16/06/2022

1916

Kỹ năng để học tốt ngành Quan hệ công chúng và Truyền thông đa phương tiện

Xuất hiện tại Việt Nam chưa lâu nhưng Quan hệ công chúng và Truyền thông đa phương tiện là hai ngành học hấp dẫn với tính chất năng động, sáng tạo, nhanh chóng thu hút đông đảo sinh viên.

Tuy nhiên, khi theo học hai chuyên ngành này, sinh viên phải chuẩn bị chắc chắn từ kiến thức đến rèn luyện kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của ngành học và công việc.

Trước hết, sinh viên cần rèn luyện khả năng phân tích, tổng hợp. Quan hệ công chúng là ngành học nhằm phân tích những xu hướng phát triển của xã hội để từ đó đưa ra “chiến lược” truyền thông phù hợp. Chính vì vậy, để hình thành khả năng phân tích, trong quá trình học, sinh viên phải thường xuyên cập nhật thông tin xã hội để luyện tư duy, phân tích, tổng hợp và đưa ra quyết định ứng xử, làm gì trước những thông tin, sự việc đó. Tương tự, để học tốt Truyền thông đa phương tiện, sinh viên cũng cần rèn ký năng phân tích, để từ đó đưa ra những ý tưởng đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả của công việc.

Sinh viên ngành QHCC thực hành nhóm tại Studio.

Làm việc nhóm là kỹ năng cần thiết cho học tập, nhiều lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là Quan hệ công chúng. Bởi, Quan hệ công chúng không diễn ra tách biệt. Người làm cần có khả năng làm việc với cộng sự để tăng hiệu quả công việc, đạt được mục tiêu. Bởi vậy, sinh viên cần có kỹ năng tương tác giữa các thành viên trong làm việc nhóm, tạo ra hiệu quả cao trong thực hiện bất cứ “chiến dịch” truyền thông nào. Trong hai chuyên ngành kể trên, kỹ năng làm việc nhóm có ý nghĩa nhiều hơn đối với sinh viên khi học ngành Quan hệ công chúng.

Sinh viên khoa Truyền thông – DNU thực hành học chụp ảnh.

Rèn luyện khả năng lên kế hoạch, nhất là đối với ngành Quan hệ công chúng. Quan hệ công chúng là ngành nghề đòi hỏi người làm phải có tầm nhìn xa, trông rộng. Không dừng lại ở việc lên kế hoạch trong ngày, mà cần phải định hướng, lên kế hoạch hàng tháng, thậm chí là nửa năm để làm việc. Để có được kỹ năng lên kế hoạch dài hạn, sinh viên cần rèn luyện, tạo lập thói quen làm việc theo khoa học, bài bản theo kế hoạch. Bắt đầu từ những việc rất đơn giản như: lên kế hoạch học tập theo ngày, tuần và tháng, thậm chí là năm. Mục đích việc lên kế hoạch là để sinh viên, người đi làm không bỏ sót công việc cũng như hoàn thành những mục tiêu công việc đề ra.

Viết là một trong những kỹ năng “đặc thù” cần có của người làm Quan hệ công chúng và Truyên thông đa phương tiện. Thực tế, ngành Quan hệ công chúng có mối liên hệ mật thiết với báo chí, thông cáo, các bản báo cáo, thậm chí là phải lên kịch bản quảng cáo, kế hoạch truyền thông… Vậy nên, sinh viên học chuyên ngành Quan hệ công chúng cần không ngừng trau dồi, bổ sung kiến thức, rèn luyện khả năng viết của bản thân để không bỡ ngỡ, khó khăn khi làm nghề. Bên cạnh đó, sinh viên cần rèn kỹ năng sáng tạo, đổi mới để tạo đột phá để học tốt ngành Quan hệ công chúng.

Sinh viên Khoa Truyền thông thực hành viết kịch bản, phỏng vấn.

Thực tế, kỹ năng viết cũng cần thiết đối với sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện, tuy nhiên đòi hỏi cao hơn ở năng khiếu thẩm mỹ, yêu cái đẹp và nhạy cảm với cuộc sống. Để học và làm tốt Truyền thông đa phương tiện, sinh viên cần trang bị kiến thức nền tảng về mỹ thuật và công nghệ thông tin. Ngoài ra, sinh viên cần có khả năng mỹ thuật cao để có thể thiết kế hình ảnh cho logo, quảng cáo, phim ảnh một cách sáng tạo và thu hút.

Luôn đổi mới, sáng tạo, chăm chỉ là một yếu tố quan trọng, đòi hỏi sinh viên cần rèn luyện để học tốt ngành Quan hệ công chúng và Truyền thông đa phương tiện hay bất cứ ngành học nào. Sáng tạo giúp sinh viên có định hướng và tư duy đổi mới khi tiếp cận những công việc truyền thông, quan hệ xã hội được tốt hơn, nhất là tiến hành các chiến dịch truyền thông quảng cáo cho doanh nghiệp được hiệu quả hơn. Từ đó, thu hút được tập khách hàng cho doanh ngiệp, tạo hiệu quả trong kết nối cộng đồng.

Bên cạnh đó, xác định theo đuổi ngành truyền thông đa phương tiện, sinh viên cần chăm chỉ, nhẫn nại và chịu khó tìm tòi, cầu thị, tự học, trau dồi kỹ năng chuyên ngành liên quan kỹ năng thiết kế đồ họa 2D, 3D, kỹ năng xử lý hình ảnh, âm thanh, video, kỹ xảo… Tối thiểu, sinh viên cần sử dụng thành thạo nhiều hoặc ít nhất một phần mềm công nghệ phục vụ công việc Truyền thông đa phương tiện.

Sinh viên Khoa Truyền thông – DNU trong một buổi sinh hoạt chuyên đề

Có thể thấy, việc sinh viên theo học hai ngành Quan hệ công chúng và Truyền thông đa phương tiện đang có xu hướng tăng lên. Trong quá trình học, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức cơ bản, nền tảng về ngành nghề; kiến thức chuyên sâu, từ đó xác định được thế mạnh, kỹ năng cần phải trau dồi để học tốt.

Nhằm nâng cao chất lượng học tập, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ngoài  kiến thức được học trong giáo trình, tài liệu, sự hướng dẫn của giảng viên, thì sinh viên cũng cần chủ động, sẵn sàng chuẩn bị tốt cả về kiến thức, kỹ năng để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo của ngành học, thích ứng được với công việc sau khi ra trường. Để có những kỹ năng cần thiết, sinh viên có thể mạn dạn thực hành, tham gia làm cộng tác viên cho những đơn vị để rèn luyện, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng cho bản thân, qua đó giúp gắn liền lý thuyết với thực hành, nâng cao hiệu quả trong quá trình học của sinh viên./.

Khoa Truyền thông