27/02/2023

8922

Bật mí phương pháp học thể chất hiệu quả cho sinh viên DNU

Giáo dục thể chất (GDTC) góp phần hình thành các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho sinh viên; giúp các em phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, tăng tốc độ dẻo dai, sức bền, sự tự tin và khả năng phòng vệ cho bản thân. Dù mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe, tinh thần nhưng GDTC lại là “nỗi ám ảnh” của phần lớn học sinh – sinh viên; nhất là với những bạn có thể lực không tốt. Làm thế nào để học tập GDTC hiệu quả hơn? Qua bài viết này, giảng viên Khoa Kinh tế và Marketing Thể thao sẽ “bật mí” cho các bạn nhé!

Xác định môn thể chất phù hợp với bản thân

Từ năm học 2022 – 2023, trường Đại học Đại Nam tiến hành đổi mới chương trình đào tạo môn GDTC. Theo đó, sinh viên được tự chọn 03 môn thể thao: Yoga, Dance, Võ tự vệ… để rèn luyện.

Mỗi môn học có mục đích và lợi ích riêng nên các bạn cần xác định môn thể chất phù hợp để đạt điểm cao khi thi học phần. Để xác định môn thể chất phù hợp, các bạn trẻ cần phân tích các yếu tố: sở thích, mục đích tập luyện và thể trạng của bản thân.

Đối với những bạn có thể lực tốt, thích học những môn thể thao có sức nhanh, bền, mạnh, phản xạ tốt, có thể bảo vệ bản thân trong các tình huống xấu thì hãy chọn học Võ tự vệ.

Đối với những sinh viên có mong muốn dáng đẹp, hệ xương khớp chắc khỏe, cơ thể dẻo dai, cân bằng tâm trí; giúp bản thân nhẹ nhàng, thư thái sau mỗi buổi tập thì nên chọn Yoga.

Để có sức bền tốt, xả stress sau những tiết học văn hóa căng thẳng, hòa mình vào những giai điệu nhạc cổ điển, hiện đại; hãy chọn học Zumba Dance.

Tuân thủ nguyên tắc khởi động trước khi tập và thư giãn sau khi kết thúc

Khởi động là một phần quan trọng. Đây là cách cơ thể bắt đầu làm nóng, quen với hoạt động thể lực, báo hiệu cho các cơ quan, trong cơ thể. Việc khởi động này giúp tập thể chất hưng phấn hơn, bền sức và giảm tối đa khả năng mắc các chấn thương khi luyện tập. Dành khoảng 10 phút đầu tiên để khởi động các khớp cổ chân, cổ tay, làm nóng các khối cơ chính như cơ đùi, bắp tay…

Sau khi hoàn thành tiết học cần có thời gian giãn cơ để cơ thể giảm dần các chuyển hóa năng lượng. Có thể thực hành các tư thế: kéo dãn lưng, bắp tay, bắp chân, massage lưng, ngâm chân... để thả lỏng. Điều này có tác dụng làm giảm đau nhức mỏi, điều chỉnh lượng máu quay về tim và giúp nhịp tim trở về nhịp độ bình thường.

Tập luyện đúng cách

Khi học GDTC, các bạn nên tăng dần từ cường độ thấp đến cao: Bắt đầu bài tập với những động tác đơn giản, cường độ thấp để làm nóng cơ thể; sau khi đã quen thì bắt đầu tăng dần về cường độ và thời gian.

Lưu ý, không tập dồn dập khi mới bắt đầu; tập theo sức của mình; không nên ham tập mà dồn quá nhiều sức, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, hạ đường huyết hay tụt huyết áp… Nếu thấy sức khỏe không cho phép, các bạn nên xin thầy cô ra ngoài nghỉ ngơi, lấy lại sức.

Tập hít thở đúng cách để tiết kiệm sức lực. Nguyên tắc chung khi tập thể chất đó là hít thở đều và hít thở làm sao cho khi tập chúng ta cảm thấy, sức cơ mạnh lên thay vì yếu đi. Việc thở ra cũng là cách cơ thể loại bỏ lượng khí CO2 ra ngoài, đem O2 vào cung cấp cho cơ bắp hoạt động.

Tương tác với thầy cô

Môn GDTC là một ngành đặc thù, nếu không tập đúng kỹ thuật sẽ có thể bị chấn thương rất nguy hiểm, nếu sinh viên không trao đổi với thầy cô sẽ không hiểu hết được kiến thức và có thể dẫn đến thực hành sai. Thầy cô trường Đại học Đại Nam đều nhiệt tình, cởi mở, có chuyên môn cao, kỹ năng nghề nghiệp tốt… có thể giải đáp mọi thắc mắc của sinh viên nên các bạn đừng ngại tương tác.

Thầy cô khoa Kinh tế và Marketing Thể thao đều là những người giỏi chuyên môn, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Thể dục thể thao.

Hãy hỏi thầy cô về cách tập luyện đúng, cách khởi động và thả lỏng để cơ thể khi học GDTC không bị mệt mỏi, các mẹo tập luyện đạt kết quả cao... Các bạn có thể trao đổi với thầy cô tại Khoa Kinh tế và Marketing Thể thao tại tầng 4, Giảng đường 1 hoặc qua số điện thoại, tin nhắn, zalo, facebook…

Luôn tự giác và kiên trì luyện tập

Ý thức tự giác cần hình thành mọi lúc, mọi nơi. Các bạn nên đặt ra mục tiêu tập luyện, tuân thủ tuyệt đối và sắp xếp thời gian hợp lý. Đừng vì thời tiết xấu, bận công việc, áp lực tâm lý… hay bất kỳ lý do gì mà từ bỏ luyện tập. Hãy kiên trì để biến việc luyện tập trở thành một thói quen hàng ngày.

Thường xuyên nhắc nhở bản thân, động lực rèn luyện thể dục thể thao là để có một sức khỏe tốt, thân hình gọn gàng, cân đối; từ đó có thêm niềm vui trong cuộc sống, giải tỏa stress… Vì vậy, cần tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc tập luyện thể dục thể để đạt được hiệu quả như mong đợi.

Tập luyện nhóm

Để “kích thích” tinh thần luyện tập, mở rộng kiến thức và kỹ thuật, các bạn nên tạo nhóm và cùng rèn luyện. Trên thực tế, khi tập cùng đồng đội, chúng ta sẽ có động lực hơn, thúc đẩy nhau cùng tiến bộ

Với những phương pháp học thể chất nêu trên, thầy cô Khoa Kinh tế và Marketing Thể thao trường Đại học Đại Nam hy vọng sẽ giúp các bạn sinh viên học GDTC hiệu quả, phù hợp nhất với bản thân và đạt được kết quả mình mong muốn.

                                                                               Hồng Vân