31/10/2023

328

Bí kíp tự học cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh

Kỹ năng nghe – hiểu luôn là một trong những thử thách khá “khoai” đối với người học ngoại ngữ nói chung và sinh viên Ngôn ngữ Anh nói riêng. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nếu chúng mình tìm được phương pháp học phù hợp nhất cho riêng mình. Hãy cùng thử vận dụng những bí kíp dưới đây để cải thiện kỹ năng nghe nhé.

Bắt đầu với cách nhìn nhận tích cực.

Việc nghe tiếng Anh với người học ngoại ngữ chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là với những bài tập nghe có tốc độ nói nhanh, giọng điệu mạnh mẽ hoặc giọng địa phương. 

Tuy nhiên, đừng quên đây không phải lần đầu. Chúng mình đã tập nghe và tập nói ngay từ khi còn là một em bé sơ sinh, khi hiểu biết của chúng mình về thế giới còn quá ít ỏi. Thế nên có gì để sợ đâu nhỉ?

Hãy lắng nghe thật tập trung. Đừng để ý về việc mình sẽ trả lời ra sao, đừng cố dịch nghĩa từng từ hay phân tích từng cấu trúc ngữ pháp trong lời của người nói. Hãy nghe với một tâm lý thoải mái nhất có thể.

Micro- learning:  Học từng chút một nhưng đều đặn mỗi ngày

Bạn nghĩ mình quá bận rộn và chỉ có một vài phút mỗi ngày để học, thật ra đó lại là cách học lý tưởng nhất. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra luyện nghe trong thời gian ngắn từ 15-20 phút mỗi ngày, hay còn gọi là micro-learning, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc cố gắng làm thật nhiều bài tập nghe, nhớ hàng trăm cấu trúc ngữ pháp và từ vựng chỉ trong một ngày. Hiểu một cách đơn giản, micro-learning chính là chia một nhiệm vụ học tập lớn thành các bài tập nhỏ chỉ mất ít phút để hoàn thành.

Lấy ví dụ minh họa, một bài tập nghe podcast có thể được chia thành các phần nhỏ, mỗi phần kéo dài từ 1 – 2 phút. Với cách chia này, người học có thêm thời gian để nghe – hiểu kỹ và học các từ vựng mới trong bài. Hoặc người học có thể tự chia nhỏ phần nghe theo cách mình muốn , tuy nhiên mỗi phần không nên quá 5 phút nghe.

Đa dạng hóa nội dung nghe

Hãy thử luyện nghe đa dạng với nhiều phong cách khác nhau và tìm ra nguồn phù hợp nhất với mình.  

Ví dụ, bạn có thể chọn nghe podcast, sách nói hoặc kênh radio về một chủ đề yêu thích. Việc này có thể giúp bạn giữ được sự tập trung lâu. Hoặc nếu có thời gian rảnh hơn, bạn có thể thử một kênh học tiếng Anh trên Youtube. Tự đọc theo sách nói cũng là một ý tưởng không tồi để luyện nghe và nói kết hợp.

Tuy nhiên, hãy lưu ý chọn lọc nguồn nghe khi thực hành. Các bài nghe quá khó sẽ dễ làm bạn cảm thấy nhàm chán, nản chí hoặc thậm chí buồn ngủ. Hãy bắt đầu với những nguồn nghe dễ hơn (các nguồn bạn hiểu được khoảng 70-80% đại ý). Mức độ khó của nguồn nghe cũng phải được điều chỉnh thường xuyên để phù hợp với sự thay đổi về khả năng nghe của người học.

Luyện nghe và chép chính tả

Với phương pháp này bạn hãy thử luyện tập với những nguồn nghe có phụ đề tiếng Anh. Sau khi nghe mỗi câu, bạn hãy dừng audio, nhớ lại, đọc nhẩm lại rồi mới chép xuống. Hoặc bạn có thể đọc và thu âm lại để luyện phát âm đồng thời.

Hãy chỉ chép lại mỗi khi nghe hết cả câu, tránh dừng để nghe từng từ, bởi trong giao tiếp hàng ngày chúng mình luôn cần nghe hết cả câu, cả đoạn liên tục và ghi nhớ, trong bài thi nghe cũng vậy.

Nghe chuyên sâu và ghi chú lại  

Một bài thực hành khác khá hiệu quả để nâng cao kỹ năng nghe chính là “nghe chuyên sâu” và ghi chú. Hãy tìm một nơi yên tĩnh và sẵn sàng cho 15 phút tập trung không bị làm phiền, sau đó bật file nghe, ghi chú lại thật nhanh tất cả những gì bạn cảm thấy quan trọng trong bài cũng như ý chính của toàn bài. Hãy để ý đến giọng điệu của người nói khi lên xuống hoặc nhấn mạnh vào thông tin nào đó.

Đây là một bài tập quan trọng rèn luyện khả năng tập trung chú ý – thứ sẽ được vận dụng rất nhiều trong học tập và công việc sau này.

Nếu chúng mình còn đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh, hãy thử ngay những “tuyệt chiêu” này để cảm nhận sự tiến bộ từng ngày nhé. Đừng quên kiên trì thực hành đều đặn mỗi ngày và bổ sung vốn từ vựng càng nhiều càng tốt nữa nhé.

Chúc các bạn thành công!

Th.S Khánh Huyền – Khoa Ngôn Ngữ Anh