Xác định liên kết đào tạo quốc tế là xu hướng phát triển của giáo dục hiện đại, nâng cao trình độ giảng dạy, mở rộng cơ hội làm việc tại thị trường quốc tế cho sinh viên; trường Đại học Đại Nam không ngừng mở rộng hợp tác, tổ chức tọa đàm quốc tế, đẩy mạnh liên kết đào tạo với các trường đại học lớn trên thế giới. Tọa đàm khoa học quốc tế “Giảng dạy tiếng Trung dưới góc nhìn toàn cầu” là một trong những hoạt động nhằm phát triển chương trình đào tạo đó.
Chương trình có sự tham dự của các diễn giả là chuyên gia hàng đầu về giảng dạy tiếng Trung Quốc, bao gồm: GS. Lương Hà (Đại học Washington tại St.Louis), PGS. TS. Nguyễn Đình Hiền (Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội), GS. Vương Ngọc Anh (Đại học Trường Xuân), GS. Để Hoán Song (Đại học Công nghệ kỹ thuật Trường Xuân) và GS. Tăng Kim Kim (Đại học Quốc lập Đài Loan).
Cùng với đó là sự tham gia đông đảo của các nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ các trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thuỷ Lợi, Đại học Phenikaa, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội, Đại học Thăng Long...
Phát biểu tại toạ đàm, PGS.TS. Đỗ Anh Tài - Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh: Đại học Đại Nam nỗ lực xây dựng chương trình đào tạo tiếng Trung Quốc toàn diện; xây dựng đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và năng lực chuyên môn cao; cập nhật các phương pháp giảng dạy tiên tiến và ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy; tạo điều kiện tối đa để sinh viên tham gia các tọa đàm, hội thảo quốc tế, chương trình trao đổi và thực tập tại Trung Quốc.
PGS, TS. Đỗ Anh Tài: “Toạ đàm lần này là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu kết nối và cùng nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Trung Quốc tại các trường Đại học của Việt Nam trong thời gian tới”.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh – Cố vấn chuyên môn Khoa Ngôn ngữ và văn hoá Trung Quốc chủ trì buổi tọa đàm.
GS. Lương Hà – Đại học Washington tại St.Louis (Mỹ) chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, văn tự tiếng Trung Quốc mà giáo sư đã áp dụng thành công tại Mỹ. Những chia sẻ của giáo sư có giá trị to lớn đối với việc giảng dạy tiếng Trung Quốc tại Việt Nam.
GS. Vương Ngọc Anh (Đại học Trường Xuân) chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến học phần Ngôn ngữ học tiếng Trung Quốc mà giáo sư đang đảm nhận tại Đại học Đại Nam. Giáo sư đặc biệt chú trọng phương pháp giảng dạy, chuẩn bị bài giảng và kỹ năng tương tác trực tuyến. Tất cả đã được chuẩn bị công phu và tỉ mỉ để tạo ra một môi trường học tập tương tác, giúp duy trì sự hứng thú và tập trung của sinh viên trong các buổi học.
PGS.TS Nguyễn Đình Hiền – Phó trưởng Khoa Ngôn ngữ và văn hoá Trung Quốc, Đại học Ngoại ngữ - Đại học quốc gia Hà Nội giới thiệu thực tiễn giảng dạy, những cơ hội và thách thức trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Trung Quốc tại Việt Nam.
Báo cáo của GS. Tăng Kim Kim phân tích các tiêu chuẩn trong kiểm tra đánh giá khẩu ngữ, bao gồm nội dung, phát âm, khả năng giao tiếp tự nhiên...Giáo sư cũng nêu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng các bài kiểm tra toàn diện để phản ánh chính xác năng lực ngôn ngữ của người học.
GS. Để Hoán Song - Đại học Công nghệ kỹ thuật Trường Xuân giới thiệu những phương pháp giảng dạy môn Giao tiếp liên văn hoá cho sinh viên Việt Nam. Giáo sư đã sử dụng các ví dụ thực tiễn, sinh động để minh hoạ về những tương đồng và khác biệt văn hoá trong giao tiếp. Phương pháp này không chỉ giúp sinh viên hiểu sâu hơn về văn hóa Trung Quốc mà còn nâng cao khả năng giao tiếp và tương tác trong môi trường đa văn hoá.
Phần thảo luận của khách mời đã mang lại không khí sôi nổi cho buổi hội thảo.
Lục Minh Phong, sinh viên lớp TT 15-01, Khoa NN&VH Trung Quốc, Đại học Đại Nam chia sẻ: “Đây là diễn đàn học thuật bổ ích để chúng em được gặp gỡ, học hỏi từ các thầy cô. Buổi toạ đàm đã giúp em có thêm hứng thú học tập và tìm hiểu ngôn ngữ, văn hoá Trung Quốc”.
Buổi toạ đàm đã mang những góc nhìn phong phú và hữu ích cho việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Trung Quốc tại Việt Nam, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác quốc tế mới, tạo nên một không khí học hỏi sôi nổi và tích cực, thúc đẩy sự hợp tác và gắn kết giữa sinh viên, giảng viên và nhà khoa học đến từ các nền văn hóa khác nhau.