07/05/2021

4045

Ngân hàng số: Xu hướng và những vấn đề cần quan tâm

Hầu hết chúng ta không còn xa lạ với những ngân hàng như Vietcombank, Bản Việt, VPbank, TPbank, MSB, VIB. Vậy bạn có biết Digital Lab, Timo plus, Yolo, Live bank, Tnex, MyVIB chính là tên các ngân hàng số của những ngân hàng trên không? Bài viết sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chủ đề này.

Ngân hàng số là gì?

Năm 1960, ATM đầu tiên ra đời đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử ngân hàng, khách hàng giao dịch tiền với ngân hàng không cần thông qua nhân viên ngân hàng. Và chỉ 23 năm sau, dịch vụ Internet Banking đã lần đầu được giới thiệu bởi Bank of Scotland.  Đến năm 2006, ngân hàng trực tuyến trở nên phổ biến tại Mỹ khi có tới khoảng 80% ngân hàng ở Mỹ cung cấp dịch vụ này. Năm 2011, Mobile banking lần đầu ra đời tại Anh bởi ngân hàng HSBC.

Internet Banking và Mobile Banking đã giúp khách hàng thực hiện nhiều giao dịch mà không cần đến chi nhánh ngân hàng, chỉ cần máy tính hoặc điện thoại có kết nối Internet. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, sự phát triển công nghệ trong ngân hàng đưa ra một thuật ngữ khác là “Digital Banking” – Ngân hàng số.

Ngân hàng số được hiểu là một hình thức ngân hàng hoạt động trên nền tảng Internet không cần đến chi nhánh, không cần gặp mặt trực tiếp nhưng vẫn có thể trao đổi, sử dụng các dịch vụ sản phẩm của ngân hàng một cách nhanh chóng qua ứng dụng hay kênh công nghệ nào đó. Ngân hàng số phát triển đa dạng và vượt bậc hơn so với ngân hàng điện tử (Internet Banking và Mobile Banking).

Phát triển ngân hàng số là tất yếu

Với ngân hàng số, người tiêu dùng có thể tiết kiệm thời gian, công sức trong các giao dịch tài chính với ngân hàng, với các nhà cung cấp các dịch vụ phục vụ đời sống.  Đồng thời, với ngân hàng số, các ngân hàng có thể phục vụ tốt hơn cho nhiều đối tượng khách hàng hơn, kể cả những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa.

Đặc biệt, ngân hàng số có thể giúp các ngân hàng giảm tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu. Cụ thể, các chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động ngân hàng sẽ khiến chi phí tăng khoảng 31% nhưng lại làm tăng lợi nhuận ròng tới khoảng 43%.

Trên thế giới, các ngân hàng số lớn có thể kể đến là BBVA, DBS bank, RBS Group, Uni Credit, Bank of America, Barclays, HSBC, Banco Santander, JP Morgan Chase, BNP Paribas.   

Tại Việt Nam, Digital Lab, Timo plus, Yolo, Live bank, Tnex, MyVIB lần lượt là tên các ngân hàng số của Vietcombank, Bản Việt, VPbank, TPbank, MSB, VIB, đây là những ngân hàng hàng đầu trong việc đầu tư công nghệ số cho hoạt động ngân hàng.

Trong lĩnh vực ngân hàng số, với công nghệ eKYC, khách hàng có thể ngồi tại nhà để mở tài khoản ngân hàng 24/7 thay vì khách hàng phải đến quầy giao dịch điền thông tin mở tài khoản. Ngoài ra, ứng dụng trợ lý ảo, ví dụ T’Aio của TPbank hay Chatbox của VietABank, có thể tư vấn khách hàng các thông tin về lãi suất, tỷ giá, sản phẩm, biểu phí…, giải đáp khách hàng các thắc mắc về địa điểm, phí giao dịch, quy trình mở thẻ.

Một số ngân hàng đã tự động hóa các quy trình đăng ký, thay đổi dịch vụ thông qua triển khai SMART FORM, tiêu biểu là MBBank, nhờ đó làm giảm thời gian thực hiện tại quầy xuống còn trung bình 3 - 5 phút (không bao gồm thời gian chờ đợi, scan và phê duyệt hồ sơ).

Ngoài ra, một số ngân hàng còn sử dụng phần mềm này để phân tích thông tin của hàng triệu khách hàng, đánh giá và dự báo khả năng chi trả nợ của họ để đưa ra quyết định cho vay một cách chính xác như BIDV sử dụng phần mềm tích hợp Watson. Đặc biệt, TPbank đã cho ra mắt ngân hàng số Live bank. Live bank có một hệ thống các điểm ngân hàng không nhân viên mà tại đó khách hàng thực hiện các thao tác với hệ thống máy với quy trình nhanh chóng.

Sinh viên khoa Tài chính – Ngân hàng tham quan trung tâm Ngân hàng số BIDV

VIB cũng là một trong những ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực ngân hàng số. Tại VIB, AI và Big Data được ứng dụng thành công vào quy trình duyệt hạn mức thẻ tín dụng, từ đó rút ngắn quy trình này xuống còn 15 phút, thấp hơn rất nhiều so với thời gian 5-7 ngày nếu sử dụng phương pháp truyền thống.

Thách thức của quá trình chuyển đối số

Trong quá trình chuyển đổi số này, các ngân hàng cũng gặp những thách thức nhất định như: rủi ro an ninh mạng; hạ tầng công nghệ và hệ thống nền tảng thanh toán chưa đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của người dùng; chính sách và quy định pháp luật chưa theo kịp phát triển của ngân hàng số; khả năng thiếu lao động có kỹ năng đáp ứng điều kiện mới.

Để tạo điều kiện cho ngân hàng số phát triển trong thời gian tới, một số vấn đề cần được quan tâm hoàn thiện là:

  • Thúc đẩy xây dựng nền tảng công nghệ: Dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất trong triển khai trí tuệ nhân tạo. Để triển khai ngân hàng số thành công, dữ liệu nên được xây dựng thành những cơ sở dữ liệu tập trung.

Ngoài ra, cần xây dựng tiêu chuẩn thống nhất về mã QR cho thị trường, xây dựng hệ thống chia sẻ thông tin liên ngân hàng, hoàn thiện các công nghệ liên quan đến việc sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy, đẩy mạnh ứng dụng chữ ký điện tử…

  • Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý: Các chính sách, quy định liên quan đến ngân hàng số cần được hoàn thiện ví dụ như chính sách tạo dựng nền tảng thông tin, cơ sở dữ liệu công dân quốc gia; quy định về quy trình định danh khách hàng điện tử; luật và quy định về an ninh mạng.
  • Đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cho ngân hàng số: Các ngân hàng trong nước đang tập trung phát triển dịch vụ số hóa nên nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan cũng tăng mạnh. Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nếu như trước đây, sinh viên kinh tế chiếm đến 90% đầu vào của các ngân hàng thì nay chỉ còn 60%.

Giảng viên, sinh viên khoa Tài chính – Ngân hàng thường xuyên tham dự các hội thảo về Ngân hàng số

Nguồn nhân sự chất lượng cao cho ngân hàng số đòi hỏi phải có "3 trong 1": kiến thức về công nghệ, tài chính và ngoại ngữ. Trong khi đó, nguồn nhân lực ngân hàng có kỹ năng chuyên môn tài chính thì lại không có kỹ năng về IT và chưa giỏi ngoại ngữ và ngược lại.

Các ngân hàng cũng nhận định việc thiếu trầm trọng ứng viên chất lượng cao đang là một trong những trở ngại lớn với quá trình chuyển đổi số hiện nay. Điều này đặt ra yêu cầu cho các tổ chức đào tạo cần đẩy mạnh nghiên cứu các chương trình đào tạo phù hợp để tạo nguồn nhân lực có đủ khả năng thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng số.

Th.S Lê Quỳnh Anh GV khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Đại Nam