13/05/2024

484

Tinh hoa tiếng Trung hội ngộ, “công phá” cuộc thi Diễn kịch bằng tiếng Hán trường Đại học Đại Nam

Không chỉ gây tiếng vang về chất lượng đào tạo tiếng Trung Quốc, trường Đại học Đại Nam (DNU) còn ghi dấu ấn là ‘điểm hẹn’ giao lưu văn hóa quốc tế lý tưởng cho sinh viên. Mới đây, sinh viên các trường đào tạo tiếng Trung hàng đầu miền Bắc tụ hội DNU tham dự Ngày hội văn hóa Việt – Trung và “công phá” cuộc thi Diễn kịch bằng tiếng Hán mùa 2. 

Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Phạm Văn Hồng – Hiệu trưởng trường Đại học Đại Nam cho biết: Sự kiện là một sân chơi thiết thực để sinh viên tiếng Trung giao lưu, học hỏi, cùng khám phá và tôn vinh những nét đẹp trong văn hoá Việt Nam – Trung Quốc. Đồng thời là cơ hội để các trường đại học đào tạo tiếng Trung thắt chặt tình hữu nghị, cùng nhau phát triển hơn nữa trong lĩnh vực tiếng Trung.

Chương trình đào tạo mang tính ứng dụng cao, đội ngũ giảng viên giỏi, tâm huyết; thời gian đào tạo ngắn – 3,5 năm; nhiều cơ hội thực tập có hưởng lương và được kết nối, hỗ trợ việc làm sau khi ra trường là lý do hồ sơ đăng ký vào ngành Ngôn ngữ Trung Quốc DNU tăng mạnh mỗi năm.

Ông Trịnh Đại Vĩ - Tham tán Giáo dục, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đánh giá cao các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế của trường Đại học Đại Nam. Điều này không chỉ bồi đắp tình yêu tiếng Trung cho sinh viên mà còn góp phần thích đẩy giao lưu hợp tác giữa các trường cao đăng, đại học của Việt Nam và Trung Quốc.

Thầy Trần Quốc Chí – Chủ nhiệm câu lạc bộ thư hoạ UNESCO Hà Nội tự tay “múa bút” bức thư pháp “Học hải vô nhai” gửi tặng trường Đại học Đại Nam.

Đội thi đến từ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đem tới hội thi vở kịch “Vợ chồng A Phủ” được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Tô Hoài. Hình ảnh Mị và A Phủ đã đại diện cho người dân vùng núi cao Tây Bắc vùng lên chống lại chúa đất để đi tìm cuộc sống tự do, hạnh phúc cho mình.

“Chiếc lược ngà” là tiểu phẩm đong đầy cảm xúc mà Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội mang đến hội thi. Tiểu phẩm được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, đề cập đến nỗi đau chiến tranh và ca ngợi tình cha con thiêng liên, sâu nặng.

Đội thi của Trường Đại học Hà Nội mang đến một câu chuyện cổ tích quen thuộc “Cô bé Lọ Lem”. Sự tốt bụng và lòng kiên trì đã giúp Lọ Lem vượt qua khó khăn và tìm được hạnh phúc bên hoàng tử.

Nhóm sinh viên Trường Đại học Đại Nam mang đến câu chuyện nổi tiếng, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các bạn nhỏ “Cô bé quàng khăn đỏ”. Đội thi đã thổi vào câu chuyện một làn gió mới, gửi gắm đến khán giả thông điệp đầy ý nghĩa: Rừng ­- ngôi nhà của các loài động vật đang bị phá hủy bởi chính bàn tay của con người, chúng ta hãy cùng nhau bảo về rừng, bảo vệ ngôi nhà chung của các loài động vật và cũng chính là lá phổi xanh của trái đất.

Nhóm sinh viên Trường Đại học Phenikaa mang đến vở kịch “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài” được trích lược và cải biên từ câu chuyện tình Lương – Chúc nổi tiếng. Vở kịch ca ngợi tình yêu của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài nhưng cũng khuyên nhủ các bạn trẻ cần tỉnh táo và lý trí, không nên giải quyết nỗi buồn của mình một cách tiêu cực.

Đội thi của Trường Đại học Ngoại Thương mang đến vở kịch “Hồng Lâu Tân Mộng” được cải biên từ tác phẩm kinh điển Hồng Lâu Mộng. Vở kịch được tái hiện sống động với các nhân vật Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc. Vở kịch gửi đến khán giả thông điệp: tình yêu có thể vượt qua mọi trở ngại, đồng thời ủng hộ giới trẻ hiện tại dũng cảm phá bỏ mọi rào cản, tạo ra một tương lai tốt đẹp vì hạnh phúc của bản thân.

Nhóm sinh viên tài năng của Trường Đại Học Thủ Đô Hà Nội mang đến cuộc thi  một câu chuyện quen thuộc của người Việt Nam – “Câu chuyện bó đũa”. Câu chuyện mang đến thông điệp về tinh thần đoàn kết, đoàn kết là sức mạnh, đồng thời thông qua câu chuyện người cha cũng mang đến cho chúng ta thông điệp về đạo lý làm con.

Nhóm sinh viên trường Đại học Thương Mại khép lại cuộc thi với vở kịch “Mùa hoa cải bên sông” được cải biên từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Vở kịch được dàn dựng công phu, mang đến thông điệp đầy ý nghĩa: trong mọi hoàn cảnh khổ đau, số phận của con người được định đoạt bởi chính niềm tin và sự can đảm vượt lên của chính họ.

TS. Lê Quang Sáng - Trưởng Khoa Tiếng Trung Quốc, Đại học Ngoại Thương trao giải giải Nhất cho đội thi của trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc Gia Hà Nội.

TS. Phạm Minh Tiến - Trưởng Khoa NN&VH Trung Quốc Trường Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc Gia Hà Nội trao giải Nhì cho đội thi Trường Đại học Đại Nam và Đại học Thương Mại.

Giải Ba thuộc về Đại học Công Nghiệp Hà Nội và Đại học Thủ Đô Hà Nội.

Giải Khuyến Khích thuộc về Trường Đại học Phenikaa, Đại học Hà Nội và Đại học Ngoại Thương.

Để tạo ra môi trường học tập năng động, gắn liền lý thuyết với thực tiễn, kết nối và mở rộng cộng đồng yêu tiếng Trung, khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc, trường Đại học Đại Nam sẽ tiếp tục tổ chức các sân chơi trí tuệ mang tính học thuật như: Viết chính tả chữ Hán, Nghệ thuật sân khấu tiếng Hán, Ngày hội Hán ngữ… trong thời gian tới.