20/05/2020

7293

Hạnh phúc của thầy trò Đại Nam với mùa quân sự “tự chủ” đầu tiên

Sau 11 năm đào tạo, bắt đầu từ năm 2019, Trường Đại học Đại Nam chính thức được quyền tự chủ giảng dạy quốc phòng – an ninh.

Ghi chép của giảng viên Trần Lệ Thu – Bộ môn Quốc phòng an ninh, Trường ĐH Đại Nam

Tôi sải từng bước chậm chạp trong khuôn viên trường và dừng chân trước hàng cây bằng lăng đang đua nhau khoe sắc dưới cái nắng chói chang của mùa hè. Bóng mát của hàng cây không chỉ là nơi tránh những cơn mưa bất chợt hay như cái ô tròn che cho chúng tôi giữa những ngày nắng nóng mà còn in dấu những kỷ niệm nồng nhiệt trong mùa quân sự tự chủ đầu tiên của thầy trò Trường Đại học Đại Nam chúng tôi.

Sau 11 năm đào tạo, bắt đầu từ năm 2019, Trường Đại học Đại Nam chính thức được quyền tự chủ giảng dạy quốc phòng – an ninh.

Các bạn có tò mò, thầy trò DNU đã sống, học tập, sinh hoạt và làm việc với nhau như thế nào trong mùa quân sự tự chủ đầu tiên? Để tôi kể cho các bạn nghe về khóa sinh viên chính quy đầu tiên được học quân sự ngay tại trường nhé!

Cuộc sống đại học chứa đựng rất nhiều trải nghiệm mới mẻ và kì học quân sự là 1 trong những trải nghiệm rất đáng nhớ. Tháng Giêng gõ cửa mang đến cho sinh viên K11 “một kì học quân sự tuyệt vời” theo như chia sẻ của các em đây là kỳ học quân sự dài nhất, nhiều cung bậc cảm xúc nhất.

Nghiêm khắc, đầy thử thách và vất vả là những liên tưởng đầu tiên của mỗi bạn sinh viên khi nghĩ đến kì học quân sự - môi trường luôn đề cao tính kỷ luật và nguyên tắc; môi trường tập thể không có cá nhân nào được phép vượt ra khỏi ranh giới của nề nếp chính quy.

Ngày đầu tiên trong khu vực dành cho sinh viên học quân sự bắt đầu từ 7h00 sáng. Chúng tôi đón các em trong sự choáng ngợp. Bên cạnh những gương mặt tươi trẻ tràn đầy năng lượng, sự tò mò là cơ man đồ đoàn cá nhân đủ màu sắc. Nhìn các em, tôi chợt nhớ đến mình trong buổi đầu tiên trước cổng trường đại học.

Trang phục giáo dục quốc phòng và an ninh của sinh viên Trường ĐH Đại Nam

Chúng tôi cấp phát quân tư trang và phân công phòng ở cho các em, nào chăn màn, nào gối chiếu, sách vở. Tôi lén nhìn biểu cảm thích thú của mấy em sinh viên khi thấy bộ quân phục với cầu vai và ve áo đỏ chói, thấy đôi mắt hấp háy của chúng khi nhìn ngôi sao vàng lấp lánh trên mũ. Đó cũng chính là những thứ sẽ gắn bó với các em trong suốt 28 ngày ở đây.

Giờ học điều lệnh đội ngũ của thầy trò Đại học Đại Nam ngay tại sân trường.

Tôi được phân công chỉ huy một đại đội, hai tiếng “đồng chí” cứ tự nhiên mà cất lên. Chúng tôi xây dựng kế hoạch từng bước đưa các em đi vào nề nếp và khuôn khổ. Điều đó thực sự rất khó khăn đối với những sinh viên chưa từng rời vòng tay gia đình. 11 chế độ trong ngày được áp dụng ngay từ buổi trưa đầu tiên. Các em khá ngượng ngùng khi chưa quen bộ quân phục mới và tác phong quân đội, nhất là khi mọi hoạt động ngủ, nghỉ, sinh hoạt đều theo trình tự giờ nào việc nấy như đối với học viên lục quân.

Tôi thường tranh thủ lúc nghỉ ngơi trò chuyện hỏi thăm cuộc sống của từng em và không quên động viên tư tưởng để các em yên tâm học tập; rằng ở đây chúng tôi không chỉ dạy các em những kiến thức, kỹ năng quân sự mà còn cho các em những trải nghiệm bổ ích về cuộc sống. Đêm đầu tiên có lẽ là đêm dài nhất. Những tiếng thở dài, những cái trở mình vì khó ngủ, phần do lạ giường, phần vì nhớ bố mẹ và gia đình.

Sinh viên học nội dung ngắm bắn đối với sung Tiểu liên AK trên thao trường dưới sự chỉ dạy, giám sát của cán bộ, giảng viên Bộ môn.

Những băn khoăn, lạ lẫm dường như mờ nhạt dần trong những ngày tiếp theo. Quân phục giáo dục quốc phòng và an ninh màu cỏ úa như phủ kín cả một vùng ký túc xá; tiếng còi báo hiệu tập trung đã trở nên quen thuộc; những cuộc họp giao ban đại đội ấm tình đồng chí; những vọng gác không lẻ loi mà đầy ắp tiếng cười đùa của anh em bạn bè; những buổi tối hành quân mệt rã rời nhưng đầy trải nghiệm mới mẻ; những buổi tối cả đại đội ngồi cạnh nhau tập hát 10 bài hát quy định của quân đội, những tiếng vỗ tay như tiếng cổ vũ như thúc dục các “chiến sĩ” của tôi hăng say hơn nữa đã dần trở thành nếp sống ở đây.

Sinh viên hào hứng học gấp nội vụ.

Chúng tôi hướng dẫn các em gấp nội vụ vuông vắn, xếp đặt nội vụ vệ sinh đúng quy định; giáo dục về truyền thống xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, truyền thống đấu tranh cách mạng của lực lượng vũ trang nhân dân, bồi dưỡng chính trị tư tưởng đạo đức lối sống; trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về quân sự như: 10 lời thề danh dự, 12 điều kỉ luật, học nội quy, 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần, 2 bài thể dục 24 động tác, tìm hiểu các loại súng vũ khí chiến đấu và các chiến thuật quân sự.

Sinh viên thích thú với các nội dung học ngoài thao trường.

Những giờ học thao trường vất vả nhưng ai nấy đều vui vì được trải nghiệm cảm giác của người chiến sĩ thực thụ. “Thao trường đổ mồ hôi thì chiến trường bớt đổ máu” là khẩu hiệu thôi thúc các em không ngừng học tập và rèn luyện. Rồi từ đây, những thành tích tháo lắp súng AK 47 trong 19 phút, 21 phút được ghi nhận khiến cho những giáo viên như chúng tôi không khỏi bất ngờ và tự hào vể học trò của mình.

Ở đây, các em còn được trải nghiệm cuộc sống tập thể, biết chia sẻ, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, chăm sóc đồng đội mỗi khi cảm lạnh, sốt cao, biết cho đi để nhận lại, hy sinh lợi ích cá nhân để tìm thấy tiếng nói chung trong tập thể. Các Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, phát huy vai trò nòng cốt để gắn kết các chiến sĩ, góp phần đưa đơn vị nhanh chóng đi vào nề nếp chính quy và duy trì kỷ luật.

Ngôi nhà DNU thân yêu với sự đùm bọc quan tâm của nhà trường cùng sự cố gắng không mệt mỏi của các phòng ban chức năng và các cán bộ giảng viên, cán bộ quản lý đã tạo cho các em một ngôi nhà thứ 2 mang tên “Ngôi nhà quân sự”.

Gần một tháng bên nhau chính là những ngày các em học cách sống tự lập. Tôi nhận ra sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ và hành động của các “chiến sĩ”. Cái nắng cái gió thao trường, cái buốt cái lạnh của thời tiết và cả tiếng còi báo động hành quân di chuyển đã tôi luyện các “chiến sĩ” của tôi trưởng thành, cứng cáp và dạn dày hơn.

Những phút thảnh thơi của sinh viên DNU trong học kỳ quốc phòng.

Ngày “xuất ngũ”, đã có những giọt nước mắt rơi. Có em ước giá như không phải là gần một tháng mà là khoảng thời gian dài hơn. Cũng có em ước được quay trở lại học quân sự thêm một lần nữa để viết dài thêm những kỷ niệm. Chúng tôi ôm lấy nhau trong tất thảy những lưu luyến, những ngậm ngùi, những kỉ niệm… Ai cũng tự hứa sau rời khỏi khu vực học Giáo dục quốc phòng trở về khoa chuyên môn sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt giống như kì học quân sự ý nghĩa này.

Kỳ học quốc phòng – an ninh là một trong những trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời sinh viên của mỗi người.

Giờ đây, tôi đứng dưới gốc bằng lăng đã cho cô trò chúng tôi bóng mát những ngày thao trường vất vả, nhìn theo các em, từng người, từng người một rời khỏi “ngôi nhà chung” để trở về với cuộc sống vốn có của các em…và thầm nghĩ “K11- Chúc các em tất cả!”.