08/06/2022

2459

Những điều cần chuẩn bị khi đi thực tập cho sinh viên năm cuối chuyên ngành Kế toán

Như các bạn đã biết, quá trình thực tập thực tế ngoài doanh nghiệp là quãng thời gian bạn được tham gia vào thị trường lao động. Cụ thể đối với sinh viên chuyên ngành Kế toán, bạn sẽ tập làm một kế toán viên tại công ty/ doanh nghiệp/ tổ chức,… Đây là thời gian mà bạn áp dụng những kiến thức đã học trong 4 năm đại học vào thực tiễn và đó cũng là thời gian giúp các bạn chuẩn bị hoàn thiện những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết trước khi thực sự tham gia vào thị trường lao động và đi làm, là bước đầu tạo lập và xây dựng mối quan hệ. Vậy hành trang để các bạn sinh viên đi thực tập sẽ cần những gì?

Điều đầu tiên phải nói đến đó chính là “tâm lý - thái độ”, để bước vào một môi trường mới bạn phải có thái độ, tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, biết khiêm tốn thay vì tự mãn và kiêu ngạo. Bởi kiến thức là vô tận, và học hỏi thì chưa bao giờ là thừa cả. Đừng quên cho mọi người thấy rằng bạn là một người hòa đồng,  cầu tiến, muốn trau dồi thêm nhiều kinh nghiệm để tự tin hơn trong sự nghiệp tương lai.

Tiếp theo bạn phải chuẩn bị kỹ càng cho mình giấy tờ khi đi thực tập để không bị thụ động, khi doanh nghiệp yêu cầu gì là bạn sẽ có để nộp luôn, thường sẽ bao gồm: đơn xin thực tập, giấy giới thiệu của nhà trường (nếu cần), CV thực tập, sơ yếu lý lịch. Quá trình thực tập này được coi như là cơ hội vàng để các bạn trải nghiệm công việc của một kế toán viên, chính vì vậy mà việc lựa chọn và tìm hiểu các thông tin cần thiết về công ty là rất cần thiết và quan trọng.

Rèn luyện cho bản thân ý thức tự giác, chấp hành các nội quy của cơ quan nơi bạn thực tập, đặc biệt là phải luôn đúng giờ. Hãy luôn là người có mặt tại nơi làm việc đúng giờ và về đúng giờ như các nhân viên khác. Hãy biết sắp xếp và quản lý quỹ thời gian của mình thật tốt để không ảnh hưởng tới hiệu quả quá trình làm việc, thực tập tại doanh nghiệp, tổ chức. Các bạn không nên làm việc riêng trong thời gian đến công ty (nói chuyện điện thoại với bạn bè quá lâu, lướt facebook, xem phim…) sẽ khiến các nhân viên chính thức cảm thấy khó chịu, gây ấn tượng không tốt.

Về kiến thức, bạn phải nắm vững nghiệp vụ, chuyên môn, kiến thức đã được học để áp dụng vào thực tế. Chủ động tìm tòi, học hỏi và trau dồi các kỹ năng lắng nghe và quan sát, kỹ năng làm việc nhóm,… Chủ động hỏi khi gặp vấn đề mình chưa hiểu hoặc chưa rõ về nhiệm vụ công việc được giao. Quan sát cách các nhân viên khác làm việc như thế nào, về tác phong và cách thức giao tiếp của họ ra sao, để từ đó bạn học hỏi và rút ra cho mình những kinh nghiệm và bài học.

Một điều nữa phải nói đến đó là cách ăn mặc, tác phong khi đi làm. Đối với khi đi học, các bạn đang là sinh viên và học tập trong môi trường khá thoải mái, tuy nhiên khi đi làm các bạn cần biết cách ăn mặc làm sao cho phù hợp với môi trường làm việc, ăn mặc lịch sự, nhã nhặn, cách nói chuyện hòa nhã. Đó cũng là một cách thể hiện sự chuyên nghiệp của bản thân ngay từ những việc làm nhỏ nhất.

Hơn nữa, bạn cũng nên tập cho mình cách nhìn nhận, đánh giá và đặt ra mục tiêu cho bản thân. Xác định bản thân còn thiếu sót ở đâu để khắc phục, điểm mạnh ở đâu để phát huy.

Thời gian các bạn thực tập có thể không dài, nhưng nó đủ để các bạn học hỏi và trau dồi những kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết cho bản thân, trước khi bắt đầu vào một môi trường làm việc thực tế, rời xa cánh cổng đại học. Nhiều bạn sinh viên sau khi thực tập xong được tuyển dụng ở đó làm việc luôn. Đây là cách tốt nhất thay cho việc đi nộp hồ sơ tìm việc làm. Vì thế, bạn hãy tận dụng cơ hội, nhiệt tình với công việc và chú tâm học hỏi. Nên có tinh thần, thái độ tích cực như đang thử việc để được làm nhân viên chính thức. 

Khoa Kế toán