02/07/2021

6937

Sòng phẳng “luật chơi” là một trong những phương pháp nâng cao chất lượng giảng dạy của GV khoa Quản trị kinh doanh DNU

Mỗi người thầy đều cho rằng mình có phương pháp giảng dạy riêng nhằm cuốn hút sinh viên vào bài giảng của mình. Nhưng mỗi người lại học thêm được các phương pháp, kỹ năng hay, hấp dẫn của đồng nghiệp. Đó chính là thành công của Hội thảo Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng bài giảng của Trường Đại học Đại Nam nói chung và khoa Quản trị kinh doanh nói riêng.

Sòng phẳng “luật chơi” ngay từ đầu

TS. Trương Đức Thao – Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trình bày tham luận tại Hội thảo.

Giảng viên cần phổ biến nội quy, quy ước lớp học ngay từ buổi đầu tiên làm việc với lớp. Nói cách khác, giảng viên và sinh viên phải thống nhất “luật chơi” ngay từ đầu. “Luật chơi” nhằm thống nhất cách thức làm việc, tương tác, khen thưởng, xử phạt (nếu có). Sự đồng thuận này sẽ giúp cả thày và trò thống nhất trong các buổi học, đặc biệt giảng viên phải là người làm gương. Ví dụ, quy định sinh viên không sử dụng điện thoại trong lớp thì bản thân giảng viên cũng phải tuân thủ.

Cho sinh viên biết mục tiêu của môn học

Ngay buổi học đầu tiên, giảng viên cần giới thiệu tổng thể về mục tiêu học phần, nói rõ kết cấu các chương học, yêu cầu sinh viên chuẩn bị bài (nếu có), phố biến kế hoạch kiểm tra, phương thức đánh giá và đặc biệt phải giới thiệu tài liệu học tập bao gồm: Tài liệu học tập bắt buộc và tài liệu học tập tham khảo.

ThS. Dương Minh Tú – Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh chia sẻ các phương pháp nâng cao chất lượng bài giảng tại Hội thảo.

Người học luôn luôn là trung tâm

Trong quá trình tổ chức lớp học phải xác định người học là trung tâm, giảng viên đóng vai trò huấn luyện viên, tổ chức, định hướng lớp học. Đặc biệt, giảng viên phải dành phần lớn thời gian để sinh viên được thảo luận, trình bày kết quả và phản biện. Có rất nhiều phương pháp có thể áp dụng để biến người học làm trung tâm, tùy đặc thù môn học mà giảng viên có thể triển khai.

Tạo “áp lực” trách nhiệm cho sinh viên bằng các nhóm học tập

Các học phần nên chia sinh viên lớp thành các nhóm thảo luận. Việc chia nhóm phải đảm bảo một số yêu cầu như: quy mô nhóm vừa phải, phân chia các vị trí trong nhóm, không để tất cả các thành viên giỏi/ kém trong cùng một nhóm… Giảng viên sát sao trong việc quản lý nhóm, có hình thức tác động để tất cả các thành viên trong nhóm cùng có ý thức trách nhiệm. Ví dụ, giảng viên khi gọi sinh viên lên trình bày kết quả thảo luận nhóm nên gọi ngẫu nhiên thành viên trong nhóm và quy ước điểm của người trình bày sẽ làm điểm tham chiếu của nhóm. Việc này tạo “áp lực” khiến sinh viên có trách nhiệm cao hơn trong hoạt động làm việc nhóm.

Ths. Vũ Ngọc Thắng – Giảng viên khoa Quản trị kinh doanh chia sẻ các phương pháp giảng dạy với đồng nghiệp tại Hội thảo của khoa.

Đánh giá sinh viên trong cả quá trình học tập

Về đánh giá sinh viên nên đa dạng các hình thức đánh giá và đặc biệt là đánh giá theo cả quá trình chứ không theo thời điểm, đảm bảo sự công bằng, khách quan. Các giảng viên trong khoa rất sáng tạo trong việc đánh giá sinh viên.

Ví dụ, thày Trương Đức Thao khi cho điểm theo nhóm có cách làm rất hay. Giả sử, nhóm có 5 sinh viên, điểm tham chiếu của nhóm là 8. Thày sẽ tính điểm tổng của nhóm là 40 điểm, và nhóm sẽ phải chia 40 điểm này cho các thành viên trong nhóm theo mức độ đóng góp thực tế, đảm bảo có sự phân loại. Hay thày Vũ Ngọc Thắng, thay vì kiểm tra giấy hay trắc nghiệm, thày cho sinh viên làm bài tập kinh doanh (nhỏ) thực tế và chấm dựa vào kết quả thực hiện của nhóm.

Giảng viên nên có sổ tay lớp học

Giảng viên cần bám sát lớp, quan tâm, gần gũi với sinh viên, giảng viên nên có sổ tay ghi chép riêng các lớp mình giảng dạy để có ghi chú về toàn bộ quá trình. Việc làm này sẽ góp phần động viên kịp thời, hoặc nhắc nhở những sinh viên thuộc diện bị cảnh cáo học tập, tránh dẫn đến sinh viên bị cấm thi, gây tâm lý chán nản.

TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch Hội đồng trường khẳng định: Khoa Quản trị kinh doanh là khoa lớn của trường, nhà trường không những đầu tư cơ sở tốt nhất để học tập và giảng dạy mà còn đặc biệt chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên – yếu tố then chốt để làm nên thành công.

Giảng viên vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy và làm chủ công nghệ

Giảng viên cần đầu tư thời gian chăm chút bài giảng, slide, làm chủ công nghệ dạy học đặc biệt là trong bối cảnh dạy online. Khoa thống nhất rằng, giảng viên không nên thuyết giảng quá dài, mỗi nhịp chỉ nên tối đa 15 phút, còn lại là áp dụng các phương pháp khác như: thảo luận nhóm, đóng vai, tình huống, lớp học đảo ngược. Và đặc biệt, mỗi giảng viên cần thành thục các phần mềm học online như Team, zoom và tổ chức các hoạt động để thu hút người học.

Sử dụng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm

Khoa khuyến khích sử dụng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, không chỉ trong ôn tập, kiểm tra mà còn trong quá trình học. Giảng viên không nhất thiết phải là người thuyết giảng từ đầu đến cuối, thay vào đó, ngân hàng câu hỏi sẽ khiến sinh viên phải chủ động tìm kiếm tài liệu, tranh luận trong nhóm để thống nhất tìm ra đáp án. Thông qua đó, giảng viên sẽ tập trung phân tích lý giải các câu mà sinh viên thường trả lời sai và củng cố những câu trả lời đúng.

Đội ngũ giảng viên trẻ của khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Đại Nam.

TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch Hội đồng trường khẳng định: Khoa Quản trị kinh doanh là khoa lớn của trường, nhà trường không những đầu tư cơ sở tốt nhất để học tập và giảng dạy mà còn đặc biệt chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên – yếu tố then chốt để làm nên thành công.

Theo đó, đội ngũ giảng viên của khoa Quản trị kinh doanh là những giảng viên được đào tạo bài bản từ các trường đại học, học viện danh tiếng trong và ngoài nước, được tuyển chọn kỹ càng, giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm thực tế, nhiệt huyết.

KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH - BAN TT