07/02/2023

5883

Phản ứng của thầy trò đại học Đại Nam trước chương trình thể chất khác biệt

“Rèn luyện sức khỏe để phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần; tạo thói quen rèn luyện suốt đời cho sinh viên” là một trong những mục tiêu đào tạo quan trọng của trường Đại học Đại Nam. Theo đó, Nhà trường thiết kế riêng một chương trình thể chất khác biệt đồng thời không ngừng đổi mới chương trình gắn với thực tế và nhu cầu của người học để tăng cảm hứng học tập, rèn luyện thể dục thể thao suốt đời cho sinh viên. Chương trình thể chất khác biệt sau khi áp dụng đã nhận được sự yêu thích, ủng hộ nhiệt tình của thầy và trò trường Đại học Đại Nam.

Sinh viên hào hứng, không còn ám ảnh, ngao ngán với môn Giáo dục thể chất

Võ, Yoga, Zumba Dance là 3 môn học chính mà sinh viên được tự chọn để phù hợp với thể chất và sở thích của mình.

Thái Thanh Tâm – sinh viên lớp QHCC 15.01 cho biết, lý do chọn Yoga giúp cơ thể dẻo dai, linh hoạt, duy trì vóc dáng đẹp. Bên cạnh đó, Yoga còn giúp Thanh Tâm cảm thấy thư giãn và thả lỏng sau một ngày học tập vất vả.

“Trước giờ, GDTC luôn là “ác mộng” đối với em. Tuy nhiên, nỗi sợ ấy đã không còn khi Nhà trường thay đổi chương trình đào tạo, cho phép sinh viên tự lựa chọn môn thể thao phù hợp. Trong quá trình học, thầy cô giảng dạy nhiệt tình, tận tâm hướng dẫn, giúp em biết thêm nhiều kỹ năng cơ bản của Yoga. Mỗi ngày, em đều dành 15 phút rèn luyện tại nhà để nâng cao sức khỏe của bản thân”, Tâm cho hay.

Lê Thị Thu – sinh viên lớp Dược 14.04 hào hứng chia sẻ: “Chương trình GDTC khác biệt tại DNU không chỉ đem đến cho chúng em sự rèn luyện để khỏe mạnh mà còn tạo hứng thú học tập. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy cô, em đã biết cách lấy hơi, giải phóng cơ thể, cân bằng giữa thể chất và tinh thần; tính nhẫn nại và sự khéo léo cũng vì vậy mà được rèn luyện và vận dụng vào cuộc sống hàng ngày”.

Nguyễn Thị Hương Giang – sinh viên lớp TTĐPT 15-01 cũng bày tỏ: “Em lựa chọn Võ tự vệ để rèn luyện sức khỏe, tăng khả năng phòng vệ cho bản thân. Sau một thời gian tập luyện tại DNU, em cảm thấy mình như trở thành một con người mới, chăm chỉ, chỉn chu và thon gọn hơn trước. Nếu thu xếp được thời gian, chắc chắn em sẽ đăng ký tham gia các CLB thể thao của Nhà trường hoặc tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu để luyện tập bài bản hơn nữa…”.

Tại sao Võ tự vệ, Yoga, Zumba Dance được sinh viên nhiệt tình đón nhận?

Theo thầy Đàm Quốc Chính – Trưởng khoa Kinh tế và Marketing Thể thao: Thay đổi chương trình đào tạo là phù hợp với tiến trình và yêu cầu đổi mới công tác GDTC ở các trường Đại học ở Việt Nam. Chương trình đào tạo GDTC mới được thiết kế theo Thông tư 17, có chuẩn đầu ra phù hợp theo nguyên tắc học tăng dần từ mức cơ bản đến nâng cao; phù hợp với mong muốn, nhu cầu và thể lực của sinh viên.

03 môn thể thao Võ tự vệ, Yoga, Zumba Dance được lựa chọn thông qua cuộc khảo sát sinh viên trường Đại học Đại Nam từ trước khi xây dựng chương trình đào tạo môn học GDTC mới. Theo đó, đây là những môn thể thao mới mẻ đối với chương trình đào tạo GDTC tại các trường đại học ở Việt Nam; được giới trẻ ưa thích bởi khả năng ứng dụng trong cuộc sống, dễ dàng rèn luyện tại nhà, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Đội ngũ giảng viên tâm huyết, tận tình, giỏi chuyên môn của khoa Kinh tế và Marketing Thể thao.

Thời lượng chương trình GDTC mới cũng được thiết kế rút ngắn thời gian đào tạo lý thuyết, tăng thời gian thực hành. Thay vì 75 giờ học với 05 nội dung: Lý thuyết, thể dục tay không, điền kinh, bóng đá, bóng rổ; chương trình đào tạo mới yêu cầu sinh viên tích lũy đủ 03 tín chỉ, trong đó tín chỉ 1 là môn học bắt buộc với 15 giờ lý thuyết. Tín chỉ 2,3 là các môn thể thao tự chọn với 60 giờ thực hành.

“Thời gian học tập và rèn luyện như vậy là phù hợp. Sinh viên sẽ không cảm thấy chương trình đào tạo nặng nề, nhàm chán, bị áp đặt mà được thoải mái, tự do lựa chọn và rèn luyện theo khả năng của bản thân”, thầy Đàm Quốc Chính cho biết.

Các môn thể thao này cũng phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của Nhà trường. Sinh viên được rèn luyện trong trong không gian nhà thể chất rộng rãi có diện tích 1160m2, khắc phục được những yếu tố về thời tiết, môi trường mà trước đây luôn khiến sinh viên e ngại.

Sinh viên được học tập và rèn luyện tại nhà thể chất rộng rãi, khang trang.

Niềm yêu thích, nỗ lực của trò là động lực giảng dạy của thầy

Đội ngũ giảng viên của Khoa Kinh tế và Marketing Thể thao đều là những người trẻ, có trình độ chuyên môn cao, từng là VĐV, HLV cấp tỉnh, cấp quốc gia; từng tham gia các khóa học chuyên sâu ở nước ngoài nên thầy cô nhanh chóng bắt nhịp với môn thể thao mới và có nhiều phương pháp tiếp cận bài giảng phù hợp.  

Thầy Ngô Xuân Nguyện – Phó trưởng khoa Kinh tế và Marketing Thể thao, Trưởng bộ môn Võ cho biết: Chương trình thể chất khác biệt giúp “đánh bay” nỗi ám ảnh thể chất, thúc đẩy tinh thần học tập và rèn luyện của sinh viên; đồng thời, tỷ lệ thi lại, học lại cũng giảm đáng kể.

“Để các môn học không bị khô khan, nhàm chán, các giờ Võ tự vệ thường được kết hợp linh hoạt với các hoạt động đối luyện, chơi game, tập võ trên nền nhạc… để kết nối tình đoàn kết, tinh thần động đội và khả năng tiếp thu, ghi nhớ các động tác võ thuật cho sinh viên. Nhìn các em hăng say rèn luyện, không còn tỏ ra chán nản sau mỗi giờ học, tôi cũng thấy hứng khởi và hào hứng hơn trong mỗi tiết học”, thầy nói.

Đại diện BGH và thầy Ngô Xuân Nguyện (ngoài cùng bên trái) trao bằng khen cho các sinh viên đạt thành tích cao tại Giải Vô địch Karate sinh viên 2022.

Thầy Nguyễn Đức Dũng – Trưởng bộ môn Yoga cho biết: “Sự nỗ lực, hăng say rèn luyện của các em cũng chính là động lực để mỗi giảng viên khoa Kinh tế và Marketing Thể thao nỗ lực học hỏi, chủ động cập nhật kiến thức, rèn luyện các bài tập mới để hướng dẫn, giảng dạy cho sinh viên tốt hơn”.

BTT