14/07/2021

8383

Điểm “nổi trội” trong các phương pháp giảng dạy của giảng viên khoa Du lịch

Thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Trường Đại học Đại Nam đã rất quyết liệt trong việc rà soát, thay đổi chương trình và phương thức đào tạo của tất cả các ngành thuộc 04 khối đào tạo. Rà soát thực trạng và nâng cao chất lượng bài giảng của giảng viên được xác định là một trong những nhiệm vụ cấp bách được nhà trường đặc biệt chú trọng thực hiện.

Ngày 29/5/2020, Trường Đại học Đại Nam tổ chức “Hội thảo phát triển kỹ năng giảng dạy ở bậc đại học” với sự tham gia của toàn thể đội ngũ CBGV. Tại hội thảo nhiều phương pháp giảng dạy mới được đưa ra thảo luận và thống nhất chuyên môn nào thì nên sử dụng phương pháp nào để phù hợp với chương trình đào tạo  theo đặc thù riêng của từng chuyên ngành.

Hội thảo Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng bài giảng của khoa Du lịch Trường Đại học Đại Nam.

Sau một năm, với mục đích đánh giá lại ý nghĩa và cam kết của các khoa, Trường Đại học Đại Nam tiếp tục ban hành kế hoạch tổ chức Hội thảo“Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng bài giảng” tại các khoa chuyên môn – tiền đề cho Hội thảo nâng cao chất lượng bài giảng cấp trường và việc xây dựng, ban hành bộ quy chuẩn chung để nâng cao chất lượng bài giảng cho giảng viên toàn trường.

Tích hợp các phương pháp giảng dạy tích cực trong các học phần nghiệp vụ của sinh viên khoa Du lịch

Thực hiện chỉ đạo của nhà trường, ngày 25/06, khoa Du lịch tổ chức Hội thảo Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng bài giảng với sự tham dự của TS. Lương Cao Đông – Hiệu trưởng, lãnh đạo và toàn thể cán bộ, giảng viên khoa Du lịch.

Tại Hội thảo, Lãnh đạo khoa Du lịch một lần nữa khẳng định: Bám sát trục cốt lõi của chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, thực hành và tuân thủ định hướng của Chính phủ về đào tạo nguồn nhân lực Du lịch có chất lượng. Đặc biệt, tập trung nâng cao chất lượng bài giảng của giảng viên tạo sự hứng thú, hiểu bài, say mê cho sinh viên. Bên cạnh đó, Giảng viên cần có kỹ năng quản trị lớp học; có phương thức kiểm tra, đánh giá sinh viên chính xác, công bằng, biết được điểm mạnh, điểm yếu của sinh viên  từ đó có sự điều chỉnh bài giảng, phương pháp truyền thụ để sinh viên tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả nhất.

Tại hội thảo, các bài tham luận đều đã chỉ ra, do đặc thù của ngành nghề nên cách tiếp cận, truyền đạt và huấn luyện của giảng viên phải dựa trên năng lực của người học.  

Đặc biệt, khoa Du lịch đã áp dụng rất thành công các phương pháp giảng dạy theo ma trận giúp nâng cao đáng kể chất lượng đào tạo trong các học phần.

Cụ thể, với học phần thuộc tổ hợp các môn Nghiệp vụ Khách sạn và Lữ hành, giảng viên sử dụng phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm một cách linh hoạt theo năng lực của sinh viên. Các phương pháp được áp dụng trong một bài giảng, gồm: IM (Giảng dạy gián tiếp), LE (Học tập trải nghiệm), MWG (Giảng dạy theo phương pháp làm việc nhóm), ITM  (Phương pháp dạy học tích hợp).

Theo đánh giá của các giảng viên, phương pháp giảng dạy tích hợp rất phù hợp với yêu cầu dạy học tiếp cận năng lực người học. Khi áp dụng phương pháp giảng dạy này, giảng viên sẽ kết hợp các phương pháp dạy học tích cực để truyền tải đến sinh viên các kiến thức, sau đó hướng dẫn sinh viên hình thành kỹ năng qua hoạt động làm mẫu chuẩn và thực hành, tiếp đến là sửa các lỗi cho sinh viên.

Sau mỗi một bài giảng tích hợp, sinh viên sẽ hình thành được ít nhất một năng lực nghề nghiệp trong công việc thực tế ở các vị trí công việc trong các Khách sạn hoặc công ty Lữ hành.

Ngoài ra, giảng viên còn tạo hứng thú cho sinh viên thông qua các tình huống thực tế, các trò chơi, các câu chuyện nghề nghiệp truyền cảm hứng giúp bồi đắp tình yêu nghề…

Kết thúc mỗi học phần, sinh viên được đánh giá theo hình thức thi Thẩm định năng lực cả kiến thức, kỹ năng, thái độ theo chuẩn đầu ra về năng lực của từng học phần tương ứng với các vị trí công việc trong thực tế nghề nghiệp Du lịch.

Phương pháp tích hợp phân loại được chính xác năng lực sinh viên từ quá trình học tập đến thi thẩm định đều cho kết quả rất đồng nhất. Tỷ lệ sinh viên yếu kém cũng giảm đáng kể do trong quá trình học lý thuyết và thực hành song song.

Không chỉ dừng ở việc kết quả học tập, các yếu tố về Thái độ như: tuân thủ đúng các quy định về giờ giấc, trang phục chuyên nghiệp, ứng xử chuyên nghiệp… cũng được hình thành và trở thành tính cách nghề nghiệp cho sinh viên khoa Du lịch Trường Đại học Đại Nam và được các Doanh nghiệp đánh giá rất cao khi các em đến các Doanh nghiệp thực tập.

Bên cạnh các lợi ích cho sinh viên, phương pháp giảng dạy tích hợp còn giúp giảng viên tư duy và không ngừng trau dồi kiến thức thực tiễn để có một nền tảng kiến thức sâu, rộng đủ để đáp ứng với những đòi hỏi ngày càng cao của dạy học hiện nay.