23/07/2020

9931

Nghiệm thu đề tài NCKH “Đổi mới phương pháp giảng dạy môn Kế toán tài chính trong điều kiện ứng dụng CNTT”

Ngày 21/7/2020, Khoa Kế toán Trường Đại học Đại Nam tiến hành nghiệm thu đề tài NCKH giảng viên do TS. Lê Thế Anh – Trưởng Khoa làm chủ nhiệm, với đề tài: “Đổi mới phương pháp giảng dạy môn Kế toán tài chính trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin”.

Với mục đích ứng dụng phương pháp đào tạo mới vào hoạt động giảng dạy đồng thời nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho sinh viên, ngày 21/7/2020, Khoa Kế toán Trường Đại học Đại Nam tiến hành nghiệm thu đề tài NCKH giảng viên do TS. Lê Thế Anh – Trưởng Khoa làm chủ nhiệm, với đề tài: “Đổi mới phương pháp giảng dạy môn Kế toán tài chính trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin”.

TS. Lê Thế Anh – Trưởng Khoa Kế toán thuyết trình về đề tài nghiên cứu trước hội đồng.

Hội nhập kinh tế gắn với công nghệ số nói chung và lĩnh vực kế toán nói riêng đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cũng như thách thức cho tất cả các lĩnh vực ngành nghề, trong đó lĩnh vực kế toán cũng bị tác động một cách rõ nét. Người làm kế toán không chỉ thực hiện công việc tại nơi làm việc mà có thể thực hiện công việc ở bất kỳ nơi nào với rất nhiều công cụ hỗ trợ kế toán được áp dụng.

Chính vì vậy, người làm kế toán không chỉ cần có nghiệp vụ mà còn cần sử dụng thành thạo các công cụ hỗ trợ. Nhận thức được xu thế đó, Khoa Kế toán Trường Đại học Đại Nam liên tục cập nhật chương trình đào tạo, lựa chọn và thay đổi phương pháp đào tạo sao cho phù hợp, bắt kịp sự phát triển của công nghệ và đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Phát biểu tại buổi nghiệm thu, TS. Lê Thị Hồng Phương – Chủ tịch hội đồng cho biết: “Đào tạo và NCKH là hai nghiệm vụ cơ bản chiến lược của một trường đại học. Việc giảng viên tham gia NCKH là một trong những biện pháp quan trọng, bắt buộc, cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng được nhu cầu khắt khe của xã hội”.

Đại diện cho nhóm tác giả, TS. Lê Thế Anh chia sẻ: “Đề tài nghiên cứu thực trạng giảng dạy môn Kế toán tài chính tại Khoa Kế toán Trường Đại học Đại Nam. Qua việc đánh giá những kết quả đã đạt được và những hạn chế, nhóm tác giá đã đề ra những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy Kế toán tài chính giúp người học có được kiến thức chuyên sâu và phát triển kỹ năng nghề kế toán ngay trên giảng đường. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thành công vào giảng dạy Kế toán tài chính là nền tảng quan trọng để ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy các học phần: Kế toán hành chính sự nghiệp, Kế toán quản trị, Kiểm toán Báo cáo tài chính…”

Theo nhóm tác giả, song song với việc triển khai công tác giảng dạy theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kế toán thì việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập cũng có nhiều sự thay đổi. Việc kiểm tra đánh giá trên lớp được kết hợp giữa tự luận và kiểm tra việc ứng dụng trên Excel; bài thi kết thúc học phần được thay bằng sinh viên làm bài tiểu luận và bảo vệ kết quả trước Hội đồng của Khoa Kế toán. Bài tiểu luận kết thúc học phần được người học thực hiện làm kế toán tổng hợp tại nhà và xuất ra file PDF lưu trữ hồ sơ giống như doanh nghiệp.

Để thực hiện thành công đề tài, nhóm tác giả đã triển khai giảng dạy học phần Kế toán tài chính 1 cho nhóm sinh viên khóa 12 và tiến hành khảo sát 100% sinh viên sau khi kết thúc môn học (62 sinh viên). Cụ thể:

Về Kiến thức, 88,7% sinh viên hài lòng và rất hài lòng về kiến thức và tính thực tiễn mà học phần mang lại; 92% sinh viên hài lòng với việc ứng dụng excel vào việc học tập giúp sinh viên có tư duy logic trong việc hoàn thành các bài tập.

Về Kỹ năng, 90% sinh viên đánh giá hài lòng và hoàn toàn hài lòng với việc ứng dụng excel vào học tập giúp thành thạo các công thức excel và giải quyết bài tập nhanh hơn.

Về Thái độ, 92% sinh viên đánh giá việc áp dụng công cụ này giúp tăng tính chủ động, tập trung và hứng thú trong học tập.

Ngoài ra, nhóm tác giả cũng khảo sát sinh viên về mong muốn được ứng dụng cách học này với các học phần kế toán tài chính 1,2. Kết quả cho thấy 96,5% sinh viên mong muốn tiếp tục ứng dụng excel vào quả trình giảng dạy kế toán tài chính. Điều này tạo động lực giúp tập thể giảng viên khoa kế toán nói chung và nhóm tác giả nói riêng tiếp tục phát triển và đồng hành cùng sinh viên.

Tham gia hội đồng nghiệm thu với tư cách là phản biện 1, TS. Trần Thế Nữ - Phó trưởng Khoa Kế toán, Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá cao tính thời sự và tính ứng dụng thực tiễn của đề tài.

Đề tài có kết cấu 3 chương, trong đó chương 2 có khảo sát thực tế hoạt động giảng dạy môn KTTC tại Đại học Đại Nam, đây là căn cứ quan trọng giúp nhóm tác giả đánh giá được thực trạng giảng dạy môn KTTC 1, từ đó làm cơ sở để đề xuất các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã có bảng so sánh kết quả giảng dạy trước và sau khi áp dụng đổi mới và có ý kiến khảo sát của người học. Đồng thời, bài viết không chỉ nghiên cứu riêng môn KTTC1 mà nghiên cứu môn học này trong hệ thống 3 môn KTTC, điều này giúp cho việc đánh giá được tổng thể hơn trong mối quan hệ với các môn học cùng nhóm…”, TS. Trần Thế Nữ nói.

Với tư cách là phản biện 2, ThS. Lê Tuyết Nhung – Khoa Kế toán Trường ĐH công nghệ giao thông vận tải chia sẻ: “Nhóm tác giả đã vận dụng hiệu quả các phương pháp nghiên cứu để đưa ra được để tài có tính thực tiễn cao. Kết quả nghiên cứu định lượng cho thấy bài viết đã phản ánh đúng thực trạng giảng dạy môn KTTC tại Đại học Đại Nam và đưa ra một số giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy KTTC…”

Dựa trên thành công và hiệu quả ứng dụng của đề tài, Hội đồng nghiệm thu đã đề xuất mở rộng đề tài cho nhiều môn học kế toán khác và chính bản thân giảng viên cũng từ đó tự nâng cao kỹ năng giảng dạy của mình và có những điều chỉnh kịp thời, hợp lý nhằm mang lại hiệu quả và lợi ích tốt hơn cho công tác dạy và học của thầy và trò.

Với ý nghĩa thiết thực của đề tài nghiên cứu, Khoa Kế toán tin tưởng, trong tương lai Khoa sẽ có được sự thay đổi mạnh mẽ về chất, phục vụ tốt nhất cho công tác giảng dạy và học tập của giảng viên, sinh viên.

Khoa Kế toán - Trường ĐH Đại Nam