y trường Đại học Đại Nam