23/07/2020

5543

Một số quy định về thuế khi mở văn phòng đại diện

Khi thành lập Văn phòng đại diện, người nộp thuế cần quan tâm đến các khoản thuế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc này.


Văn phòng đại diện là gì? Khi thành lập Văn phòng đại diện, người nộp thuế cần quan tâm đến các khoản thuế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc này.

Văn phòng đại diện

Theo quy định của luật doanh nghiệp năm 2014 “ Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó”.

Ảnh minh họa.

Như vậy văn phòng đại diện không tự mình thực hiện các công việc kinh doanh, mà văn phòng đại diện thực hiện chức năng, nhiệm vụ ủy quyền các hoạt động để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp

Khi mở văn phòng đại diện có phải đăng ký thuế không?

Theo luật pháp Việt Nam khi mở văn phòng đại diện phải có mã số thuế và đăng ký thuế. Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 3 Thông tư 80/2012/TT-BTC thì mã số thuế được cấp là 13 số.

Quy định nộp thuế môn bài

Nếu văn phòng đại diện chỉ thực hiện việc giao dịch, các công tác hành chính văn phòng và xúc tiến thương mại và không tiến hành hoạt động kinh doanh cũng như ký kết hợp đồng thì không phải nộp thuế môn bài.

Nếu văn phòng có hoạt động kinh doanh, ký kết hợp đồng, có hoạt động thu - chi thì phải nộp thuế môn bài.

Mức thuế môn bài phải nộp căn cứ theo Điều 4, TT302/2016/TT-BTC “ đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác mức đóng thuế môn bài là 1.000.000đ/năm”.

Tuy nhiên, nếu mở văn phòng đại diện trong 6 tháng đầu năm thì người nộp thuế phải nộp đủ cả năm, nếu mở văn phòng đại diện trong 6 tháng cuối năm thì chỉ phải nộp 50% cho mức thuế cả năm.

Quy định về thuế thu nhập cá nhân

Khi Công ty trực tiếp ký hợp đồng lao động và chi trả cho người lao động làm việc tại Văn phòng đại diện thì Công ty có trách nhiệm kê khai khấu trừ, nộp thuế thu nhập cá nhân tập trung tại Công ty.

Nếu Văn phòng trực tiếp trả lương cho người lao động, thì Văn phòng sẽ thực hiện kê khai, khấu trừ, nộp thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập từ tiền lương, tiền công của nhân viên Văn phòng đại diện theo quy định tại Điều 24,25 TT111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ tài chính hướng dẫn thực hiện luật thuế TNCN cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý Văn phòng.

Đối với trường hợp khai và nộp theo tháng: chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo của tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đó.

Đối với trường hợp khai và nộp theo quý: chậm nhất là ngày thứ 30 của quý tiếp theo của tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đó.

Thuế giá trị gia tăng

Văn phòng đại diện không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu, thì Văn phòng không cần thực hiện thủ tục kê khai thuế mà Công ty kê khai tập trung tại trụ sở chính. Các chi phí đầu vào liên quan đến hoạt động của Văn phòng trong đó mang tên và mã số thuế của Văn phòng thì công ty được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng nếu đáp ứng các điều kiện về khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định.

Văn phòng đại diện có phát sinh doanh thu thì theo Điều 11 TT156/2013/TT-BTC quy định về khai thuế giá trị gia tăng (GTGT):

Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc kinh doanh ở địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị phụ thuộc.
 

Chúc các bạn thành công!

 

                                                            Trần Thị Thùy – giảng viên Khoa Kế toán