10/06/2024

331

Chung kết Đột phá Kinh doanh số 2024: Doanh nghiệp bị “hạ gục” trước các dự án khởi nghiệp mang lại lợi nhuận cao

Kinh doanh trên các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số. Nhằm mục đích ươm mầm và chắp cánh cho những dự án kinh doanh tiềm năng; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của kinh doanh số; góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năng động. Đặc biệt nhằm khẳng định vị thế của Đại học Đại Nam trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực kinh doanh số, trường Đại học Đại Nam phối hợp với Học viện Eco Academy tổ chức cuộc thi Đột phá Kinh doanh số - Digital Business Innovation Challenge (DBIC) 2024.

Hành trình với những con số ấn tượng

Sau 03 tháng triển khai, DBIC 2024 thu hút sự tham gia của 28 đội thi, 127 thí sinh đến từ các trường Đại học uy tín khu vực phía Bắc; sự đồng hành của hơn 30 doanh nghiệp là đối tác chiến lược của khoa TMĐT&KTS.

Tham gia cuộc thi, các thí sinh còn được gặp gỡ, giao lưu, truyền cảm hứng bởi các KOLs, KOCs nổi tiếng trên các nền tảng số, như: Bà Nguyễn Thái Hà – CEO JOHN HUNT, Tiktoker “triệu view” Thủng Long Family, Vinh Phạm...

Chung kết cuộc thi là sự đối đầu của 05 đội thi đến từ các trường: Đại học Đại Nam, Đại học Thủy Lợi, Đại học Thăng Long, Học viện Chính sách và Phát triển.

Đội ngũ ban giám khảo uy tín

Giám khảo vòng Chung kết DBIC 2024 là lãnh đạo các doanh nghiệp uy tín: TS. Lê Anh Hưng - Giám đốc Công ty STI Việt Nam, Viện trưởng Viện khoa học và Đổi mới Sáng tạo; Ông Bùi Quang Cường – Tổng Giám đốc iViet Solution, Uỷ viên Ban Chấp Hành Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM); Ông Nguyễn Việt Đức – CEO CTCP Sale Mall; Ông Lê Quỳnh Sơn – Tổng Giám đốc CTCP Công nghệ ATOSA; Ông Nguyễn Trọng Thơ – Tổng Giám đốc INET.

Những người “cầm cân nảy mực” của DBIC - mùa 1.

Các dự án có tính khả thi cao khi triển khai trên các nền tảng kinh doanh số

Ông Lê Anh Hưng khẳng định: DBIC 2024 là một trong những chương trình có quy mô lớn và sức lan tỏa cao. Chất lượng thí sinh và các dự án đồng đều, có tính khả thi cao khi triển khai trên các nền tảng số.

Ông Bùi Quang Cường đánh giá cao chuyên môn, kỹ năng, sự bài bản của các đội thi trong việc lên ý tưởng, hoạch định chiến lược, triển khai dự án, báo cáo doanh thu, điểm hòa vốn, lợi nhuận. Khẳng định các đội thi vận hành các khâu chuyên nghiệp như thực tế hoạt động tại doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số.

Liên quân trường Đại học Đại Nam và trường Đại học Thăng Long xuất sắc giành giải Nhất, nhận được đầu tư của doanh nghiệp

Chung kết là cuộc đối đầu “nảy lửa” của 05 đội thi với các dự án tiềm năng các lĩnh vực Thương mại điện tử, Ý tưởng kinh doanh số, Digital Marketing.

Với dự án trồng sâm Ngọc Linh tại Mù Căng Chải, đội thi Ebiz của liên minh trường Đại học Đại Nam và trường Đại học Thăng Long giúp phát triển vùng trồng sâm, phát triển du lịch địa phương, xây dựng thương hiệu Sâm Ngọc Linh Mù Cang Chải, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Dự án thiết thực, đầy tiềm năng cùng khả năng thuyết trình ấn tượng, lập luận logic, sắc bén đã giúp đội Ebiz giành chiếc cúp vô địch, với tổng giá trị tiền thưởng lên đến 20 triệu đồng tiền mặt, các khóa học kinh doanh online trị giá gần 100 triệu đồng đến từ các doanh nghiệp đồng hành. Đặc biệt, dự án nhận được sự đầu tư của doanh nghiệp để triển khai phát triển trên các nền tảng kinh doanh số.

Đội đạt giải Nhì - Mecy của “liên quân” trường Đại học Đại Nam và trường Đại học Thủy Lợi đã phát triển một thương hiệu thời trang đồ bộ năng động từ nguyên liệu tái chế và ứng dụng mô hình B2C, đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng, tiện lợi thông qua phân phối đa kênh trên các nền tảng số.

Dự án EcoG - Công nghệ xanh là ý tưởng của nhóm sinh viên đến từ Trường Đại học Thủy Lợi, mang đến giải pháp kết nối hệ sinh thái tái chế bằng hệ thống thu gom và phân loại rác thải tự động, góp phần bảo vệ môi trường đã giành được giải Ba chung cuộc.

Dự án Ước Mơ Vùng Biên do các bạn sinh viên trường Đại học Đại Nam xây dựng nhằm phát triển du lịch tình nguyện kết hợp trải nghiệm văn hóa tại các tỉnh biên giới phía Bắc, góp phần quảng bá và phát triển sản phẩm địa phương giành giải Triển vọng.

Đội TeshQuest đến từ Học viện Chính sách và Phát triển có những đề xuất thiết thực về mô hình đại học ảo giúp học sinh THPT định hướng nghề nghiệp và trải nghiệm môi trường học tập đại học đạt giải Triển vọng.

PGS, TS Trương Đức Thao – Trưởng Khoa TMĐT&KTS trường Đại học Đại Nam cho biết: Sau cuộc thi này, khoa TMĐT&KTS lập tức ký với 32 doanh nghiệp để toàn bộ sinh viên của khoa được trực tiếp xuống doanh nghiệp thực tập. Đảm bảo 100% sinh viên được kết nối việc làm ngay cả khi chưa ra trường…

BTT